K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c
Chính Biên
Quyển thứ 32
Từ Canh Thân, Lê Chân Tông, năm Phúc Thái thứ 2 (1644), đến Nhâm Dần, Lê Thần Tông, năm Vạn Khánh thứ nhất (1662), gồm 19 năm.
Giáp Thân, Chân Tông Thuận hoàng đế năm Phúc Thái thứ 2 (1644). (Minh, năm Sùng Trinh thứ 17 - Thanh, Thế tổ chương hoàng đế năm Thuận Trị thứ nhất).
Tháng giêng, mùa xuân. Tế nam giao.
Tháng 4, mùa hạ. Sao Thái bạch đi ngang trời.
Tháng 12, mùa đông. Trịnh Tạc đi đánh Cao Bằng, được thắng trận.
Mạc Kính Hoàn lén lút chiếm cứ Cao Bằng. Triều đình cử Trịnh Tạc làm thống lãnh, Dương Trí Trạch làm đốc thị, Phạm Công Trứ giữ chức tán lý việc quân, tiến quân đi đánh, được thắng trận, chém một tỳ tướng, bắt được đồ đảng giặc làm tù binh rồi dẫn quân về.
Lời chua - Cao Bằng: Tức Bắc Bình, nguyên trước thuộc đạo Ninh Sóc, xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 19, 31, 32, 35).
Dương Trí Trạch: Người xã Bạt Trạc, huyện Thiên Lộc, đỗ đồng tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1619) năm Hoằng Định thứ 20 triều Lê Kính Tông.
Ất Dậu, năm thứ 3 (1645). (Minh, Phúc vương Do Tung năm Hoằng Quang thứ nhất, từ tháng 6 mùa hạ trở về sau thuộc Đường vương Duật Kiện năm Long Vũ thứ nhất - Thanh, năm Thuận Trị thứ 2).
Tháng 4, mùa hạ. Sao Huỳnh Hoặc phạm vào vị trí sao Dư Quỷ.
Trịnh Tráng phong cho con là là Tạc làm thái úy Tây quốc công.
Tạc lấy danh nghĩa là phó đô tướng Thái bảo tây quận công tiến phong thái úy tả tướng tiết chế các doanh quân thủy, quân bộ các xứ, giữ quyền bính trong nước, tước Tây quận công, mở phủ đệ Khiêm Định. Công việc nhà nước hết thảy đều ủy thác cho Tạc quyết đoán.
Tháng 5. Trịnh Lịch và Trịnh Sầm nổi loạn, bị giết chết.
Trước đây, Tráng phân phối sai các con của hắn là: Trịnh Tạc trấn thủ Sơn Nam, Trịnh Lịch trấn thủ Sơn Tây, Trịnh Sầm trấn thủ Hải Dương2748 , đều gia phong tước quận công. Đến nay, Trịnh Tạc được tiến phong làm thái úy, giữ chính quyền trong nước. Lịch và Sầm mất hết hi vọng, bèn cất quân nổi loạn. Tráng sai Tạc đem quân đi đánh, bắt được Trịnh Lịch; còn Trịnh Sầm trốn vào Ninh Giang, Tráng sai thái bảo Trịnh Trượng đuổi đến Chúc sơn, bắt được, giải về kinh sư, Lịch và Sầm đều bị giết.
Lời phê - Nhà người bầy tôi bạn nghịch luôn luôn đẻ ra đứa con bạn nghịch. Họ Trịnh có thể nói là đời nọ thừa kế cái ác nghiệp của đời kia. Lời chua - Ninh Giang, Chúc Sơn: Đều xem Bình Định vương năm thứ 9 (Chb. XIII, 26, 31).
Xá một nửa thuế năm nay cho nhân đinh trong nước.
Năm Vĩnh Tộ (1619 - 1628) Trước đây, định thể lệ thuế đinh; hạng tráng đinh, người nào không đi đánh dẹp mỗi người phải nộp 3 quan 5 tiền; hạng quân mỗi người phải nộp 1 quan 5 tiền; hạng dân mỗi người phải nộp 1 quan 2 tiền 30 đồng; sinh đồ, ti lại, xã trưởng, lão hạng, tăng đạo, giáo phường nộp 1 quan; người tàn tật nộp 8 tiền. Số tiền thuế kể trên chia ra 10 phần, hàng năm nhà nước thu 7 phần, lưu lại cho dân 3 phần để tỏ lòng khoan hồng thương xót. Đến nay đặc ân tha cho một nữa, chỉ thu năm phần mười (5/10).
Bính Tuất, năm thứ 4 (1646). (Minh, Đường vương Duật Kiện năm Long Vũ thứ 2; từ tháng 11 mùa đông trở về sau, thuộc Quế vương Do Lang năm Vĩnh Lịch thứ nhất - Thanh, năm Thuận Trị thứ 3).
Tháng giêng, mùa xuân. Mưa đá.
Chim muôn phần nhiều bị chết.
Tháng 2. Ở Kinh sư mưa đá.
Năm này lúa thóc được mùa.
Đinh Hợi, năm thứ 5 (1647). (Minh, Quế vương Do Lang năm Vĩnh Lịch thứ 2 - Thanh, năm Thuận Trị thứ 4).
Tháng 5, mùa hạ. Sứ nhà Minh sang nước ta.
Trước đây, Đường vương Duật Kiện nhà Minh lên ngôi vua ở Phúc Châu, đổi niên hiệu là Long Vũ. Nhà vua sai bọn Nguyễn Nhân Chính đi đường biển đến Phúc Châu, chúc mừng việc lên ngôi vua và xin phong tước. Khi bọn Nhân Chính đến Phúc Châu, thì Đường vương đã bị người nhà Thanh bắt, bầy tôi nhà Thanh cùng nhau lập Quế vương Do Lang lên ngôi vua, lấy đất Triệu Khánh làm nơi hành tại, đổi niên hiệu là Vĩnh Lịch. Vì thế, bọn Nhân Chính nhân tiện đường đem tờ biểu trở về bái yết Quế vương ở Triệu Khánh. Đến nay, nhà Minh sai bọn Phan Kỳ đệ tờ sắc cáo, cùng đi với bọn Nhân Chính do Trấn Nam Quan2749 sang nước ta, sách phong thái thượng hoàng làm An Nam quốc vương.
Triệu Hữu Đào, người Long Châu nhà Minh, giết em họ của nó là Triệu Hữu Kinh, thủ lĩnh Long Châu, rồi đem gia quyến sang lẩn lút ở Cao Bằng. Con Hữu Kinh là Khải xin nước ta cứu viện. Triều đình bèn hạ lệnh cho Trịnh Lệ tiến quân đến Cao Bằng, bắt được Hữu Đào, giải về kinh sư, dụ bảo hai bên hòa thuận với nhau, rồi cho về nước.
Lời chua - Nguyễn Nhân Chính: Người xã Kim Lũ, huyện Thanh Trì, đỗ đồng tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1634) năm Đức Long triều Thần Tông.
Phúc Châu: Nay là tỉnh lỵ Phúc Kiến.
Triệu Khánh: Thuộc tỉnh Quảng Đông.
Trấn Nam Quan: Phía nam giáp tỉnh Lạng Sơn.
Long Châu: Xem Trần Thánh Tông, năm Bảo Phù thứ 4.
Cao Bằng: Tức Bắc Bình, nguyên trước thuộc Ninh Sóc, xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 19, 31, 32, 35).
Tháng 7, mùa thu. Sai sứ thần đi tuyển lính.
Trước đây sai quan tuyển lính, ghi lấy những người mạnh khỏe để cho sung ngạch, người già yếu thì thải bớt đi. Đến nay, sai sứ thần chia nhau đi các xứ xét duyệt hạng dân đinh khỏe mạnh để bổ sung vào ngạch lính. Lại hạ lệnh: dân gian không ai được mạo xưng là người có chức tước để trốn tránh việc binh lính.
Mậu Tý, năm thứ 6 (1648). (Minh, năm Vĩnh Lịch thứ 3 - Thanh, năm Thuận Trị thứ 5).
Tháng 2, mùa xuân. Người họ Trịnh xâm lấn Quảng Bình. Thái Tông Hiếu Triết hoàng đế ta phụng mệnh đi đánh, đánh bại được quân họ Trịnh. Tháng 5, mùa hạ, Trịnh Tráng sai tướng là Lê Văn Hiểu chia quân giữ Hà Trung.
Trịnh Tráng sai đô đốc tiến quận công Lê Văn Hiểu đem các quân thủy, quân bộ chia đường vào Nam xâm lấn, đóng đồn ở châu Nam Bố Chính. Trước hết cho quân thủy xâm phạm cửa biển Nhật Lệ, rồi tiến quân xâm phạm dinh Quảng Bình. Viên trấn thủ dinh Quảng Bình là Trương Phúc Phấn cùng với con là Hùng cố giữ lũy Trường Dục, quân Trịnh cố sức đánh, không sao phá được, Thái Tông Hiếu Triết hoàng đế ta lúc ấy còn làm thế tử2750 , tước phong Dũng Lễ hầu, được lệnh của Thần Tông Hiếu Chiêu hoàng đế ta giao cho đốc suất các tướng đem quân đi đánh. Tiền quân tiến đến xã An Đại, gặp quân Trịnh, liền cấp tốc đánh luôn, phá tan được, thế quân rất phấn chấn. Thái Tông Hiếu Triết hoàng đế ta đến Quảng Bình, hội hợp các tướng bảo rằng: "Quân họ Trịnh tuy nhiều nhưng người đánh giỏi có ít. Nếu ta nhân lúc ban đêm dùng voi xông vào, tất nhiên bên kia mất hết khí phách mà bỏ chạy tan vỡ, bấy giờ ta đem đại binh tiến đánh, thì đánh một trận cũng có thể bắt được". Bèn sai Triều Phương (không rõ họ) thống lãnh quân thủy, phục sẵn ở sông Cẩm La: chưởng cơ Nguyễn Hữu Tiến đem hơn trăm thớt voi khỏe2751 , nhân trống canh năm, xông thẳng vào doanh trại quân Trịnh, rồi các quân tiếp tục tiến theo đánh úp, phá được doanh trại của Trịnh, quân Trịnh thua to, tan vỡ bỏ chạy, gặp quân thủy của ta chặn ngang, quân Trịnh chết đuối không kể xiết được. Quân ta bắt được tướng bên Trịnh là Gia, Lý và Mỹ (đều không rõ họ) cùng 3ooo quân chúng nữa làm tù binh. Đại binh ta nhân thế thắng, đuổi quân thua, Lê Văn Hiểu chạy trốn, quân ta đuổi đến bờ sông Gianh thì trở về.
