K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c
Chính Biên
Quyển thứ 31
Từ Canh Tý, Lê Kính Tông, năm Thận Đức thứ nhất (1600 ) đến Quý Mùi, Lê Thần Tông, năm Dương Hòa thứ 9 (1643 ), gồm bốn mươi tư năm.
Canh Tý, Kính Tông Huệ hoàng đế, năm Thận Đức thứ nhất (1600 ). (Từ tháng 11 trở về sau thuộc năm Hoằng Định thứ nhất - Minh, năm Vạn Lịch thứ 28 ).
Tháng giêng, mùa xuân. Tế nam giao.
Hàng năm, cứ đầu mùa xuân, làm lễ hợp tế trời đất ở điện Chiêu Sự đàn Nam giao, nhà vua thân hành đến làm lễ. Trịnh Tùng đem trăm quan theo hầu để dự lễ bồi tế. Việc này người ta cùng truyền tụng là một điển lễ long trọng.
Lời cẩn án - Việc tế giao hàng năm, người chép nối sử triều Lê đều không chép. Họ lấy cớ rằng việc này là theo thể lệ thường như thế. Này, nhà Lê từ lúc trung hưng trở về sau, gươm Thái A đã để người khác nắm đằng đuôi2721 , người dưới lấn quyền, người trên thất thế, lai lịch dẫn đến như thế kể đã từ lâu, nói về lễ nghĩa vua tôi đã đỗ nát hết, chỉ còn việc nam giao tế trời là còn giữ được thân phận tôn ti mà thôi. Nếu cho việc ấy là theo lệ thường mà không chép thì lễ nghĩa vua tôi hầu như mất sạch sành sanh. Nay truy nguyên ra, thì nhà Lê mất quyền bính thực tế lá bắt đầu từ lúc Trịnh Tùng xưng tước vương vào cuối đời Thế Tông vào đầu đời Kính Tông. Vì thế, nên ngay từ năm nay cũng như sau này khi các vua lúc bắt đầu lên ngôi nối nghiệp, đều cẩn thận mà chép việc tế nam giao. Chép như thế, là để nghi sự biến trong đời mà giữ lấy danh phận vua tôi vậy. Lời chua - Điện Chiêu Sự: Ở phía nam kinh thành, xem Huyền Tông năm Cảnh Trị thứ 2 (Chb. XXXIII, 14, 15 ).
Theo Hội điển triều cố Lê, thì hàng năm, tháng giêng ( hoặc mồng một, hoặc mồng hai ) trước ngày lễ chính một ngày, bày đặt hương án lớn ở gian chính giữa điện Chiêu Sự. Đến ngày chính lễ, nhà vua mặc áo bào thâm, các viên chấp sự đem đủ cả lỗ bộ, pháp giá2722 và nhã nhạc, do cửa Đại Hưng (cửa nam kinh thành ) đi ra. Khi đến điện Canh Y2723 ở ngoài đàn, nhà vua đội mmũ xung thiên, mặc áo bào vàng, thắt đai ngọc, rồi đến sân điện Chiêu Sự hành lễ, Chúa Trịnh và văn võ trăm quan theo hầu, dự lễ bồi tế theo như nghi thức.
Nghi lễ tế giao chép trong Kiến văn lục của Lê Quý Đôn, thì hoàng đế tới sân điện Chiêu Sự, sau khi đã quán tẩy2724 rồi mới tiến lên điện làm lễ thượng hương2725 ; người chấp sự đọc chúc văn ở trên điện, lúc ấy chỉ làm lễ quỵ và khấu đầu2726 ; còn lạy trước khi
tuyên chúc và sau khi tuyên chúc thì đều lạy ở sân điện. Lễ này là một lễ rất tôn nghiêm, rất long trọng.
Tháng 5, mùa hạ. Có thủy tai lớn.
Bọn Kế quận công Phan Ngạn, Tráng quận công Ngô Đình Nga và Mỹ quận công Bùi Văn Khuê làm phản. Nhà vua đi Thanh Hoa.
Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế ta có công to, Trịnh Tùng thấy thế mang lòng nghen nghét, 8 năm không cho về trấn2727 . Gặp lúc ấy, bọn Ngạn, Đình Nga và Văn Khuê làm phản ở cửa biển Đại An, Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế ta nhân đem quân tiến đánh, bèn đem tướng sĩ thuyền chiến trong bộ thuộc mình, phóng ra biển về Thuận Hóa, bởi thế lòng người xao xuyến. Tùng bèn rước nhà vua về Thanh Hoa, để cho nơi căn bản được vững vàng. Sau đó, bọn Ngạn, Đình Nga và Văn Khuê dẫn quân phụ thuộc về với nhà Mạc.
Lời phê - Lúc ấy, Trịnh Tùng rất lấn quyền làm bậy, người nào cũng có thể kể tội hắn mà giết đi được. Về việc bọn Phan Ngạn. Sử cũ chép là làm phản, chép như thế chưa chắc đã không phải là a dua, đáng lẽ Sử mới2728 chỉ nên cứ theo sự thực mà chép thẳng. Còn như ngàn năm sau này khen hay chê đã có lời bàn luận công bằng. Người chép sử cũng không cần gì phải kiêng kỵ2729 . Lời chua - Thanh Hoa, Thuận Hóa:. Đều xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 16, 17, 20 , 21, 23, 24, 33 ).
Đại An: Tức Đại Nha, Xem Lý hậu đế năm thứ nhất (Tb. IV, 13 ).
Phan Ngạn bắn chết Bùi Văn Khuê. Vợ Văn Khuê là Nguyễn Thị đánh giết được Ngạn. Tháng 7, mùa thu. Mạc Kính Cung vào chiếm cứ Đông Kinh, Ngô Đình Nga đem quân theo Kính Cung.
Được ít lâu, Phan Ngạn ngờ Văn Khuê có lòng phản bội, sai người bắn giết đi. Ngạn tự xưng tiết chế Sính quốc công, Đình Nga tự xưng là thái bảo Hoa quận công, ra bảng yết thị cấm chỉ dùng niên hiệu Kiền Thống nhà Mạc.
Nguyễn Thị, vợ Văn Khuê, muốn báo thù cho chồng, bèn khuyết khích sĩ tốt, rồi đóng quân ở Hoàng Giang, chiêu mộ người nào có thể lấy được đầu Phan Ngạn, sẽ trọng thưởng cho. Ngạn nghe tin giận lắm, hắn tự đốc suất thuyền chở binh lính, rồi đi một chiếc thuyền lớn tiến lên trước, trúng phải viên đạn lạc, chết ở giữa dòng sông.
Lúc ấy, nhà vua vào Thanh Hoa, kinh thành Thăng Long bị hiu quạnh, bỏ ngỏ. Dư đảng nhà Mạc thì: Nam quận công Nguyễn Dụng hô hào tụ hợp quần chúng ở Sơn Nam; Uy Vũ Hầu (không rõ họ tên ) thúc giục nhiều người nhóm ngọn lửa binh đao ở Hải Dương. Nhân đấy, chúng cùng nhau rước Bùi Thị, mẹ thứ Mạc Mậu Hợp, vào chiếm cứ Đông Kinh, Bùi Thị ra coi chầuở triều đình, tiếm xưng là quốc mẫu, sai người đi rước Kính Cung ở Cao Bằng. Kính Cung là con Kính Điển. Khi Kính Cung đi đến Vũ Ninh, thì Đình Nga đem quân đi đón rước, Kính Cung cho Đình Nga cứ được giữ nguyên chức cũ.
Do đấy nhân dân ở vùng Đông Bắc, ngả theo để hưởng ứng họ cùng nhau ủng hộ Kính Cung về đến kinh sư, chỉ trong khoảng hàng tuần hàng ngày, quần chúng được đến hàng vạn người.
