K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c
Chính Biên
Quyển thứ V
Từ năm Canh Ngọ (1150) Lý Anh Tông, niên hiệu Đại Định thứ 11 đến năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng, niên hiệu Thiên Chương hữu đạo thứ 2, gồm 76 năm.
Canh Ngọ, năm thứ 11 (1150). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 20).
Tháng 3, mùa xuân. Hạn hán.
Tháng 7, mùa thu. Hạn hán.
Tháng 9, Chân Lạp vào cướp Nghệ An.
Quân Chân Lạp vào cướp, đến núi Vụ Thấp tỉnh Nghệ An gặp nắng, mưa bất thường, nhiều người bị chết vì chướng khí; chúng tự tan vỡ.
Lời chua - Chân Lạp: Xem thuộc Đường, Tuyên Tông, năm Đại Trung thứ 12 (Tb. IV, 39).
Nghệ An: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 21-23).
Núi Vụ Thấp: Theo Đường thư Địa lý chí , từ Hoan Châu đi về phía tây ba ngày, đến núi Vụ Thấp. Sách Nghệ An chí chép: Núi Vụ Thấp còn tên nữa là Vụ Ôn. Sách Thoái thực ký văn của Trương Quốc Dụng chép rằng: "Núi Vụ Ôn ở về đại phận huyện Hương Sơn, Nghệ An, tức là một nhánh núi Vũ Môn.
Đỗ Anh Vũ có tội, giao xuống cho quan lại xét xử trị tội. Viên Hỏa đầu492 trong hiệu quân Tả Hưng Thánh là Nguyễn Dương cầm giáo chực đâm Anh Vũ không được. Nguyễn Dương tự sát.
Khi nhà vua mới lên ngôi, không cứ việc lớn hay nhỏ, đều do Anh Vũ quyết định cả. Hắn ra vào nơi cung cấm, tư thông với Lê Hậu493 . Nhân thế, Anh Vũ lại càng kiêu rông: Ở triều đình hắn vén tay, quát tháo, chỉ huy người bằng cách hất hàm, sai bảo người bằng khí sắc. Mọi người đều hé mắt sợ sệt, không ai dám nói gì. Bọn Điện tiền chỉ huy sứ Vũ Đái cùng với bọn Trí Minh vương (không rõ tên), Bảo Ninh hầu (không rõ tên) và Phò mã lang Dương Tự Minh mưu bắt giam Anh Vũ. Mưu kế đã định rồi, bọn Vũ Đái đem quân thẳng đến cửa thành, hô lớn: "Anh Vũ ra vào cung cấm, tiếng xấu ầm cả ra ngoài, còn tội gì lớn hơn nữa! Chúng tôi xin trừ khử ngay nó đi!". Lúc ấy liền có chiếu chỉ cho lính cấm quân bắt Anh Vũ trói ở hành lang Tả Hưng thánh, giao xuống cho đình úy xét xử việc này. Thái hậu sai người đem rượu cơm đến cho Anh Vũ và giấu vàng ở trong đồ đựng món ăn, để Anh Vũ dùng đút lót cho bọn Vũ Đái và người canh giữ. Viên hoả đầu ở hiệu quân Tả Hưng thánh là Nguyễn Dương nói rằng: "Các anh tham của đút lót, rồi đây tôi với các anh chắc không thoát khỏi tay thằng Anh Vũ đâu, chi bằng giết nó trước đi, để khỏi lo về sau". Dương liền phăm phăm cầm giáo chực đến đâm chết Anh Vũ. Tả Hưng đô là Đàm Dĩ Mông giật lấy cây giáo, ngăn lại, rằng: "Quan Điện tiền494 cho tội Anh Vũ là đáng chết thật đấy, nhưng phải đợi mệnh lệnh của vua chứ không được tự tiện giết chết". Nguyễn Dương nổi giận, mắng: "Vũ Đái
kia! Sao lại tham của lót của người ta mà không tiếc đến mạng mình?". Nói xong, liệu mình không thoát được, liền nhảy xuống giếng tự tử.
Lời chua - Hưng Thánh: Hiệu lính cấm quân. Xem Lý Nhân Tông, năm Hội Tường đại khánh thứ 9 (Chb. IV, 8-9).
Hỏa đầu: Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 16 (Chb. II, 24-25).
Tả Hưng đô: Chưa rõ chức quan này.
Tha tội Đỗ Anh Vũ và cho phục lại quan chức.
Trước đây, nhà vua xét án Anh Vũ, bắt chịu tội đồ làm điền nhi. Thái hậu lo buồn, nghĩ cách làm cho Anh Vũ được trở lại như cũ, nên thường mở hội to, tha tội nhân, mong Anh Vũ cũng được dự ân xá. Anh Vũ vì nhiều lần được ân xá thành ra khỏi tội, cuối cùng lại được làm thái uý, phụ chính như trước. Từ đó, càng được cưng yêu, hắn nắm hết quyền họa phúc sinh sát trong tay, ngày càng chăm làm những việc báo oán.
Lời chua - Điền nhi: Xem Lý Thần Tông, năm Thiên Thuận thứ 1 (Chb. IV, 18- 19).
Giết bọn điện tiền chỉ huy sứ Vũ Đái và Ngọc gia hỏa đầu Đồng Lợi 28 người; phát lưu bọn phò mã Dương Tự Minh 30 người.
Anh Vũ chực lật đổ bọn Vũ Đái, bèn tự ý tiến cử hơn một trăm thủ hạ làm quân phụng quốc vệ đô, giao cho giữ việc đi bắt phạm nhân. Anh Vũ nói kín với nhà vua rằng: "Trước đây, bọn Vũ Đái tự tiện đem lính cấm quân, xông vào nơi khuyết đình, còn tội nào lớn hơn nữa. Nếu không sớm trừ đi, e mai kia sinh biến, thì không thể trị được!". Nhà vua không xét kỹ, vội y theo lời hắn tâu, liền sai quân phụng quốc vệ đô đi lùng bắt bọn Vũ Đái, giao xuống cho quan lại trị tội: Giáng Trí Minh vương xuống tước hầu, Bảo Ninh hầu xuống tước Minh tự, Bảo Thắng hầu làm phụng chức; bọn Vũ Đái 20 người bị chém, bêu thủ cấp ở đầu sông; bọn Đồng Lợi 8 người bị chém ở chợ cửa tây; bọn Tự Minh 30 người bị phát lưu đi các nơi nước độc ở viễn châu; còn những người dự mưu đều bắt tội đồ.
Lời chua - Ngọc Giai: Hiệu lính cấm quân. Xem Lý Nhân Tông năm Hội Tường đại khánh thứ 9 (Chb. IV, 9).
Minh Tự: Theo Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, Minh Tự là một tước để phong cho những người có công.
Nghiêm định những điều cấm ở trong cung phủ.
Cấm bọn hoạn quan không được tự tiện vào nơi cung cấm; ai vi phạm cấm thì bị tội chết; kẻ nào canh giữ không cẩn, để cho người khác vào cung cũng sẽ bị tội như vậy. Các quan triều không được đi lại các nhà vương hầu; ở trong cung cấm không được hội họp, bàn bạc, chê bai. Không được qua lại ngoài địa đầu hành lang là chỗ để khí giới của quân phụng quốc vệ đô; ai can phạm sẽ phải phạt 80 trượng và bắt tội đồ; người nào vào trong hành lang ấy, thì bắt tử hình. Người giữ việc phòng vệ ở hành lang nếu không có chiếu chỉ mà tự tiện cầm khí giới qua địa đầu hành lang thì cũng đồng tội.
Tân Mùi, năm thứ 12 (1151). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 21).
Tháng 2, mùa xuân. Nhà vua đi Long Thủy hiệp xem bắt voi.
Bắt được con voi trắng, bầy tôi dâng biểu mừng.
Lời chua - Long Thủy hiệp: Xem Lý Nhân Tông, năm Quảng Hựu thứ 7 (Chb. III, 48).
Tháng 8, mùa thu. Xem bơi trải.
Nhà vua ra chơi cung Quảng Từ để xem bơi thuyền thi.
Nhâm Thân, năm thứ 13 (1152). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 22).
Tháng 4, mùa hạ. Động đất.
Tháng 5. Mưa ra những viên sỏi nhỏ, sắc vàng.
Tháng 8, mùa thu. Mưa ra những viên sỏi nhỏ, sắc vàng.
Tháng 10, mùa đông. Mở kỳ điện thi.
Lời chua - Sử của Ngô (Thì) Sĩ chua rằng: Bấy giờ phép khoa cử chưa có thể thức nhất định. Hoặc giả đương thời có chiếu cử những kẻ sĩ trong nước vào thi ở trong sân điện mà Sử cũ không chép kỹ chăng. Nay không thể khảo được.
Sai Thượng chế là Lý Mông đem quân đưa Ung Minh Ta Điệp về để lập làm vua nước Chiêm Thành, công việc không làm xong, hai người đều bị giết.
Người Chiêm Thành, Ung Minh Ta Điệp, đến cửa cung quyết xin cho được làm vua. Nhà vua xuống chiếu cho thượng chế là Lý Mông đem quân Thanh Hóa, Nghệ An hơn năm nghìn người, đưa về nước để lập làm vua. Bọn Lý Mông đến Chiêm Thành, bị chúa Chiêm là Chế Bì La Bút chống lại. Lý Mông và Ung Minh Ta Điệp đều bị chết cả.
Lời chua - Thượng chế: Tên một tước phong. Xem Lý Thần Tông, năm Thiên Thuận thứ 1 (Chb. IV, 20).
Chiêm Thành: Tức Lâm Ấp. Xem thuộc Tấn, Mục đế, năm Vĩnh Hòa thứ 9 (Tb. III, 20-22).
Thanh Hóa, Nghệ An: Xem Lê Thánh Tông năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 20-23).
Ung Minh Ta Điệp: Sử cũ chép là người nước Chiêm Thành, không rõ lai lịch.
Quý Dậu, năm thứ 14 (1153). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 23).
