K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c
Chính Biên
Quyển thứ 34
Từ Bính Thìn, Lê Hy Tông, năm Vĩnh Trị thứ nhất (1676) đến Ất Dậu, Lê Hy Tông, năm Chính Hòa thứ 26 (1705), gồm ba mươi năm.
Bính Thìn, Hy Tông Chương hoàng đế, năm Vĩnh Trị thứ nhất (1676). (Thanh, năm Khang Hy thứ 15).
Tháng giêng, mùa xuân. Tế nam giao.
Mồng một, tháng 5, mùa hạ. Nhật thực.
Tháng 7, mùa thu. Hạ lệnh cho Hồ Sĩ Dương, thượng thư bộ Công, trông coi việc sửa Quốc sử.
Bọn Thân Toàn phạm tội, bị giáng chức.
Lúc ấy xét công trạng các quan trong kinh, ngoài trấn, triều đình nhận thấy đô ngự sử Thân Toàn khảo xét công trạng không đúng sự thật, nên giáng chức Thân Toàn làm tả thị lang bộ Hộ; còn phó đô ngự sử Vũ Duy Hài và thiêm đô ngự sử Vũ Viết Thứ, triều đình nhận thấy hai người này giữ chức việc ở Ngự sử đài còn ít ngày2857 , nên đều nghĩ phạt. Về việc này, các quan ngoài trấn vì khi khảo xét phải liệt vào hạng cuối cùng, nên hơn mười người bị giáng chức.
Lời chua -Theo quan chế triều cố Lê thì đô ngự sử hàm tùng nhị phẩm, tả thị lang, hữu thị lang và phó đô ngự sử, thiêm đô ngự sử đều hàm tùng nhị phẩm.
Nguyễn Viết Thứ: Người xã Sơn Đồng, huyện Đan Phượng2858 , đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1664) năm Cảnh Trị triều Lê Huyền Tông.
Nguyễn Sĩ Giáo và Trần Thế Vinh phạm tội, bị bãi chức.
Thiêm đô ngự sử Sĩ Giáo là người a dua phụ họa, kết bè đảng bênh vực riêng cho nhau, bị bầy tôi trong triều đàn hặc; giám sát ngự sử Thế Vinh do triều thần bảo cử (triều bảo) thăng chức đề hình ngự sử, Thế Vinh được tin người thân sinh (bố hoặc mẹ) mất, lại ẩn giấu đi không phát tang. Bọn hàn lâm hiệu thảo Nguyễn Đức Vọng thay đổi nhau làm sớ đàn hặc là Thế Vinh không phải người biết giữ đạo hiếu. Vì thế, Sĩ Giáo và Thế Vinh đều bị bãi chức.
Lời chua -Đề hình: Theo quan chế triều cố Lê, thì đề hình ngự sử cùng giám sát ngự sử mười ba đạo đều hàm chánh thất phẩm, nhưng ban thứ thì đề hình đứng trên ngự sử mười ba đạo.
Hiệu thảo: Quan chức trong viện Hàn lâm. Chức trách viện Hàn lâm là: phàm tờ chiếu, tờ chế đều do viện này đứng khởi thảo. Về việc các quan trong triều đường bảo cử, mà còn có đều gì chưa được thỏa đáng, thì viện này đều được phép hặc tâu để xét lại.
Triều bảo: Tức là quan trong triều đường bảo cử.
Sĩ Giáo: Người xã Mi Sơn, huyện Thanh Chương2859 , đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1664) năm Cảnh Trị triều Lê Huyền Tông.
Thế Vinh: Người xã Phong Xuyên, huyện Tiên Phong2860 , đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670) năm Cảnh Trị.
Đức Vọng: Người xã Vịnh Cầu, huyện Đông Ngàn2861 , đỗ tiến sĩ khoa Quý Sửu (1673) năm Dương Đức triều Lê Gia Tông.
Tháng 10, mùa đông. Bổ dụng Binh bộ Thượng thư Nguyễn Mậu Tài và Công bộ Thượng thư Hồ Sĩ Dương đều giữ chức Tham tụng.
Trước đây, Mậu Tài từng làm quan phó Đô ngự sử, sau vì có công phụng mạng đi sứ, được thăng Thượng thư bộ Hình. Đến nay, tham tụng Vũ Duy Chí thôi làm quan, về nghĩ, nên Mậu Tài lại được thăng Thượng thư bộ Binh, rồi cùng Sĩ Dương đều vào phủ chúa Trịnh giữ chức Tham tụng.
Mồng một, tháng 12. Nhật thực.
Định rõ lại điều lệ khám xét kiện tụng.
Việc kiện về nhân mạng, trộm, cướp, và các việc tạp tụng như việc hộ, việc hôn2862 , việc ruộng đất v.v... đều tùy theo thứ tự xét xử; về án nhân mạng thì trước hết do viên phủ, viên huyện khám nghiệm xét đoán, rồi hai ty Thừa chính và Hiến sát hội đồng khám lại. Về án trộm, cướp; nếu ở trong kinh thì do viên đề lãnh xét xử, nếu ở ngoài các trấn thì do viên trấn thủ xét xử.
Các việc kiện lớn, kiện nhỏ2863 đã qua các nha môn xét xử mà người đương sự chưa phục tình, nếu là việc xét xử ở huyện, ở phủ, ở ty Thừa chính hoặc ty Trấn thủ, thì việc kiện ấy phải phúc trình lên ty Hiến sát; nếu việc xét xử ở ty Hiến sát, thì phải phúc trình lên ty Giám sát; nếu việc xét xử ở viên đề lãnh hoặc viên Giám sát, thì phải phúc trình lên Ngự sử đài.
Thời hạn xét xử kiện: việc tạp tụng hạn trong 6 tháng, việc án nhân mạng hạn trong một năm.
Đinh Tỵ, năm thứ 2 (1677). (Thanh, năm Khang Hy thứ 16).
Mùa xuân. Sai Đinh Văn Tả đánh Mạc Kính Vũ ở Cao Bằng. Kính Vũ trốn sang đất nhà Thanh. Địa phương Cao Bằng hết thảy đều bình định được.
Trước đây, Kính Vũ dựa vào thanh thế triều đình nhà Thanh, lại chiếm cứ đất Cao Bằng2864 . Đến khi Ngô Tam Quế làm phản ở Vân Nam, Kính Vũ theo theo đế hiệu tiếm ngụy của Tam Quế và giúp binh lương. Tam Quế chết, quân nhà Thanh kéo vào Quảng Tây. Vì thế, triều đình bàn nhân cơ hội này tiến quân tiễu trừ bọn Kính Vũ. Trước hết đưa thư cho Lại Tháp Lị, tướng quân nhà Thanh, kể rõ tội trạng Kính Vũ; rồi sai Đinh Văn Tả, Nguyễn Hữu Đăng đem quân đi đánh, Thân Toàn giữ chức Thị sư, Đoàn Tuấn Hòa tham tán việc quân.
Tháng 8 năm này, bọn Đinh Văn Tả đánh phá được Kính Vũ ở Cao Bằng, Kính Vũ chạy sang Long Châu, đồ đảng con lại đều tan vỡ.
Dư đảng nhà Mạc chiếm cứ Cao Bằng, kể từ Kính Dụng đến Kính Vũ, trải 3 đời, 85 năm, đến nay mới dẹp tan, triều đình nhà Lê khôi phục được hết đất Cao Bằng. Sau triều đình cho triệu Văn Tả về, dùng Đặng Công Chất thay thế và để Tuấn Hòa ở lại giữ chức tham trấn.
Văn Tả là người mạnh khỏe, có thao lược, thường theo lệnh đi đánh dẹp, đánh đâu được đấy, là viên tướng có tiếng một thời. Con cháu sau này đời đời giữ việc binh nhung, người ta có câu ngạn ngữ: "Hàm giang thảo tặc2865 ". Câu ấy có ý nói người ở Hàm Giang đánh giặc giỏi.
Lời chua -Vân Nam, Quảng Tây: Đều xem Bình Định vương năm thứ 10 (Chb. XIV, 10).
Long Châu: Xem Trần Thánh Tông, năm Bảo Phù thứ 4 (Chb. VII, 17).
Ngô Tam Quế: Truyện nghịch thần nhà Thanh chép: Tam Quế người Liêu Đông, làm quan tổng binh nhà MInh. Khi lưu tặc2866 là Lý Tự Thành đánh phá Yên Kinh, Tam Quế đầu hàng nhà Thanh, nhà Thanh trao cho tước Bình tây vương. Năm Khang Hy thứ 6 (1667) chuyển đi trấn thủ Vân Nam; năm thứ 12 (1673), Tam Quế cùng Ngô Ứng Lân, Ngô Quốc Quý làm phản, tự xưng là thiên hạ đại nguyên soái; năm thứ 17 (1678), xưng hoàng đế, tiếm quốc hiệu là Đại Chu, sau bị bệnh chết, đồ đảng của giặc lập người cháu Tam quế là Thế Phồn, nối nghiệp; đến năm thứ 20 (1681) mới dẹp được.
Hữu Đăng: Người phường Đông Các huyện Thọ Xương, đỗ tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1667) năm Cảnh Trị triều Lê Huyền Tông, phường Đông Các nay là thôn Dũng Thọ2867 .
Tuấn Hòa: Sau đổi là Tuấn Khoa, người xã Cự Đồng, huyện Siêu Loại, đỗ tiến sĩ khoa Bính Thìn (1676) năm Vĩnh Trị triều Lê Hi Tông.
Tháng 7, mùa thu. Định rõ thể lệ phong thế ấm cho công thần văn võ và thể lệ miễn giao dịch cho lại điển hoặc dân đinh.
Đầu niên hiệu Vĩnh Tộ2868 , bầy tôi có quân công được dự phong "công thần" , phần nhiều được đời đời phong ấm.
Đến nay, tham tụng Nguyễn Mậu Tài và Hồ Sĩ Dương xin giảm bớt đi, bèn định rõ lại như thế này:
Công thần khai quốc: hàng võ từ đô đốc, hàng văn từ thị lang trở lên; công thần trung hưng: hàng võ từ đô đốc đồng tri, đô đốc thiêm sự, hàng văn từ thị lang, ngự sử trở lên, thì con cháu đều được đời đời phong ấm.
Ngoài ra, những người nào ở trong hai ban văn, võ mà chưa được dự phong "công thần" , thì về hàng võ từ tam thái, tam thiếu2869 đến đô đốc đồng tri, đô đốc thiêm sự; về hàng văn từ tam thái, tam thiếu, thượng thư đến thị lang, con cháu được 5 đời phong ấm.
Các chức dưới thì theo thứ tự giảm dần: hàng văn, từ tứ phẩm trở xuống có quận công; hàng văn, những người trúng trường đã từng được giao cho giữ chức tá nhị, thì các con những người này đều là quan viên tử; nhưng nếu người nào mới được trao chức lần đầu, thì chỉ một con trai được miễn dao dịch.
Tạp lưu cùng lại2870 thừa2871 các nha môn, chỉ dược miễn dao dịch cho bản thân mình.
Sinh đồ nộp nửa suất thuế dung.
Dân đinh 50 tuổi là lão hạng, 60 tuổi là lão nhiêu, đều được miễn dao dịch.
Lời chua -Công thần: Triều Tiền Lê khi Thái Tổ dẹp được giặc Minh, phong 227 người công thần, đấy là công thần khai quốc2872 . Triều Hậu Lê từ Trang Tông đến Thế Tông diệt được nhà Mạc, những bầy tôi có công lao được phong là công thần, đấy là công thần trung hưng. Năm Vĩnh Tộ thứ 5 (1623), Trịnh Xuân nổi loạn, xa giá Thần Tông phải chạy về Thanh Hóa, Trịnh Tráng đem tướng sĩ đánh phá Trịnh Xuân, tiến lấy lại Đông Đô, phàm bầy tôi có công theo hầu xa giá và người có công đánh dẹp cũng được dự phong là công thần được đời đời phong ấm.
Trúng trường: Hương cống thi hội lọt được ba kỳ gọi là trúng trường.
Tá nhị: Như tự thừa, trưởng sử, bình sự, lục sự v.v... Tà nhị đều là thuộc viên ở các nha môn.
Tạp lưu: Tức các chức tăng chánh, tăng phó, đạo chánh đạo phó.
Mậu ngọ, năm thứ 3 (1678). (Thanh, năm Khang Hy thứ 17).
Tháng 4, mùa hạ. Động đất.
Ngày Nhâm Tý, tháng 5. Sao Thái Bạch xuất hiện giữa ban ngày.
Tháng 7, mùa thu. Định rõ điều lệ thi hương.
Thi hương, thi hội, cứ ba năm mở một khoa. Khoảng niên hiệu Cảnh Trị (1663-1671), chỉ định rõ phép thi hội, còn phép thi hương vẫn còn sơ lược. Đến nay, triều đình sai bộ Lễ định lại cho được rõ ràng.
Lời chua -Điều lệ: Cố Lê thiện chính lục chép: Năm ấy bàn định điều lệ thi hương thế này:
Ngày học trò vào trường thi, đều bắt đầu từ ngày mồng 8 tháng 8. Số học trò ứng thi; xã lớn 20 người, xã vừa 15 người, xã nhỏ 10 người, xã nào ít học trò thì không bó buộc theo y số ấy.
Quan huyện, quan châu khảo xét học trò rồi chia ra hai hạng: toàn thông và thứ thông. Toàn thông là hạng học trò thi đủ được thể văn bốn kỳ, thứ thông là hạng học trò thi đủ được thể văn ba kỳ. Huyện lớn được 20 người , huyện vừa 15 người, huyện nhỏ 10 người2873 .