Lời chua - Nguyễn Thị: Tên tự là Niên, con gái thứ của Nguyễn Quyện, tướng nhà Mạc. Có một thuyết nói: Ngạn nghe biết Thị Niên sắc đẹp, sai người mối đi lại cùng thông tin tức ước hẹn kết duyên. Nguyễn Thị giả vờ nhận lời, bèn kén hơn mười người trẻ tuổi đẹp trai, ăn mặc giả làm con gái sung làm thị tỳ. Nguyễn Thị giao ước với bọn thị tỳ giả: Nếu ai giết được Phan Ngạn thì sẽ được trọng thưởng. Muốn để Ngạn khỏi nghi
ngờ, Nguyễn Thị hẹn: Đêm hôm nào đó thị sẽ đi một chiếc thuyền lớn đến hội kiến. Ngạn hí hởn mừng. Đến kỳ hạn, Nguyễn Thị ăn mặc lộng lẫy, đi thuyền ngược dòng sông Hoàng Giang ra sông Nha Giang, Ngạn cho người thăm dò, thấy trong thuyền la liệt những gái đẹp, Ngạn yên tâm không nghi ngờ gì cả, bèn ra ám hiệu cho thuyền tuần tiễu nơi đi nhanh, khi thuyền tuần tiễu sắp đến gần chỗ thuyền Nguyễn Thị thì dừng chèo ở giữa dòng sông. Điều khiển đâu vào đấy rồi. Ngạn mừng rỡ cuống quýt, cũng dùng một chiếc thuyền lớn đến để cùng Nguyễn Thị hội hợp. Sau khi Ngạn đã sang thuyền Nguyễn Thị, liền vẫy cho thuyền mình rút lui. Lúc ấy thị tỳ đứng hai hàng rót rượu. Khi cuộc rượu đang nồng nàn, thị tỳ rút dao ở trong tay áo ra chặt lấy đầu Phan Ngạn, rồi nhân đêm nước thủy trào xuống, gió thổi mạnh quay chèo trở về như bay, quân lính của Ngạn vẫn chưa biết có chuyện ấy. Khi về, Nguyễn Thị đem đầu của Ngạn làm lễ tế ở bàn thờ chồng, rồi dặn hai con đến hành tại An Trường quy thuận với vua Lê. Còn thị thì tự gieo mình xuống sông.
Kiền Thống: Niên hiệu tiếm xưng của Mạc Kính Cung.
Đông Kinh: Xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 3 (Chb. XV, 26 ).
Hoàng Giang: Xem Trần Thái Tông, năm Nguyên Phong thứ 7 (Chb, VI, 44 ).
Nguyễn Dụng: Người xã Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, là con Nguyễn Miễn (chữ "Dụng " sử cũ chép là " Nhậm " ).
Cao Bằng: Thuộc Ninh Sóc.
Vũ Ninh: Thuộc Kinh Bắc.
Cao Bằng, Vũ Ninh, Sơn Nam và Hải Dương: Đều xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 17, 18, 24, 28, 31, 32 ).
Nha Giang: Nay là Đại An, xem Lý Hậu Đế năm thứ nhất (Tb, IV, 13 ).
Tháng 8. Tùng thống lãnh binh sĩ từ hành tại An Trường kéo ra, tiến đánh quân Mạc, lấy lại Đông Kinh. Mạc Kính Cung chạy sang Kim Thành.
Hay tin Kính Cung vào chiếm cứ Đông Kinh, Tùng hợp các tướng bàn định. Một mặt sai Lê Nghĩa Trạch đem thư yên ủi Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế ta ở lại trấn thủ Thuận Hóa; một mặt đem cả quân thủy, quân bộ xuất phát ra Tràng An; Nguyễn Khải đem quân bộ đi tiền đạo, đến cửa sông Gián2730 , gặp quân canh giữ của giặc, Khải đánh hăng phá tan được, rồi nhân thế thắng tiến thẳng lên; quân thủy thì đi theo sông Ninh Giang ra cửa sông Hát, thuận dòng nước mà xuôi xuống, xông thẳng vào Đông Kinh. Quân nhà Mạc tan vở bỏ chạy, quan quân bắt giết Bùi Thị là quốc mẫu của nguỵ Mạc. Kính Cung chạy sang Kim Thành. Em Phan Ngạn là Quỳnh quận công (Sử cũ chép sót tên ) đầu hàng, được tha không trị tội. Do đấy đồ đảng của ngụy Mạc cùng nhau xin phụ thuộc về triều đình. Tùng sai tướng đi tuần hành mặt sông Thiên Đức, bắt Ngô Đình Nga giải về kinh sư xử trảm.