Trịnh Tráng bèn sai Lê Văn Hiểu làm tướng Tả quân, Hồng lô tự khanh Trần Ngọc Hậu làm đốc đồng, thống lãnh hơn một vạn quân đóng ở Hà Trung; Đông quận công Lê Hữu Đức làm tướng Hữu quân, Lễ khoa cấp sự trung Vũ Lương làm đốc đồng thống lãnh một ngàn quân đóng ở Hoành Sơn; thuộc tướng của Tả quân là Phạm Tất Toàn đóng ở châu Bắc Bố Chính. Các tướng kể trên chia quân phòng giữ.
Lời phê - Lúc bấy giờ vua nhà Lê chỉ ngồi ôm lấy cái ngai suông. Ở đây chép là "người họ Trịnh vào xâm lấn" (Trịnh nhân lai sâm), chép như thế đã được đúng sự thật đấy. Lời chua - Dinh Quảng Bình: Lúc ấy ở xã Vũ Xá thuộc huyện Phong Lộc.
Sông Gianh: Nay ở chỗ tiếp giáp giới hai huyện Bình Chính và Bố Trạch, thuộc tỉnh Quảng Bình.
Nam Bố Chính: Xem Trần Tông, năm Dương Hòa thứ 9 (Chb. XXXI, 31).
Nhật Lệ: Cửa biển, xem Trần Duệ Tông, năm Long Khánh thứ 4 (Chb. X, 39).
An Đại: Tên xã.
Lũy Trường Dục: Ở xã Trường Dục và Cẩm La nay đều thuộc huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình.
Bắc Bố Chính: Xem Thần Tông, năm Đức Long thứ 5 (Chb. XXI, 29).
Hà Trung: Xem Thần Tông, năm Vĩnh Tộ thứ 9 (Chb. XXXII, 7, Chb, XXI, 24).
Hoành Sơn: Tên núi, ở huyện Kỳ Anh, thuộc tỉnh Hà Tỉnh.
Nguyễn Phúc Phấn: Người huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Nguyễn Hữu Tiến: Người xã Vân Trai, huyện Ngọc Sơn.
Trần Ngọc Hậu: Người xã Lạc đạo, huyện Gia Lâm, đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn (1640) năm Dương Hòa triều Lê Thần Tông.
Vũ Lương: Người xã Mộ Trạch, huyện Đường An, đỗ đồng tiến sĩ khoa Quý Mùi (1643) năm Phúc Thái triều Lê Chân Tông.
Thái Tông Hiếu Triết hoàng đế ta2752 nối nghiệp.
Kỷ Sửu, năm thứ 7 (1649). (Từ tháng 10 trở về sau thuộc năm Khánh Đức thứ nhất đời Lê Thần Tông - Minh, năm Vạn Lịch thứ 4 - Thanh, năm Thuận Trị thứ 6).
Tháng 8, mùa thu. Nhà vua mất.
Nhà vua ở ngôi 7 năm, hưởng thọ 20 tuổi, miếu hiệu Chân Tông.
Tháng 10, mùa đông. Thái thượng hoàng lại lên ngôi vua.
Nhà vua mất, không có con nối ngôi. Trịnh Tráng sai con là Tạc đem các quan văn võ rước Thái Thượng hoàng lại lên ngôi vua, đổi niên hiệu, kể ngay năm ấy là năm Khánh Đức thứ nhất.
Làm lễ táng Chân Tông ở lăng Hoa Phố.
Canh Dần, Thần Tông Uyên hoàng đế năm Khánh Đức thứ 2 (1650). (Minh, năm Vĩnh Lịch thứ 5 - Thanh, năm Thuận Trị thứ 7).
Tháng giêng, mùa xuân. Tế nam giao.
Tân Mão, năm thứ 3 (1651). (Minh, năm Vĩnh Lịch thứ 6 - Thanh, năm Thuận Trị thứ 8).
Tháng giêng, mùa xuân. Sao chổi xuất hiện ở phương đông).
Tháng 10, mùa đông. Nhà Minh sai sứ sang phong Trịnh Tráng làm phó quốc vương.
Lúc ấy, Quế vương nhà Minh bị quân Thanh uy hiếp, chạy đến Nam Ninh, hạ sắc lệnh dụ bảo Trịnh Tráng cấp cho binh sĩ lương thực để giúp vào việc khôi phục. Đến nay, Quế vương sai quan đem sách thư phong Tráng làm An Nam phó Quốc vương.
Lời phê - Một nước không bao giờ có hai vua. Lúc ấy nhà Minh chỉ còn một tí tro tàn, giở trò ăn xin để làm vui lòng người khác, tiện việc cho mình, mà không biết rằng như thế là hết sức giúp chúa Kiệt2753 làm điều dữ. Đáng khinh bỉ! Lời chua - Nam Ninh: Đại Thanh nhất thống chỉ chép; phủ Nam Ninh thuộc tỉnh Quảng Tây.
Nhâm Thìn, năm thứ 4 (1652). (Minh, năm Vĩnh Lịch thứ 7. Thanh, năm Thuận Trị thứ 9).
Tháng 3, mùa xuân. Hoạn quan Hoàng Nhân Dũng mưu nổi loạn, bị giết chết.
Vì thân phận là hoạn quan, Nhân Dũng được Trịnh Tráng tin yêu, làm quan giữ chức ti lễ giám, thiếu bảo, tước quận công, lại được Trịnh Tráng cho đổi là họ Trịnh, lấy tên là Trịnh Lãm. Nhân Dũng ngày càng kiêu ngạo càng rỡ, ngầm cùng gia thuộc là Trần Nhân Liễn vụng trộm nuôi người có tà thuật, mưu nổi loạn. Việc ấy bị phát giác, bọn Nhân Dũng và Nhân Liễn đều bị giết.
Tháng 8, mùa thu. Trịnh Tráng gia phong cho con là Tạc làm nguyên soái, giữ chính quyền trong nước, tước Tây Định vương.
Việc này là theo lời xin của bầy tôi trong triều.
Lời phê - Lúc bấy giờ người làm tôi ai cũng chỉ biết có họ Trịnh, mà không biết có nhà Lê. Như thế, còn có thể coi họ là người làm tôi được nữa không?
Quý Tỵ, năm Thịnh Đức thứ nhất (1653). (Minh, năm Vĩnh Lịch thứ 8 - Thanh, năm Thuận Trị thứ 10).
Tháng 2, mùa xuân. Sao chổi xuất hiện ở phương đông.
Đại xá.
Đại xá cho trong nước và đổi niên hiệu, kể từ năm ấy là năm Thịnh Đức thứ nhất.
Giáp Ngọ, năm thứ 2 (1654). (Minh, năm Vĩnh Lịch thứ 9 - Thanh, năm Thuận Trị thứ 11).
Ất Mùi, năm thứ 3 (1655). (Minh, năm Vĩnh Lịch thứ 10 - Thanh, năm Thuận Trị thứ 12).
Tháng 2, mùa xuân. Quân của họ Trịnh xâm lấn châu Nam Bố Chính.
Tháng 4, mùa hạ. Thái Tông Hiếu Triết hoàng đế ta hạ lệnh cho bọn Thuận Nghĩa hầu Nguyễn Hữu Tiến và Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật đem quân đánh châu Bắc Bố Chính, đánh phá được quân họ trịnh. Phạm Tất Toàn đem cả châu xin hàng. Bọn Tiến và Dật bèn tiến quân đánh doanh trại Hà Trung, tướng bên Trịnh là Lê Văn Hiểu và Lê Hữu Đức thua trận bỏ chạy.
Lê Văn Hiểu, tướng họ Trịnh, thường sai người tướng thuộc hạ là Phạm Tất Toàn cho quân sang qua sông Gianh, lấn cướp châu Nam Bố Chính. Nguyễn Hữu Dật đi tuần hành biên giới, đến dinh Bố Chính, đem sự trạng ấy trình bày. Thái Tông Hiếu Triết hoàng đế ta bèn hạ lệnh cho bọn Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật đem các quân qua sông Gianh đánh úp, phá tan được. Tất Toàn đem châu Bố Chính đầu hàng. Bọn Tiến và Dật bèn dẫn quân xông thẳng đến Hoành Sơn, gặp cánh quân của Hữu Đức, lại đánh đuổi được; nhân thế thắng, tiến quân đánh doanh trại Hà Trung. Văn Hiểu đốc quân sĩ cố đánh, nhưng không địch được, bèn cùng bọn Hữu Đức chạy về An Trường, Hữu Tiến tiến quân đánh Thạch Hà; Đặng Minh Tắc, tham đốc bên Trịnh, đến cửa quân đầu hàng. Bọn Văn Hiểu và Hữu Đức lại tiến quân đóng ở Đại Nại, chia quân ra chống cự phòng thủ.
Lời chua - Hà Trung: Xem Lê Thần Tông, năm Vĩnh Tộ thứ 9 (Chb. XXXI, 24).
Hoành Sơn và sông Gianh: Đều xem Lê Chân Tông, năm Phúc Thái thứ 6 (Chb. XXXII, 6, 7).
Bắc Bố Chính: Xem Lê Thần Tông, năm Đức Long thứ 5 (Chb. XXXI, 29).
Nam Bố Chính: Xem Lê Thần Tông, năm Dương Hòa thứ 9 (Chb. XXXI, 31, 32).
An Trường: Nay là tỉnh lỵ Nghệ An, ở địa phận huyện Chân Lộc2754 .
Thạch Hà: Tên huyện, thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
Đại Nại: Tên xã, ở huyện Thạch Hà.
Tháng 6, mùa hạ. Trịnh Tráng sai Trịnh Tráng giữ chức thống lãnh đi kinh lý xứ Nghệ An. Tháng 8, mùa thu. Quân của Trịnh Trượng đóng ở Lạc Xuyên, đánh nhau với quân của Nguyễn Hữu Tiến, Trịnh Trượng bị thua đau, chạy về An Trường.