Hiệu quan khảo hạch sinh đồ đã đỗ các khoa trước trong phủ mình, người nào thông hiểu văn lý là hạng hay chữ, người nào hơi kém là hạng thứ hai, người nào trễ biếng bỏ học sẽ không được thi.
Thể thức văn bài: Bài làm cần phải dùng ý nghĩa hồn hậu đầy đủ, nếu bài nào ý nghĩa phù bạc hoặc rập theo sáo cũ sẽ bị nhất luật đánh hỏng.
Các quan được cử sung vào công việc trong trường thi:
Trường thi ở tứ trấn và Thanh, Nghệ, chức đề điệu, chức giám thí mỗi chức đều cử một viên quan đại thần trong hàng văn ban.
Trường thi ở Phụng Thiên, chức giám thí dùng viên đô cấp sự.
Chức giám khảo và đồng khảo ở các trường kể trên: giám khảo dùng viên chức trong viện Hàn lâm hoặc các khoa, các đạo; đồng khảo dùng các chức lang trung, viên ngoại và các viên huấn, giáo ở phủ huyện đã từng thi hội trúng được ba kỳ mà là người có văn chương, có danh dự, đức vọng sung vào.
Các trường thi ở Thái Nguyên, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Lạng Sơn và Yên Quảng, chức đề điệu và giám thí dùng quan chức trong hai ty Thừa chính và Hiến sát.
Nhận diện và điểm mục: Ngày học trò vào trường thi, thì hiệu quan và xã trưởng phải đến cửa trường nhận diện học trò, đề phòng việc gian trá giả mạo. Ngày hôm ấy, phàm hương cống các khoa trước mà có quan chức phải hội hợp điểm mục ở cửa điện đình, sinh viên phải hội họp điểm mục ở Quốc Tử giám, để ngăn mối tệ đội quyển làm gà. Người nào vắng mặc ngày hôm ấy thì người có trách nhiệm sẽ hặc tâu để trị tội.
Trong điều lệ này, có nói cả đến chức trách các viên giữ việc tuần xước2874 , thể sát2875 , di phong2876 , soạn hiệu2877 , và mọi thứ cần dùng ở trong trường thi.
Lại tham khảo về đời cổ Lê, bốn trấn Sơn Nam, Kinh Bắc, , Hải Dương, Sơn Tây, hai xứ Thanh Hoa, Nghệ An, phủ Phụng Thiên phụ cận kinh kỳ, và Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Yên Quảng ở ngoại trấn, cứ đến khoa thi, mỗi xứ đều mở trường thi hương. Sau các xứ ở ngoài trấn thi phụ vào trường thi của bốn trấn.
Về việc cử các chức đề điệu và giám thị: Trường Phụng Thiên vì số học trò có ít, nên ngoại trường2878 chỉ đặt một viên giám thí; còn các trường khác đều đặt hai viên; đề điệu và giám thí; riêng các trường ở ngoại trấn thì dùng quan Thừa chính và Hiến sát giữ chức đề điệu và giám thí.
Hiệu quan: Một danh từ gọi các viên giáo dụ ở các phủ thời bấy giờ.
Đề điệu: Tức chánh chủ khảo ngày nay.
Giám thí: Tức phó chủ khảo ngày nay.
Kỷ Mùi, năm thứ 4 (1679). (Thanh, năm Khang Hy thứ 18).
Tháng 2, mùa xuân. Bàn định công tướng sĩ thu phục được Cao Bằng, thăng thưởng có từng hạng khác nhau.
Thăng thưởng cho Hoàng Nghĩa Hy tước Lãng quận công; những người có công được theo thứ tự thăng thưởng 160 người; ngoài ra đều tính số tai giặc xẻo được2879 nhiều hay ít mà ban thưởng bằng bạc.
Lời cẩn án - Sách Lê sử tục biên chép: "Bàn công đánh ở Giang Mãng" (luận Giang Mãng2874 công). Tạp kỷ của Cao Lãng2875 chép: "Bàn công đánh Mạc Nguyên Thanh" (luận thảo Mạc Nguyên Thanh công).
Nay xét: Năm trước quan quân đánh Mạc Kính Vũ ở Cao Bằng, Kính Vũ tức Nguyên Thanh. Cao Bằng có Mãng Giang ở các tỉnh thành hiện nay 13 dặm về phía Bắc. Thế thì Mãng Giang là địa điểm mà quan quân đã đánh Mạc Nguyên Thanh, vì thế mà về sau bàn định công đánh Mạc mới dùng tên đất mà gọi tên mặt trận. Đến như việc đánh Mạc Kính Vũ ở Cao Bằng, thì Đinh Văn Tả làm đốc tướng, thì khi thưởng công lại cho Hoàng Nghĩa Hy đứng đầu. Có lẽ trận chiến thắng ở Mãng Giang, Nghĩa Hy là người lập công đầu chăng? sách Lê Sử tục biên là một bản sao, chưa phải là sách đã biên soạn xong hẳn. E rằng chỗ này còn có điều thiếu sót. Lời chua - Hoàng Nghĩa Hy: Người xã Hoàng Vân, huyện Kim Động2882 , là con Hoàng Nghĩa Giao.
Cao Bằng: Tức Bắc Bình, nguyên trước thuộc Ninh Sóc, xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 19, 31, 32, 35).
Tháng 10, mùa đông. Thanh Hoa bị nạn đói.
Thanh Hoa bị nước tràn ngập, hoàng trùng phá hại lúa, nhân dân phần nhiều phiêu tán. Triều đình hạ lệnh xá thuế dân đinh và các thuế tuần ty, thuế bến đò, giảm bớt các sự lệ cúng tế. Lại hạ lệnh cho hai ty Thừa chính, Hiến sát và phủ huyện đều phải trai giới cầu đảo.
Lời chua - Thanh Hoa: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 16, 20, 21, 33).
Canh Thân, năm thứ 5 (1680). (Thanh, Khang Hy thứ 19).
Ngày Canh Ngọ, tháng 10, mùa đông. Sao Chổi xuất hiện ở phương Tây. Hạ lệnh; ân xá; đổi niên hiệu.
Tân Dậu, năm Chính Hòa thứ 2 (1681). (Thanh, năm Khang Hy thứ 20).
Ngày Giáp Dần, tháng 2, mùa xuân. Sao Chổi xuất hiện ở vị trí sao Chẩn.
Đại hạn, dân bị nạn đói.
Từ mùa xuân đến mùa hạ, không mưa, lúa mạ khô héo, nhân dân khô đói.
Nhâm Tuất, năm thứ 3 (1682). (Thanh, năm Khang Hy thứ 21).
Tháng giêng, mùa xuân. Sai sứ thầng sang nhà Thanh.
Sai bọn Thân Toàn và Đặng Công Chất sang nhà Thanh dâng lễ tuế cống, nhân tiện cáo phó về việc Huyền Tông mất và xin phong tước.
Tháng 5, mùa hạ. Truy tôn Nguyễn Thị, quý phi của Thần Tông, làm Minh Thục hoàng thái hậu.
Lời chua - Hậu: Tên là Ngọc Bạch, người xã Hoàng Đan, huyện Gia Viễn2883 , là sinh mẫu Lê Chân Tông.
Ngày Mậu Dần, tháng 8, mùa thu. Sao Chổi xuất hiện ở vị trí sao Dực và sao Chẩn.
Tham Tụng Nguyễn Mậu Tài bị giáng chức. Nguyễn Văn Đương được thăng hữu thị lang bộ Binh và giữ chức bồi tụng trong phủ chúa.
Lúc ấy, Mậu Tài giữ chức tham tụng, Nguyễn Văn Đương tham chính Thanh Hoa, dâng tờ khải nói: "Chính lệnh trong một nước, phó thác ở tể tướng, chính lệnh bỏ bê trệ hay thi hành là quan hệ ở người thừa hành thiên tư hay ngay thẳng. Nay Mậu Tài ghen ghét người hiền tài, gây bè đảng riêng, kết dâu gia với viên tham tụng trước là Hồ Sĩ Dương, công việc trong triều kẻ xướng, người họa, lừa dối che lấp cả trí thông sách của bề trên, rất không xứng đáng với chức vụ. Mấy năm gần đây, nào động đất, nào thủy tai, nào sao Bột, sao Chổi, nào hạn hán, hoàng trùng, những việc tai dị luôn luôn sinh ra, mà bầy tôi trong triều không ai dám vạch rõ tội lỗi của họ. Vậy xin rộng lựa chọn những người hiện tại chức xem người nào có đạo đức, độ lượng, tài năng, trí tuệ cho giữ chức tể tướng. Có như thế, thì chức quan được người xứng đáng, nhân dân được vui vẽ làm ăn, mà có thể dần dần đem lại khí hòa của đất trời được".
Tạc biết Mậu Tài là người thuần cẩn, không có lỗi gì to. Nhưng thấy Văn Đương dám nói thẳng, Tạc có ý muốn khuyến khích mọi người, bèn giáng chức Mậu Tài làm tả thị lang bộ Hộ, cất nhắc Văn Đương làm hữu thị lang bộ Binh cho vào hầu trong phủ giữ chức bồi tụng.
Văn Đương thẳng thắng không a dua, tính tình ít hòa hợp được với người khác; ở trong triều, dám nói thẳng, không kiêng nể, sợ hãi, nên người ta khen Văn Đương là người ngay thẳng.
Lời chua - Văn Đương: Người xã Bồ Sao, huyện Bạch Hạc2884 , đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu (1661) năm Vĩnh Thọ triều Lê Thần Tông.
Trịnh Tạc mất. Con là Căn nối giữ tước vương.
Tạc chuyên nắm chính quyền 25 năm. Khi mất, truy xưng Dương Vương, tiếm hiệu là Hoàng tổ. Thế tử Căn nối nghiệp, xưng Định Vương.
Căn là con trưởng của Tạc, lúc còn ít tuổi, vì có tội phải giam trong ngục, sau dùng kế quỷ quyệt được khỏi tội. Liền đó, lại được làm phó đô tướng, trấn thủ Nghệ An, rồi dần dần phong đến tiết chế, tiến phong làm nguyên soái, giữ chính quyền trong nước, tước Định nam vương. Đến nay Tạc mất, Căn bèn nối ngôi chúa.
Tháng 10, mùa đông. Lê Hải, trấn thủ Cao Bằng, dụ được đồ đảng họ Mạc là Nguyễn Công Hồi đầu hàng. Hải được thăng chức đề đốc.
Trước đây, Đặng Công Chất trấn thủ Cao Bằng, bị nha lại và dân chúng tố cáo, phải triệu về triều, triều đình bổ Lê Hải lên thay. Hải đến trấn thủ, dụ được đồ đảng họ Mạc là Nguyễn Công Hồi đem hơn một ngàn bộ thuộc đến trấn đầu hàng.
Triều đình phong cho Hồi tước hiệu quận công và thăng thưởng cho Hải chức đề đốc.
Lời chua - Lê Hải: Có sách chép Lê Hối, người xã Phú Hào, huyện Lôi Dương2885 là con Lê [Thì] Hiến.
Quý Hợi, năm thứ 4 (1683). (Thanh, năm Khang Hy thứ 22).
Mùa xuân. Người nhà Thanh giao trả tù binh họ Mạc cho nước ta, nhà vua ngự ở điện Kiền Nguyên để nhận.
Tháng 6 năm trước, vua nhà Thanh hạ lệnh cho quan chức Quảng Tây giao trả tù binh gồm những người nhà Mạc là bọn Kính Liêu. Thích Dục tuần phủ Quảng Tây, báo tin ấy cho nước ta biết. Triều đình sai phó đô ngự sử Vũ Duy Đoán và trấn thủ Lạng Sơn là hoạn quan Thân Đức Tài cùng nhau đến cửa ải nơi biên giới tiếp nhận tù binh. Lúc ấy công văn trao đổi, tên của Duy Đoán đứng dưới tên của Đức Tài. Đến nay triều đình sai Duy Đoán và Vũ Công Đạo lại đi tiếp nhận tù binh. Lúc này, Duy Đoán đã
thăng chức thượng thư và Công Đạo giữ chức đô ngự sử, nhưng Trịnh Căn muốn rằng trong công văn vẫn cứ đề tên theo thứ tự đã đề trước. Duy Đoán khẳng khái nói: "Tôi tự hổ là một người chỉ làm để cho đủ vị thượng thư thôi, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng vương thượng coi "nam nha"2886 là cao quý, không ngờ bây giờ "hoàng môn"2887 lại ở trên "nam nha". Việc này tôi không dám vâng theo mệnh lệnh". Vũ Công Đạo cũng cố tranh luận là không nên như thế. Căn giận lắm, bèn bãi chức hai người này, rồi hạ lệnh khác cho bồi tụng Nguyễn Quai và cấp sự trung Trần Thế Vinh, Đặng Đình Tướng cùng với Đức Tài cùng đi.
Vương Quốc Trinh, thông phán Nam Ninh, là viên quan do triều đình nhà Thanh phái ủy, muốn giao trả tù binh ở cửa ải Thủy Khẩu thuộc Cao Bằng, hắn đã dựng nhà từ trước để đợi phái bộ nước ta, nhưng bọn Nguyễn Quai lấy lẽ rằng, Cao Bằng không phải là nơi giao nhận, không chịu theo. Quốc Trinh trong bụng căm giận, nhưng cũng gượng gạo đến trấn Nam Quan; khi đến nới, hắn buông xổng cho lính bản thổ đánh đấm lẫn nhau, đâm thủng cả hai lần áo cừu của Đình Tướng, rồi lại đòi nộp 5.500 lạng bạc hành lý.