Giáp Tuất, năm thứ 15 (1154). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 24).
Tháng 9, mùa thu. Đắp đàn Viên Khưu495 . Nhà vua ra xem làm việc.
Tháng 10, mùa đông. Chúa Chiêm Thành Chế Bì La Bút, đem dâng con gái, được nhà vua thu nạp.
Tháng 11. Nhà vua chính mình cầm quân đi đánh đám Sơn Lạo496 ở châu Đại Hoàng, dẹp yên được.
Trước đó, Sơn Lạo châu Đại Hoàng là Nông Khả Lai làm phản. Đến đây, nhà vua thân đi đánh. Ngày Canh Tuất, xuất quân; ngày Giáp Dần đánh được, ngày Kỷ Mùi, về kinh đô.
Lời chua - Đại Hoàng: Tên một châu. Xem Đinh Tiên Hoàng năm thứ 1 (Chb. I, 2).
Ất Hợi, năm thứ 16 (1155). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 25).
Tháng 8, mùa thu. Có nạn nước lớn.
Động đất.
Tháng 10, mùa đông. Sao Mộc tinh phạm vào sao Kim tinh.
Lời chua - Mộc tinh: Sao Thái tuế.
Kim tinh: Sao Thái bạch. Theo sách Thiên nguyên lịch lý của Từ Phát nhà Thanh, phàm các vì sao cách nhau độ vừa một tấc, gọi là "phạm", đóng ở lại đấy mà không dời đi, gọi là "thủ".
Tháng 12. Động đất.
Làm cung Lệ Thiên.
Dựng cung Lệ Thiên và hành lang để triều cận ở điện Long Khánh.
Bính Tí, năm thứ 17 (1156). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 26).
Tháng 2, mùa xuân. Mưa ra sỏi nhỏ, sắc vàng.
Tháng 12, mùa đông. Kho tàng của vua bị cháy.
Làm hành cung ở Ngự Thiên.
Dựng hành cung ở Ngự Thiên: làm điện Thụy Quang, gác Chiếu vân, cửa Thanh hòa, thềm Nghi phượng, gác Diên phú, đình Thưởng hoa, thềm Ngọc hoa; lại đào ao Kim Liên, bắc cầu Minh nguyệt, để dùng trong những lúc nhà vua đi du ngoạn.
Lời bàn của Ngô [Thì] Sĩ - Xét đời Lý Anh Tông . Sử cũ chép hai lần dựng miếu, ba lần làm đền thờ, sáu lần đóng thuyền, còn làm chùa, chữa chùa, đắp đàn tế, xây cổng thành, làm kho, bắc cầu mỗi thứ một lần, còn công việc làm cung điện, dinh thự thì đến mười lần; mà đài các nguy nga, hồ đình rộng rãi, không có lần nào phiền phí bằng lần này. Ơn trạch họ Lý đối với dân đến đây tiêu ma hết cả. Lời chua - Ngự Thiên: Tên huyện. Nhà Lý gọi là Ngự Thiên, khi thuộc Minh gọi là Tân Hóa, nhà Lê lại gọi là Ngự Thiên, tức là huyện Hưng Nhân tỉnh Hưng Yên bây giờ497 .
Lập miếu thờ Khổng Tử.
Hồi đầu đời Lý, Văn Miếu thờ chung cả Chu Công và Khổng Tử; đến đây, Tô Hiến Thành xin lập miếu riêng để thờ Khổng Tử, nhà vua y nghe theo lời: lập miếu Khổng Tử ở phía Nam thành Thăng Long.
Đói to.
Năm này đói to: mỗi một thưng gạo trị giá 70 đồng tiền.
Đinh Sửu, năm thứ 18 (1157). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 27). Xuống chiếu quy định luật lệnh.
Mậu Dần, năm thứ 19 (1158). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 28).
Tháng 2, mùa xuân. Đỗ Anh Vũ giết Nguyễn Quốc.
Trước kia, Nguyễn Quốc đi sứ Tống về, nói nhà Tống đặt cái hòm đồng ở sân điện để nhận những tờ sớ tâu của bốn phương. Vậy ở ta, để thông đạt tình hình kẻ dưới, cũng xin phỏng theo mà làm như thế. Nhà vua y theo lời, cho đặt cái hòm ở sân rồng, để những ai có bàn nói việc gì thì bỏ thư vào trong ấy. Bấy giờ có bức thư nặc danh nói Anh Vũ làm loạn. Tìm bắt người viết thư ấy không được, Anh Vũ nghi cho Nguyễn Quốc, bèn vu cáo cho Nguyễn Quốc làm việc này, rồi buộc vào tội, phát lưu đi trại Thanh Hóa. Chưa được bao lâu, nhà vua cho Nguyễn Quốc về. Anh Vũ lại lấy rượu chế thuốc độc đưa cho Nguyễn Quốc. Nguyễn Quốc biết mình không thoát, liền uống thuốc độc chết.
Lời chua - Nguyễn Quốc: Không rõ lý lịch.
Duyệt số dân binh.
Nhà vua sai Lý Công Tín tuyển lựa dân đinh, quy định các sắc mục, và lấy người sung vào nhà Thái miếu hầu việc thờ tự.
Tháng 8, mùa thu. Đỗ Anh Vũ chết.
Kỷ Mão, năm thứ 20 (1159). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 29).
Mùa xuân. Cột chùa Thiên Phù chảy ra huyết.
Tháng 5, mùa hạ. Ngưu Hống và Ai Lao vào cướp. Nhà vua sai Tô Hiến Thành đi đánh bại được quân địch.
Hiến Thành đem quân đi đánh, bắt được người, súc vật và của báu của địch, rồi kéo về.
Lời chua - Ngưu Hống: Xem Lý Thánh Tông, năm Long chương thiên tự thứ 2 (Chb. III, 27).
Ai Lao: Xem Triệu Việt vương, năm thứ 2 (Tb. IV, 9).
Dùng Tô Hiến Thành làm Thái úy.
Hiến Thành, trước kia, làm Thái phó, tham dự việc giữ binh quyền; đến đây, vì có công được làm Thái úy.
Canh Thìn, năm thứ 21 (1160). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 30).
Tháng 2, mùa xuân. Tuyển lính.
Sai Tô Hiến Thành và Lý Công Tín tuyển lấy những dân đinh khỏe mạnh sung vào quân đội, chọn lấy những tướng hiệu thông binh pháp, biết vũ nghệ, chia ra cai quản.
Tân Tị, năm thứ 22 (1161). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 31).
Mùa xuân, sai sứ sang nhà Tống.
Bấy giờ lễ cống sính đều dùng voi đã tập thuần thuộc, nay đến kỳ đưa lễ cống hàng năm, vua Tống thấy đem thú vật đi đường xa, làm người phải nhọc nhằn, mới sai súy thần bảo rõ là được bãi bỏ lễ ấy. Từ đó không đem voi sang cống nữa.
Tháng 10, mùa đông. Thái phó Hoàng Nghĩa Hiền mất.
Nghĩa Hiền có công giúp vua; đến đây, ông mất; nhà vua nghỉ thiết triều năm ngày.
Tháng 11. Sai bọn Thái úy Tô Hiến Thành đi tuần vùng biên giới.
Dùng Hiến Thành làm Đô tướng, Đỗ An Di làm phó tướng, đem hai vạn quân, đi tuần hành, phòng bị mọi xứ ở biên giới Tây Nam và miền ven biển. Nhà vua thân đi tiễn quân đến cửa biển Thần Đầu mới về.
Bấy giờ những lính đào ngũ cùng nhau quần tụ, cướp bóc cư dân. Nhà vua sai Lý Công Tín đi đánh, dẹp yên được.
Lời chua - Cửa biển Thần Đầu: Xem Lê Đại Hành, năm Ứng Thiên thứ 12 (Chb. I, 40).
Nhâm Ngọ, năm thứ 23 (1162). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 32).
Tháng 3, mùa xuân. Cấm không ai được tự thiến mình.
Ai tự thiến mình thì phạt 80 trượng và thích vào cánh tay bên tả 23 chữ.
Động đất.
Tháng 2. Định rõ lại phép xét công trạng các quan.
Chín năm một lần xét công. Các quan văn vũ ai đủ niên lệ mà không có lỗi gì thì được thăng trật.
Quý Mùi, năm Chính Long bảo ứng thứ 1 (1163). (Tống, Hiếu Tông, năm Long Hưng thứ 1).
Giáp Thân, năm thứ 2 (1164). (Tống, năm Long Hưng thứ 2).
Tháng 3, mùa xuân. Nước Chiêm Thành đến tiến cống.
Tháng 7, mùa thu. Có nạn nước to.
Tống phong nhà vua làm An Nam quốc vương.
Nhà Tống sách phong nhà vua làm An Nam quốc vương, đổi Giao Chỉ làm An Nam quốc.
Theo Nguyên sử loại biên , An Nam, trước đây, gọi là Giao Chỉ; Đường Cao Tông đặt làm An Nam Đô hộ phủ. Tên gọi là An Nam bắt đầu từ đấy. Tống Hiếu Tông phong Thiên Tộ498 là An Nam quốc vương, An Nam gọi là "nước" bắt đầu từ đó.
Sử của Ngô [Thì] Sĩ chép rằng: "Nhà Tống từ khi rút sang phía nam, mỗi khi sứ ta sang cống, vẫn giao nhận cống phẩm ở tỉnh Quảng Tây, chứ chưa từng đến kinh đô của Nam Tống bao giờ; năm này là kỳ đưa lễ cống, nhà vua đưa thư sang Tống, xin cho sứ giả đến tận cung khuyết; vua Tống ưng thuận. Lệ cũ: việc cống sính chưa lần nào đi đủ ba sứ thaần; kỳ này, nhà vua dùng Trung vệ đại phu Doãn Tử Tư làm đại sứ, lại cho Thừa nghị lang Lý Bang Chính là chánh sứ, Trung dực lang Nguyễn Văn Hiến làm phó sứ. Từ người dẫn đầu đến người tùy hành đều đủ số. Khi đến nơi, vua Tống khen là có lòng thành khẩn, lại thấy nhân vật của ta ôn hòa, văn phép, áo mũ chững chạc đàng hoàng, rất lấy làm ưng ý. Vua Tống hạ chiếu cho đình thần bàn định về việc ban cho tên nước, bèn cho tên là "An Nam quốc" và gia phong nhà vua làm An Nam quốc vương.