Vì việc bị thua ở Hà Trung, Tráng cho triệu Lê Văn Hiểu và Lê Hữu Đức về triều. Văn Hiểu bị đạn lạc trúng vào chân, nên chết ở dọc đường. Tráng cho truy thu lấy cáo sắc của Văn Hiểu, rồi giáng chức Hữu Đức làm đô đốc thiêm sự, Trần Ngọc Hậu làm Thượng bảo tự khanh, Vũ Lương làm Công Khoa cấp tự trung, còn các tướng thuộc hạ là bọn Lê [Thì] Hiến, Trịnh Bính đều bị bãi chức.
Tráng bèn sai thái bảo Khê quận công Trịnh Trượng giữ chức thống lãnh, Lại bộ tả thị lang Nguyễn Văn Trạc làm đốc thị, Lại khoa cấp tự trung Nguyễn Tính làm phó đốc thị, thống suất 18 viên tướng, đốc suất các binh sĩ đi kinh lý xứ Nghệ An. Tháng 8, bọn Trịnh Trượng tiến đến Kỳ Hoa, chia quân
ra đóng đồn phòng thủ. Lũng quận công Vũ Văn Thiêm thống suất 50 chiếc thuyền chiến đóng ở cửa biển Kỳ La để chống cự với quân ta. Bọn Nguyễn Hữu Tiến hay tin này, rút quân về sông Gianh. Trịnh Trượng đến Hà Trung, nghi ngờ không dám tiến quân, rồi triệu các tướng lại hỏi mưu kế. Nguyễn Văn Trạc nói: "Bọn Hữu Tiến, Hữu Dật từ khi qua sông sang mặt Bắc đến nay, nhân thế thắng, đánh rộng ra, khí thế sắc bén càng thêm mạnh mẽ; nay không vì cớ gì mà rút quân về, đây là họ dụ ta đấy. Bây giờ không có gì hơn là đem quân đóng ở Lạc Xuyên, quân thủy, quân bộ liên tiếp với nhau, rồi theo thời cơ mà thay đổi cách đối phó. Đấy là binh pháp". Trượng theo kế của Trạc, lui quân đóng ở Lạc Xuyên, rồi sai 500 quân tuần tiễu đóng ở Hà Trung.
Hữu Tiến hạ lệnh cho các quân chia ra các đạo cùng tiến, khi gặp quân tuần tiễu bên Trịnh, đánh đuổi được bọn này, rồi tiến thẳng đến Lạc Xuyên. Quân bên Trịnh bị thua. Hữu Dật đem quân thủy đánh cửa biển Kỳ La. Vũ Văn Thiêm phải lui về cửa biển Đan Nhai. Hữu Dật bèn tiến vào cửa biển Nam Giới. Bọn Nguyễn Hữu Sắc và Lê Sĩ Hậu nghe biết phong thanh đều chạy trốn. Bọn Hữu Tiến nhân đà thế thắng, tiến đến Bân Xá. Do đấy, 7 huyện ở phía nam sông Lam (Hà Nam) đều phụ thuộc về với ta, cũng do đấy mà nhân dân ở phía bắc sông Lam (Hà Bắc) sợ hãi nôn nao. Trịnh Trượng cùng các tướng chạy về An Trường, chia quân ra phòng thủ. Bọn Hữu Tiến rút quân về đóng ở Lạc Xuyên.
Lời chua - Lê [Thì] Hiến: Người xã Phú Hào, huyện Lôi Dương.
Nguyễn Văn Trạc: Người xã Mai Dịch, huyện Từ Liêm, đổ đồng tiến sĩ khoa Tân Mùi (1631) năm Đức Long thứ 3 triều Lê Thần Tông2755 .
Nguyễn Tính: Người xã Huê Cầu, huyện Văn Giang, đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn (1640) năm Dương Hòa thứ 6 triều Lê Thần Tông.
Cửa biển Kỳ La: Nay thuộc huyện Kỳ Anh.
Cửa biển Đan Nhai: Xem Trần Đế Ngỗi, năm Hưng Khánh thứ nhất2756 (Chb. XII, 20).
Cửa biển Nam Giới: Xem Đinh Tiên Hoàng, năm Thái Bình thứ 10 (Chb. I, 12).
Bân Xá: Tên xã, thuộc huyện Thiên Lộc.
Hà Nam, Hà Bắc: Ở phía nam sông Lam thuộc Nghệ An, gọi là Hà Nam, ở phía bắc sông Lam gọi là Hà Bắc.
Bảy huyện: Kỳ Hoa, Thiên Lộc, Nghi Xuân, La Sơn, Hương Sơn, và Thanh Chương.
Tháng 9. Trịnh Tráng sai con là tạc làm Thống lãnh, tiến quân vào Nghệ An, sau lại triệu về và sai bọn Đào Quang Nhiêu, Vũ Văn Thiêm đem quân trấn giữ.
Vì bị thua ở Lạc Xuyên, Trịnh Tráng giáng chức Trịnh Trượng làm đô đốc đồng tri, còn bọn Nguyễn Hữu Sắc đều bị bãi chức. Rồi sai Tạc giữ chức thống lãnh; tả đô đốc Đương quận công Đào Quang Nhiêu làm đốc suất; bồi tụng, Hộ khoa cấp sự trung Phan Hưng Tạo làm đốc thị, đem các quân tiến vào Nghệ An, đóng ở An Trường. Lại sai tả đô đốc Lũng quận công và Vũ Văn Thiêm giữ chức đốc suất quân thủy, Lại bộ hữu thị lang Dương Hổ làm đốc thị, tiến quân đến Kỳ Hoa, để chống cự với quân ta.
Bọn Nguyễn Hữu Tiến được tin, rút quân về đóng giữ ở Hà Trung.
Được ít lâu, vì trong nước xảy ra nhiều việc, Tráng cho triệu Trịnh Tạc về, để Đào Quang Nhiêu ở lại giữ Nghệ An, thống lãnh các tướng đóng ở An Trường; lại sai Thân Văn Quang và Mẫn Quang Liên đóng ở Tiếp Vũ, Lại Thế Thời [Thì] đóng ở Minh Lương, Hằng Khê đóng ở Bình Lãng, Vũ Văn Thiêm
thống lãnh quân thủy đóng ở sông Khu Độc. Các tướng đều phòng giữ chiếu theo cảnh giới mà mình đóng quân.
Lời chua - Tiếp Vũ, Minh Lương, Bình Lãng: Đều tân xã, thuộc huyện Thiên Lộc, tỉnh Nghệ An2757 .
Sông Khu Độc: Thuộc xã Tam Đăng, huyện Nghi Xuân2758 .
Đào Quang Nhiêu: Người xã Tuyền Cam, huyện Thanh Oai.
Phan Hưng Tạo: Người xã Bình Lãng, huyện Thiên Lộc, đỗ tiến sĩ khoa Canh Dần (1650) năm Khánh Đức triều Lê Thần Tông.
Hằng Khê: Không rõ tiểu sử thế nào.
Bính Thân, năm thứ 4 (1656) (Minh, năm Vĩnh Lịch thứ 11 - Thanh, năm Thuận Trị thứ 13).
Tháng 12, mùa xuân. Vũ Văn Thiêm, Đào Văn Nhiêu đánh nhau với quân của Nguyễn Hữu Tiến ở Mẫn Tường và Bình Lãng. Quân bên Trịnh bị thua to. Trịnh Tráng sai con là Tuyền làm thống lãnh, trấn giữ Nghệ An.
Bọn Hữu Tiến đem quân đánh úp Tiếp Vũ, bọn Thân Văn Quan và Mẫn Văn Liên bị thua, phải chạy, Hữu Tiến nhân thế thắng, tiến quân đến Tam Chế. Nguyễn Hữu Dật tiến quân đến Hồng Lĩnh, gặp quân tuần tiễu của bên Trịnh, bọn Hữu Tiến đánh phá được toán quân này, bèn tiến quân đến Mẫn Tường. Văn Thiêm đem quân thủy lên bờ sông2759 , Diên Lược (sót họ), quân tiên phong [của ta] đánh luôn, Văn Thiêm lui quân giữ ở Đằng Để. Hữu Dật thúc quân đánh xông vào, bắn chết được tướng của Văn Thiêm là Tường Trung (sót họ) , Văn Thiêm thua chạy. Hữu Tiến đem quân chính đạo tiến đến Minh Lương, Tống Hữu Đại đem quân thượng đại tiến đến núi Bình Lãng, Quang Nhiêu chia quân ra chống cự, bị thua to, Quang Nhiêu bỏ doanh trại, lui về An Trường. Nguyễn Hữu Tiến bèn thu quân đóng ở Vân Cát.
Quang Nhiêu dâng biểu về triều nhận tội và xin quân cứu viện, Trịnh Tráng họp các tướng lại hỏi rằng: "Nay muốn tìm người để phó thác cho việc giữ cửa ngõ nơi phiên trấn, ai có thể đương nổi việc ấy?". Các tướng đều nói: "Thiếu bảo Ninh quận công Trịnh Tuyền đủ cả trí mưu và dũng cảm, có thể giao phó giữ binh quyền. Nếu bằng người khác hay không phải là một viên tướng trong thân thuộc thì không thể dùng được". Tráng nghe theo, bèn sai Tuyền thống lãnh các tướng, trấn giữ Nghệ An, Quang Nhiêu và Văn Thiêm đều thuộc dưới quyền của Tuyền.
Lời chua - Trịnh Tuyền: Con út Trịnh Tráng.
Tống Hữu Đại: Người xã Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Vân Cát: Tên xã, thuộc huyện Thạch Hà.2760
Hồng Lĩnh: Tên núi, ở địa phận hai huyện Nghi Xuân và Thiên Lộc tiếp giáp nhau.
Mẫn Tường: Tên đất.
Đằng Đề: Tên xã, cả hai đều thuộc huyện Nghi Xuân.
Tháng 5, mùa hạ. Dương Trí đánh bại được quân họ Trịnh ở cửa biển Nam Giới. Trịnh Tuyền dẫn quân đánh nhau với Tống Phúc Khang ở Đại Nại. Nguyễn Hữu Tiến chia quân ra các đạo đón đánh, phá tan được quân họ Trịnh. Tuyền chạy về An Trường.