Số tù binh họ Mạc mà nhà Thanh giao trả, vừa lớn vừa nhỏ là 350 mgười, Đức Tài kiểm điểm xét duyệt, rồi phân phối đưa đi cho được yên phận ở xen vào với dân Lạng Sơn, còn bọn Kính Liêu cả thảy 124 người thì dẫn giải về triều dâng ở dưới cửa cung khuyết. Nhà vua ngự điện Kiền Nguyên nhận tù binh, sau lại dẫn đến sân phủ chúa để chịu tội, bọn này đều được tha. Bọn Kính Liêu ba người được triều đình trao cho quan chức, ngoài ra đều phân phối đi các nơi để được yên phận ở xen vào với dân bản xứ, hằng năm giúp đỡ cho vãi và tiền.
Sau này, triều đình xét thấy Đình Tướng đưa số bạc cho Quốc Trinh nhà Thanh quá nhiều, nên Đình Tướng bị giáng chức một trật, còn Nguyễn Quai và Sĩ Vinh có bệnh không dự vào việc hội hợp giao bạc cho Quốc Trinh, nên phải phạt tiền nhiều ít khác nhau.
Triều đình lại đưa thư sang nhà Thanh nói về tình trạng Quốc Trinh yêu sách và không có lễ độ, viên tổng đốc Lưỡng Quảng là Ngô Hưng Tộ sau khi xét hỏi Quốc Trinh, liền đem bản án dâng lên triều, cuối cùng Quốc Trinh bị khép vào tội trảm hậu2888 , còn số bạc mà Quốc Trinh đã tham tang thì thu lấy sung công.
Lời phê - Đã trái cả hình luật, lại quên cả sĩ nhục2889 . Lời cẩn án - Bang giao là lễ trọng đại mà hoạn quan được tham dự, thượng thư và ngự sử là chức quan cao quý trong triều mà hoạn quan được vượt lên trên. Thế là đem bọn sống sót sau khi bị cắt thiến đứng trên hàng quan vào bậc tấn thân2890 . Lời tranh luận của Duy Đoán và Công Đạo thật là hợp với lẽ phải, thế mà Trịnh Căn lài bênh vực Đức Tài mà bãi chức bọn Duy Đoán, thì Trịnh Căn tự ý làm càn, cũng đã quá lắm! Lúc ấy, họ Trịnh lăn loàn lấn vượt, phàm công việc đã làm, thật khó đem lẽ phải mà đo đắn được. Sở dĩ họ Trịnh còn có thể cai trị nước được, là nhờ các sĩ phu vui lòng giúp đỡ đấy thôi. Thế mà lại khinh bỏ cả thể diện quốc gia, coi thường cả phẩm giá danh sĩ, để đến nỗi sau này bọn "điêu đang"2891 lộng quyền mà quan văn quan võ trong triều phải theo chúng sai khiến, rồi cuối cùng họ Trịnh cũng phải diệt vong. Thế thì việc này chả phải đáng làm gương răn một cách sâu sắc đó sau ? Lời chua - Thủy khẩu quan: Theo sách Quảng Tây thông chí nhà Thanh, thì Thủy khẩu quan ở phía tây bắc Long Châu 95 dặm, giáp biên giới nước ta.
Trấn Nam quan: Có một tên nữa là Đại Nam quan, giáp với châu Văn Uyên tỉnh Lạng Sơn nước ta. Xem Lê Trang Tông, năm Nguyên Hòa thứ 8 (Chb. XXVII, 35).
Nam Ninh: Theo nhất thống chí nhà Thanh, thì về đời Tây Hán và Đông Hán, Nam Ninh là đất Uất Lâm; từ nhà Tấn về sau, là quận Tấn Hưng; nhà Đường, là quận Lãng Ninh thuộc châu Ung; nhà Tống, là quận Vĩnh Ninh thuộc châu Ung; nhà Nguyên gọi là lộ Nam Ninh; nhà Minh đổi là châu Nam Ninh, thuộc ty Bố chánh sứ tỉnh Quảng Tây; nhà Thanh cũng theo như nhà Minh.
Nam Nha: Cương mục tập lãm chép: Nhà Đường chia tể tướng làm nam ty, hoạn quan làm bắc ty, vì thế mới có danh từ "nam nha, bắc nha".
Hoàng môn: Theo "Bách quan chí" trong Hậu hán thư, thì chức hoàng môn lệnh một người, ăn lộc 600 thạch, giữ việc trông nom các hoạn quan trong sảnh. Sách ấy lại chua rằng: Cửa cung cấm gọi là cửa vàng (hoàng thát) dùng hoạn quan trông coi, nên viên quan coi giữ cung cấm gọi là hoàng môn lệnh.
Vũ Duy Đoán: Người xã Mộ Trạch, huyện Đường An, đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1664) năm Cảnh Trị triều Lê Huyền Tông.
Nguyễn Quai: Người xã Vân Điềm, huyện Đông Ngàn.
Đặng Đình Tướng: Người xã Lương Xá, huyện Chương Đức, Nguyễn Quai và Đình Tướng đều đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670) năm Cảnh Trị triều Lê Huyền Tông.
Thích Dục: Người Định Châu nhà Thanh. Nhất thống chí nhà Thanh liệt Thích Dục vào hàng quan lại có danh tiếng.
Hạ lệnh: Đề cử người có tài cán, thao lược, trí mưu, dũng cản.
Bầy tôi về hàng quan võ đều được xét những thuộc hạ của mình xem người nào có thao lược, trí mưu, dũng cảm thì đề cử để triều đình biết. Về phần con em nhà tướng, người nào có tài năng đức độ thì tự mình được tiến cử lấy.
Tháng 9, mùa thu. Sứ thần nhà Thanh sang nước ta.
Vua nhà Thanh sai Thị độc Minh Đồ và Biên tu Tôn Trác Vinh sang sách phong và ban cho quốc ấn.
Trước đây, Ngô Tam Quế, bầy tôi bạn nghịch nhà Thanh, chiếm cứ Vân Nam, xin nhà Lê cứu viện, triều đình nhà Lê cự tuyệt sứ thần của Tam Quế. Kịp khi nhà Thanh dẹp được Tam Quế, vua Thanh tự tay viết bốn chữ "trung hiếu thủ bang"2892 ban cho vua Lê, là có ý trọng vua Lê về việc không giúp Tam Quế. Rồi vua Thanh lại sai thị độc Ô Hắc2893 và lang trung Chu Xán sang dụ bảo việc ban lễ phẩm tế Huyền Tông và Gia Tông. Lúc ấy Trịnh Tạc đã mất rồi, nhưng chưa làm lễ táng. Trịnh Căn giả mạo quốc thư đưa đến mời sứ thần nhà Thanh viếng Trịnh Tạc, Minh Đồ bèn dùng lễ riêng phúng viếng.
Lời phê - Nước lớn cũng không có người giỏi2894 . Lời chua - Theo Nhất thống chí nhà Thanh, thì năm Khang Hy thứ 22 (1683), nhà Thanh sai quan sang nước ta sách phong, ban cho cáo mạng và đổi cho quả ấn mới đúc, quả ấn này bằng bạc mạ vàng núm ấn đúc hình con lạc đà. Lại ban cho bốn chữ "trung hiếu thủ bang" do chính tay vua Thanh viết.
Xét: Năm Quang Hưng thứ 21 (1598) triều Lê Thế Tông, nhà Minh hạ chiếu phong vua Lê chức An Nam đô thống sứ ty đô thống sứ, và ban cho một quả ấn bằng bạc; năm Phúc Thái thứ 4 (1646) triều Lê Chân Tông, nhà Minh sai sứ sang phong Thần
Tông (lúc này Thần Tông đã xưng thái thượng hoàng) làm An Nam quốc vương và ban cho một quả ấn bằng bạc mạ vàng.
Giáp Tý, năm thứ 5 (1684). (Thanh, năm Khang Hy thứ 23).
Tháng 4, mùa hạ. Hạ lệnh cho viên quan có trách nhiệm thăm hỏi sự đau khổ ở dân gian.
Trịnh Căn hạ lệnh rằng: "Thương yêu nhân dân là công việc đứng đầu trong mọi việc chính trị. Nhân dân, có người vì quan sở tại hà khắc, bọn quyền quý ức hiếp, có người vì cớ gì đó mà phải phiêu tán đi nơi khác, những hạng người ấy cần được vỗ về thương yêu mới phải". Bèn hạ lệnh cho ty Hiến sát các xứ đi tuần hành dò hỏi, đến cuối năm sẽ theo tình thật từng loại người làm tờ khải trình bày, để tìm phương pháp giúp đỡ cho họ. Lệnh này được ghi vào lệnh chỉ để thi hành.
Tháng 8, mùa thu. Gió lớn; vỡ đê sông Nhị.
Gió lớn, nước tràn dẫy lên, đê sông Nhị bị vỡ, lúa ruộng ở các huyện vùng Tây Bắc phần nhiều tổn hại.
Lời chua - Nhị Hà: Có một tên nữa là sông Phú Lương. Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 2 (Chb. II, 13).
Tháng 10, mùa đông. Trịnh Căn phong cho con thứ là Bách làm tiết chế.
Trước đây, con cả của Căn là Vĩnh đã chết, các con của Vĩnh còn bé, Bách là em Vĩnh, tuổi đả hơi lớn, nên Trịnh Căn tiến phong làm khâm sai tiết chế các doanh quân thủy, quân bộ, kiêm giữ quyền chính trong nước, chức thái úy, tước Kiêm quận công, mở phủ Lý Chính. Tiến phong như thế, là có ý dùng Trịnh Bách làm người nối nghiệp.
Trịnh Căn tự tiến phong là đại nguyên soái, tổng quốc chính, thượng thánh phụ sư thịnh công nhân minh uy đức Định vương.
Trước đây. Căn đã xưng nguyên soái Định quốc vương. Bầy tôi bàn tấn phong tước vương chỉ dùng một chữ2895 . Căn bề ngoài, giả vờ nhúng nhường không nhận thấy đã hàng mấy năm, đến nay mới nhận mệnh lệnh.
Lời phê - Càng ngày càng quá! Mũ và giày đảo ngược, không còn phân biệt được trên dưới nữa. Bầy tôi đều đã là tôi tớ nhà họ Trịnh cả rồi không kể làm gì. Đến như người làm vua còn cứ nhận lấy danh tiếng hão huyền ấy mà quên cả liêm sĩ, cũng đáng lấy làm quái gở! Như thế mà họ Trịnh vẫn không cướp ngôi vua, không hiểu vì lý do gì? Ất Sửu, năm thứ 6 (1685). (Thanh, năm Khang Hy thứ 24).
Tháng 8, mùa thu. Định rõ lại phép khảo công.
Trước đây, các quan trong kinh ngoài trấn, mỗi năm một lần khảo công. Khi khảo xét xong, liền thi hành ngay việc truất bãi hoặc thăng trật, người ta khổ sở vì thời hạn quá ngặt. Nay bèn định mỗi năm một lần khảo công, nhưng để đủ ba lần khảo xét mới thi hành việc truất bãi hoặc thăng trật. Phép thưởng và phạt chia ra ba hạng thưởng, trung, hạ, khác nhau.
Lời chua - Phép khảo công: Theo Lê triều thiện chính thì điều lệ khảo công năm ấy như thế này:
Quan trong kinh, ngoài trấn, người nào ba lần khảo đều vào thượng hạng, được thăng chức một bậc và thưởng 50 quan tiền.
Người nào 2 lần vào thượng hạng, 1 lần vào trung hạng, được thăng chức một bậc và thưởng 20 quan tiền.
Người nào 1 lần vào thượng hạng, 2 lần vào trung hạng, được thăng chức một bậc.
Người nào ba lần vào trung hạng, thì đợi khi đủ niên hạn giữ hiện chức, sẽ thuyên chuyển bổ dụng.
Người nào 3 lần khảo đều vào hạ hạng, phải giáng một bậc và phạt 50 quan tiền.
Người nào 2 lần vào hạ hạng, 1 lần vào trung hạng, phải giáng một bậc và phạt 20 quan tiền.
Người nào 1 lần vào hạ hạng, 2 lần vào trung hạng, phải giáng một bậc.
Tháng 12, mùa đông. Động đất.
Bính Dần, năm thứ 7 (1686). (Thanh, năm Khang Hy thứ 25).
Đinh Mão, năm thứ 8 (1687). (Thanh, năm Khang Hy thứ 26).
Tháng 3, mùa xuân. Anh Tông Hiếu Nghĩa hoàng đế2896 triều ta lên nối nghiệp.
Tháng 10, mùa đông. Không mưa.
Đã lâu không mưa, thóc lúa thu hoạch sút kém, giá gạo vọt cao, triều đình sai quan trong kinh đi đến các đạo xem xét hình thế ruộng đất, làm xe tát nước để tưới cho ruộng cấy lúa. Lại bàn thi hành việc ân xá.
Mậu Thìn, năm thứ 9 (1688), (Thanh, năm Khang Hy thứ 27).
Tháng 2, mùa xuân. Trịnh Căn bổ dụng cháu là Bính làm tiết chế2897 .
Bính là con Trịnh Vĩnh, Vĩnh là con cả Trịnh Căn, Bính đã từng được tiến phong phó đô tướng, thái phó, Tấn quốc công. Trước đây, tiết chế Trịnh Bách mất, Căn muốn lập Bính làm người thừa tự, bèn tiến phong cho Bính tiết chế các doanh quân thủy, quân bộ các xứ, kiêm giữ cả chính quyền, chức thái úy, tước Tấn quốc công, mở phủ Dực quốc.
Tháng 3. Cấm cáo tố ruộng ẩn lậu.