Ất Dậu, năm thứ 3 (1165). (Tống, năm Kiền Đạo thứ 1).
Tháng 6, mùa hạ. Hạn hán. Nhiều nơi phát sinh bệnh dịch. Dân bị đói.
Nhân dân mắc bệnh dịch dữ dội. Trâu bò chết nhiều. Giá gạo cao vọt.
Tháng 8, mùa thu. Thi học sinh.
Bính Tuất, năm thứ 4 (1166). (Tống, năm Kiền Đạo thứ 2).
Đinh Hợi, năm thứ 5 (1167). (Tống, năm Kiền Đạo thứ 3).
Tháng 7, mùa thu. Sai Tô Hiến Thành đi đánh Chiêm Thành.
Trước đây, sứ giả Chiêm Thành đem lễ cống sang nước ta, khi đi đến châu Ô Lý, thì sứ Chiêm Thành đem phong thủy quân vượt biển cướp bóc những cư dân ở miền ven biển rồi trở về; đến đây, nhà vua sai Hiến Thành đi đánh. Hiến Thành đem quân đến nước Chiêm, đưa thư cho chúa Chiêm, quở trách về việc không giữ lễ phiên thần, lại tỏ bày sự lợi hại để chiêu dụ. Chúa Chiêm sợ, sai sứ sang dâng châu báu và những sản vật địa phương để xin hòa. Nhà vua y cho, hạ chiếu bảo Hiến Thành đem quân về.
Lời chua - Chiêm Thành: Tức Lâm Ấp. Xem thuộc Tấn, Mục đế, năm Vĩnh Hòa thứ 9 (Tb. III, 20-22).
Ô Lý: Xem Lê Đại Hành, năm Hưng Thống thứ 4 (Chb. I, 27-28).
Phong thủy quân: Sử cũ chua là "Tăng ma". Bây giờ không thể khảo được.
Mậu Tí, năm thứ 6 (1168). (Tống, năm Kiền Đạo thứ 4).
Tháng 8, mùa thu. Sứ nhà Tống và sứ nước Kim cùng sang ta.
Sứ thần hai nước đồng thời cùng đế, ta đều lấy lễ mà tiếp đãi cả, nhưng không cho họ gặp nhau.
Lời cẩn án - Sử cũ, ở đây, chép rằng "sứ Thát đát cũng đến". Thát đát tức là nhà Nguyên. Nhưng xét bấy giờ nước Kim còn mạnh, mà nhà Nguyên mới nổi lên ở Mạc bắc2, người Kim vào Biện Kinh1, nhà Tống phải thiên đô sang Lâm An, lẽ nào người
Nguyên vượt qua địa bàn của người Kim mà đến nước ta được? Sử của Ngô (Thì) Sĩ cải chính mà chép là sứ thần nước Kim. Nay theo như vậy. Kỷ Sửu, năm thứ 7 (1169). (Tống, năm Kiền Đạo thứ 5).
Ngày rằm, tháng 3, mùa xuân. Nguyệt thực. Cá biển chết nhiều.
Nhà vua sai thày chùa và đạo sĩ ở các đền chùa tụng kinh cầu đảo.
Tháng 4, mùa hạ. Làm điện Thanh Hòa.
Đặt thần vị Tiên đế500 ở điện này, bốn mùa cúng tế.
Sửa lại chùa Chân Giáo.
Chùa này từ đời Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 15 (1024); đến đây sửa lại.
Canh Dần, năm thứ 8 (1170). (Tống, năm Kiền Đạo thứ 6). Nhà vua tập cưỡi ngựa và bắn cung ở phía nam thành.
Nhà vua xem xét và tập dượt ở phía Nam Kinh thành, đặt tên chỗ ấy là sân bắn sai các quan võ ngày ngày rèn tập những phép đánh trận và phá trận.
Tân Mão, năm thứ 9 (1171). (Tống, năm Kiền Đạo thứ 7).
Tháng 2, mùa xuân. Sửa lại miếu thờ Khổng Tử.
Miếu làm từ năm Đại Định thứ 17 (1156); đến đây, sửa lại.
Nhà vua đi tuần đường biển.
Muốn biết dân tình đau khổ ra sao, đường sá xa gần thế nào, nhà vua đi tuần đường biển, xem khắp hình thế núi sông rồi về.
Nhâm Thìn, năm thứ 10 (1172). (Tống, năm Kiền Đạo thứ 8).
Tháng 2, mùa xuân. Lại đi tuần đường biển và biên giới phía Nam, phía Bắc.
Nhà vua đi tuần đường biển và biên giới phía nam, phía bắc, vẽ và ghi phong cảnh, sản vật, rồi chở về.
Lời chua - Nam Bắc phiên giới đồ: Theo Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, sách Nam Bắc phiên giới địa đồ , một quyển, của Lý Anh Tông, nay không truyền.
Quý Tị, năm thứ 11 (1173). (Tống, năm Kiền Đạo thứ 9).
Mùa thu. Đóng thuyền Ngoạn thủy.
Trước đó, đóng thuyền Vĩnh Long, thuyền Thanh Lan, thuyền Tường Quyết, thuyền Phụng Tiên, thuyền Vĩnh Diệu, thuyền Vĩnh Thanh, thuyền Nhật Long, đến đây, đóng thuyền Ngoạn Thuỷ, để chuẩn bị đi chơi.
Giáp Ngọ, năm Thiên cảm chí bảo thứ 1 (1174). (Tống, năm Thuần Hi thứ 1).
Tháng giêng, mùa xuân. Động đất.
Tháng 9, mùa thu. Thái tử Long Sưởng có tội, truất bỏ làm kẻ dân thường.
Long Sưởng tư thông với cung phi, nhà vua không nỡ bắt tội chết, truất bỏ làm kẻ thường dân và cầm tù.
Lời cẩn án - Sử cũ chép "Thái tử Long Sưởng", thế thì Long Sưởng đã được ở ngôi đông cung rồi; duy sự được lập vào năm nào Sử cũ bỏ sót không chép .
Tháng 11, mùa đông. Động đất.
Tháng 12. Sao chổi mọc ở phương nam.
Ất Mùi, năm thứ 2 (1175). (Tống, năm Thuần Hi thứ 2).
Tháng giêng, mùa xuân. Lập con là Long Cán làm thái tử.
Trước đây, nhà vua cho vời tể thần501 , bảo rằng: "Thái tử là cội gốc của nước. Long Sưởng đã làm điều trái đạo, trẫm muốn cho Long Cán được nối ngôi báu, nhưng hắn còn nhỏ tuổi, e chưa gánh vác nổi; nếu đợi lúc lớn lên thì trẫm đã già rồi, biết làm thế nào?". Bỗng lúc ấy người trong nội bế Long Cán ra, Long Cán khóc, đòi lấy cái khăn của nhà vua đang đội. Ngài chưa kịp cho, hắn càng khóc già; trật khăn đưa cho, hắn cười ngặt nghẽo. Ngài lấy làm lạ, bấy giờ cái ý sách lập Long Cán mới thật quyết định. Đến đây, lập làm Thái tử, Long Cán mới lên ba tuổi.
Dùng Tô Hiến Thành làm Nhập nội kiểm hiệu Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự502 , gia phong tước vương.
Tháng 4, mùa hạ. Xuống chiếu cho Tô Hiến Thành giúp Thái tử tạm quyền coi giữ chính sự.
Bấy giờ nhà vua bị bệnh, nên mới có mệnh lệnh này.
Tháng 7, mùa thu. Nhà vua mất, để tờ di chiếu cho Tô Hiến Thành làm Phụ chính.
Nhà vua mất ở điện Thụy Quang, miếu hiệu là Anh Tông, ở ngôi 37 năm, thọ 40 tuổi. Trước đây, nhà vua bệnh kịch, Hoàng hậu xin lập lại Long Sưởng. Ngài nói: "Long Sưởng làm con đã bất hiếu còn cai trị dân thế nào được!". Rồi ngài di chúc cho Hiến Thành giúp đỡ dẫn đạo Thái tử, còn mọi việc nhà nước thì cứ theo như hiến chương cũ. "Kịp khi Anh Tông mất, Thái hậu lại mưu tính bỏ con nọ, lập con kia: sợ Hiến Thành không theo, bèn đem vàng đút lót cho vợ Hiến Thành là Lữ Thị. Hiến Thành nói: "Ta là đại thần, nhận mệnh lệnh để lại của tiên đế, phò giúp ấu chúa, nếu nay nhận của lót mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới suối vàng?". Thái hậu lại vời Hiến Thành đến khuyên dỗ trăm chiều. Hiến Thành thưa lại rằng: "Làm điều bất nghĩa mà được giàu sang, có lẽ nào hạng trung thần, nghĩa sĩ lại vui lòng mà làm được, huống chi lời tiên đế hãy còn văng vẳng bên tai! Thái hậu chẳng nghe nói về chuyện Y Doãn503 và Hoắc Quang504 đấy ư? Tôi đây không dám vâng lời". Do đấy việc này mới thôi.
Lời cẩn án - Về việc này Sử cũ trên chép là "hoàng hậu" dưới chép là "thái hậu", cùng với "Chiêu linh thái hậu" đã chép ở năm Trinh Phù thứ 3 (1178) đều không có họ, có lẽ cùng là một người mà Sử cũ không chép được kỹ đó thôi . Thái tử Long Cán lên ngôi (tức là Lý Cao Tông).
Tôn mẹ là Đỗ Thị làm Chiêu thiên chí lý hoàng thái hậu.
Dùng cậu là Đỗ An Di làm Thái sư đồng Bình chương sự505 , Tô Hiến Thành làm Thái úy506 .