Sau khi Trịnh Tuyền đã đến quân thứ, đốc suất các quân tiến đến Thạch Hà, phân phối sai bọn Đào Quang Nhiêu và Dương Hồ quản Lĩnh quân bộ đóng ở Hương Bộc và Đại Nại, bọn Xuân quận công Lê Sĩ Hậu và Bùi Sĩ Lương quản lĩnh quân thủy đóng ở cửa biển Nam Giới, Vũ Văn Thiêm làm đốc suất đóng ở Đan Nhai.
Nguyễn Hữu Tiến họp các tướng ở Na Khố, sai Dương Trí và Nguyễn Văn Kiều quản lĩnh quân thủy, bọn Tống Phúc Khang và Phù Dương (sót họ) quản lĩnh quân bộ, chia đường tiến đánh.
Dương Trí tiến đánh ở cửa biển Nam Giới, Hữu Dật đốc suất quân bộ đánh tiếp, bắt được Xuân quận công và 30 chiếc thuyền chiến. Bọn Sĩ Hậu và Sĩ Lương đều thua chạy. Dương Trí bèn tiến quân đến sông Lam, phó tướng Văn Kiều đem quân thủy thẳng đến Đan Nhai, lại đánh phá tan được quân thủy của họ Trịnh. Văn Thiêm bỏ thuyền chạy. Trịnh Tuyền hay tin, cả sợ, lui quân đóng ở Hoạt Độ2761 . Gặp lúc ấy bọn Phúc Khang và Phù Dương dẫn quân bộ bất thình lình kéo đến Hương Bộc bao vây toán quân của Đào Quang Nhiêu, Trịnh Tuyền đốc thúc các quân đến cứu viện, Dương Hổ chỉ huy quân tiến lên lên phía trước. Quang Nhiêu có được quân cứu viện, bèn mở cửa thành ra đón đánh, hai cánh quân đánh khép quân của Phúc Khang ở Đại Nại. Quân của bọn Phúc Khang bị thua, lui về Hà Trung, bọn Trịnh Tuyền và Quang Nhiêu đốc suất các quân đuổi đến Tam Lộng. Hữu Tiến hay tin, bèn phân phối sai quân thủy dàn trận ở các bến đò thuộc phố Phù Thạch và xã Triều Khẩu, xã Việt Yên, lại sai Hoằng Tín (sót họ) quản lĩnh chiến thuyền phục sẵn ở xã Nam Ngạn để ngăn đường về của quân Trịnh.
Trịnh Tuyền dẫn quân về, sai tướng là Tào Nham và Diễn Thọ (đều sót họ) tiến quân đến Nam Ngạn đánh nhau với bọn Hữu Dật, bị thua to, chết ở mặt trận. Khi quân của Tuyền đi quan Bình Hồ, Hoằng Tín đuổi đánh, quân họ Trịnh bị chết rất nhiều. Tuyền chạy về An Trường.
Lời chua - Hương Bộc, Đại Nại: Tên 2 xã, nay thuộc huyện Thạch Hà.
Na Khố: Nay là thôn Na Kênh, thuộc huyện Cẩm Xuyên2762 .
Hoạt Độ: Tên là bến đò, nay không rõ ở đâu.
Sông Lam: Nay là tỉnh Nghệ An, nước sông này đổ ra cửa biển Đan Nhai.
Tam Lộng: Tên xã, nay thuộc huyện Cẩm Xuyên.
Triều Khẩu: Tên xã, nay thuộc huyện Hưng Nguyên2763 .
Phù Thạch: Tên phố.
Việt Yên, Nam Ngạn, Bình Hồ (Bình Hồ nay đổi là Yên Hồ): 3 xã này đều thuộc huyện La Sơn2764 .
Sông Minh Lương: Ở xã Minh Lương, thuộc huyện Thiên Lộc.
Tống Phúc Khang: Người xã Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Đinh Dậu, năm thứ 5 (1657). (Minh, năm Vĩnh Lịch thứ 12. Thanh, năm Thuận Trị thứ 14).
Tháng 4, mùa hạ. Trịnh Tráng mất.
Truy phong Nghị vương, đặt tên thụy là Long Tự, con là Tạc được lập phong tước.
Trịnh Tạc bắt em là Tuyền giam vào ngục, sai con của hắn là Căn giữ chức thống lãnh, để trấn thủ vỗ yên nhân dân Nghệ An.
Trước đây, thái úy Ninh quốc công Trịnh Tuyền ở Nghệ An vỗ về tướng sĩ một cách tử tế, nên đều được tướng sĩ vui lòng. Vì thế Trịnh Tạc đem lòng ngờ vực nghen nghét. Tạc bèn sai con mình là thái bảo Phú quốc công Trịnh Căn đem các tướng vào Nghệ An, hiệp đồng với Trịnh Tuyền trông nom việc quân, làm như thế là để chia xẻ bớt quyền của Tuyền. Tạc lại sai con thứ là Thái bảo Thọ quận công Trịnh Lệ, thiếu phó Vũ quận công Trịnh Đống làm đốc suất, Thái bộc tự khanh Phan Hưng Tạo, Lễ khoa cấp sự trung Trần Văn Tuyển, Hộ khoa cấp sự trung Phùng Viết Thu làm đốc thị, đều đem quân thuộc quyền mình để tiếp ứng. Các quân đều tiến qua phía nam sông Lam. Trịnh Tuyền đóng đồn ở Quảng Khuyến, Trịnh Căn đóng đồn ở Bạt Trạc đều bắt quân đào hào đắp lũy, chia nhau phòng giữ nơi hiểm yếu. Trịnh Tuyền trong bụng băn khoăn, bèn dẫn quân về An Trường. Trịnh Căn cũng đem quân về Phù Long để rình mò nghe ngóng sự động tĩnh của Tuyền.
Tạc sai người trách Truyền về tội nghe tin bố chết không về chịu tang, rồi cho triệu về kinh. Bọn Trịnh Bàng, Trương Đắc Danh, những người dưới quyền chỉ huy của Tuyền, sợ vạ lây đến mình, đều đến cửa quân Hữu Tiến xin hàng. Tuyền sợ, bèn đem binh mã của bộ phận mình nộp cho Căn. Căn nói: "Việc đã đến thế, thì bây giờ nên về khuyết đình chầu chực mệnh lệnh". Tuyền về kinh, thì sau đó bị thêu dệt thành tội mưu làm việc bạn nghịch, rồi giam vào ngục, Tuyền bị chết. Tạc bèn cho Căn thay Tuyền thống lãnh quân sĩ để trấn thủ vỗ về dân Nghệ An; lại cho Hoàng Nghĩa Giao làm đô đốc đồng tri, Phan Kiêm Toàn làm đốc thị.
Lời chua - Phùng Viết Tu: Người xã Đình Hàn, huyện Gia Lâm2765 , đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1652) năm Khánh Đức thứ 4 triều Lê Thần Tông.
Phan Kiêm Toàn: Người xã Địa Linh2766 , huyện Thụy Nguyên, đỗ đồng tiến sĩ khoa Quý Mùi (1643) năm Phúc Thái thứ nhất triều Lê Chân Tông.
Hoàng Nghĩa Giao: Người xã Hoàng Văn2767 , huyện Kim Động.
Quảng Khuyến, Bạt Trạc: Tên 2 xã, nay đều thuộc huyện Thiên Lộc2768 .
Phù Long: Tên xã, nay thuộc huyện Hưng Yên.
Tháng 6. Trịnh Căn sai các tướng đánh nhau với quân của Tống Hữu Đại ở Nam Hoa. Quân Trịnh thua chạy, đóng ở An Trường.
Trịnh Căn sai: Lê [Thì] Hiến làm tướng Trung quân, Hoàng Nghĩa Giao làm tướng Tả quân, Trịnh Thế Công làm tướng Hữu quân, chia làm 3 đạo, qua đò sông Lam, tiến đến xã Nam Hoa, đánh úp toán quân Tống Hữu Đại. Gặp lúc ấy, Phan Lân (sót họ), người xã Phúc Châu, đầu hàng với Hữu Tiến, hắn nói hết tình hình quân lính của bên Trịnh cho Hữu Tiến biết. Hữu Tiến bèn sai Hữu Đại dàn trận để đợi, lại sai Phù Dương (sót họ) dẫn quân phục sẵn ở núi đất phía tây xã Nam Hoa. Khi quân bên Trịnh qua sông Lam, lên bờ, chưa đi được vài dặm thì gặp toán quân của Hữu Đại, hai bên đánh nhau. Hữu Đại giả vờ thua chạy, bọn Lê [Thì] Hiến đuổi theo, lúc đuổi đến núi đất phía tây, thì quân mai phục của Phù Dương thình lình nổi dậy. Rồi Hữu Đại quay quân trở lại, hai toán quân hợp sức đánh mạnh, quân bên Trịnh phải chạy tan vỡ, quân ta đuổi đến trên sông. Trịnh Căn tự đem đại binh đến cứu viện: Đặng Thế Công đốc suất cánh hữu quân đón đánh, Lê Sĩ Hậu cũng đốc suất quân thủy tiếp ứng. Vì thế, quân của Hữu Đại phải hơi lui một chút. Quân bên Trịnh bèn lui về An Trường.
Lời chua - Nam Hoa: Tên xã, nay đổi là Nam Kim, thuộc huyện Thanh Chương2769 .
Phúc Châu: Tên xã, nay đổi là Lộc Châu, thuộc huyện Nghi Xuân2770 .
Tháng 9, mùa thu. Mưa to. gió lớn.
Lúa ở các huyện Thanh Hoa và Sơn Nam bị đổ hết.
Lời chua - Thanh Hoa, Sơn Nam: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 16, 18, 20, 21, 25, 27, 33, 34).
Tạc gia phong cho con là Căn làm thái phó.
Mậu Tuất, năm Vĩnh Thọ thứ nhất (1658). (Minh, năm Vĩnh Lịch thứ 13 - Thanh, năm Thuận Trị thứ 15).
Tháng 2, mùa xuân. Đại xá cho trong nước.
Đổi niên hiệu, kể từ năm ấy là Vĩnh Thọ thứ nhất. Đại xá cho trong nước.