Lời chua - Kim Thành: Làng Trà Hương xưa, xem Thuộc Tấn Tề Vương, năm Khai Vận thứ 2 (TB, V, 21 ).
An Trường: Xem Lê Trung Tông, năm Thuận Bình thứ 5 (Chb. XXVIII, 4 ).
Lê Nghĩa Trạch: Người xã Cổ Đôi huyện Nông Cống.
Nguyễn Khải: Người xã Ngọc Bôi, huyện Đông Sơn.
Cửa sông Gián: Nay ở chỗ giáp với Ninh Bình và Hà Nội2731 .
Ninh Giang: Xem Bình Định Vương năm thứ 9 (Chb, XIII, 26 ).
Hát Môn: Tức cửa sông Hát, xem Bình Định vương năm thứ 9 (Chb. XIII, 31 ).
Thiên Đức: Tên sông, xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ nhất (Chb. II, 11 ).
Tháng 10, mùa đông. Sai Nguyễn Đình Luân đánh Nguyễn Dụng ở Hoàng Giang. Luân bị bại trận.
Dụng là con Nguyễn Miễn, tước Phù quốc hầu nhà Mạc. Dụng mạnh tợn hơn cả mọi người. Trước kia, Mậu Hợp bại trận, bị bắt, Dụng đem anh em đầu hàng triều đình, sau trốn về Sơn Nam, hô hào tụ hợp dân chúng, xưng là Nam quận công, cùng nhau rước Kính Cung vào chiếm cứ Đông Kinh2732 , Trịng Tùng tiến quân lấu lại được kinh thành. Dụng cùng đồ đảng là Uy Vũ hầu (Sử cũ chép sót họ tên ) đem chu sư xâm phạm vào Thanh Trì, bị quan quân đánh phá. Uy Vũ hầu chạy giữ ở cửa biển; Dụng lui quân giữ ở Hoàng Giang. Vì thế, mới sai quận công Đình Luân đem quân đi đánh, Luân bại trận, hơn 40 chiếc thuyền công đều bị giặc bắt được. Trịnh Tùng giận, bèn bãi chức quan của Đình Luân.
Lời chua - Nguyễn Đình Luân: Người xã Đa Lộc, huyện An Định.
Thanh Trì: Tức Thanh Đàm xưa, xem Bình Định Vương năm thứ 9 (Chb, XIII, 30 ).
Tháng 11. Đổi niên hiệu. Đại xá cho trong nước.
Lấy năm ấy làm năm Hoằng Định thứ nhất.
Lời cẩn án - Theo " Phàm Lệ " chép Cương mục của Chu Tử, về việc đồi niên hiệu: phàm ông vua nào đương giữa đời mà đổi niên hiệu khác, thì chỉ chép việc đổi niên hiệu lúc bắt đầu lên ngôi vua, ngoài ra đều nhân chép công việc gì đó mới lấy niên hiệu mới đổi ấy. Nay Kính Tông mới lên ngôi vua mà trong một năm hai lần đổi niên hiệu, thật là không kê cứu gì đến phép đời cổ, cho nên chép cả hai niên hiệu, để tỏ rõ sự sai lầm. Tân Sửu, năm Hoằng Định thứ 2 ( 1601 ). (Minh, năm Vạn Lịch thứ 29 ).
Tháng giêng, mùa xuân. Tùng đánh bại quân Nguyễn Dụng ở Lãnh Giang và chém được Nguyễn Dụng.