Lời cẩn án - Năm Đại Định thứ 20 (1159) , Sử cũ chép dùng Tô Hiến Thành làm Thái úy, ở đây lại chép như thế, nghi rằng có lầm. Lời chua - An Di: Em của Đỗ thái hậu.
Hội họp quần thần, tuyên thệ ở điện Thiên An.
Bính Thân, Lý Cao Tông hoàng đế, năm Trinh phù thứ 1 (1176). (Tống, năm Thuần Hi thứ 3).
Tháng giêng, mùa xuân. Đổi niên hiệu mới. Đại xá.
Lời bàn của Ngô Sĩ Liên - Cao Tông lên ngôi từ tháng 7 năm trước, đến đây mới đổi niên hiệu, đó chính là vì có Tô Hiến Thành làm phụ chính, nên mới giữ được lễ xưa. Đinh Dậu, năm thứ 2 (1177). (Tống Thuần Hi thứ 4).
Tháng 3, mùa xuân. Nước Chiêm Thành cướp châu Nghệ An.
Mậu Tuất, năm thứ 3 (1178). (Tống, năm Thuần Hi thứ 5). Chiêu Linh thái hậu ban yến cho bầy tôi ở điện riêng của mình.
Bấy giờ quốc tang507 đã mãn. Chiêu Linh thái hậu thết yến các bầy tôi, nhân bảo họ rằng: "Bấy giờ Chiêm Thành đang vào lấn cướp, người Mán quấy rối ở nơi biên thùy. Tự Vương508 hãy còn thơ ấu, chưa cáng đáng nổi trong lúc nước nhà lắm việc. Các khanh đội ơn dày của nước, nên lo toan việc nước. Tính chước bây giờ chi bằng lại lập Long Sưởng để yên định xã tắc, mà thống nhất lòng dân. Các khanh nghĩ thế nào?". Bầy tôi đều khấu đầu nói: "Quan Thái phó509 là bậc cố mệnh đại thần510 , bệ hạ511 đã nhiều lần khuyên dụ rồi đấy. Bọn tôi không ai dám trái ý". Nói xong, họ đều lạy tạ rồi lui gót. Bấy giờ Hiến Thành coi quản cấm binh, hiệu lệnh nghiêm túc, thưởng phạt phân minh, không ai dám có ý nghĩ gì khác. Long Sưởng vì không được lập lên làm vua, rồi cầm đầu đám gia nhân thân thuộc, cho đi trộm cướp nhiều nơi, có ý chực nổi loạn.
Kỷ Hợi, năm thứ 4 (1179). (Tống, năm Thuần Hi thứ 6).
Tháng giêng, mùa xuân. Tuyển lính.
Tuyển trong đinh nam lấy những người khỏe mạnh sung vào quân đội.
Tháng 2. Động đất.
Tháng 3. Xét công trạng các quan lại.
Văn học tài cán, là một hạng; không thông chữ nghĩa mà làm việc cần mẫn, là một hạng; nhiều tuổi mà thuần cán, thông hiểu việc xưa nay, là một hạng. Các hạng người kể trên cứ theo thứ bậc trao cho quan chức để cai trị dân, cai quản quân đội. Từ đó, trăm quan tài năng xứng đáng với chức vụ, không có người thừa hoặc người vô dụng.
Lời phê512 - Có lẽ nào đã là người nhiều tuổi, thuần cẩn, thông hiểu việc xưa việc nay, mà lại không thông chữ nghĩa bao giờ, mà hạng gọi là văn học tài cán là hạng thế nào? Chia bậc phân hạng như vậy, nghĩ cũng tức cười! Thế mà bảo rằng trăm quan xứng chức, không có người thừa hoặc người vô dụng, cũng là lời quá đáng. Tháng 6, mùa hạ. Hai mặt trời cùng xuất hiện một lúc.
Thái úy Tô Hiến Thành mất.
Hiến Thành là bậc đại thần gánh vác việc nước, trong nước bấy giờ chỉ trông cậy vào ông mới được vững vàng. Đến đây, ông mất, nhà vua bớt thức ăn ba ngày, nghỉ lễ thiết triều sáu ngày. Trước đây, Hiến Thành bị bệnh, Tham tri chính sự513 Vũ Tán Đường ngày đêm săn sóc ở bên, còn Gián nghị đại phu514 Trần Trung Tá thì không có mặt ở đấy vì bấy giờ bận việc khác. Kịp lúc ông đau nặng, thái hậu đến thăm, hỏi ai có thể lên thay làm tướng quốc. Hiến Thành đáp: "Trần Trung Tá có thể làm được". Thái hậu nói: "Tán Đường ngày hầu thuốc thang, sao ông không nói đến?". Hiến Thành thưa: "Bệ hạ hỏi người có thể thay tôi, nên tôi mới cử Trần Trung Tá; nếu hỏi người săn sóc nuôi dưỡng tôi thì không phải Tán Đường thì còn ai nữa?". Thái hậu khen Hiến Thành là trung, nhưng cuối cùng vẫn không làm theo lời của Hiến Thành.
Lời phê515 - Sau Gia cát Vũ hầu, chỉ có một người ấy thôi. Dùng cậu là Đỗ An Di làm Phụ chính.
Quy định thể lệ cấm việc mua bán muối và sắt.
Muối, mắm và đồ sắt không được đem lên trao đổi ở miền ngọn nguồn.
Canh Tí, năm thứ 5 (1180). (Tống, năm Thuần Hi thứ 7).
Tháng 8, mùa thu. Có nạn nước lớn.
Động đất ở hai điện Vĩnh Nguyên và Hội Tiên.
Tân Sửu, năm thứ 6 (1181). (Tống, năm Thuần Hi thứ 8).
Tháng 4, mùa hạ. Sao Huỳnh hoặc516 phạm vào phận sao Nam đẩu.
Lời chua - Nam đẩu: Theo Tinh kinh , chòm Nam đẩu có 6 vì sao, hình trạng như sao Bắc đẩu, ở về phía đông nam sao Thiên thị. Phần "khảo yếu" sách ấy chép rằng: vì sao này cứ đến khoảng mùa hạ và mùa thu, mọc ở phương nam, nên gọi là Nam đẩu.
Đói to.
Nhâm Dần, năm thứ 7 (1182). (Tống, năm Thuần Hi thứ 9).
Tháng giêng, mùa xuân. Xuống chiếu cầu người hiền lương.
Cho Lý Kính Tu hiệu là đế sư517 .
Kính Tu trong thì hầu vua ở nơi màn trướng, ngoài thì dạy dân theo đạo trung hiếu. Từ đó, Chiêu Linh thái hậu không dám manh tâm tính chuyện phế lập nữa.
Lời chua - Kính Tu: Người làng Vân Canh, huyện Từ Liêm518 , nguyên họ Đỗ, được ban quốc tính519 , cuối đời Lý Anh Tông, từng giữ chức Binh tào, cùng với Hiến Thành cùng làm Phụ chính, đến đây được hiệu là đế sư.
Nước Tiêm đến tiến cống.
Lời chua - Nước Tiêm (Tiêm quốc): Xem Lý Anh Tông, năm Đại Định thứ 10 (Chb. IV, 33-34).
Quý Mão, năm thứ 8 (1183). (Tống, năm Thuần Hi thứ 10).
Tháng giêng, mùa xuân. Sai Ngô Lý Tín đi đánh Ai Lao.
Lời chua - Ai Lao: Xem Triệu Việt vương năm thứ 2 (Tb. IV, 9).
Mồng 1, tháng 11, mùa đông. Nhật thực.
Giáp Thìn, năm thứ 9 (1184). (Tống, năm Thuần Hi thứ 11).
Ất Tị, năm thứ 10 (1185). (Tống, năm Thuần Hi thứ 12).
Tháng giêng, mùa xuân. Thi các sĩ tử để sung vào hầu vua học tập.
Thi các học trò, trạc 15 tuổi, người nào thông hiểu Thi, Thư , sung vào tòa Kinh diên, hầu vua học tập. Bọn Bùi Quốc Khái và Đặng Nghiêm 30 người trúng tuyển.
Lời chua - Quốc Khái: Người làng Bình Lãng, huyện Cẩm Giàng520 .
Đặng Nghiêm: Người làng An Để, huyện Thư Trì521 .
Bính Ngọ, năm Thiên tư gia thụy thứ 1 (1186). (Tống, năm Thuần Hi thứ 13).
Tháng giêng, mùa xuân. Sứ nhà Tống sang.
Hồi đầu triều Lý Anh Tông, nhà Tống sai sứ sang sách phong, còn theo lối cũ: trước phong là Quận vương, rồi phong là Nam Bình vương, mãi sau mới có sắc mệnh phong là Quốc vương. Đến đây, sứ Tống sang sách phong ngay làm An Nam quốc vương. Bài chế văn đại lược nói: "Ngay lúc bắt đầu phong cho thống trị một nước yên vui, đã được theo thể lệ cha truyền con nối; bây giờ ban sắc mệnh thực thụ ngay tước vương có cần gì phải đợi theo dần từng bậc mà thăng lên?". Lễ này có lẽ do nhà Tống đối đãi với nhà Lý một cách đặc biệt.
Tháng 7, mùa thu. Sai sứ sang nhà Tống.
Sai Lê Hòe Khanh đem sản vật địa phương sang biếu nhà Tống.
Bấy giờ bắt được con voi trắng, nhà vua cho là điềm tốt, đặt tên cho nó là Thiên tư; nhân thế đổi niên hiệu mới.
Lời phê522 - Noi theo cái thói lừa dối: đáng khinh bỉ cả! Đinh Mùi, năm thứ 2 (1187). (Tống, năm Thuần Hi thứ 14).
Tháng 4, mùa hạ. Sét đánh nhà Thái miếu.
Mậu Thân, năm thứ 3 (1188). (Tống, năm Thuần Hi thứ 15).
Tháng 5, mùa hạ. Hạn hán.