Ở dân gian, những ruộng còn ẩn lậu chưa ghi vào thể lệ, nộp thuế, đều được gia ân miễn thuế. Dân xã không được tố cáo, quan tư không được nhận đơn khám xét, viên quan cai quản sở tại không được bớt việc để sách nhiễu. người nào trái lệnh sẽ bị tội.
Tháng 5, mùa hạ. Thổ ty Vân Nam nhà Thanh xâm chiếm đất biên giới ở ba châu thuộc Tuyên Quang và Hưng Hóa.
hai châu Vị Xuyên, Bảo Lạc thuộc Tuyên Quang và châu Thủy Vĩ thuộc Hưng Hóa giáp liền với địa giới phủ Khai Hóa nhà Thanh. Lúc ấy, Vũ Công Tuấn chạy sang Vân Nam2898 , muốn nhờ Vân Nam giúp sức. Nhân đấy thổ ty Khai Hóa bèn ăn hiếp dân, chiếm lấy đất ba châu, đặt tuần ty ở các động ven biên giới, sách nhiễu thu thuế người buôn bán.
Lê Huyến, trấn thủ Hải Dương, được lệnh đi trấn thủ Tuyên Hưng, Huyến bèn cùng đốc đồng Đặng Đức Nhuận và Trần Thọ đưa thư sang Vân Nam biện luận rõ về việc này, một mặt Huyến lại hiệu dụ dân các động trở về với nước ta như cũ, nhưng thổ ty Vân Nam không chịu giao trả lại. Thành ra từ đây trở đi đất ở biên giới ba châu nhiều chỗ bị mất về nhà Thanh, suốt đời nhà Lê vẫn không sao lấy lại được.
Lời chua - Vị Xuyên2899 , Bảo Lạc: Tên 2 châu, đều thuộc phủ Tương An, tỉnh Tuyên Quang.
Thủy Vỉ: Tên châu, thuộc Hưng Hóa2900 , xem Trần Đế Hiện, năm Xương Phù thứ 8 (Chb. XI, 1).
Các động 3 châu: Xem năm Chính Hòa thứ 2 (tờ 27 trong cuốn này).
Khai Hóa: Tên phủ, thuộc tỉnh Vân Nam nhà Thanh.
Đức Nhuận: Người xã Hoa Lâm, huyện Đông Ngàn2901 , đỗ tiến sĩ khoa Bính Thìn (1676) năm Vĩnh Trị triều Lê Hy Tông.
Trần Thọ: Người xã Điền (Trần) Trì, huyện Chí Linh2902 , đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670) năm Cảnh Trị triều Lê Huyền Tông.
Kỷ Tỵ, năm thứ 10 (1689). (Thanh, năm Khang Hy thứ 28).
Tháng 6, mùa hạ. Người nhà Thanh bắt Vũ Công Tuấn trả lại, nước ta bắt đem giết đi.
Công Tuấn, sau khi đả lẫn lút sang Vân Nam, nương dựa vào thổ ty Nùng Tiên Lai, Công Tuấn tự xưng là tiểu Giao Cương vương, ngầm cùng dư đảng họ Mạc là bọn Kính Chửu, Kính Thọ hô hào tụ tập binh lính bản thổ và người Nùng cướp bóc ở biên giới Tuyên Quang, Hưng Hóa. Trấn thủ Nguyễn Công Triều đem quân tiến đánh, không thắng được. Tiếp đó, triều đình sai đốc suất Lê Hải, đốc thị Đặng Đình Tướng đem quân tiến lên, hội hợp với Công Triều để xếp đặt công việc ở địa phương này.
Bọn Lê Hải nhiều lần đưa văn thư sang viên tổng đốc Vân Nam, nhưng viên phủ Khai Hóa không đề đạt giúp; sau phải dùng phải, lụa và bạc thổ giao kết một cách hậu tình với thổ ty Mộng tự là Lý Thế Bình, Thế Bình mới chuyển đạt giúp cho. Viên tổng đốc Vân Nam bèn hạ lệnh cho 3 phủ Khai Hóa, Lâm An và Quảng Nam tra xét rõ ràng, giao trả lại gái trai lớn bé hơn 120 người. Bọn Lê Hải bèn ước hẹn với phiên thần2903 là Nông Văn Cương hội hợp ở trên biên cảnh, bắt Vũ Công Tuấn đem về giết đi, đồ đảng của hắc đều tan rã, bọn Lê Hải đều kéo quân về.
Lời chua - Mộng tự: Xem Hồ Hán Thương, năm Khai Đại thứ 4 (Chb. XII, 14).
Lâm An: Tên phủ, thuộc tỉnh Vân Nam nhà Thanh, xem Lý Thần Tông, năm Thuận Thiên thứ 3 (Chb. IV, 27).
Quảng Nam: Nhất thống chí nhà Thanh chép: Quảng Nam về triều nhà Hán, là đất quận Tường Kha; nhà Nguyên lập Quảng Nam tây lộ; nhà Minh đặt là phủ Quảng Nam, thuộc tỉnh Vân Nam; nhà Thanh theo như nhà Thanh.
Nông Văn Cương: Thổ tù châu Bảo Lạc.
Nguyễn Công Triều: Hoạn quan, người làng Đông Lao, huyện Từ Liêm2904 .
Giao Cương: Theo Nguyên sử thì địa thế ở phía tây bắc Giao Chỉ là từ Giao Cương kéo sang. Vì thế Công Tuấn lấy tên đất ấy làm vương hiệu của hắn.
Tháng 10, mùa đông. Hạ lệnh cho bọn Đoàn Tuấn Khoa, hữu Thị lang bộ hình, hội đồng với nhà Thanh khám xét địa giới châu Lộc Bình thuộc Lạng Sơn.
Thôn Na Oa châu Lộc Bình thuộc Lạng Sơn là nơi đất đai màu mở rộng rãi, tiếp giáp với đất châu Tư Lăng nhà Thanh. Thổ tù Vi Đức Thắng đời đời ở đất này. Gần đây, vì biên giới phương bắc có việc, nhiều đất bỏ hoang. Nhân cơ hội ấy, Đức Thắng bèn chiếm 7 thôn thuộc châu Tư Lăng, chiêu tập dân biên giới lập thành thôn trại. Thổ tù châu Tư Lăng là Vi Vinh Diệu đem việc này cáo tố với tổng đốc Quảng Tây Ngô Hưng Tộ. Vả lại, Vinh Diệu tham đất Na Oa màu mở, muốn lấy luôn cả đất này. Việc này triều đình đưa công văn hội đồng khám xét, đã mấy mươi năm mà vẫn chưa giải quyết được.
Sau, triều đình sai Đoàn Tuấn Khoa cùng giám sát ngự sừ Lê Chí Tuân sang phủ Tứ Thành nhà Thanh hội khám. Viên quan trong quân phủ nhà Thanh là Lân Sần hỏi Đức Thắng: bên tả, bên hữu độngnúi gọi tên là gì? Đức Thắng không thể trả lời được, thành ra cuộc hội khám này không được việc gì. Triều đình bèn đình chỉ chức bồi tụng của Tuấn Khoa.
Đến nay, lại sai Tuấn Khoa đi hội đồng khám xét, về bên quan phái ủy của nhà Thanh, thì phủ Tư Minh có viên quan trong quân phủ nhà Thanh là họ Trần và doanh Quỳ Đạo có viên quan trong quân phủ nhà Thanh là họ Trương (Trần và Trương đều không rõ tên). Lúc ấy Tuấn Khoa giấu Đức Thắng một nơi không cho được hội kiến, mỗi khi người nhà Thanh có đòi hỏi việc gì, Đức Thắng giả vờ điếc, phải dùng người phiên dịch trả lời thay.
Khi nhận giới mốc, thì Vi Vinh Diệu chỉ một dãy núi cao có con sư tử đá trắng là giới mốc của hai nước. Viên quan phái ủy của nhà Thanh nói: "Giới mốc ở núi này, tại sao lại tranh xuống đến Na Oa? Nhà ngươi cậy là người của thiên triều2905 muốn xâm chiếm đất đai của An Nam hay sao"? Bèn quyết đoán đất Na Oa trả về châu Lộc Bình. Vinh Diệu tự nghĩ rằng, đã không chiếm được Na Oa thì bỏ luôn cả bảy châu một thể. Tuấn Khoa bèn cùng người nhà Thanh lập mốc đá rồi trở về triều.
Nói về chỗ đất bảy thôn mà nước ta được nhận, đều là đất bỏ hoang rậm, không thấy bóng người, bóng khói, chỉ có thôn Na Oa là nơi đất rộng, người nhiều, thu được mối lợi khá lớn. Trịnh Căn khen về việc này, lại cho Tuấn Khoa được làm bồi tụng.
Sau, thổ tỵ châu Tư Lăng tranh kiện mãi, triều đình lại sai bồi tụng Nguyễn Đình Hoàn cùng với Đinh Phụ Ích, đốc trấn Lạng Sơn, hội đồng khám xét. Sau đó, vì thổ tù châu Tư Lăng là Vi Thế Hoa đem 4.ooo lạng bạc đến làm tin để ở đất Na Oa. Vi Phúc Kiêm tư tình ưng thuận; Thế Hoa bèn đào hào và dựng 3 bia đá ở xã An Khoái Châu Lộc Bình. Từ đấy đất Na Oa lại mất về nhà Thanh.
Lời chua - Lộc Bình: Tức Lộc Châu, xem Trần Nhân Tông, năm Thiệu Bảo thứ 6 (Chb. VII, 31).
Tư Lãng: Xem Lý Thái Tông, năm Thông Thụy thứ 4 (Chb. II, 41)
Tư Minh: Xem Trần Thái Tông, năm Nguyên Phong thứ 6 (Chb. VI, 40).
Tứ Thành: Tên phủ, thuộc tỉnh Quảng Tây.
Doanh Quỳ Đạo: Ở cách châu Ninh Minh thuộc tỉnh Quảng Tây 25 dặm về phía nam.
Bảy thôn: Na Hà, Na Đấu, Na Cừ. v.v...
Nguyễn Đình Hoàn: Người xã Bái Ân, huyện Quảng Đức2906 , đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1688) năm Chính Hòa.
Đinh Phụ Ích: Người xã Bình Trù, huyện Siêu Loại, đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1712)2907 năm Vĩnh Thịnh triều Lê Dụ Tông.
Ngày Canh Dần. Sao Chổi xuất hiện ở vị trí sao Dực, sao Chẩn.
Canh Ngọ, năm thứ 11 (1690). (Thanh, năm Khang Hy thứ 29).
Tháng 4, mùa hạ. Sai trấn thủ Tuyên Hưng là Lê Huyến đem quân hội đồng với người nhà Thanh đánh giặc biển ở Yên Quảng, dẹp tan được.
Giặc biển Yên Quảng là Phương Vân Long và Tân Ân Sủng chiếm cứ vùng biển Vạn Ninh, tụ tập nhiều người đi cướp bóc. Trấn tướng Long Môn nhà Thanh là Diệp Thắng đưa thư sang nước ta hẹn cùng hội quân tiễu trừ bọn này. Triều đình sai Lê Huyến đem quân đến hội, bắt được Ân Sủng và đồ đảng hơn 200 người giải giao cho Diệp Thắng ở Long Môn.
Sau khi Lê Huyến đã đem quân về, Diệp Thắng mượn tiếng là chia nhau đi bắt đảng giặc còn sót lại, rồi quân hắn vào Tiên Yên và Hoành Bồ sách nhiễu cung đốn, nhân dân không sao chịu được sự khổ sở. Triều đình bèn làm văn thư nghiêm khắc bóc trần việc này đưa sang nói với viên tổng đốc Quảng Đông, Diệp Thắng bị tội xử trảm.
Lời chua - Tuyên Hưng: Tức Tuyên Quang và Hưng Hóa.
Yên Quảng: Tức Yên Bang. Đều xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 19, 29, 35).
Tiên Yên: Tên châu, hồi đầu triều Lê gọi là Tân Yên, sau đổi làm Tiên Yên, thuộc phủ Hải Đông, nay thuộc phủ Hải Ninh.
Hoành Bồ: Tên huyện, nhà Lê gọi là Hoành Phố, sau đổi Hoành Bồ, thuộc phủ Hải Đông, nay đổi thuộc phủ Sơn Định.
Vạn Ninh: Tên châu, thuộc phủ Hải Ninh, xem Trần Thuận Tông, năm Quang Thái thứ 4 (Chb. XI, 16).
Vùng biển Vạn Ninh: Ở giáp giới châu Vạn Ninh.
Các châu huyện kể trên đều thuộc tỉnh Quảng Yên.
Long môn: Nhất thống chí nhà Thanh chép: Long Môn ở phía Nam Khâm châu 60 dặm, hai ngọn núi đứng sửng đối nhau như luồng cửa, ở giữa có cột đá nhẵn như đá mào, bên trong có chỗ chứa nhiều nước gọi là biển nhỏ, phía tây suốt đến châu Vĩnh Yên giới phận nước ta2908 . Đây là một địa điểm sung yếu về đường biển.
Mưa đá.
Sai sứ thầng sang nhà Thanh.
Chánh sứ Nguyễn Danh Nho, Nguyễn Quý Đức, phó sứ Nguyễn Tiến Sách, Trần Thọ sang nhà Thanh nộp lễ tuế cống. Nhân tiện tâu: 1. Dư đảng họ Mạc lẫn lút ở Vân Nam, họp bè đảng cướp bọc đất biên giới thuộc Tuyên Quang, Hưng Hóa và Cao Bằng; 2. Thổ ty ở Khai Hóa và Mông Tự xâm chiếm những thôn động ở các châu Bảo Lạc, Vị Xuyên, Thụy Vĩ và Quỳnh Nhai, xin tra xét rõ ràng cho. Nhưng triều đình nhà Thanh ỉm việc này đi, không trả lời.