Tháng 5, mùa hạ. Hạ chiếu cho trong nước, ai được thóc sẽ được bổ làm quan.
Lúc ấy, dùng quân đánh dẹp lâu ngày, tiêu pha hao phí. Triều đình bèn hạ lệnh cho trong nước: ai nộp thóc, sẽ tùy theo số thóc nhiều hay ít má cất nhắc làm quan cao hay thấp khác nhau.
Tháng 12, mùa đông. Bọn Đào Quang Nhiêu, tướng bên Trịnh đánh nhau với quân của Nguyễn Hữu Tiến ở xã Tuần Lễ.
Trước đây. Hữu Tiến thống suất các quân chia ra đóng ở bờ phía nam sông Lam, đến chống nhau với quân Trịnh. Hữu Tiến sai quân qua sông, đánh vào Mỹ Dụ; Nguyễn Hữu Tá, viên tướng giữ đồn của họ Trịnh, bị thua chạy. Lê [Thì} Hiến từ An Trường dẫn quân đến cứu viện. Quân ta lui về đóng ở bờ phía nam, rồi lại qua sông tiến đến xã Bạch Đường, đánh nhau với Quang Nhiêu, nhưng không thắng lợi, phải dẫn quân về, chia quân ra để phòng thủ. Đến nay, Trịnh Căn sai bọn Đào Quang Nhiêu và Đặng Thế Công chia đường sang qua sông đánh nhau với quân của Nguyễn Hữu Tiến ở Tuần Lễ, quân ta không thắng lợi.
[Sau trận này], Trịnh Tạc xét công lao người đánh thắng trận, bổ Quang Nhiêu làm phó tướng thiếu úy, mở doanh trại, lấy hiệu là Tả khuông quân, còn các tướng khác đều được thăng chức có người cao thấp khác nhau. Duy có đô đốc Thế công vì chần chừ ở lại sau, không biết cứu ứng đánh tiếp, nên phải giáng chức làm đô đốc thiêm sự.
Lời chua - Mỹ Dạ: Tên xã, ở huyện Hưng Nguyên2771 .
Bạch Đường: Tên xã, nay ở huyện Hương Sơn2772 .
Các địa danh trên đều thuộc tỉnh Nghệ An.
Kỷ Hợi, năm thứ 2 (1659). (Minh, năm Vĩnh Lịch thứ 14 - Thanh, năm Thuận Trị thứ 16).
Tháng 9, mùa thu. Trịnh Tạc tự tiến phong làm thượng sư Tây Vương.
Tạc giả thác mệnh lệnh nhà vua sai Công Bộ thượng thư Nguyễn Hậu cầm cờ tiết mao mang sách thư vàng đến phủ chúa tiến phong.
Tháng 10, mùa đông. Bắt đầu thi Đông Các.
Hồi đầu năm Hồng Đức, định phép thi Đông Các.
[Người được dự thi]: Bầy tôi trong triều từ thứ phẩm trở xuống đều được dự thi.
[Đầu bài thi]: Làm một bài thơ theo luật ngũ ngôn (mỗi câu 5 chữ) 30 vần hoặc 25 vần; bài ký, bài luận, mỗi thể đều một bài, hoặc bài ca, bài tụng, bài phú, bài châm mỗi thể đều một bài.
[Quyền lợi người trúng tuyển]: Người trúng tuyển chia làm 3 bậc, về phần được vua thưởng, ban cho, gia âm và thông tư, cũng như người đỗ tam khôi, người đỗ bậc nhất được cất lên chức đại học sĩ, bậc nhì được cất lên chức học sĩ, bậc 3 được cất lên chức hiệu thư. Phép thi tuy đã định, nhưng chưa kịp cử hành.
Đến nay, nhà vua bèn triệu bầy tôi có văn học vào Đông các, thân hành ra bài thi, lấy Nguyễn Đăng Cảo đỗ bậc nhất, Hồ Sĩ Dương và Nguyễn Chiêm đỗ bậc nhì, Phạm Duy Chất và Bùi Đình Viên đỗ bậc ba. Những người trúng tuyển đều được cất nhắc giữ các chức: Đông các đại học sĩ, Đông các học sĩ và Đông các hiệu thư.
Lời chua - Nguyễn Đăng Cảo: Người xã Hoài Bảo, huyện Tiên Du, đỗ tiến sĩ cập đệ tam danh2773 khoa Bính Tuất (1646) năm Phúc Thái thứ 4 triều Lê Chân Tông.
Hồ Sĩ Dương: Người xã Hoàng Hậu, huyện Quỳnh Lưu, đỗ đồng tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1652) năm Khánh Đức thứ 4 triều Lê Thần Tông.
Phạm Duy Chất: Người xã Ngọ Trạng, huyện Thiên Bản, đỗ đồng tiến sĩ khoa Kỷ Hợi (1659) năm Vĩnh Thọ thứ 2 triều Lê Thần Tông.
Canh Tý, năm thứ 3 (1660). (Minh, năm Vĩnh Lịch thứ 15 - Thanh, năm Thuận Trị thứ 17).
Tháng 5, mùa hạ. Làm sổ hộ.
Hạ lệnh cho các xã trưởng khai hết các hạng dân đinh trong xã, từ 10 tuổi trở lên, tính từng hộ làm suất số.
Tháng 8, mùa thu. Trịnh sai tướng qua sông đánh nhau với quân Nguyễn Hữu Dật ở Lãng Khê. Tướng bên Trịnh bị thua, bỏ chạy.
Trước đây, tướng họ Trịnh là Văn Khả (sót họ) giữ lũy Đồng Hôn, bị quân Hữu Dật đánh bại. Trịnh Căn sai tướng khác là Miện (sót họ) thay Vân Khả cầm quân phòng thủ. Đến nay, Hữu Tiến đem đại binh qua sông Lam đánh tướng họ Trịnh là Lan (sót họ) ở Do Nha, Lan lui quân giữ lũy Hồng Hôn. Hữu Dật tiến quân đánh mạnh; Lan thua chạy, viên tướng phòng giữ là Miện dẫn quân quanh đằng sau núi đánh tiếp. Hữu Tiến đem đại binh tiếp đến, Miện không dám chống cự, chạy về An Trường. Hữu Tiến lui về bờ phía nam sông Lam, chia quân đóng đồn phòng giữ.
Đồn lũy Đồng Hôn bị thất thủ. Trịnh Căn lấy làm hổ thẹn muốn báo thù lại, bèn làm cầu phao để qua sông, sai đô đốc Diệu (sót họ) cầm quân, kéo qua sông Khu Độc và núi Hoành Lĩnh, tham đốc Hằng (sót họ) quản lĩnh quân thủy, theo sông Lãng Khê đánh úp toán quân của Hữu Tiến. Hữu Dật biết được mưu ấy , bèn sai tì tướng Trương Văn Vân đem quân mai phục ở Hoành Lĩnh, Tô Triều và Tú Minh (sót họ) đóng ở Hoành Cảng để rình đợi quân địch. Diệu dẫn quân đến Hoành Lĩnh, quân mai phục bổng nổi dậy, quân bên Trịnh sợ hãi tan vỡ, chết hại rất nhiều. Toán thủy quân của Hằng kéo ra Lãng Khê, bọn Tô Triều tung quân ra bắn lại, Hằng bị thua to, bỏ thuyền, chạy về An Trường.
Lời chua - Lãng Khê, Do Nha: Tên hai xã, đều thuộc huyện Nghi Xuân.
Đồng Hôn: Tên đất, thuộc huyện Hưng Nguyên.
Tháng 9. Nguyễn Hữu Tiến dẫn quân đóng ở Nghi Xuân.
Quân bên Trịnh và quân ta đóng đồn đối diện ở hai bên bờ sông cầm cự với nhau. Bọn Hữu Tiến tiến quân qua sông, lại đánh vào Mỹ Dụ, Trịnh Kiểm bị thua chạy, Trịnh Đường đánh nhau bị chết. Bọn Hoàng Nghĩa Giao dẫn quân đánh tiếp, quân ta phải hơi lui một chút, bèn lui quân giữ mặt nam sông Lam, đóng ở Hoa Viên.
Trịnh Căn họp các tướng hỏi mưu kế. Trần Công Bách nói: "Lận Sơn là chỗ tất phải tranh cho bằng được, trước hết chiếm được Lận Sơn, thì dể giữ được phần thắng lợi". Căn nói: "Tôi thường lên núi
Dũng Quyết, nhìn nhận kỹ hình thế, vẫn lưu tâm chỗ ấy; nay lời nói của ông, chính hợp ý tôi". Nhân đấy Bách xin làm tiên phong Căn y cho, bèn chia quân làm hai đạo: một đạo sai Hoàng Nghĩa Giao và Phan Kim Toàn do đường Âm Công, qua sông để tiến quân. một đạo sai Lê [Thì] Hiến qua cửa biển Hội Thống do đường làng Tả Ao để tiến quân, đều hẹn nửa đêm xuất phát. Tờ mờ sáng hôm sau, Căn tự đem đại binh lên núi Dũng Quyết xem xét việc chiến đấu. Bọn Nghĩa Giao qua sông, tiến thẳng đến núi An Lạc; Trần Công Bách đi sâu vào để chiếm cứ Lận Sơn, gặp quân mai phục của Hữu Dật đánh bất thình lình. Công Bách cùng Đình Đức Nhuận cố sức đánh đều bị chết. Bọn Lê Văn Hi và Lưu Thế Canh nghe được phong thanh, rút lui bỏ chạy. Quân ta bốn mặt bao vây, thanh thế rất lừng lẫy. Căn sai bọn Trần Tiến Triều và Ngô Đình Xuân đều đem quân của mình quản lĩnh đến cứu viện, lại sai quân thủy tiến đến bờ sông để bắn. Toán quân của Hữu Tiến phải hơi lùi một chút. Bọn Lê [Thì] Hiến và Mẫn Văn Liên dẫn quân đến Tả Ao bị quân ta đánh gấp, bọn này phải thua, Văn Liên chết tại trận. Lê [Thì] Hiến lại đốc thúc quân cố đánh, tiến nhanh đến Hoa Viên. Quân ta không được thắng lợi, bèn đóng ở Nghi Xuân.
Lời chua - Nghi Xuân: Tên huyện.