Nhà vua đến chùa Pháp Vân, chính mình làm lễ đảo vũ. Lại rước tượng Phật ở chùa Pháp Vân về chùa Báo Thiên để cầu đảo.
Nhà vua đi chơi khắp các núi sông, ngự giá đến đâu đều ban phong hiệu cho thần linh ở đó, và cho dân lập miếu thờ.
Lời chua - Chùa Pháp Vân: Xem Lý Nhân Tông, năm Thái Ninh thứ 2 (Chb. III, 32).
Chùa Báo Thiên: Xem Lý Thánh Tông, năm Long Thụy thái bình thứ 3 (Chb. III, 22).
Tháng 6. Động đất.
Gió bão to.
Mồng một, tháng 7, mùa thu. Nhật thực.
Đỗ An Di mất, dùng Thái phó Ngô Lý Tín làm Phụ chính.
Kỷ Dậu, năm thứ 4 (1189). (Tống, năm Thuần Hi thứ 16).
Mồng một, tháng 2, mùa xuân. Nhật thực. Mặt trời, mặt trăng sắc đỏ như tiết.
Động đất.
Canh Tuất, năm thứ 5 (1190). (Tống Quang Tông, năm Thiệu Hi thứ 1).
Tháng giêng, mùa xuân. Hoàng thái hậu Đỗ Thị mất.
Tân Hợi, năm thứ 6 (1191). (Tống, năm Thiệu Hi thứ 2).
Tháng 11, mùa đông. Sao Huỳnh hoặc523 phạm vào phận sao Thái bạch.
Nhâm Tí, năm thứ 7 (1192). (Tống, năm Thiệu Hi thứ 3).
Tháng 6, mùa hạ. Động đất.
Tháng 7, mùa thu. Sét đánh điện Vĩnh Ninh.
Người giáp Cổ Hoằng, Thanh Hóa làm loạn. Dẹp yên được.
Trước đây, người giáp Cổ Hoằng thấy vết chân trâu ở trên cây muỗm (amla). Lê Văn, người trong giáp, xem bói đoán rằng: "Con trâu là vật ở dưới, bây giờ lại ở trên cây, đó là cái điềm người dưới lên ở trên". Do đó, họ cùng nhau mưu làm loạn; đến đây, dẹp yên được.
Lời chua - Thanh Hóa: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 20-21).
Cổ Hoằng: Tên một giáp. Nhà Đinh, nhà Lê gọi là Cổ Hoằng; nhà Lý đổi là Cổ Đằng; nhà Trần đặt làm huyện; nhà Lê đổi làm huyện Hoằng Hóa, tức là huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa bây giờ.
Amla: Theo Thanh Nhất thống chí , đất An Nam có sản cây am la, tục gọi là cây "bương cái" (ta gọi cây muỗm), quả nó như quả lê tàu (bắc lê), chín vào mùa tháng 4, tháng 5.
Khơi sâu sông Tô Lịch.
Lời chua - Sông Tô Lịch: Xem thuộc Đường, Mục Tông, năm Trường Khánh thứ 4 (Tb. IV, 31-32).
Quý Sửu, năm thứ 8 (1193). (Tống, năm Thiệu Hi thứ 4).
Giáp Dần, năm thứ 9 (1194). (Tống, năm Thiệu Hi thứ 5).
Tháng 7, mùa thu. Sách lập nguyên phi Đàm Thị làm An toàn hoàng hậu. Đại xá.
Sinh con trai là Sảm, nguyên phi được sách lập làm hoàng hậu. Đại xá cả nước; ban cho kỳ lão, hạng 70 tuổi trở lên, mỗi người một tấm lục; ban tiệc ăn uống ba ngày.
Lời chua - Đàm Thị: Con gái tướng quân Đàm Phụng, năm Trinh Phù thứ 11 được sách lập làm Nguyên phi.
Tháng 10, mùa đông. Mưa đá, có tảng lớn bằng đầu ngựa.
Đóng thuyền Thiên Long.
Trước kia, đã đóng thuyền Ngoạn Dao, đến đây đóng thuyền Thiên Long dùng để đi chơi.
Ất Mão, năm thứ 10 (1195). (Tống, Ninh Tông, năm Khánh Nguyên thứ 1).
Tháng 2, mùa xuân. Động đất.
Sét đánh các Ly Minh.
Bắt đầu thi tam giáo.
Đem Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo để thi kẻ sĩ. Ai đỗ thì cho xuất thân524 .
Bính Thìn, năm thứ 11 (1196). (Tống, năm Khánh Nguyên thứ 2).
Đinh Tị, năm thứ 12 (1197). (Tống, năm Khánh Nguyên thứ 3).
Tháng 6, mùa hạ. Hạn hán.
Làm cung Nghênh Thiềm.
Mậu Ngọ, năm thứ 13 (1198). (Tống, năm Khánh Nguyên thứ 4).
Tháng giêng, mùa xuân. Xuống chiếu sa thải các thày chùa.
Theo lời tâu của Đàm Dĩ Mông.
Tháng 7, mùa thu. Có nạn nước to.
Bọn Ngô Công Lý ở Diễn Châu và Đinh Khải, Bùi Đô ở Đại Hoàng nổi loạn. Nhà vua xuống chiếu sai người đi đánh dẹp.
Ngô Công Lý, người làng Cao Xá thuộc Diễn Châu, chiêu tập những kẻ vô lại, cùng với bọn Đinh Khả và Bùi Đô, người châu Đại Hoàng, đồng thời nổi loạn. Khả tự xưng là con cháu Đinh Tiên Hoàng, trương thanh thế để dụ tiểu dân, nhiều người nghe theo. Nhà vua xuống chiếu cho xuất quân đi đánh.
Lời chua - Diễn Châu: Xem thuộc Đường, Cao Tông, năm Điều Lộ thứ 1 (Tb. IV, 20).
Cao Xá: Bây giờ là xã Cao Xá, huyện Đông Thành525 .
Đại Hoàng: Xem Đinh Tiên Hoàng năm thứ 1 (Chb. I, 2).
Kỷ Mùi, năm thứ 4 (1199). (Tống, năm Khánh Nguyên thứ 5).
Tháng 7, mùa thu. Có nạn nước to.
Đói to.
Tháng 10, mùa đông. Sai sứ sang phong vương cho vua nước Chiêm Thành.
Trước đó, sứ Chiêm Thành sang cầu phong; đến đây, nhà vua đi Thanh Hóa, nhân tiện sai sứ sang tận nơi phong vương cho Chiêm Thành.
Canh Thân, năm thứ 5 (1200). (Tống, năm Khánh Nguyên thứ 6).
Tháng giêng, mùa xuân. Đem thóc phát chẩn cho dân nghèo.
Tháng 7, mùa thu. Chiêu Linh thái hậu mất.
Tân Dậu, năm thứ 6 (1201). (Tống, năm Gia Thái thứ 1).
Nhâm Tuất, năm Thiên gia bảo hựu thứ 1 (1202). (Tống, năm Gia Thái thứ 2).
Tháng 3, mùa xuân. Động đất.
Tháng 8, mùa thu. Đặt ra nhạc khúc Chiêm Thành.
Sai nhạc công đặt ra nhạc khúc gọi là "Chiêm Thành âm". Nhạc khúc này giọng sầu oán não nùng, ai nghe cũng rỏ nước mắt. Nhà sư Nguyễn Thường nói rằng: "Tôi nghe nói: thanh âm của nước loạn thì ai oán giận hờn. Nay chúa thượng rong chơi vô độ, kỷ cương triều đình rối ren, lòng dân ngày một ly tán. Tiếng nhạc ai oán làm não lòng người! Đó là triệu chứng bại vong".
Lời phê - Dùng người không xứng đáng, chính sự ngày một quấy; muốn không bại vong, còn đợi nỗi gì? Chứ không phải tại việc đặt ra Chiêm Thaành nhạc khúc. Quý Hợi, năm thứ 2 (1203). (Tống, năm Gia Thái thứ 3).
Tháng 2, mùa xuân. Kiến thiết rất nhiều cung điện.
Bấy giờ đem công sức của dân ném hết vào việc thổ mộc: cung điện này chưa xong đã làm luôn cung điện khác. Gác Kính Thiên sắp làm xong, thì có con chim bồ các đến làm tổ. Các bầy tôi đều nói: "Xưa Ngụy Minh đế526 làm gác Lăng tiêu, có chim bồ các đến làm tổ; Cao Đường Long có nói về việc "Bồ các làm tổ, tu hú đến ở". Bây giờ trên gác có chim bồ các đến làm tổ, chúng tôi sợ một ngày kia, chắc sẽ có người họ khác đến ở đấy. Vậy xin bệ hạ nên nghĩ đến lời nói của Cao Đường Long. Trước hết cần phải tu đức, thì may cho thiên hạ lắm". Nhưng nhà vua riêng nghe lời nói của hoạn quan Phạm Bỉnh Di, đốc giục thợ làm càng gấp rút. Trăm họ bị khổ sở vì việc này.
Lời chua - Bồ các: Hán văn là "thước". Sách Bản thảo chép rằng: Chim bồ các làm tổ, quay lưng về phương có sao Thái tuế mà hướng mặt về phương có sao Thái Ất. Khi nó biết rằng năm sau có nhiều gió bão thì tất làm tổ thấp xuống.
Tháng 7, mùa thu. Tri châu Nghệ An là Đỗ Thanh và Châu mục là Phạm Diên định mưu đánh úp Bố Trì, người Chiêm Thành, nhưng bị nó giết chết.