Lời chua - Theo An Nam kỷ yếu, thì năm Khang Hy thứ 30 (1691) sứ thần nước ta là bọn Nguyễn Danh Nho, Nguyễn Quý Đức đem tờ tấu sang nhà Thanh nói: Bọn Mạc Kính Chửu, Mạc Kính Nghi xưng ngụy hiệu một cách càn rỡ, trước kia chúng cấu kết với Vũ Công Tuấn, người Tuyên Quang, cướp bóc các địa phương thuộc Cao Bằng, Tuyên Quang và Hưng Hóa. Lại nói về việc thổ ty nhà Thanh xâm chiếm đất nước ta là:
- Thổ ty thuộc phủ Khai Hóa thuộc Vân Nam xâm chiếm các xã thôn: Bách Đức, Mỹ (có sách chép: "chi") Phong, Túc Lẫm, Hữu Sào, Ngọc Tỷ (có sách chép: "bôi") ở
châu Bảo Lạc thuộc Tuyên Quang; xã thôn các động: Đông Mông, Vô Cữu, Ngưu Dương, Hồ Điệp, Phổ Viên ở châu Vị Xuyên thuộc Tuyên Quang; 28 thôn các động: Cam Đường, Hương Sơn, Sơn Yêu, Trình Lạn và Hoa Quán ở châu Thủy Vĩ thuộc Hưng Hóa.
- Thổ ty Mông Tự xâm chiếm 25 thôn của động Trình Hàm (có sách chép "u") ở châu Thủy Vĩ thuộc Hưng Hóa.
- Họ Nùng lấn: bốn động châu Quỳnh Nhai, ba động châu Chiêu Tấn và các châu Quảng Lãng, Hoàng Nham, Hợp Phì thuộc Hưng Hóa.
Nguyễn Danh Nho: Người xã Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng.
Nguyễn Tiến Sách: Người xã Văn Trưng, huyện Bạch Hạc. Danh Nho và Tiến Sách đều đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670) năm Cảnh Trị, triều Lê Huyền Tông.
Tháng 5. Đê ở Sơn Nam bị vỡ.
Tha và giảm phú thuế cho dân có nơi nhiều nơi ít khác nhau.
Lời chua - Sơn Nam: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 17, 18, 26, 27, 34).
Tân Mùi, năm thứ 12 (1691). (Thanh, năm Khang Hy thứ 30).
Tháng giêng, mùa xuân. Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế2909 , triều ta nối nghiệp.
Lại bổ dụng Vũ Công Đạo làm hữu thị lang bộ Hình.
Trước kia, Công Đạo làm đô ngự sử, vì có việc phải bãi chức về nhà2910 . Đến nay, Trịnh Căn nghĩ Công Đạo là người thẳng, nên lại bổ dụng.
Mồng một, tháng 2. Nhật thực.
Tháng 6, mùa hạ. Hoàng thái hậu Phạm Thị mất (không rõ ngày táng và lăng mộ ở đâu).
Lời chua - Thái hậu là sinh mẫu Huyền Tông.
Tháng 8, mùa thu. Hạ lệnh cho ty trấn thủ Tuyên Hưng chiêu tập dân phiêu lưu.
Vì cớ hai châu Văn Bàn và Thủy Vĩ trước bị Vũ Công Tuấn xâm chiếm quấy rối.
Lời chua - Văn Bàn: Tên châu, thuộc phủ Quý Hóa, tỉnh Hưng Hóa2911 .
Thủy Vĩ: Xem Trần Đế Hiện, năm Xương Phù thứ 8 (Chb. XI,1).
Khảo xét công trạng quan trong kinh, ngoài trấn, biếm chức bọn Tống Nho và Nguyễn Đăng Tuân nặng nhẹ khác nhau.
Lúc ấy, việc khảo xét công trạng rất nghiêm ngặt, người nào có thành tích về chính trị, được thăng lên trật tự cao và điều bổ đến nha môn phiền khuyết2912 ; người nào công trạng liệt vào hạng thấp, phải giáng truất. Tham chính Sơn Nam Tống Nho, tham chính Thái Nguyên Nguyễn Trí Trung, phủ doãn2913 Nguyễn Đăng Tuân, giám sát Vũ Duy Dương và tư huấn Nguyễn Quang Thọ đều bị liệt vào hạng hạ khảo, nên những người này hoặc bị biếm truất, hoặc bị cách chức có khác nhau. Phạm Quang Trạch
tham chính Kinh Bắc, vì khảo xét công trạng của liêu thuộc trong ty không đúng sự thật, nên bị biếm làm đô cấp sự.
Lời chua - Tư huấn: Theo quan chế đời cố Lê, tư huấn ở quán Chiêu Văn, tư huấn ở cục Tú Lâm, đều hàm bát phẩm, thuộc viện Hàn lâm.
Tống Nho: Người xã Tiên Mộc, huyện Nông Cống2914 .
Nguyễn Trí Trung: Người xã Lực Điền2915 , huyện Đông An. Tống Nho và Trí Trung đều đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670) năm Cảnh Trị triều Lê Huyền Tông.
Nguyễn Đăng Tuân: Người xã Hoài Bảo2916 , huyện Tiên Du, đỗ tiến sĩ khoa Quý Sửu (1673) năm Dương Đức triều Lê Gia Tông.
Vũ Duy Dương: Người xã Thanh Thủy2917 , huyện Nam Đường, đỗ tiến sĩ khoa Ất Sửu (1685) năm Chính Hòa triều Lê Hy Tông.
Phạm Quang Trạch: Người xã Đông Ngạc2918 , huyện Từ Liêm, đỗ bảng nhãn khoa Quý Hợi (1683) năm Chính Hòa.
Nguyễn Quang Thọ: Người xã Quảng Bố2919 , huyện Quảng Đức, đỗ tiến sĩ khoa Canh Thân (1680) năm Vĩnh Trị triều Lê Hy Tông. Quảng Đức nay là Vĩnh Thuận.
Nhâm Thân, năm thứ 13 (1692). (Thanh, năm Khang Hy thứ 31).
Mồng một, tháng giêng, mùa xuân. Nhật thực.
Tháng 3. Ngô Sách Tuân, đốc trấn Cao Bằng, bắt được đảng giặc là bọn Mạc Kính Chư, giải về kinh, giết đi.
Trước đây, Sách Tuân, trấn thủ Cao Bằng, đánh giặc ở La thượng đàn, vì có công được thăng tham chính, sau triệu về triều, thăng thái thường tự khanh, rồi lại sai đi trấn Cao Bằng.
Lúc ấy, dư đảng họ Mạc chạy sang Long Châu, ngầm cấu kết với thổ ty nhà Thanh dòm dỏ biên giới. Sách Tuân sai thuộc hạ trong trấn là Bế Công Quỳnh giao kết thân mật với thổ quan Long Châu, bắt được Hán đường công của giặc là Mạc Kính Chư, đô đốc của giặc là Đinh Công Đĩnh cùng đồ đảng đưa về kinh sư giết đi. Triều đình bàn công: Sách Tuân được thăng hữu thị lang bộ Công, giám hộ là Lê Bật Huân và Nguyễn Công Ban đều được thăng giám sát ngự sử, Bế Công Quỳnh được thăng tước quận công.
Lời chua - Cao Bằng: Thuộc tỉnh Ninh Sóc, xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 19, 31, 32, 35).
La thượng đàn: Tên đất, thuộc tỉnh Cao Bằng.
Ngô Sách Tuân: Người xã Tam Sơn2920 , huyện Đông Ngàn, đỗ tiến sĩ khoa Bính Thìn (1676) năm Vĩnh Trị triều Lê Hy Tông.
Bế Công Quỳnh: Thổ ty ở Cao Bằng.
Quý Dậu, năm thứ 14 (1693). (Thanh, năm Khang Hy thứ 32).
Tháng 6, mùa hạ. Thi khảo các quan văn về từ lệnh.
Những người trúng cách về môn thi này là: Nguyễn Công Đổng, Vũ Thạnh, Hà Tông Mục và Nguyễn Hành.
Lời chua - Nguyễn Công Đổng: Người xã Đồng Khê2921 , huyện Thanh Lâm, đỗ tiến sĩ khoa Ất Sửu (1685) năm Chính Hòa triều Lê Hy Tông.
Vũ Thạnh: Người phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương, nguyên quán xã Đan Loan2922 , huyện Đường An, đỗ thám hoa Ất Sửu (1685) năm Chính Hòa.
Hà Tông Mục: Người xã Tinh Thạch2923 , huyện Thiên Lộc.
Nguyễn Hành: Người xã Huê Cầu (nay là Xuân Cầu)2924 huyện Văn Giang. Tông Mục và Nguyễn Hành đều đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1688) năm Chính Hòa.
Chấn chỉnh lại thể văn thi các khoa trường.
Đời Hồng Đức (1470-1497) trước, thể văn cốt trang nhã đầy đủ, lời văn trung hậu, hơi văn hùng hồn. Sau khi trung hưng, học trò câu nệ về lề lối saó cũ, thể văn ngày càng thấp kém. Đến nay mới gia công chấn chỉnh phép thi, nhất luật dùng theo thể văn đời Đồng Đức.
Lời chua - Thể Văn: Sử cũ chép: Nhà Lê từ trung hưng trở về sau, thể văn ngày càng quê mùa:
Thể văn chế nghĩa, chỉ làm một câu khai giảng, ngoài ra chép toàn lời tập chú trong sách, không phát minh được ý kiến gì;
Thể văn thơ, phú và tứ lục, đều cóp nhặt theo văn cũ, không ngại trùng kiến.
Kiến văn lục của Lê Quý Đôn chép: Thể phú về đời Hồng Đức, cách luật, âm điệu tề chỉnh, theo như thể chế đời nhà Tống.
Ngô [Thì] Sĩ nói: Thể văn đời Hồng Đức.
Kinh Nghĩa, tùy ý dùng chữ, cốt phát huy được ý nghĩa trong sách;
Tứ lục, vừa dùng sử cổ vừa dùng thời sự triều Lê;
Phú, hoặc dùng thể Ly tao, hoặc dùng thể Văn Tuyển;
Thơ không câu nệ ngụ ngôn hoặc thất ngôn, đều dùng xen cả điển trong sử, trong truyện hoặc sách ngoài cùng các cảnh vật khác.
Thể văn kể trên, không phải người học hỏi rộng rãi không thể làm được.
bắt đầu đặt chức quan kiêm bản lãnh công việc ở Quốc Tử giám.
Tham tụng Nguyễn Văn Thực làm tờ khải nói: "Nhân tài do ở trường học mà ra. Các đời trước sở dĩ được nhiều nhân tài là vì đã sẵn có công giáo dục bồi dưỡng từ trước. Nay Quốc Tử giám nên đặt chức quan kiêm nhiệm, để cho chức vụ được long trọng. Rồi lại chọn kỷ các viên tế tửu, tư nghiệp và các viên giáo thụ, học chính đã từng chuyên nghiên cứu năm kinh, ngày thường giảng tập, khiến học trò có thể thành người tài giỏi, để giúp công việc quốc gia". Trịnh Căn nghe theo lời khải ấy.
Lời chua - Quốc Tử giám: Xây dựng từ năm Thần Vũ thứ 2 (1070) đời Lý Thánh Tông2925 , đến đời Hồng Đức nhà Lê sửa sang mở rộng ra2921 . Nhà Giám ở địa phận thôn Minh
Giám, huyện Thọ Xương về phía tây nam phủ Phụng Thiên trong kinh thành. Nay là Văn Miếu Hà Nội.
Chức quan ở Quốc Tử giám: Theo "Chức quan chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, thì triều Tiền Lê đặt chức tế tửu, tư nghiệp, trực giảng, bác sỉ và giáo thụ. Chức tế tửu tất phải dùng viên đại thần kiêm lãnh, rồi lại đặt thêm chức bác sỉ năm kinh2927 . Sau khi nhà Lê trung hưng, bãi bỏ các chức kể trên, chỉ đặt tế tửu và tư nghiệp.
Giáo thụ, học chính: Theo quan chế năm Bảo Thái (1720-1728), thì Quốc Tử giám có: giáo thụ, hàm chánh bát phẩm; học chính, hàm tùng bát phẩm.
Tháng 12, mùa đông. Định phép xét công trạng các lại điển.
Phép xét công trạng chia làm 4 hạng: 1. hạng liêm khiết, tài năng, 2. hạng lười biếng, 3. hạng bình thường, 4. hạng tham lam giảo quyệt. Phàm thuộc lại các nha môn trong kinh ngoài trấn, cứ 3 năm một lần khảo xét công trạng, để định việc truất bãi hoặc thăng thưởng. Phép khảo công này định làm thể lệ lâu dài.
Giáp Tuất, năm thứ 15 (1694). (Thanh, năm Khang Hy thứ 33).
Tháng giêng, mùa xuân, mưa đá.
Tháng 5, mùa hạ. Bắt giết 52 người dân hung ác xã Đa giá thượng.
Xã Đa giá thượng, đường núi hiểm trở hẹp hòi, lại nhiều hang hóc. Dân xã ấy lập riêng khoán ước với nhau, đặt điếm canh, hễ có người đi lại hoặc ngũ trọ, chúng nhân ban đêm đón đường giết chết, vứt xác vào trong hố mà cướp lấy của cải. Việc này đã trải hơn 20 năm, xương trắng chứa chất thành đống. Đến nay việc phát giác, triều đình sai Thạc quận công Lê Hải đi khám xét, bắt được đồ đảng 290 người, đem chém và bêu đầu 52 người hung ác đầu sỏ, còn những người khác đều đem chặt ngón tay rồi lưu đi viễn châu, xóa bỏ tên làng của xã này.