Hoa Viên: Tên xã, nay là Xuân Viên2774 .
Lận Sơn: Ở huyện Nghi Xuân.
Núi Dũng Quyết: Ở xã Dũng Quyết, huyện Chân Lộc2775 .
Âm Công: Tên xã, ở huyện Hưng Nguyên.
Cửa biễn Hội Thống: Ở xã Hội Thống.
Tả Ao2776 : Tên xã.
Núi An Lạc: Ở xã An Lạc.
Hội Thống, Tả Aovà An Lạc đều thuộc huyện Nghi Xuân.
Trịnh Khiêm, Trịnh Đường: Đều con thứ Trịnh Tráng.
Trần Công Bách: Người xã Thiêm Lộc, huyện Ý Yên2777 .
Tháng 11, mùa đông. Nguyễn Hữu Tiến dẫn quân về Nhật Lệ.
Trước đây, quân ta nhân thế thắng, đánh phá quân họ Trịnh, Thái Tông Hiếu Triết hoàng đế ta thân hành đem đại binh tiếp ứng, đóng hành doanh ở Phù Lộ. Nguyễn Hữu Dật từ nơi quân thứ đến yết kiến, Vương thượng hỏi về việc binh, Hữu Dật đem hết tình trạng trình bày, Vương thượng mừng lắm, đem vàng tốt và gươm quý ban cho Hữu Dật, rồi lại sai về nơi quân thứ. Hữu Tiến đem lòng nghen nghét Hữu Dật. Đến nay, đại binh của Hữu Tiến đóng ở Nghi Xuân, Hữu Dật chia quân ra đóng ở Khu Độc. Nhân lúc ấy quân sĩ đóng giữ đã lâu, nhớ nhà muốn trở về, mà những quân sĩ ở Nghệ An mới ra hàng cũng nhiều người bỏ trốn, Hữu Tiến họp các tướng hỏi mưu kế. Họ đều nói: "Nay sĩ tốt ra hàng đều hài lòng, mà thế lực của họ Trịnh đương vững vàng, không chi bằng rút quân về, đợi sau này sẽ lại toan tính công việc". Chỉ có một mình Hữu Dật hăng hái muốn tiến quân, các tướng đều không đồng ý. Gặp lúc ấy, Trịnh Căn sai Lê [Thì] Hiến, Lê Sĩ Triệt, theo bờ biển, tiến quân qua xã Cương Giản, Hoàng Nghĩa Giao, Nguyễn Năng Thiệu, theo đường bộ tiến quân qua xã Lũng Trâu và Mạn Trường. Quân ta nhiều lần đánh nhau với quân Trịnh ở quãng hai xã An Điềm và Phù Lưu, không được thắng lợi.
Bấy giờ Hữu Tiến bèn quả quyết đặt kế hoạch rút quân về. Bề ngoài thì hạ lệnh rõ cho các tướng đều đem quân thủy, quân bộ chia đường cùng tiến quân, lại báo cho Hữu Dật đem quân theo sau để tiếp ứng, hẹn đêm ngày 28, cùng một lúc tiến đến An Trường, xông thẳng vào doanh trại bên Trịnh trước hết chiếm lấy các huyện ở mặt bắc sông Lam rồi sau sẽ bàn việc tiến đánh; một mặt khác hắn dặn riêng các
tướng ai nấy đều đem quân thuộc quyền cai quản của mình rút về Nam Bố Chính, chỉ không bảo cho Hữu Dật biết mà thôi. Bởi thế, các tướng nhân đêm lặng lẽ rút lui. Về phần Hữu Dật, hắn chỉnh bị quân lính sẵn sàng ngồi đợi, không thấy có tin tức động tĩnh gì. Kíp lúc dò thám biết được binh tình, thì quân bên Trịnh đã qua sông, tiến sát gần doanh trại Khu Độc. Hữu Dật nhân lúc bên địch chưa rõ tin Hữu Tiến rút quân, cũng mật hạ lệnh cho các tướng rút lui. Hắn chỉ để lại mấy chục quân nhanh nhẹn sắc bén theo hầu bên cạnh, rồi đem ra nơi rộng khoáng biểu diễn trò vui, tiếng trống nổi lên như sấm. Quân bên Trịnh nghi ngờ, không dám tiến. Bấy giờ Hữu Dật mới thư thả rút quân. Hữu Dật về thẳng Hoành Sơn mới hội hợp toán quân Hữu Tiến. Trịnh Căn đốc suất các quân đuổi kịp, quân hai bên giao chiến, chết hại rất nhiều. Trịnh Căn lui quân 20 mươi dặm, đóng doanh trại ở Kỳ Hoa. Còn về bên ta thì Hữu Tiến đem quân về đóng ở cửa biển Nhật Lệ, Hữu Dật đóng ở Đông Cao, chia nhau phòng giữ những nơi hiểm yếu để chống nhau với quân Trịnh. Từ đấy 7 huyện ở mặt nam sông Lam thuộc Nghệ An lại phụ thuộc về Hà Bắc2778 .
Trịnh Căn thống lĩnh các quân tiến đến châu Bắc Bố Chính, rồi hội hợp các tướng bàn việc kê khai từng hạng chiến cống tâu về triều đình. Trịnh Tạc giả thác mệnh lệnh nhà vua sai Phạm Công Trứ, Thượng thư bộ lễ, cầm cờ tiết mao, đệ sách thư bằng vàng, đến giữa nơi quân thứ, phong Trịnh Căn làm khâm sai tiết chế các dinh quân thủy quân bộ, kiêm giữ chính quyền, chức thái úy tước Nghi quận công, được mở phủ Lý quốc và ban cho ấn bạc; Trịnh Đống làm thái phó, Trịnh Kiền làm thiếu phó, Lê [Thì] Hiến làm phó tướng thiếu úy, Hoàng Nghĩa Giao làm phó tướng tả đô đốc, Trần Văn Tuyển làm đô ngự sử, Phan Kiêm Toàn làm Lại bộ hữu thị lang, những viên tướng kể trên đều được gia phong tước quận công; Lê Sĩ Triệt làm Hộ bộ hữu thị lang, được gia phong tước hầu. Còn bọn Lê Văn Long 26 người được thăng chức hoặc cao hoặc thấp có khác nhau.
Lời chua - Phù Lộ: Tên xã, nay là xã Phù Yên, thuộc huyện Bình Chính, tỉnh Quảng Bình.
Cửa biển Nhật Lệ: Xem Trần Duệ Tông, năm Long Khánh thứ 4 (Chb. X, 39).
Cương Giản: Tên xã, thuộc huyện Nghi Xuân.
Lũng Trâu, Mạn Trường, Yên Điềm, Phù Lưu: Tên 4 xã đều thuộc huyện Thiên Lộc.
Bảy huyện mặt nam sông Lam: Xem năm Thịnh Đức thứ 3 (Chb.XXXII, 12).
Nam Bố Chính: Xem Lê Thần Tông, năm Dương Hòa thứ 9 (Chb. XXXI, 31,32).
Bắc Bố Chính: Xem Lê Thần Tông, năm Đức Long thư 5 (Chb. XXXI, 29).
Kỳ Hoa: Xem Lê Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 7 (Chb. XXXVI, 27).
Nguyễn Năng Thiệu: Người phường Hà Khẩu2779 , huyện Thọ Xương, đỗ tiến sĩ khoa Quý Mùi (1643), năm Phúc Thái thứ nhất triều Lê Chân Tông.
Lê Sĩ Triệt: Người xã Thổ Đôi, huyện Nông Cống, đỗ đồng tiến sĩ khoa Canh Thìn (1640) năm Dương Hòa thứ 6 triều Lê Thần Tông2780 .
Tân Sửu, năm thứ 4 (1661). (Minh, năm Vĩnh Lịch thứ 16 - Thanh, năm Thuận Trị thứ 18).
Tháng 2, mùa xuân. Trịnh Căn dẫn quân về kinh đô, để Đào Quang Nhiêu ở lại làm trấn thủ Nghệ An.
Lúc ấy, bọn Nguyễn Hữu Tiến chia quân ra đóng giữ các nơi hiểm yếu, yên ủi vỗ về quân và dân, phòng bị nơi biên cảng càng thêm kiên cố. Trịnh Căn không dám hành động, bèn dẫn quân về, để Quang
Nhiêu ở lại làm trấn thủ Nghệ An kiêm giữ công việc châu Bắc Bố Chính, Lê Sĩ Trịệt, Hồ Sĩ Dương và Trịnh Tế làm đốc thị, quản lĩnh các tướng đóng ở Hà Trung.
Lời chua - Bắc Bố Chính: Xem Lê Thần Tông, năm Đức Long thứ 5 (Chb. XXX, 2).
Hà Trung: Xem Lê Thần Tông, năm Vĩnh Tộ thứ 9 (Chb. XXX, 2).
Trịnh Tế: Người xã Nhật Tảo, huyện Lôi Dương, đỗ đồng tiến sĩ khoa Canh Thìn (1650) năm Khánh Đức thứ 2 triều Lê Thần Tông.
Tháng 6, mùa hạ. Định rõ lại nghi chế triều phục.
Đầu niên hiệu Cảnh Thống2781 , định triều phục: Các tước công trong hoàng thân và các quan từ tam phẩm trở lên, mũ dùng mũ phốc đầu, áo dùng màu tía; tứ, ngũ phẩm: về hàng võ, dùng nón sơn trắng, về hàng văn, dùng mũ phốc đầu, áo dùng màu lục; từ lục phẩm trở xuống; về hàng võ, dùng nón sơn son, về hàng văn, dùng mũ phốc đầu, áo dùng màu xanh2782 .
Từ hồi trung hưng trở về sau, Trịnh Tùng chuyên giữ chính quyền, văn võ trăm quan vào hầu phủ chúa đều dùng khăn sa mỏng và áo thâm, còn mũ áo từng cấp bậc chưa có quy chế nhất định.
Đến nay định rõ:
Mũ áo của hoàng hậu, vương tử, văn võ trăm quan dùng khi vào triều vua Lê.
Mũ ô sa, áo thanh các của hoàng thân, vương tử, văn võ, trăm quan khi vào hầu phủ chúa.
Thường phục và hành nghi đều có cấp bậc khác nhau.