Bố Trì, người Chiêm Thành, đỗ thuyền ở biển Cơ La, nói dối rằng bị người chú là Bố Điền đuổi, nên đem cả vợ con đến đây cầu xin cứu giúp. Bọn Thanh, Diên tưởng thực, đem việc ấy tâu lên triều đình. Nhà vua sai Đàm Dĩ Mông và Đỗ An đi liệu lý việc ấy. Khi hai người sắp đến cửa Cơ La, Đỗ An nói: "Nó đem quân đến đây, bình tình thế nào, biết đâu mà tin được. Ngạn ngữ có câu: "Tổ kiến làm vỡ đê, tàn lửa đốt cháy nhà", ngày nay Bố Trì có phải chỉ là tổ kiến và tàn lửa thôi đâu!". Dĩ Mông đem lời đó nói với Thanh, Diên và bảo phải phòng bị trước. Bọn Đỗ Thanh nói: "Nó bị nạn, đến đây cầu cứu, lại còn nghi gì?". Dĩ Mông giận lắm, rút quân về. Thanh, Diên bấy giờ mới đem lòng ngờ vực Bố Trì và ăn năn về việc không nghe Đỗ An. Họ bèn định mưu đánh úp Bố Trì để gỡ lấy mình; mưu tiết lộ, bị địch giết chết. Dân Nghệ An kinh sợ, tan vỡ, chết mất không biết bao nhiêu mà kể. Bố Trì tha hồ cướp bóc rồi rút về.
Lời chua - Cửa biển Cơ La: Tức là cửa Nhượng thuộc huyện Kỳ Anh bây giờ527 .
Tháng 9. Người châu Đại Hoàng là Phí Lang và Bảo Lương nổi loạn. Nhà vua sai Chi hậu528 Trần Lệnh Hinh và Thượng thư529 Từ Anh Nhị đi đánh, không thắng được, đều bị chết.
Trước kia, Phí Lang và Bảo Lương đến cửa cung khuyết, dâng thư nói về việc Đàm Dĩ Mông mọt nước, hại dân. Dĩ Mông nổi giận, đem bọn ấy phạt đánh bằng roi. Vì thế bọn Phí Lang đem lòng căm phẫn, bèn nổi loạn. Nhà vua dùng Lệnh Hinh làm nguyên soái, đem quân đi đánh, lại sai Từ Anh Nhị đem người Thanh Hóa kế tiếp ra trận, đánh nhau với Phí Lang ở lộ Bố Giang: Quan quân thua trận, Lệnh Hinh và Anh Nhị đều bị chết cả.
Lời chua - Lộ Bố Giang: Theo sách Thiên hạ quận quốc lợi bệnh toàn thư, Lộ Bố Giang thuộc về địa phận huyện Ý Yên530 , bây giờ chưa tường đích xác ở chỗ nào.
Giáp Tí, năm thứ 3 (1204). (Tống, năm Gia Thái thứ 4).
Tháng giêng, mùa xuân. Sai Lý Kính Tu đi đánh châu Đại Hoàng, không hạ được.
Ất Sửu, năm Trị bình long ứng thứ 1 (1205). (Tống, năm Khai Hi thứ 1).
Tháng 3, mùa xuân. Quân Thổ mán nhà Tống sang cướp ở vùng biên giới.
Thổ mán sang cướp ở vùng biên giới; quan quân lên đánh, nhân dân nhọc mệt vì phục dịch. Bấy giờ nhà vua vẫn cứ tiến hành mọi việc thổ mộc không ngừng, nghe nói ngoài thành có giặc cướp, cũng giả vờ làm ngơ để bưng bít đi, chỉ ham thích của cải. Các bầy tôi đều bắt chước, tranh nhau bán quan buôn ngục, ngoài ra không còn nghĩ đến việc gì.
Nhà vua có tính sợ sấm sét, động nghe có tiếng sấm sét thì kinh hãi. Kẻ tôi cưng là Nguyễn Dư nói mình có phép ngăn cấm sấm sét. Gặp khi có sấm ù ù, nhà vua sai hắn làm phép ngăn cấm; Nguyễn Dư ngửa cổ lên trời đọc thần chú, sấm sét lại càng dữ thêm. Nhà vua trách hỏi; Nguyễn Dư đáp: "Tôi răn cấm lâu rồi, trời đã cao mà sấm sét còn dữ dội đến thế". Bấy giờ nhà vua trong thì yêu vợ cưng, ngoài thì tin tôi nịnh, hàng ngày chăm sự vui chơi, không nghĩ gì đến việc nước. Do đó, giặc cướp nổi lên như ong, không sao còn trị nổi, rồi đến mất nước.
Bính Dần, năm thứ 2 (1206). (Tống, năm Khai Hi thứ 2).
Tháng 2, mùa xuân. Dùng Đàm Dĩ Mông làm Thái bảo.
Dĩ Mông đã làm đến Thái phó, đến đây, lại thăng lên Thái bảo, đội mũ củng thần.
Lời chua - Mũ củng thần: Kiểu mũ thế nào chưa rõ.
Đinh Mão, năm thứ 3 (1207). (Tống, năm Khai Hi thứ 3).
Tháng giêng, mùa xuân. Tuyển lính.
Bấy giờ cướp nổi lên như ong. Nhà vua xuống chiếu tuyển trong nam đinh lấy những người khoẻ mạnh sung vào quân đội, đặt dưới quyền cai quản của quan các lộ để đi dẹp giặc.
Mậu Thìn, năm thứ 4 (1208). (Tống, năm Gia Định thứ 1).
Tháng giêng, mùa xuân. Lập con là Sảm làm Thái tử.
Đói to.
Phạm Du, tri Nghệ An quân, làm phản. Nhà vua sai hoạn quan Phụng ngự531 Phạm Bỉnh Di đi đánh.
Phạm Du ở Nghệ An, chiêu nạp những kẻ vong mạng, chia nhau đi cướp bóc các nơi; vì thế đường sá đi lại không được thông đồng. Nhà vua sai Bỉnh Di đem quân người Đằng Châu và Khoái Châu đi đánh.
Lời chua - Phụng ngự: Tên chức quan.
Nghệ An: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 21-23).
Đằng Châu: Xem thuộc Tống, Thái Tổ, năm Kiền Đức thứ 4 (Tb. V, 30).
Khoái Châu: Nguyên là đất Đằng Châu; nhà Lý chia làm Khoái Châu; nhà Trần gọi là Khoái Lộ, nhà Lê gọi là Khoái Châu, tức là phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên bây giờ.
Kỷ Tị, năm thứ 5 (1209). (Tống, năm Gia Định thứ 2).
Tháng 7, mùa thu. Giết Thượng phẩm Phụng ngự Phạm Bỉnh Di. Quách Bốc, bộ tướng của Bỉnh Di, nổi loạn. Nhà vua lánh đi Quy Hóa giang.
Bấy giờ Bỉnh Di tiến quân đánh Phạm Du. Du thua, chạy sang Hồng Châu. Bỉnh Di tịch thu nhà của Du rồi đốt hết cả. Phạm Du mới ngầm sai người đến kinh đô đem vàng đút lót cho người trong nội, nói rõ Bỉnh Di tàn khốc, giết hại những người vô tội. Du lại kể lể nỗi oan của mình, xin về kinh đô để đợi chịu tội. Nhà vua tin lời, cho đòi Du và vời Bỉnh Di đem quân về. Bỉnh Di về tới kinh, toan vào tâu bày, thì có người ngăn lại, bảo: "Lời của Phạm Du đã lọt vào trước, nhà vua còn chưa nguôi giận!". Bỉnh Di nói: "Ta đây thờ vua hết lòng trung thành, lại bị tên giặc gian ác nó gièm pha ư? Huống chi, lại có mạng lệnh vua vời, ta còn trốn tránh đi đâu?". Thế rồi Bỉnh Di cứ vào chầu. Nhà vua sai bắt luôn, rồi giam cả với con là Phụ tại nhà Thủy viện, toan đem giết chết.
Bộ tướng của Bỉnh Di là bọn Quách Bốc hay tin ấy, đem quân reo hò kéo vào, xông đến cửa thành, bị kẻ canh cổng cản lại. Chúng phá cửa mà vào. Nhà vua thấy động, kíp sai đem cha con Bỉnh Di đến thềm Kinh tinh đâm chết, rồi cùng Thái tử chạy trốn. Bọn Quách Bốc xông vào, lấy chiếc chiếu của vua bó xác Bỉnh Di và lấy xe của vua chở xác Bỉnh Di, vượt qua cửa thành, rút ra bến Đông bộ đầu; rồi lại quay vào cung Vạn Diên, lập con thứ vua là Thầm lên làm hoàng đế. Bọn Đàm Dĩ Mông và Nguyễn Chính Lại đều nhận chức ngụy quan cả.
Lời chua - Quy Hóa giang: Còn một tên khác là Thao Giang, ở về phía bắc huyện Tam Nông, tỉnh Hưng Hóa.
Hồng Châu: Xem thuộc Đường, Chiêu Tuyên đế, năm Thiên Hựu thứ 3 (Tb. V, 14).
Đông bộ đầu: Tức là bến Đông tân sông Nhị Hà bây giờ.
Bỉnh Di: Hoạn quan mà có con. Sử cũ ghi chép không tường tận.
Thái tử Sảm lấy con gái Trần Lý; tự phong tước Minh tự cho Trần Lý và bổ Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ.
Thái tử đi đến thôn Lưu Gia ở Hải ấp, gặp con gái Trần Lý, lấy làm vợ. Nhà Trần Lý làm nghề đánh cá, trở nên giàu có, được nhiều người theo; do đấy có quân gia, lúc ấy cũng nổi lên làm giặc. Khi đã lấy con gái Trần Lý, Thái tử phong cho Trần Lý tước Minh tự, bổ cậu vợ là Tô Trung Từ làm Chỉ huy sứ. Anh em họ Trần mới chiêu tập quân hương dũng dẹp yên đảng loạn, rước nhà vua ở Quy Hóa về cung.
Lời chua - Minh tự: Tên tước phong. Xem Lý Anh Tông, năm Đại Định thứ 11 (Chb. V, 4).
Thôn Lưu Gia: Bây giờ là xã Lưu Xá, huyện Hưng Nhân532 .
Trần Lý: Người làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường. Xem Trần Thái Tông năm Kiến Trung thứ 2 (Chb. VI, 4).
Tô Trung Từ: Người thôn Lưu Gia.
Nhà vua trở về cung.