Lời chua - Đa giá thượng: Tên xã, thuộc huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên, xứ Thanh Hoa, nay thuộc phủ Yên Khánh, tĩnh Ninh Bình.
Tháng 7, mùa thu. Bọn Nguyễn Danh Nho, tả thị lang bộ Lại và Ngô Sách Tuân, hữu thị lang bộ lại, can tội, đều bị giáng chức.
Tả thị lang bộ Lại là Nguyễn Danh Nho lựa chọn bổ dụng các quan chức, có người nói việc tuyển bổ ấy nhũng lạm bừa bãi, phần nhiều không hợp thể lệ; hữu thị lang Ngô Sách Tuân tư túi tuyển bổ hai người học trò của mình. Việc này giao xuống cho người bầy tôi trong triều bàn định. Giáng chức Danh Nho làm hữu thị lang bộ Hình, Sách Tuân làm tham chính Lạng Sơn. Còn Lại khoa cấp sự là Nguyễn Đình Trụ không biết đàn hặc, biện bác việc tuyển bổ ấy, nên bị giáng làm hiệu thảo. Về việc này, 24 người bị truy tước mất giấy cáo thân2928 .
Ngô Sách Tuân lại tố cáo: "Lê Hy lúc làm việc ở bộ Lại, tư túi với con là Lê Thuyên và học trò là Tô Hinh, lẻn lút làm việc cầu cạnh gửi gấp". Việc này cũng giao xuống bầy tôi trong triều xét bàn, nhưng lời nói của Sách Tuân đều không có gì là sự thật, nên Sách Tuân lại phải giáng làm đô cấp sự.
Nguyễn Đình Trụ sau khi bị giáng, nhân được rỗi việc, nên dạy bảo rèn luyện bọn hậu tiến, học trò có hàng ngàn người, nhiều người thành đạt, những người thi đỗ giáp bảng2929 trước sau hơn 70 người.
Làm sổ tu tri.
Bốn mặt địa phận ở các xã, phàm núi, sông, khe, cừ, ruộng, đất, chùa, miếu, chợ, bến đò, và đường sá, hết thẩy đều biên chép vào sổ gọi là sổ tu tri.
Dân ở Sơn Nam và Hải Dương bị đói.
Triều đình phân phối các quan đi khám xét, tha tô thuế dao dịch cho dân, nơi nhiều nơi ít khác nhau.
Lời chua - Sơn Nam, Hải Dương: Xem Lê Thánh Tông, năm (Chb. XI, 17, 18, 25, 26, 34).
Ất Hợi, năm thứ 16 (1695). (Thanh, năm Khang Hy thứ 34).
Tháng giêng, mùa xuân. Thanh Hoa có hạn thủy tai, dân bị đói.
Thanh Hoa nước ngập, dân bị đói, triều đình cho trích một vạn quan tiền ở kho An Trường phát chẩn cho dân. Để cứu vớt dân, triều đình lại hạ lệnh cho các quan châm chước, bàn định chính sách cứu đói: giảm nhẹ, thuế hộ, hoãn việc xây dựng sửa chữa.
Lời chua - Kho An Trường: Ở xã An Trường, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Thiên, nay thuộc phủ Thiệu Hóa, lúc bắt đầu trung hưng đặt hành tại ở đây2930 nên có kho công.
Tháng 6, mùa hạ. Không mưa.
Ngày Mậu Dần, tháng 7, mùa thu. Sao chổi xuất hiện ở phương đông.
Gia chức đô đốc cho viên trấn thủ Sơn Tây là Lê [Thì] Liêu.
Lê [Thì] Liêu ở trấn Sơn Tây, dẹp yên được trộm cướp, dập bớt được kiện tụng. Triều đình cho là xứng đáng với chức vụ, nên đặt cách gia phong chức đô đốc để biểu dương công trạng của Liêu.
Lời chua - Lê [Thì] Liêu: Người xã Phú Hào, huyện Lôi Dương, là con Lê [Thì] Hiến.
Bính Tý, năm thứ 17 (1696). (Thanh, năm Khang Hy thứ 35).
Tháng 3, mùa xuân. Thi khảo bầy tôi vào hạng kỳ cựu có tài đức ở nhà Quốc học2931 .
Bọn Trần Xuân Vũ 10 người được dự trúng cách.
Tháng 7, mùa thu. Lại hạ lệnh nghiêm cấm tả đạo Gia Tô.
Đầu năm Cảnh Trị2932 , đã nhiều lần ra lệnh cấm tả đạo Gia Tô, nhưng không sao cấm hẳn được. Đến nay, hạ lệnh dò la xét hỏi một cách nghiêm ngặt để trị tội, phàm nhà thờ đạo, kinh sách đạo, thảy đều phá hủy, để trừ hết đạo dị đoan.
Nghiêm sức cho người phương bắc sang trú ngụ, nhất luật phải tuân theo phong tục nước ta.
Từ khi người nhà Thanh vào làm vua Trung Quốc, gióc tóc, mặc áo vắn, giữ y nguyên tập tục cũ Mãn Châu, lễ giáo phong tục về áo mũ đời tống, đời Minh bị bỏ hết. Lái buôn phương bắc đi lại nước ta lâu ngày, trong nước cũng có người bắt chước. Triều đình bèn nghiêm sức:
Các người phương bắc, người nào đã biên tên vào sổ sách nước ta, thì từ ngôn ngữ đến đồ mặc nhất luật phải theo phong tục nước ta.
Các lái buôn phương bắc đến trú ngụ nước ta, nếu không có người quen biết hướng dẫn, không được tự tiện vào kinh thành.
Nhân dân ở ven biên giới không được bắt chước tiếng nói và đồ vật của người phương bắc.
Người nào trái sắc lệnh trên sẽ bị trị tội.
Tháng 8. Giáng chức tham tụng Nguyễn Quán Nho làm tả thị lang bộ Binh, liền đó lại cho làm đô ngự sử2933 .
Quán Nho là người giản dị. Lúc ấy sắp thi khảo các quan trong kinh, ngoài trấn. Trịnh Căn triệu Quán Nho và Lê Hy vào phủ để nghĩ sẵn đầu bài thi và dặn: "Chớ tiết lộ cho ngoài biết. Quán Nho ngồi chơi nói chuyện với Đặng Đình Tướng, vô tình làm hơi lộ đầu bài thi. Thái giám Ngô Phan Lân vẫn không bằng lòng với Quán Nho, đem việc này tố cáo. Trịnh Căn giận, bèn biếm chức Quán Nho. Hôm sau, bổng đô ngự sử Nguyễn Quý Đức vì có việc giáng chức. Trịnh Căn lại cho Quán Nho làm đô ngự sử.
Lời phê - Việc làm của họ Trịnh, đều không đáng bàn luận làm gì. Việc này cũng như việc giáng chức Mậu Tài khi trước2934 . Nguyễn Quý Đức và Đoàn Tuấn Khoa có tội bị giáng chức.
Con em của đô ngự sử Nguyễn Quý Đức có người nhận lễ vật đút lót của người bị kiện. Quý Đức biết chuyện, đem tang vật giải nộp và tự trình bày. Bầy tôi triều đình bàn xét, lấy cớ rằng Quý Đức xử kiện trái lẽ, mà số tang vật đem trình bày không đúng sự thật, nên Quý Đức bị giáng làm tả thị lang bộ Binh. Con của Bồi Tụng Đoàn Tuấn Khoa cũng nhận của đút lót, việc phát giác, Tuấn Khoa bị giáng làm đô cấp sự.
Tháng 9. Lập Triều Phúc làm vua nước Ai Lao.
Triều Phúc, con cháu vua nước Ai Lao, cha hắn gặp hoạn nạn, trốn vào động Sơn Vị mấy năm, nay vua Ai Lao mất, người trong nước dò hỏi, biết được chỗ ở của Triều Phúc, họ bèn cùng bọn thổ tù Cầm Đang xin với triều đình rước Triều Phúc về lập làm vua. Đặng Tiến Thự trấn thủ Nghệ An, đem việc này tâu trình. Triều đình bèn hạ lệnh cho Tiến Thự đem quân hộ vệ đưa Triều Phúc về thành Mang Chan (Chăn) lập làm vua, bắt đời đời cống nạp theo với chức phận đã định.
Lời chua - Ai Lao: Xem Triệu Việt Vương năm thứ 2 (Tb. IV, 10). Nay ở Thượng Du phía tây, ven biên giới Thanh Nghệ, các phủ người thổ ở Lạc Biên, Trấn Ninh đều gọi là Lào2935 .
Động Sơn Vị: Ở huyện Hội Nguyên, thuộc Nghệ An.
Thành Mang Chan (Chăn): Tức đất trấn Ninh. Còn như thành Viên Chăn nước Vạn tượng thì là kinh đô của nước Vạn Tượng2936 . Ở đây chép "Triều Phúc về Mang Chan (Chăn)", dưới đây lại chép "Trần Ninh phụ thuộc làm tôi đã lâu"2937 và chép "quân thành Mang Chan (Chăn)", thì địa danh "mang Chan (Chăn)", đều chỉ vào trấn Ninh, mà không phải Viên Chăn của Vạn Tượng. Thế thì Trấn Ninh lại có một tên nữa là Mang Chan (Chăn). Địa danh này vì nghi chép không rõ ràng, sẽ khảo cứu sao.
Bắt đầu sai quan văn, quan võ chia nhau khám xét kiện tụng.
Trước đây, các kiện tụng đã qua các nha môn xét xử, mà còn có người nào chưa phục tình, được phép khiếu tố lại ở Ngự sử đài. Lúc ấy triều đình mới sai quan khám kỹ xét lại. Sau khi việc kiện xong, chức quan ấy lại bãi bỏ đi. Đến nay, vì kiện tụng giấy tờ càng ngày càng phiền phức, nên sai quan văn, quan võ chia nhau khám xét. Sau này, trong phủ liêu2938 có chức thiêm sai giữ việc khám xét kiện tụng bắt đầu từ đây.
Lời cẩn án - Việc kiện tụng mà không phân xử được xong xuôi, là do người xét kiện không công bằng chính trực. Nay vì kiện tụng nhiều, không biết tìm ngưòi công bằng chính trực để chuyên giao công việc xét xử, mà lại chia rộng trách nhiệm xét hỏi đến cả hạng vũ biền, như thế còn có thể gọi là biết thể thống cai trị được không? Tháng mười mùa đông. Phúc hạch học trò thi hương.
Khoa thi hương năm ấy, các xứ khảo xét học trò phần nhiều bừa bãi. Triều đình bèn hạ lệnh cho các quan trong viện chấm thi, khi tiến trường rồi trước hết phúc hạch để loại bỏ bớt đi. Lúc ấy học trò ở Thanh Hoa, Nghệ An, Sơn Tây và phủ Phụng Thiên nhiều người bị loại. Các quan trong hai ty Thừa Chính, Hiến sát và viên phủ doãn Phụng Thiên cùng các huyện, các châu, người nào khảo hạch học trò không đúng sự thực đều bị truất bãi.
Tháng 12. Ngô Sách Tuân có tội, bị giết; Ngô Hải vì liên can, bị bãi chức; Phan Tự Cường được thăng chức thiêm đô.
Lúc ấy Sách Tuân giữ chức giám thí2939 trường thi Thanh Hoa. Trước khi đi Thanh Hoa, Sách Tuân đến yết kiến tham tụng Lê Hy, Lê Hy đem hình dáng giấy đóng quyển thi2940 của các con mình nói cho Sách Tuân biết. Sau đó quyển thi của con Lê Hy không được vào hạng trúng cách. Sách Tuân thấy trước kia có hiềm khích với Lê Hy2941 , muốn nhân dịp này gây tình nghĩa, bèn bí mật đưa quyển thi của con Lê Hy cho khảo quan2942 phê lấy đỗ. Đề điệu2943 trường thi là phó đô ngự sử Ngô Hải biết chuyện, thề với Sách Tuân sẽ giấu kín đi cho. Việc này, bị Phan Tự Cường, tham chính Thanh Hoa, phát giác ra. Triều đình giao xuống cho các quan văn, quan võ hội bàn. Sách Tuân phải luận tội giảo2944 , Ngô Hải vì không biết giữ lòng chính trực, bị bãi chức; các quan phúc khảo, giám khảo đều bị phạt, Tự Cường được thăng chức thiêm đô ngự sử2945 .
Lời cẩn án - Lê Hy làm tể tướng trong nước, lại gửi gắp con với viên quan giữ việc chấm thi, Sách Tuân xu nịnh riêng với người đại thần mà nhận lời ký thác, buộc vào pháp luật, thì hai người này tội cũng như nhau. Thế mà chỉ một mình Sách Tuân phải chịu tội, còn bố con Lê Hy thì không xét hỏi gì đến, như thế, còn có thể gọi là hình pháp gì nữa? Phan Tự Cường biết hặc Sách Tuân mà không một lời nào đả động đến Lê Hy, thì cùng với người nịnh hót Lê Hy cũng chẳng hơn kém nhau mấy tý. Tự Cường cũng một loại như Sách Tuân mà thôi. Lời chua - Ngô Hải: Người xã Đường Hào, huyện Đường Hào, đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1664) năm Cảnh Trị triều Lê Huyền Tông.
Tự Cường: Người xã La Võng2946 , huyện Yên Lãng, đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670) năm Cảnh Trị.