Lời chua - Theo Lê triều thiên chính điển lệ thì:
Hoàng tử, vương tử được phong quốc công:
Khi vào triều, mũ dùng mũ dương đường2783 .
Áo dùng màu tía mùa xuân, mùa hạ dùng sa tàu, mùa thu, mùa đông dùng đoạn tàu, bổ từ dùng hình con kỳ lân, đai thắt dùng đá hoa bịt vàng;
Khi vào hầu phủ chúa, mũ dùng ô sa mạo.
Áo dùng thanh cát y2784 , thắt thao kép, đeo 3 viên ngọc trang sức bằng vàng.
Khi vào triều, được 5 người theo hầu, hành nghi có: một lọng tía, một quạt vả, một cổ kiệu vuông, yên ngựa sơn son bịt vàng;
Áo thường phục dùng gấm thêu hình con kỳ lân, con phượng và sa, đoạn.
Hoàng tử, vương tử được phong thái sư, thái phó, thái bảo, thiếu sư, thiếu phó, thiếu bảo lại được gia phong quận công:
Khi vào triều mũ dùng mũ phốc đầu2785 .
Áo dùng màu tía, đai thắt bịt vàng, bổ tử của thái sư, thái phó, thái bảo dùng hình con kỳ lân, của thiếu sư, thiếu phó, thiếu bảo dùng con bạch trạch;
Mũ áo dùng khi vào hầu phủ chúa, người theo hầu khi đi vào triều, áo thường phục, cũng như quốc công;
Hành nghi: một quạt vả, một lọng xanh, còn các thứ khác củng theo như quốc công.
Hoàng tử, vương tử được phong tả đô đốc, hữu đô đốc, lại được gia phong quận công;
Khi vào triều, mũ dùng mũ phốc đầu2786 ,
Áo dùng màu hồng, bổ từ dùng hình con sư tử, đai dùng sừng tê bịt bạc;
Khi vào hầu phủ chúa, áo mặc thắt thao kép, đeo ngọc trang sức bằng bạc;
Khi vào triều được 4 người theo hầu;
Hành nghi: quạt, lọng, kiệu vuông, yên ngựa và thường phục cũng theo như hoàng tử, vương tử được phong chức tam thái hoặc tam thiếu và gia phong quận công.
Hoàng tử, vương tử được phong đô đốc đồng tri, đô đốc thiêm sự và gia phong quận công;
Mũ, áo, đai lưng dùng khi vào triều, áo, mũ, thao kép dùng khi vào triều hầu phủ chúa cũng theo như hoàng tử, vương tử được phong tả, hữu đô đốc và gia phong quận công;
Khi đi vào triều, được ba người theo hầu;
Hành nghi: đi ở trong thành, được một quạt vả, không có lọng xanh, võng 7 đòn khiêng, yên ngựa sơn màu tía; đi ở ngoài thành, được thêm một lọng xanh;
Thường phục dùng gấm thêu hoặc sa, đoạn.
Hoàng tử, vương tử được phong đô hiệu điểm, đề đốc, tham đốc, đề lãnh gia phong quận công:
Khi vào triều, mũ áo dùng nón sơn trắng cài lông đỏ.
Áo dùng màu hồng, bổ từ dùng hình con sư tử, thắt thao kép đeo ngọc, đeo kiếm;
Khi vào hầu phủ chúa, mũ dùng mũ ô sa, áo dùng thanh cát y, tay nâng kiếm;
Khi đi vào triều được 2 người theo hầu2787 .
Hành nghi: đi ở trong thành, được một quạt vả, màu đỏ nhạt, không có lọng xanh, võng 7 đòn khiêng, yên ngựa sơn màu tía; đi ở ngoài thành, được thêm một dù hoặc một lọng che mưa.
Khi vào triều hoặc vào hầu được 2 người theo hầu;
Thường phục cũng theo như hoàng tử, vương tử được phong đô đốc thiêm sự và gia phong quận công.
Hoàng tử, vương tử được gia phong quận công;
Vào triều, mũ dùng ô sa mạo,
Áo dùng màu hồng, bổ tử dùng hình con hổ, thắt thao kép đeo ngọc;
Vào hầu phủ chúa, mũ dùng ô sa mạo.
Áo dùng thanh cát y;
Khi vào triều được hai người theo hầu.
Hành nghi: Võng 3 đòn khiêng, ngoài ra như dù hoặc lọng che mưa, yên ngựa và thường phục cũng theo như hoàng tử, vương tử được phong đô hiệu kiểm và gia phong quận công.
Hoàng tử, vương tử chưa được dự phong:
Vào hầu, dùng khăn lượt áo thâm, áo sa thâm;
Hành nghi: Võng 3 đòn khiêng, yên ngựa sơn màu tía, đi ở ngoài thành, thêm một dù hoặc lọng che mưa, màu đỏ nhạt;
Thường phục dùng gấm thêu hoặc sa, đoạn;
Võ ban, chánh nhất phẩm, được gia phong quận công:
Vào triều, mũ dùng mũ phốc đầu,
Áo màu tía dùng đoạn tàu, bổ tử dùng hình con bạch trạch, đai lưng dùng sừng tê bịt bạc;
Vào hầu phủ chúa, mũ dùng ô sa mạo,
Áo dùng thanh cát y, thắt thao kép đeo ngọc trang sức bằng bạc;
Khi vào triều được 4 người theo hầu;
Hành nghi: một dù hoặc lọng che mưa, một quạt vả, đều dùng màu xanh, một cổ kiệu vuông, yên ngựa sơn tía;
Thường phục dung gấm thêu hoặc sa, đọan.
Tùng nhất phẩm:
Vào triều, dùng mũ phốc đầu,
Áo dùng màu hồng, bổ tử dùng hình con sư tử;
Khi vào triều, được ba người theo hầu;
Hành nghi: đi ngoài thành, được một dù hoặc lọng che mưa, võng 7 đòn khiêng, yên ngựa sơn màu tía; đi ngoài thành, thêm một quạt vả dùng màu xanh;
Áo mũ dùng khi vào hầu phủ chúa và thường phục cũng theo như chánh nhất phẩm.
Chánh nhị phẩm và tùng nhị phẩm được gia phong quận công:
Vào triều, mũ dùng mũ phốc đầu,
Áo dùng màu hồng, bổ tử dùng hình con sư tử, đai lưng dùng đồi mồi;
Khi vào triều, được hai người theo hầu.
Hành nghi: đi trong thành, được dùng một quạt vả màu xanh, võng 7 đòn khiêng, đi ngoài thành, được thêm một dù, hoặc lọng che mưa;
Áo mũ vào hầu phủ chúa và thường phục cũng theo như viên quan tùng nhất phẩm.
Chánh nhị phẩm và tùng nhị phẩm được gia phong tước hầu:
Vào triều, mũ dùng nón sơn màu trắng, cài lông đỏ,
Áo dùng màu hồng, bổ tử dùng hình con voi, lưng thắt thao đơn, đeo kiếm;
Vào hầu phủ chúa, mũ dùng ô sa mạo, áo dùng thanh cát y, tay nâng kiếm;
Khi vào triều được một người theo hầu;
Hành nghi: Yên ngựa sơn màu tía, đi ngoài thành, được thêm một lọng hoặc dù che mưa, sắc hồng nhạt, võng 3 đòn khiêng, thường phục cũng theo như viên quan nhị phẩm được gia phong quận công.
Tam phẩm và tứ phẩm được phong tước hầu:
Vào triều, mũ dùng nón sơn son cài lông đỏ,
Áo dùng màu hồng, bổ tử dùng hình con voi, thắt thao đơn, đeo kiếm;
Khi vào triều, được một người theo hầu;
Hành nghi: Yên ngựa sơn màu đen;
Áo mũ dùng khi vào phủ chúa và thường phục, cũng theo như viên quan nhị phẩm được gia phong tước hầu.
Ngũ phẩm, lục phẩm và thất phẩm:
Vào triều, mũ dùng nón sơn son cài lông đỏ,
Áo dùng màu hồng, lưng đeo thao đơn, tay nâng kiếm;
Vào hầu phủ chúa, mũ dùng ô sa mạo, áo dùng thanh cát y;
Hành nghi: đi ngoài thành, yên ngựa sơn màu đen;
Thường phục, dùng các thứ là lụa trở xuống.
Văn ban, nhất phẩm:
Vào triều, dùng mũ phốc đầu,
Áo màu tía dùng đoạn tàu, bổ tử dùng hình con tiên hạc, đai thắt dùng sừng tên bịt bạc;
Vào hầu phủ chúa, mũ dùng ô sa mạo,
Áo dùng thanh cát y, thắt thao kép, đeo ngọc, trang sức bằng bạc;
Khi vào triều, được 4 người theo hầu;
Hành nghi: Một dù hoặc lọng che mưa, một quạt vả, dùng màu xanh, một cổ kiệu vuông, yên ngựa sơn màu tía;
Thường phục, dùng các thứ gấm thêu.
Nhị phẩm, và đô ngự sử hàm chánh tam phẩm:
Vào triều, mũ đều dùng mũ phốc đầu, áo dùng màu hồng, bổ tử dùng hình con tiên hạc, bổ tử của viên đô ngự sử đều dùng hình con giải trãi;
Khi vào triều được hai người theo hầu;
Hành nghi: một dù hoặc lọng che mưa, võng 7 đòn khiêng, yên ngựa sơn màu tía, đi ngoài thành, được thêm một quạt vả;
Áo, mũ khi vào hầu phủ chúa và thường triều phục cũng theo như viên quan nhất phẩm.
Tam phẩm:
Vào triều, mũ dùng mũ phốc đầu,
Áo dùng màu hồng, bổ tử dùng hình con cẩm kê, đai lưng dùng đồi mồi, thắt thao kép đeo ngọc, không trang sức bằng bạc;
Áo mũ dùng khi vào hầu phủ chúa, người theo hầu khi vào triều hành nghi, thường phục cũng theo như viên quan hàm nhị phẩm.
Tứ phẩm, và các viên thị đốc, thiêm đô ngự sử hàm ngũ phẩm:
Vào triều, mũ dùng mũ phốc đầu,
Áo dùng màu đỏ, bổ tử dùng hình con khổng tước, bổ tử của thiêm đô ngự sử dùng hình con giải trải;
Mũ áo dùng khi vào hầu phủ chúa, người theo hầu khi vào triều, vào hầu và thường phục cũng theo như viên quan hàm tam phẩm.