Ngự giá hoàn cung. Nhà vua dẹp yên loạn Quách Bốc, xét tội tùy theo nặng nhẹ có sai biệt. Rồi sai Phụng ngự Đỗ Quảng đi thôn Lưu Gia, đón Thái tử về kinh đô.
Bấy giờ Đàm Dĩ Mông vẫn tại chức như cũ. Đỗ Anh Triệt kể tội hắn rằng: "Ngươi làm đại thần, đem lòng vô quân532 , nhận quan tước của giặc, nay lại ngang hàng với ta! Ta đây dẫu bất tài, nhưng còn mặt mũi nào đối nhìn nhau nữa!". Dĩ Mông thẹn và sợ, phải lui ra.
Lời chua - Đỗ Anh Triệt: Làm chức gì không rõ.
Canh Ngọ, năm thứ 6 (1210). (Tống, năm Gia Định thứ 3).
Tháng 7, mùa thu. Sao chổi mọc.
Tháng 10, mùa đông. Lý Cao Tông mất.
Trước đó, nhà vua bị bệnh, vời Lý Kính Tu vào giao cho mệnh lệnh lãnh di chiếu; đến đây, mất ở cung Thánh thọ, miếu hiệu là Cao tông, ở ngôi 35 năm thọ 38 tuổi.
Lời phê - Sự nghiệp của Lý Kính Tu như thế, vậy mà gọi là "thầy vua"2, chẳng qua chỉ có danh hão đấy thôi535 . Thái tử Sảm lên ngôi (tức Lý Huệ Tông).
Tôn mẹ là An Toàn hoàng hậu làm Thái hậu.
Bấy giờ nhà vua mới 16 tuổi. Hoàng thái hậu cùng giúp xét xử chính sự.
Tân Mùi (1211) Lý Huệ Tông hoàng đế, năm Kiến Gia thứ 1 (Tống, năm Gia Định thứ 4).
Tháng 2, mùa xuân. Sách lập Trần Thị là Nguyên phi; dùng cậu nguyên phi là Tô Trung Từ làm Thái úy Phụ chính; phong anh Nguyên phi là Trần Tự Khánh làm Chương Tín hầu.
Trước đây, lúc thái tử Sảm ở thôn Lưu Gia trở về kinh đô, thì Trần Thị về ở nhà bố đẻ. Khi lên ngôi rồi, cho thuyền đi đón, nhưng Trần Thị chưa đi ngay; đến đây, sai Trung Từ và Phụng ngự Phạm Bố đón về cung, sách lập làm nguyên phi. Bấy giờ Trần Lý bị giặc giết chết, con thứ 2 là Tự Khánh lên thay, cai quản quân gia. Nhà vua phong tước hầu cho Tự Khánh và dùng Tô Trung Từ làm Thái uý, phong Thuận Lưu bá.
Nhâm Thân, năm thứ 2 (1212). (Tống, năm Gia Định thứ 5).
Tháng 2, mùa xuân. Đoàn Thượng giữ Hồng Châu để làm phản.
Nhà vua mới lên ngôi, đem việc nước giao cho Đàm Dĩ Mông. Dĩ Mông là người vô học, không có mưu thuật. Chính sự ngày một đổ nát, đói kém xảy ra luôn luôn! Nhân dân cùng quẫn khốn khổ, giặc cướp nổi lên lung tung. Nhà vua sai Đoàn Thượng chiêu mộ dân vùng Hồng Châu để đi tuần tiễu bắt bớ. Đoàn Thượng nhân dịp ấy, tự tiện làm uy làm phúc, không ai dám nói gì. Đến khi tội ác của Thượng dần dần rõ rệt, bị các quan đàn hặc và tống ngục để xét hỏi, Đoàn Thượng tuốt gươm, khỏa thân chạy về Hồng Châu, tụ họp đồ đảng, đắp thành lũy, xưng vương, nghiễm nhiên thành một nước đối địch.
Lời chua - Đoàn Thượng: Người làng Thung Độ, huyện Gia Lộc536 .
Quý Dậu, năm thứ 3 (1213). (Tống, năm Gia Định thứ 6).
Tháng 2, mùa xuân. Trần Tự Khánh đem quân phạm vào cửa cung khuyết.
Giáp Tuất, năm thứ 4 (1214). (Tống, năm Gia Định thứ 7).
Tháng giêng, mùa xuân. Nhà vua lánh đi Lạng Châu.
Bấy giờ Tự Khánh thấy nguyên phi Trần Thị bị Thái hậu hành hạ khổ sở, bèn đem quân phạm cửa cung khuyết, xin đón ngự giá. Nhà vua đem lòng nghi ngờ, xuống chiếu lấy quân các đạo để đuổi
bắt Tự Khánh, truất Trần Thị xuống làm ngự nữ. Hay tin đó, Tự Khánh thân đến cửa quân tạ tội, xin đón ngự giá. Nhà vua lại càng ngờ vực, vội rước thái hậu đi Lạng Châu. Tự Khánh lại đem quân đến, xin đón như trước. Nhà vua cũng vẫn chưa tin, lại rước Thái hậu đi huyện Binh Hợp.
Lời chua - Lạng Châu: Xem Lê Đại Hành, năm Thiên Phúc thứ 2 (Chb. I, 17).
Huyện Binh Hợp: Không khảo được.
Ất Hợi, năm thứ 5 (1215). (Tống, năm Gia Định thứ 8).
Bính Tí, năm thứ 6 (1216). (Tống, năm Gia Định thứ 9).
Tháng 12, mùa đông. Lập Trần Thị làm hoàng hậu. Dùng anh hoàng hậu là Tự Khánh làm Thái úy và Trần Thừa làm Nội thị phán thủ537 .
Trước đây, nhà vua sách lập Trần Thị làm Thuận Trinh phu nhân. Thấy Tự Khánh là người phản trắc, Thái hậu nhiều lần chỉ vạch phu nhân là bè đảng của giặc, khuyên nhà vua ruồng bỏ, nhưng nhà vua không nghe. Thái hậu bắt phu nhân phải tự sát, nhưng nhà vua ngăn cản lại. Thái hậu lại bỏ thuốc độc vào các món ăn, thức uống của phu nhân. Cứ mỗi bữa ăn, nhà vua lại chia sẻ cho phu nhân một nửa và cho cùng ở chung, chứ không để rời khỏi bên mình. Rồi đang đêm, nhà vua cùng với phu nhân vi hành lén đi; đến sáng, vào trú tại nhà tướng quân Lê Mịch ở huyện An Duyên. Nhân bấy giờ Tự Khánh sai bộ tướng Vương Lê đem chu sư538 đến đón, nhà vua mới đóng ở Cứu Liên châu539 , vời Tự Khánh đến chầu. Đến đây, lập Trần Thị làm hoàng hậu, dùng Tự Khánh làm Phụ chính, lại bổ Trần Thừa, là anh của Trần Tự Khánh, làm Nội thị phán thủ. Bấy giờ Tự Khánh và Thượng tướng quân Phan Lân điều động bổ sung quân đội, chế tạo chiến cụ, rèn tập võ nghệ; thanh thế quân đội mới hơi phấn chấn.
Lời chua - An Duyên và Cứu Liên châu: nay không khảo được.
Nhà vua có chứng điên.
Nhà vua bị trúng gió, thuốc chữa không công hiệu, từ đó dần dần sinh chứng cuồng dịch: khi thì xưng là thiên tướng giáng hạ, tay cầm giáo và mộc, trên búi tóc cắm lá cờ nhỏ, đùa giỡn múa may suốt ngày; khi thì toát mồ hôi, trong người ráo khát, uống rượu say, ngủ li bì đến mãi hôm sau mới tỉnh, không làm việc được; phải giao hết cả chính sự cho Trần Tự Khánh. Quyền bính trong nước về cả tay họ Trần.
Lời chua - Cuồng dịch: Sách Thông giám cương mục (Trung Quốc) chép rằng: Hán Ai đế năm Kiến Bình thứ 1, Trung Sơn vương, tên là Cơ, vốn có chứng cuồng dịch, khi bệnh phát ra. Cơ về miền Tây nghỉ. Cuồng dịch là bệnh cuồng, đổi khác cả tính tình.
Đinh Sửu, năm thứ 7 (1217). (Tống, năm Gia Định thứ 10).
Mậu Dần, năm thứ 8 (1218). (Tống, năm Gia Định thứ 11).
Tháng 3, mùa xuân. Động đất.
Sao chổi mọc ở phía tây nam.
Tháng 10, mùa đông. Người Mán ở châu Quảng Oai làm phản. Trần Tự Khánh đi đánh, không dẹp được.
Lời chua - Quảng Oai: Xưa là đất quận Giao Chỉ; nhà Lý gọi là châu Quảng Oai, nhà Trần đặt làm trấn, khi thuộc Minh đổi làm châu; nhà Lê đặt làm phủ, tức là phủ Quảng Oai tỉnh Sơn Tây bây giờ.
Chiêm Thành và Chân Lạp vào cướp châu Nghệ An. Lý Bất Nhiễm đánh bại được quân địch.
Bất Nhiễm giữ chức bá trưởng châu Nghệ An. Năm Kiến Gia thứ 6 (1216), Chiêm Thành và Chân Lạp vào cướp, Bất Nhiễm đã đánh bại rồi; đến đây lại đánh được lần nữa. Vì có công như thế, Bất Nhiễm được phong tước hầu, ban thái ấp, được hưởng lộc đúng với thực số 1500 hộ.
Lời chua - Chiêm Thành: Tức Lâm Ấp. Xem thuộc Tấn, Mục đế, năm Vĩnh Hòa thứ 9 (Tb. III, 20-22).
Chân Lạp: Xem thuộc Đường, Tuyên Tông, năm Đại Trung thứ 12 (Tb. IV, 39).
Nghệ An: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 21-23).
Kỷ Mão, năm thứ 9 (1219). (Tống, năm Gia Định thứ 12).
Canh Thìn, năm thứ 10 (1220). (Tống, năm Gia Định thứ 13).
