|
40.
Mầu sắc với truyền thống văn hóa dân tộc
ở mỗi dân tộc việc vận dụng
mầu sắc có tập quán khác nhau. Thí dụ ở các nước phươgn Tây, mầu đen là
mầu tang tóc, còn ở Việt Nam và các nước phương Đông thì phổ biến màu
tang là mầu trắng.
Mầu sắc còn mang đặc trưng sắc thái của các tầng lớp
xã hội khác nhau: Thí dụ mầu vàng là của vua, từ các quan đại thần cho đến
thường dân, cấm không ai được mặc quần áo hoặc xây dựng nhà cửa màu
vàng. Mầu tím là sắc phục của các quan đại thần. Mầu điều, mầu đỏ dành
riêng để tế thần và làm sắc phục cho các cụ thượng thọ. Mầu nâu sòng là
của cửa Thiền dành cho những kẻ quy y Phật tổ, cũng như mầu đen là sắc phục
của linh mục đạo Ky-Tô. Mầu xanh là của những người còn theo đòi Cửa Khổng
sân Trình, của học trò chưa đậu đạt:
Trong bài thơ La-sơn phu-tử Nguyễn Thiếp gửi Tiến sĩ
Nguyễn Khản có câu:
Quân kim bào hốt trung triều sĩ,
Cố ngã lâm tuyền khâm thượng thanh....
(Có nghĩa là: Nay ngài đã là khanh tướng trong triều,
mà còn nhớ đến bạn học ngày xưa áo vẫn xanh). "áo vẫn xanh" tức
là chưa hiển đạt, vẫn còn là bộ quần áo của người hàn sĩ. Mầu đào tức
mầu hoa đào là của các nàng ca sĩ, cho nên mới có danh từ "Hát ả
đào".
Mầu đen, mầu nâu là trang phục rẻ tiền nhất của quần
chúng nông dân. Mầu xanh nhập nội từ đất nước Trung hoa sau giải phóng gọi
là xanh công nhân.
ở Việt Nam, từ xưa tới nay, mầu
đỏ, màu vàng, màu hồng, dùng trong trướng đối chỉ dành để chúc tụng, khao
lão, mừng rỡ, còn trong lễ tang chỉ có thể dùng mầu trắng, mầu xanh, mầu
đen, mầu tím.... không hiểu vì sao, gần đây nhan nhản ở các cửa hàng,
trướng điếu (lễ tang) cùng dùng mầu đỏ, mầu vàng rực rỡ, phải chăng các
cụ già chết là đáng mừng, không cần phải an ủi, lưu luyến, nên chẳng cần
dùng mầu đen, trắng, xanh, tím như ngày xưa. Vì thế mới xẩy ra câu chuyện
oái oăm: Có người đi mừng ông ban 70 tuổi lại mua một bức trướng điếu mầu
đỏ thêu 4 chữ vàng "Tiên cảnh nhàn du", có khác gì chúc cho bạn
mình mau chết để chóng được lên dạo chơi trên cảnh Bồng Lai. Nguyên
"Tiên cảnh nhàn du", (Nghĩa là thanh nhàm dạo chơi trên cảnh tiên)
là để an ủi người mới mất từ nay hết nợ trần gian lên hưởng cảnh tiên. |