Ngũ phẩm và các viên thị thư, thị chế hàm lục phẩm, viên đề hình ngự sử hàm thất phẩm:
Vào triều, mũ, áo, bổ tử và đai lưng cũng theo như viên quan hàm tứ phẩm;
Vào hầu phủ chúa, mũ dùng ô sa mạo,
Áo dùng thanh cát y, thắt thao kép không đeo ngọc, mũ và bổ tử của viên đề hình ngự sử dùng hình con giải trải;
Hành nghi: võng 3 đòn khiêng, còn dù hoặc lọng che mưa và yên ngựa cũng như viên quan hàm tứ phẩm.
Lục phẩm và viên quan đô cấp sự trung ở Lục khoa hàm chánh thất phẩm;
Vào triều, mũ, áo cũng như viên quan hàm ngũ phẩm, mũ dùng mũ phốc đầu, áo dùng màu xanh, bổ tử dùng hình con vân nhạn, đai lưng dùng gỗ kỳ lam hương, người theo hầu được một người, còn các thứ khác đều theo như viên quan hàm ngũ phẩm.
Thất phẩm:
Vào triều, mũ, áo cũng theo như viên quan hàm lục phẩm, bổ tử dùng hình con bạch hạc, đai lưng dùng gổ tốc hương,
Hành nghi: yên ngựa sơn đen, một dù hoặc lọng che mưa, còn thứ khác đều theo như viên quan hàm lục phẩm.
Bát phẩm + đồng tri phủ hàm thất phẩm + tri huyện, tri châu hàm tùng thất phẩm + tự ban, huấn đạo hàm cửu phẩm:
Vào triều, mũ dùng mũ phốc đầu,
Áo dùng màu xám, bổ tử dùng hình con tiêu liêu, đai lưng dùng sừng trâu bịt thau;
Vào hầu phủ chúa, mũ dùng ô sa mạo, áo dùng thanh cát y, thắt thao đơn;
Hành nghi: đi ngoài thành, dùng yên ngựa sơn đen, viên đồng tri phủ được dùng một dù hoặc lọng che mưa, màu xanh;
Thường phục dùng các hàng the lụa thường.
Cửu phẩm cũng theo như bát phẩm:
Vào hầu phủ chúa áo dùng thanh cát y; không thắt thao đơn
Nho sinh, giám sinh chầu chực làm việc:
Mũ dùng ô sa mạo, áo dùng thanh cát y;
Hành nghi: đi ngoài thành, được cưỡi ngựa, còn các thứ khác cũng theo như cửu phẩm.
Án lại, lênh sử, đề lại, thông lại:
Khi chầu chực làm việc, mũ dùng thanh cát mạo, áo dùng thanh cát y, thường phục dùng các hàng lượt, là, vãi, lụa.
Mục "Lễ nghi chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú chép:
Mũ dương đường: Hình dạng cũng như mũ phốc đầu, duy đằng sau hơi cao, hai cánh thếp vàng.
Thanh cát y: Tục xưa dùng vãi nhuộm chàm, sau nhuộm nâu, đem hồ qua đi, lấy chày nện, vò kỹ rồi phơi khô, gọi là thanh cát y.
Thanh cát mạo: Nay không khảo cứu được.
Tháng 10 nhuận, mùa đông. Trịnh Tạc kèm nhà vua đi Phù Lộ.
Vì thấy quân ta đã rút về, Trịnh Tạc bàn đem đại binh vào xâm lấn, bèn kèm nhà vua đi đến châu Bắc Bố Chính, đóng ở Phù Lộ. Trịnh Căn làm thống lãnh, Đào Quang Nhiêu làm thống suất, Lê [Thì] Hiến và Hoàng Nghĩa Giao làm đốc suất, Lê Sĩ Triệt, Trịnh Tế và Thân Tấn làm đốc thị, đem các quân sang qua sông Gianh đóng ở thôn Phúc Tư.
Nguyễn Hữu Dật, trấn thủ châu Bố Chính, đóng ở xã Phúc Lộc, đắp lũy từ xả An Nẻo đến phường Chu Thị. Hữu Dật sai tướng thuộc hạ là Trương Vân Văn và Vân Trạch (sót họ) chia quân ra để chống cự phòng thủ. Tướng của họ Trịnh là Hoan Trung (sót họ) dẫn quân đem đủ long đình, tàn, lọng quay mặt sang phía hàng trận của Vân Trạch, hô to: "Có sắc mệnh của thiên tử, mở ngay cửa thành để đón tiếp". Vân Trạch trả lời: "Năm trước, khi quân ta rút lui về Hoành Sơn, bọn bay đuổi đánh, lúc ấy có sắc mệnh thiên tử không? Bây giờ muốn đánh thì đánh, bọn chúng bây lừa dối người ta thế nào được?" Nhân đấy Vân Trạch bắn chết được Hoan Trung, quân họ Trịnh sợ chạy. Bọn Đào Quang Nhiêu và Lê [Thì] Hiến, tướng của họ Trịnh, vội tung quân ra đánh, nhưng đánh không được, lại lui về thôn Phúc Tự.
Lời chua - Phù Lộ2788 : Xem năm Vĩnh Thọ thứ 3 (Chb. XXXII, 28).
Bắc Bố Chính: Xem Lê Thần Tông, năm Đức Long thứ 5 (Chb. XXXI, 29).
Phúc Tự: Tên thôn.
Phúc Lộc, An Nẻo: Tên 2 xã, nay đều thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Chu Thị: Tên phường, nay thuộc huyện Minh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Thân Tấn: Người Phương Đỗ, huyện Yên Dũng, đỗ đồng tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1652) năm Khánh Đức thứ 4 triều Lê Thần Tông.
Nhâm Dần, năm Vạn Khánh thứ nhất (1662). (Minh, năm Vĩnh Lịch thứ 17 - Thanh, năm Khang Hi thứ nhất).
Tháng giêng, mùa xuân. Đầm Thịnh Liệt cạn hết nước.
Lời chua - Thịnh Liệt: Xem Kính Tông, năm Hoằng Định thứ 16 (Chb. XXXI, 12).
Tháng 3. Nhà vua trở về kinh sư.
Lúc ấy, quân họ Trịnh đặt liên doanh ở các xã Trấn Ninh, Chính Thủy, hàng ngày khiêu chiến với quân ta. Trấn thủ Nguyễn Hữu Dật đốc suất dân Nam Bố Chính vào cả trong lũy, cố sức phòng thủ không động binh. Được hơn một tháng, quân của họ Trịnh thiếu lương ăn. Nhân đêm, Trương Văn Vân lẻn ra khe Động Giản, bắn giết hơn trăm người. Trịnh Căn bỏ doanh lũy chạy. Quân ta đuổi đến sông Gianh. Trịnh Tạc bèn kèm nhà vua trở về kinh sư.
Lời chua - Sông Gianh: Xem Lê Chân Tông, năm Phúc Thái thứ 6 (Chb. XXXIII, 6).
Trấn Ninh, Chính Thủy, Động Giản: Tên 3 xã, nay đều ở huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình.
Sai Trịnh Kiền và Phùng Viết Tu quản lĩnh binh lính đi đánh Cao Bằng.
Bọn Kính Hoàn, mầm móng nhà Mạc còn sót lại, lại tụ tập quân ở Thất Tuyền. Triều đình bèn hạ lệnh cho thái úy Trịnh Kiền làm thống lĩnh, thiêm đô ngự sử Phùng Viết Tu làm đốc thị đem quân đi đánh. Đồ đảng giặc nghe tin chạy trốn.
Lời chua - Cao Bằng: Tức Bắc Bình, nguyên trước thuộc Ninh Sóc, xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 19, 31, 32, 35).
Thất Tuyền: Tức Thất Nguyên, nay là huyện Thất Khê, xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 18 (Chb. II, 25).
Tháng 5, mùa hạ. Sửa nhà Thái học.
Lúc ấy, cung tường nhà Thái học, phần nhiều đổ nát, bèn hạ lệnh cho Lễ bộ thượng thư Phạm Công Trứ trông coi việc thờ tự ở Quốc Tử giám, gia công sửa chửa, quy mô rộng rãi khang trang; lại ngày mồng một và ngày rằm hàng tháng hội hợp các học trò để tập văn bài. Từ đấy phong khí nhà nho có phần phấn khởi.
Tháng 9, mùa thu. Nhà vua có bệnh. Đại xá cho trong nước.
Nhà vua mắc bệnh ung thư, hạ chiếu đổi niên hiệu là năm Vạn Khánh thứ nhất, đại xá cho trong nước.
Lập con là Duy Củ làm Thái tử.
Lúc ấy bệnh ung thư nhà vua chưa khỏi, bèn dụ bảo Trịnh Tạc rằng : "Trước đây, trẫm thấy chưa có người thừa tự, nên đem Duy Tào, người họ khác, lập làm hoàng thái tử. Nay trẫm nghĩ đến tinh linh tổ tiên ở trên trời, nên không dám đem ngôi báu khinh thường phó thác cho người khác. Duy Củ con trưởng của trẫm, nay lên 9 tuổi, đã gần đến tuổi trưởng thành, đáng được nối nghiệp lớn". Trịnh Tạc bèn ra lệnh cho văn võ trăm quan đều vào đơn trì, đợi chờ mệnh lệnh; nhân đấy, ủy cho bọn Phạm Công Trứ, Lê Viết Đăng, và Lê Công Tiến vào nơi nhà vua nằm, nhận cố mệnh2789 . Nhà vua lại dặn bảo như trước hai ba lần nữa. Tạc bèn dẫn bầy tôi tôn Duy Củ làm hoàng thái tử, truất Duy Tào làm người dân thường.
Lời chua - Duy Tào người họ khác: Việc này không khảo cứu được.
Nhà vua mất.
Nhà vua ở ngôi lần trước 25 năm, sau lại ở ngôi 13 năm, hưởng thọ 56 tuổi, miếu hiệu Thần Tông.
Tháng 11, mùa đông. Thái tử Duy Củ lên ngôi vua (tức Lê Huyền Tông).
Kể từ năm sau là năm Cảnh Trị thứ nhất.