Tháng 3, mùa xuân. Nguyễn Nộn giữ làng Phù Đổng540 , tự xưng là Hoài Đạo vương.
Nộn là cư sĩ chùa Phù Đổng, vì bắt được vàng và ngọc, không đem dâng triều đình, nên nhà vua hạ chiếu cho bắt. Tự Khánh xin cho Nguyễn Nộn tòng quân đánh giặc để chuộc tội; nhà vua ưng thuận, sai Nguyễn Nộn đem quân đi đánh Mán Quảng Oai. Đến đây, Nguyễn Nộn tự xương vương, dâng biểu xưng thần, xin đi dẹp giặc để chuộc tội; nhà vua sai người đem sắc đến dụ bảo Nộn.
Lời chua - Phù Đổng: Tên làng. Nay là xã Phù Đổng, huyện Tiên Du541 .
Nguyễn Nộn: Người làng Phù Minh, huyện Tiên Du542 .
Tân Tị, năm thứ 11 (1221). (Tống, năm Gia Định thứ 14).
Nhâm Ngọ, năm thứ 12 (1222). (Tống, năm Gia Định thứ 15).
Tháng 2, mùa xuân. Chế tạo binh khí và thuyền chiến.
Quý Mùi, năm thứ 13 (1223). (Tống, năm Gia Định thứ 16).
Tháng 10, mùa đông. Hạn hán. Hoàng trùng.
Tháng 12, Trần Tự Khánh mất. Dùng anh Hoàng hậu là Trần Thừa làm Phụ quốc Thái úy.
Lời chua - Phụ quốc Thái uý: Theo sách Lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi, viên quan đứng đầu hàng các quan của An Nam gọi là Phụ quốc thái uý, cũng như Tể tướng vậy.
Giáp Thân, năm thứ 14 (1224). Tháng 10 trở về sau, là triều Lý Chiêu Hoàng, niên hiệu Thiên Chương hữu đạo thứ 1. (Tống, năm Gia Định thứ 17). Dùng em họ của Hoàng hậu là Trần Thủ Độ làm Điện tiền chỉ huy sứ.
Chứng bệnh nhà vua ngày càng nặng, thuốc chữa mãi cũng không công hiệu. Thủ độ quản lĩnh điện tiền chư quân hộ vệ cấm đình, xét xử tất cả mọi việc. Bấy giờ hoàng hậu Trần Thị sinh được hai công chúa. Công chúa thứ hai là Phật Kim, nhà vua yêu lắm, định lập làm con kế tự, bèn ban cho nàng 24 lộ trong nước để làm ấp thang mộc543 .
Tháng 10, mùa đông. Lập con gái là Phật Kim làm Thái tử.
Nhà vua không khỏi bệnh, lại chưa có con trai thừa tự, trong cung duy có hai nàng công chúa: Con lớn là Thuận Thiên, con bé là Chiêu Thánh, đều do Trần Thị sinh ra. Hiện nay, Thuận Thiên đã lấy Trần Liễu, nên nhà vua lập Chiêu Thánh làm Thái tử.
Lời chua - Trần Liễu: Con cả của Trần Thừa.
Truyền ngôi cho con gái là Phật Kim, nhà vua ra ở chùa Chân Giáo.
Phật Kim bấy giờ mới 7 tuổi, lên nối ngôi, đổi niên hiệu. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Chiêu Hoàng.
Nhà vua ở ngôi 14 năm, rồi truyền cho Chiêu Hoàng, về sau, bị Trần Thủ Độ giết, thọ 33 tuổi.
Lời chua - Chùa Chân Giáo: Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 15 (Chb. II, 24).
Ất Dậu (1225). (Lý Chiêu Hoàng, năm Thiên chương hữu đạo thứ 2 - Từ tháng 12 trở về sau là triều Trần Thái Tông hoàng đế, năm Kiến Trung thứ 1 - Tống, Lý Tông, năm Bảo Khánh thứ 1 - năm này nhà Lý mất).
Tháng 10, mùa đông. Dùng Trần Cảnh làm Nội thị chính thủ544 .
Chiêu Hoàng mới lên ngôi, Thái hậu Trần Thị cùng với em họ là Trần Thủ Độ ngày đêm bàn bạc mưu tính, xuống chiếu tuyển lựa con em các quan trong ngoài, sung làm nội sắc dịch545 thay phiên lên hầu. Thủ Độ thì tự nắm giữ các việc quân sự trong triều và ngoài lộ; dùng cháu họ là Trần Bất Cập làm Cận thị thự lục cục546 Chi hậu; Trần Thiêm làm Chi hậu cục547 ; Trần Cảnh làm Chính thủ548 .
Lời chua - Trần Cảnh: Con thứ Trần Thừa và là cháu họ Thủ Độ.
Chính thủ: Tên chức quan. Lý Thái Tổ năm Thuận Thiên thứ 16, đổi Hỏa đầu làm Chính thủ.
Tháng 12. Nội thị chính thủ Trần Cảnh tự xưng Hoàng đế (tức là Trần Thái Tông).
Trần Cảnh lên 8 tuổi, đến phiên vào hầu, Chiêu Hoàng thấy Cảnh, đem lòng ưa thích, đêm đến, thường vời vào hầu, nô nghịch cười đùa. Trần Cảnh đem việc đó mách bảo Thủ Độ. Thủ Độ nói: "Nếu quả vậy, thì họ ta sẽ là họ nhà vua hay là cả họ sẽ bị giết sạch?". Một hôm, Chiêu Hoàng lại lấy cái khăn trầu549 ném cho Trần Cảnh. Trần Cảnh lạy, nhận lấy, rồi mách với Thủ Độ. Thủ Độ liền đem gia thuộc và họ hàng vào trong cung cấm, sai đóng các cửa thành lại. Trăm quan tiến triều không vào được. Thủ Độ nhân thế, loan báo cho mọi người: "Bệ hạ đã có chồng rồi!". Các quan đều vâng lời và xin chọn ngày vào hầu để làm lễ yết kiến. Ngày 21 tháng 12, bầy tôi tiến triều, lạy mừng. Nhà vua xuống chiếu, truyền ngôi cho Trần Cảnh.
Tờ chiếu ấy đại lược thế này:
"Họ Lý ta vâng mệnh cao sáng từ trời, có cả bốn biển. Liệt tháng550 kế tiếp làm vua hơn hai trăm năm, chẳng may gặp vận gian truân, giặc cướp nổi lên như ong, nhân dân không được yên ổn. Thượng
cho công thần, hoàng hậu và công chúa. Ai được phong thang mộc ấp ở nơi nào, thì có quyền sử dụng số thu nhập của ấp ấy chi phí vào mọi việc để bồi dưỡng lòng liêm khiết của mình.
hoàng mắc bệnh, không người nối dõi, trẫm phải vâng theo thánh chỉ, gượng gạo nối ngôi. Trẫm xét thấy ngôi báu rất là trọng đại mà trẫm là vua đàn bà, phải gánh vác lịch số do trời giao cho, riêng những nơm nớp lo sợ, như sắp sa xuống vực sâu. Nghĩ sao tìm được hiền nhân quân tử, để giúp đỡ về chính trị. Duy có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, uy nghi đường hoàng, thực có phong độ bậc quân tử, có thể nhường cho ngôi báu để chống đỡ trong buổi gian nguy. Vậy rất mong Trần Cảnh đồng lòng hợp sức, dẹp yên loạn lạc, cứu vớt sinh dân, để cùng hưởng phúc thái bình".
Trần Cảnh lên ngôi ở điện Thiên An, đổi niên hiệu; đại xá. Bầy tôi kính dâng tôn hiệu là Khải thiên lập cực chí nhân chương hiếu hoàng đế. Dùng Thủ Độ làm Quốc thượng phu, xếp đặt mọi việc cai trị trong nước. Thủ Độ nói: "Bây giờ giặc cướp đang đồng thời nổi dậy, tai họa và biến loạn ngày càng thêm nhiều: Đoàn Thượng còn giữ mặt Đông, Nguyễn Nộn đang chiếm mặt Bắc; giặc Quảng Oai và giặc Đại Hoàng cũng chưa dẹp yên. Bệ hạ tuổi còn trẻ, chính sự chưa quan. Vả, đương buổi vận nước mới mở mang, lòng dân chưa thống nhất, tai vạ không phải nhỏ đâu. Tôi dẫu là chú, nhưng không biết chữ, mà lại còn phải đánh đông dẹp bắc để trị giặc cướp. Chi bằng mời Thánh phụ551 quyền tạm coi giữ quốc chính, đợi một vài năm nữa nước nhà thống nhất, sẽ lại giao trả quyền chính cho vua, cùng hưởng phúc thăng bình". Bầy tôi đều khen là phải. Bấy giờ Trần Thừa mới xưng là Thượng hoàng, tạm cầm chính quyền.
Lời phê - Thực là việc lạ, suốt nghìn xưa chưa hề có. Các triều đại Bắc phương chưa từng có chuyện được nước như vậy bao giờ. Kìa như họ Sài nối nhà Chu552 đã là chuyện lạ, nhưng cũng chưa lạ đến như thế. Xem ra cũng chẳng qua như bọn Vương Mãng553 và Dương Kiên554 đó thôi. Dầu chẳng mượn danh nghĩa là "bệ hạ có chồng", thiên hạ thế nào chắc cũng về tay họ Trần. Họ Trần lấy được nước, đều là nhờ công sức Thủ Độ, cũng như vua Thuận Trị nhà Thanh với Đa Nhĩ Cổn555 , chứ Trần Thái Tông có gì đáng khen đâu? Cho nên nhà Trần không có miếu hiệu là Thái tổ. Cái cớ làm cho nhà Trần được hưởng nước lâu dài là nhờ công đức Thánh Tông và Nhân Tông đấy chăng. Đây trở lên, nhà Lý từ Thái Tổ năm Canh Tuất (1010) đến Huệ Tông năm Giáp Thân (1224) gồm tám đời vua, cộng với Chiêu Hoàng một năm, tất cả là 216 năm556 .