Đinh Sửu, năm thứ 18 (1697). (Thanh, năm Khang Hy thứ 36).
Tháng giêng, mùa xuân. Sai sứ thần sang nhà Thanh.
Chánh sứ Nguyễn Đăng Đạo, Nguyễn Thế Bá, phó sứ Đặng Đình Tướng, Nhữ Tiến Hiền sung phái bộ nộp lễ tuế cống, nhân tiện tâu bày cả việc biên giới Tuyên Quang, Hưng Hóa nữa.
Lời chua - Đăng Đạo: Người xã Hoài Bảo, huyện Tiên Du, đỗ trạng nguyên2947 khoa Quý Hợi (1683) năm Chính Hòa triều Lê Hy Tông.
Tiến Hiển: Người xã Hoạch Trạch, huyện Đường Yên, đỗ tiến sĩ khoa Canh Thân (1680) năm Vĩnh Trị triều Lê Hy Tông.
Nguyễn Thế Bá: Tên cũ là Ngô Chung, sau đổi Nguyễn Thế Bá, người xã Cẩm Chương, huyện Đông Ngàn, đỗ tiến sĩ khoa Bính Thìn (1676) năm Vĩnh Trị.
Việc biên giới Tuyên Quang, Hưng Hóa: Xem năm thứ 9 ở trên (tờ 20, 21, 26, 27 trong cuốn này).
Mồng một, tháng 3. Nhật thực.
Tháng 11, mùa đông. Sách Quốc sử thực lục2948 đã biên soạn xong.
Năm Cảnh Trị trước2949 , tham tụng Phạm Công Trứ chép nối theo quốc sử từ Trang Tông đến Thần Tông, nhưng việc khắc ván gỗ chưa xong. Năm Vĩnh Trị thứ nhất (1676), Hồ Sĩ Dương trông coi việc Quốc sử, Sĩ Dương mất, triều đình lại sai Lê Hy và Nguyễn Quý Đức biên soạn sự thực trong 13 năm từ Huyền Tông đến Gia Tông, cũng gọi là Tục biên. Đến nay sách đã biên soạn xong, dâng nộp. Triều đình bèn cho khắc cả hai bộ sách này ban hành trong nước.
Mậu Dần, năm thứ 19 (1698). (Thanh, năm Khang Hy thứ 37).
Tháng giêng, mùa xuân. Mưa đá.
Tháng 2. Bổ dụng Lê Huyến làm trấn thủ Nghệ An.
Trước kia, Yên quận công Đặng Tiến Thự trấn thủ Nghệ An 24 năm, nơi biển cảnh không xảy ra việc gì. Tiến Thự mất, nên bổ dụng Lê Huyến trấn thủ thay. Huyến, nguyên họ tôn thất nhà Lê, là người trầm tỉnh cương nghị, có mưu mô và dũng cảm, chỉ huy binh lính rất nghiêm chỉnh. Huyến từng giữ năm trấn, đều nổi tiếng là người có tài năng.
Lời chua - Năm Trấn: Huyến từng làm trấn thủ Hải Dương, Quảng Yên, Tuyên Quang, Hưng Hóa và Nghệ An. Tên củ là Hán Trọng, Trịnh Huyến, là lấy theo họ do nhà Trịnh đổi cho. Nay cải chính họ Lê.
Cấm đánh bạc.
Lúc ấy, trong nước không xảy ra việc gì, quan và nhiều phần nhiều đánh bạc bằng lối "ý tiền", ở nơi đô hộ thành thị lại càng thịnh hành lắm. Triều đình bèn hạ lệnh cho viên đề lãnh dò xét. Người chứa gá và người đánh bạc đều bị phạt nặng; số tiền phạt nhiều hay ít tùy theo thứ bậc phẩm trật của từng người.
Lời chua - Ý tiền: Theo Hậu hán thư thì Lương Kỷ hay chơi ý tiền. Cách chơi ý tiền: Con bạc đặt tiền kín, rồi kiểm điểm bằng cách cứ 4 đồng là 1 vị2950 .
Theo Thiện chính lục đời cố Lê, thì năm ấy hạ lệnh nghiêm cấm đánh bạc. Các quan: tam thái, tam thiếu2951 , tả hữu đô đốc, thượng thư, đô đài, ngự sử, ai chứa gá phải phạt 500 quan tiền, ai đánh bạc phải phạt 500 quan tiền; ngoài ra cứ theo thứ tự và phẩm trật mà giảm dần số tiền phạt. Các hạng quân và dân: ai chứa gá phải phạt 30 quan; ai đánh bạc phải phạt 20 quan.
Tháng 4, mùa hạ. Bọn sứ thần Nguyễn Đăng Đạo từ nhà Thanh trở về nước.
Trước kia, 3 động Ngưu Dương, Hồ Điệp và Phổ Viên thuộc châu Vị Xuyên xứ Tuyên Quang, bị thổ ty phủ Khai Hóa nhà Thanh xâm chiếm. Trấn thủ Lê Huyến thường đem quân vào đất này, rồi đem hết tình trạng xâm chiếm tâu bày về triều đình. Trịnh Căn bàn tính việc tranh luận để lấy lại 3 động.
Tham tụng Nguyễn Văn Thực xin đợi kỳ tuế cống sẽ làm một tờ phụ tấu về việc này. Năm Chính Hòa thứ 11 (1690), Nguyễn Danh Nho đã sang tâu bày, nhưng công việc không xong. Sau Nguyễn Đăng Đạo lại đem quốc thư sang xin nhà Thanh trả lại đất 3 động. Vua Thanh toan sai viên quan đại thần đi khám xét. Vương Kế Văn, tổng đốc Văn Quý, dâng sớ nói: "3 động ấy là đất cũ của thổ mục Nùng Vạn Chung, khoảng năm Thuận Trị (1644-1661), niên hiệu Thế Tổ nhà Thanh), ở Mông Tự vẫn thu lương của ba động ấy; năm Khang Hy thứ 5 (1666) đổi thuộc phủ Khai Hóa, trong sổ lấy tên là Đông An Lý, từ bấy đến nay, trải 30 năm đã có định ngạch". Ngay lúc ấy Thạch Văn Thạnh, tuần phủ Vân Nam, vào yết kiến vua nhà Thanh, dâng địa đồ nói: "3 động ấy từ đời nhà Minh đã thuộc về đất Trung Quốc, không phải đất của An Nam". Vua nhà Thanh dụ bảo bầy tôi nội các bàn luận xác đáng sẽ tâu bày. Lúc bàn luận, Đăng Đạo cố bẻ bác bàn cãi, nên việc này chưa giải quyết được. Vua nhà Thanh bèn theo lời tâu của bộ, sai làm tờ thư từ chối không nhận lời thỉnh cầu của nước ta".
Sau khi Đăng Đạo về nước, triều đình đã nhiều lần làm văn thư gửi sang biện luận đòi trã lại đất 3 động, nhưng viên tuần phủ tỉnh Quảng [Tây] không đề đạt lên cho, thành ra phải bỏ việc bàn cãi đòi lại đất 3 động.
Lời cẩn án - Năm ấy, Đăng Đạo phụng sự đi sứ, đem việc mất đất 3 động Ngưu Dương, Hồ Điệp và Phổ Viên tâu bày biện luận, bị nội các nhà Thanh bác đi. Nay tham khảo sách An Nam kỷ yếu chép: "Năm Khang Hy thứ 30 (tức năm Chính Hòa thứ 12), (1691), Sứ thần nước ta tâu nói: Thổ ty phủ Khai Hóa xâm chiếm xã, thôn 60 động về đất biên giới thuộc 3 châu Vị Xuyên, Bão Lạc, Thủy Vĩ, và xâm chiếm 3 châu Quảng Lăng, Hoàng Nham và Hợp Phì". Như vậy thì số đất bị mất không phải chỉ có 3 động ở Vị Xuyên mà thôi đâu. Sau này, đến năm Bảo Thái thứ 9 (1728), người nhà Thanh trã lại đất nước ta cũng chỉ trã có: núi xưởng chì ở Vị Xuyên, núi xưởng đồng ở Tụ Long, cộng 120 dặm2952 . Còn như những đất đã mất ở châu Bảo Lạc, châu Thủy Vĩ cùng 3 động Ngưu Dương. Hồ Điệp, Phổ Viên ở Vị Xuyên, vẫn không thấy trả lại. Xem như thế thì đất ở biên giới nước ta bị mất về nhà Thanh còn nhiều. Đại để, nhà Lê từ trung hưng trở về sau, giường mối vua tôi không rõ rệt, thế nước ngày một suy yếu dần, một dãi đất ở thượng du phó mặc cho bọn phiên thần2953 nối đời coi giữ, hoặc chúng đem đất công bán riêng cho người nước ngoài, hoặc chúng cùng người nước ngoàixâm cướp lẫn nhau, triều đình chỉ ràng buộc lỏng lẻo mà thôi. Tình tệ này không phải mới xảy ra mà chứa chất đã từ lâu lắm. Đến lúc Vũ Công Tuấn bội bạn, chạy sang nhà Thanh2954 , thổ ty nhà Thanh bèn nhân đấy chiếm đoạt bằng cách ăn hiếp. Thế thì việc mất 3 động này có lẽ vào khoảng năm Dương Đức-Vĩnh Trị (1672-1680). Còn như Vương Kế Văn và Thạch Văn Thạnh nói: "3 động Ngưu Dương thuộc vào Trung Quốc đã lâu", chẳng qua bọn này chỉ bịa đặt lời nói vu vơ để thỏa mãn được sự chiếm đoạt hàm hồ mà thôi. Lúc ấy triều đình nhà
đi. Khi cuối cùng, sẽ xem số lẽ còn lại bao nhiêu. Số lẽ này này trúng vào cửa nào, thì người đặt tiền ở cửa ấy được. Lối đánh bạc này có lẽ là đánh phán thán. Lối đánh lú của nước ta trước kia cũng gần giống như thế. Bốn cửa trong bàn đánh lú, người ta thường gọi "yêu, lượng, tam, túc".
Lê chỉ một chiều vâng theo, không biết bày tỏ cương giới hai bên để biện bạch cho được chính xác, thành ra suốt đời nhà Lê, cương giới nước ta phải chìm đắm vào nước khác, không sao lấy lại được, đáng tiếc biết chừng nào! Lời chua - Khai Hóa: Thuộc tỉnh Vân Nam, xem năm Chính Hòa thứ 9 (tờ 21 trong cuốn này).
Mông Tự: Xem Hồ Hán Thương, năm Khai Đại thứ 4 (Chb. XII, 14).
Thạch Văn Thạnh: Người ở Phụng Thiên, nhà Thanh, năm Khang Hy thứ 33 (1694) Thạnh giữ chức tuần phủ Vân Nam.
Quảng: Tức Quảng Tây, xem Bình Định Vương năm thứ 10 (Chb. XIV, 10).
Tháng 7, mùa thu. Giáng chức Hoàng Công Chí làm hữu thị lang bộ Lễ, thăng chức cho Lê Hy làm thượng thư bộ Binh.
Công Chí làm việc ở bộ Lại. Lúc ấy có Hồ Lại, người Nghệ An, lấy tư cách là đã làm tự thừa mãn niên hạn, được thăng chuyển làm viên ngoại lang bộ Hình. Hồ Lại là con Hồ Sĩ Dương, nghiệp sư2955 của Công Chí. Có người nói Công Chí thiên tư với Hồ Lại, Lê Hy vẫn ghét Công Chí, liền đem việc ấy tâu bày. Công Chí bèn giáng chức mà thăng chức cho Lê Hy.
Lê Hy là người hay nghi ngờ và giảo quyệt, nhiều người không ưa, lúc ấy có câu ngạn ngữ: "Tham tụng Lê Hy, thiên hạ sầu bi".
Lời chua - Viên ngoại lang và tự thừa: Theo quan chế triều cố Lê, thì viên ngoại lang trong 6 bộ, hàm tùng lục phẩm; tự thừa trong 6 ty, hàm chánh thất phẩm.
Công Chí: Người xã Thổ Hoàng: huyện Thiên Thi2956 , đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670) năm Cảnh Trị triều Lê Huyền Tông).
Tháng 12, mùa đông. Vũ Thạnh, Hồng lô tự khanh, bị bãi chức.
Vũ Thạnh giữ chức nội tán (tư giảng)2957 trong phủ tiết chế Trịnh Bính. Bính thường hỏi Thạnh về việc công ở bên ngoài. Thạnh là người chất phác, ngay thẳng, liền đem việc người trong nội phủ xin xỏ gửi gắp về kiện tụng nói với Bính. Bính đem việc ấy nói với Căn. Căn giận, bầy tôi lại đưa đón cho hợp ý của Căn, rồi buộc Thạnh vào tội gièm pha nói xấu người trong nội phủ. Vũ Thạnh bị bãi chức.
Sau khi Vũ Thạnh đã về, dựng nhà học ở phường Hào Nam dạy học, suy tìm nghĩa lý trong kinh sách, học trò có người ở xa ngàn dặm cũng cắp tráp sách đến học tập. Đằng trước nhà học liền ngay với hồ Bảy Mẫu, mỗi khi đến ngày giảng tập, nhà học không đủ chỗ chứa hết, học trò thường mượn thuyền nan cặp vào bên hồ nghe lời giảng dạy.
Vũ Thạnh, tính tình khoan hòa, khéo dạy dỗ những người hậu tiến, văn chương phong nhã đầy đủ, làm khuôn thước trong một thời. Học trò của ông nhiều người đỗ cao, làm bầy tôi danh vọng. Khi ông mất, triều đình truy tặng hàm tham chính. Em là Vũ Huy, con là Vũ Huyên cùng đỗ tiến sĩ; Bá Sưởng, cháu đã xa, là một người tiết nghĩa.
Lời chua - Hào Nam: Tên phường.
Bảy Mẫu: Tên Hồ. Cả hai, nay đều thuộc huyện Vĩnh Thuận2958 .
Kỷ Mão, năm thứ 20 (1699). (Thanh, năm Khang Hy thứ 38).
Tháng 4, mùa hạ. Sai Hà Tôn Mục và Nguyễn Hành kinh lý đất biên giới Tuyên Quang.
Sầm Trì Phượng, ở châu Tiểu Trấn Yên nhà Thanh, thường đem quân xâm lấn quấy rối biên giới châu Bảo Lạc thuộc Tuyên Quang, lính phòng thủ biên giới không sao ngăn cản được. Triều đình sai bọn Tôn Mục và Nguyễn Hành đi kinh lý địa phương này. Tôn Mục bèn đưa thư cho Trì Phượng dụ bảo về lý lẽ mọi việc. Trì Phượng đưa thư trã lời lấy làm hổ thẹn, xin tạ lỗi và xin triệt hết quân đi, do đấy, dân ở biên giới được yên ở như cũ. Khi trở về triều, Trịnh Căn khen Tôn Mục và Nguyễn Hành là người có tài, cho Tôn Mục thăng tự khanh, Nguyễn Hành thăng đô cấp sự.
Sau Trì Phượng cho bộ thuộc là Diệp Chi đem ngựa đến dâng. Trịnh Căn tặng cho khá hậu rồi cho về.
Lời chua - Tiểu Trấn Yên: Tên châu, xem Lê Huyền Tông, năm Cảnh Trị thứ 5 (Chb, XXXIII, 23).
Tuyên Quang: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 19, 30, 35).
Bảo Lạc: Xem Lê Huyền Tông, năm Chính Hòa thứ 9 (Chb. XXXIV; 21).
Canh Thìn, năm thứ 21 (1700). (Thanh, năm Khang Hy thứ 39).
Mồng một, tháng giêng, mùa xuân. Nhật thực.
Tháng 6, mùa hạ. Người Man Lạc Hòn xin vào dâng lễ cống, triều đình không nhận lời.
Lạc Hòn, một bộ lạc riêng của Ai Lao, dấy quân đánh Triều Phúc ở Ai Lao, không thắng được. Triều Phúc thường dựa vào thanh thế họ Trịnh, Lạc Hòn bèn đưa thư cho đốc suất Nghệ An là Lê Huyến xin vào dâng lễ cống và xin bắt Triều Phúc đem về, để người Lào được đặt tù trưởng khác và thu tô thuế để nộp2959 . Phủ Liêu2960 hội bàn, nhận rằng Trấn Ninh phụ thuộc làm tôi triều đình đã lâu, việc cống nạp và tô thuế không thiếu thốn. Vả lại, danh vị chức phận các tù trưởng ngang nhau, triều đình không nên có lòng bênh người này bỏ người nọ. Vì thế, triều đình hạ lệnh cho Lê Huyến lấy ý nghĩa dụ bảo mà từ chối lời thỉnh cầu của Lạc Hòn.
Quân của Lạc Hòn ước hơn ba ngàn người, không có đội ngũ, phân tán ra ở các nơi để cày cấy làm ăn. Họ thấy thành Mang Chan (Chăn) có quân áo đen, ngờ là Triều Phúc được quân viện trợ, sợ lắm, mùa thu năm ấy lại xin cùng Triều Phúc giải hòa và xin dâng thớt voi. Lê Huyến dịch bức thư của họ dâng về triều. Trịnh căn hạ lệnh an ủi. Sau Triều Phúc lại đánh Lạc Hòn, nhưng không thắng được, bèn rút về.
Lời chua - Lạc Hòn: Tức phủ Lạc Biên bây giờ. Vị trí ở thượng du phía tây nam tỉnh Nghệ An. Triều Lê trước, Lạc Hòn đời đời giữ lễ cống nạp theo như chức phận. Khi nhà Lê mất, Lạc Hòn phụ thuộc về nước Tiêm. Năm Gia Long (1802-1819) bản triều, Lạc Hòn đã mấy lần cống nạp; năm Minh Mệnh2961 đặt làm phủ Lạc Biên, thuộc Nghệ An; sau đó lại bội bạn, trở về với nước Tiêm.
Lại tham khảo Lê sử tục biên chép: "Xin bắt xà bồn đem về". Bởi vì tục người Man gọi tù trưởng là "xà". Xà bồn chép đây, tức chỉ Triều Phúc.
Ai Lao: Xem Triệu Việt Vương năm thứ 2 (Tb. IV, 10).
Mang Chan (Chăn): Xem năm Chính Hòa thứ 17 (tờ 37 trong cuốn này).
Tân Tỵ, năm thứ 22 (1701). (Thanh, năm Khang Hy thứ 40).
Tháng 4, mùa hạ. Vi Vinh Diệu, thổ tù phủ Tư Lăng nhà Thanh, xâm lấn ruộng của dân châu Lộc Bình. Triều đình sai thổ ty Vi Phúc Vĩnh phòng bị.
Lúc ấy, lúa chiêm ở châu Lạc Bình thuộc Lạng Sơn đã chín, Vinh Diệu đem dân đấn lấn cướp. Được tin này, triều đình bèn sai Phúc Vĩnh đốc thúc dân chúng cày cấy ở ven biên giới, trong thời kỳ lúa chín phải phòng bị nghiêm cấm, cốt sao không để người nước ngoài vượt biên giới gặt tranh lúa của dân mà thôi. Không nên bạo động càn để gây hấn khích ở biên giới.
Lời chua - Lộc Bình2962 : Xem Trần Nhân Tông, năm Thiệu Bảo thứ 6 (Chb. VII, 31).
Tư Lăng: Xem Lý Thái Tông, năm Thông Thụy thứ 4 (Chb.II, 41).
Ngày Giáp Dần. Sao Chổi xuất hiện ở vị trí sao Dực, sao Chẩn.
Nhâm Ngọ, năm thứ 23 (1702). (Thanh, năm Khang Hy thứ 41).
Tháng giêng, mùa xuân. Thanh Hoa có nạn thủy tai.
Nước sông lên cao, đê Thanh Hoa bị vỡ, dân đói. Triều đình cho trích một vạn quan tiền trong kho nội phủ, chia làm hai phần: một phần chẩn cấp cho nơi nào thóc lúa bị tổn hại; một phần chẩn cấp cho dân phu làm công việc hàn lấp khúc để vỡ. Lại mở kho ở trấn lấy thóc phát chẩn cho dân bị đói. Miễn các ngạch thuế đinh và hộ.
Tháng 7, mùa thu. Lại bổ dụng Nguyễn Quán Nho làm thượng thư bộ Binh, vào giữ chức tham tụng trong phủ chúa.
Trước kia, Quán Nho ở ngôi tể tướng, bị Lê Hy ghen ghét, phải chuyển xuống làm quan ở Ngự sử đài 7 năm2963 . Nay Lê Hy mất, Quán Nho lại được phục hồi chức cũ.
Lúc ấy, Thanh Hoa và Nghệ An mất mùa, dân đói, binh lính phần nhiều bỏ trốn và thiếu ngạch. Binh phiên2964 bắt bớ phiền nhiễu, làm cho dân phải khổ sở. Quán Nho kiến nghị nói: "Tránh việc nặng, tìm việc nhẹ, ăn hiếp người nghèo, che chở người giàu, nhân tình phần nhiều như thế. Nay nếu nhất luật giảm ngạch lính, chỉ làm lợi thêm cho chỗ khoan lương2965 , nếu nhất luật triển hoãn kỳ hạn, bổ sung lính, thì họ đều kêu nài là nghèo khổ. Vậy xin từ nay, xã nào có lính trốn, thì trách cứ hương mục cùng lính kinh thành đi bắt dẫn nộp; nếu lại bỏ trốn thiếu ngạch, thì giao cho quan bản trấn đòi bắt. Nếu làng nào tình trạng thật nghèo khổ thì quan bản trấn làm công văn mật tâu bày. Còn Binh phiên cho người bắt bớ đốc thúc như trước thì nay nhất thiết cấm chỉ". Trịnh Căn nghe theo.
Quán Nho ở trong chính phủ, biết giữ đại thể, làm việc theo chính sách khoan hậu. Lúc ấy có câu ngạn ngữ: "Tham tụng Vãn Hà2966 , bách tính âu ca".
Lời phê - Chưa thấy co gì là khoan hậu. Lời chua - Khoan hương: Tức dân trù phú. "Thực hóa chí" trong Đường thư chép: làng nào ruộng nhiều có thể cấp đủ cho người làng gọi là khoan hương; làng nào ruộng ít gọi là hiệp hương. Dân ở hiệp hương được trao cho ruộng chỉ bằng một nửa số ruộng của dân ở khoan hương2967 .
Quý Mùi, năm thứ 24 (1703). (Thanh, năm Khang Hy thứ 42).
Tháng giêng, mùa xuân. Trịnh Căn phong tằng tôn (chắt) là Cương làm tiết chế, An quốc công.
Trước kia, con cả của Trịnh Căn là Vĩnh chết sớm, Căn dùng con thứ ba là Bách thừa tự, Bách chết, dùng con của Vĩnh là Bính thừa tự. Bính sinh con là Cương, năm ấy 18 tuổi.
Nay Bính chết, Căn thấy mình tuổi già mà người thừa kế chưa ổn định, bèn triệu bồi tụng Nguyễn Quý Đức vào hỏi. Quý Đức thưa: "Trọng trách trông coi việc nước, vỗ về quân lính, phải thuộc về người chắt chưởng (thế đích tằng tôn), xin định ngay danh phận, để cắt đứt sự dòm ngó". Căn lại hỏi Đặng Đình Tướng, Đình Tướng cũng thưa như lời Quý Đức. Lúc ấy Trịnh Căn mới cả quyết, bèn dùng Cương kế tự, làm tờ biểu tiến phong Cương làm khâm sai tiết chế các dinh quân thủy quân bộ kiêm giữ hết cơ quan chính quyền, chức thái úy, tước An quốc công, mở phủ Lý quốc.
Đại hạn, dân bị đói.
Triều đình sai quan chia nhau đi khám xét, xá thuế dung năm nay cho Thanh Hoa; lại trích tiền kho nội phủ chẩn cấp cho dân đói ở Kinh Kỳ.
Bắt đầu sai đề lãnh Nguyễn Đức Uyển kiêm trấn thủ Lạng Sơn.
Bắt đầu từ đây, quan trong kinh quản lĩnh ngoại trấn bằng cách không nhậm chức tại chỗ.
Giáp Thân, năm thứ 25 (1704). (Thanh, năm Khang Hy thứ 43).
Tháng 3, mùa xuân. Trịnh Luân và Trịnh Phất định mưu giết tiết chế cương. Trịnh Căn giết Luân và Phất; thăng chức cho hiệu thảo Nguyễn Công Cơ làm hữu thị lang bộ Công.
Trước đây, Trịnh Bính mất, Luân và Phất tự lấy mình là con Trịnh Bách, tiết chế đã quá cố, đáng được tập phong nối nghiệp. Đến nay, Trịnh Cương do vai chắt của Căn lại được mở phủ đệ, nên Luân và Phất cấu kết với với bọn Đào Quang Giai làm bè đảng giúp sức định mưu cướp ngôi của Trịnh Cương. Dò biết hiện trạng việc này, hiệu thảo Nguyễn Công Cơ đem báo cáo cho Trịnh Căn biết. Căn giao bọn này xuống ngục Đình úy tra hỏi, họ đều nhận tội, nên đều bị tội theo pháp luật. Nguyễn Công Cơ được thăng chức thị lang.
Lời chua - Công Cơ: Người xã Minh Tào, huyện Từ Liêm, đỗ tiến sĩ khoa Đinh Sửu (1697) năm Chính Hòa.
Đào Quang Giai: Người xã Thủy Cam, huyện Thanh Oai.
Ất Dậu, năm thứ 26 (1705). (Từ tháng 4 trở về sau thuộc năm Vĩnh Thịnh thứ nhất triều Dụ Tông - Thanh, năm Khang Hy thứ 44).
Tháng 3, nhuận, mùa xuân. Bổ dụng Đặng Đình Tướng làm đô đốc, lĩnh chức trấn thủ Sơn Nam.
Chức Trấn thủ Sơn Nam, khuyết đã lâu2968 , triều đình khó tìm được người xứng đáng để bổ thay. Đình Tướng lấy tư cách là người công lao, thân thích2969 , có mưu cơ, tài lược, hiểu biết việc quân, nên đương làm tả thị lang giữ chức bồi tụng, đổi sang làm đô đốc ra trấn thủ Sơn Nam, tước phong Ứng quận công.
Đình Tướng, giản dị, khoan hòa, nhân thứ; nhân dân trong trấn cũng được yên vui.
Tháng 4, mùa hạ. Nhà vua hạ chiếu truyền ngôi cho thái tử Duy Đường.
Thái tử lên ngôi (tức Dụ Tông), đổi niên hiệu, đại xá.
Tha hai phần mười (2/10) thuế vụ hạ năm nay cho dân, những thuế bỏ thiếu từ năm Quý Mùi trở về trước đều được ân xá; những dân phiêu lưu ở Thanh Nghệ và tứ trấn được phép đến cửa khuyết tâu bày tình trạng, sẽ liệu lượng cho giảm phú thuế giao dịch.
Lời chua - Quý Mùi: Tức năm Chính Hòa thứ 24 (1703).
Tôn nhà vua làm thái thượng hoàng.