Kính Cung đến Kim Thành, hay tin Nguyễn Dụng chiếm cứ Hoàng Giang, hắn cho người phi ngựa báo tin sai Dụng tiến quân giữ lấy Nam Xang để ngăn giữ một đường Sơn Nam. Dụng bèn thiết lập doanh trại, canh phòng ngăn chặn nơi hiểm yếu, Dụng lại giết Uy Vũ Hầu (Sử cũ chép thiếu họ tên ), một viên tướng giữ ở đạo khác, mà cướp lấy lương thực. Tướng ở tây đạo là Nha quận công và Cao quận công (Sử cũ đều chép thiếu họ tên ) đều phải chạy đến Đại Đồng. Bấy giờ Trịnh Tùng thân hành đem đại quân xuống mặt nam. Quân tiến đến Lãnh Giang, Dụng chống cự, tiền quân của Tùng bị thiệt hại. Tùng bèn khuyến khích tướng sĩ, quân lính đều hết sức liều chết tiến đánh, phá tan được quân giặc, chém được Dụng và Nga quận công (Sử cũ chép sót họ tên ) ở mặt trận, thu được thuyền bè, phụ nữ, trâu bò và tài vật kể đến hàng ngàn. Lại bắt giết được em của Dụng là Tào và Vị, đưa thủ cấp về kinh sư, hạ lệnh chiêu an dân chúng, lòng người rất vui mừng.
Lời chua - Lãnh Giang: Thuộc địa phận xã Lãnh Trì, huyện Nam Xang, tỉnh Hà Nội2733 .
Tây Đạo: Xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ nhất (Chb, XV, 5 ).
Tháng 3. Sai Hoàng Đình Ái đi tuần hành vùng Hải Dương. Mạc Kính Cung chạy lên Lạng Sơn.
Kính Cung chiếm cứ kinh thành, hay tin Nguyễn Dụng đã bị hại, đại binh của triều đình sắp đến, hắn bèn bỏ cả quân lính, chạy lẻn lên Lạng Sơn. Khi quan quân kéo đến, bèn phá hũy đường lũy, chiêu tập vỗ về nhân dân, rồi đem quân trở về. Vùng Hải Dương hết thảy đều bình định.
Lời chua - Lạng Sơn: Xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 19, 31, 35 ).
Tháng 5, mùa hạ. Mưa ra đá (vũ thạch ).
Tháng 8, mùa thu. Nhà vua trở về Đông Kinh.
Tháng 12, mùa đông. Sai Nguyễn Khải đi tuần hành vùng Sơn Tây và Kinh Bắc, hết thẩy đều bình định được.
Lời chua - Sơn Tây, Kinh Bắc: Xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 18, 19, 27, 28, 35 ).
Nhâm Dần, năm thứ 3 (1602 ). (Minh, năm Vạn Lịch thứ 30 ).
Tháng 3, mùa xuân. Mưa đá.
Quý Mão, năm thứ 4 (1603 ). (Minh, năm Vạn Lịch thứ 31 ).
Mồng một, tháng 4, mùa hạ. Nhật thực.
Đăng quận công Nguyễn Khải bị giao xuống hình ngục, sau lại được tha.
Tùng ngờ Nguyễn Khải có lòng bội bạn, bắt giao xuống hình ngục, hạ lệnh cho chưởng cung giám Bùi Sĩ Lâm xét hỏi, không có tình trạng đáng ngờ, bèn thả ra.
Lời chua - Bùi Sĩ Lâm: Người xã Lưu Vệ, huyện Quảng Xương.
Giáp Thìn, năm thứ 5 (1604 ). (Minh, năm Vạn Lịch thư 32 ).
Ất Tỵ, năm thứ 6 (1605 ). Minh, năm Vạn Lịch thứ 33 ).
Bính Ngọ, năm thứ 7 (1606 ). (Minh, năm Vạn Lịch thứ 34 ).
Đinh Mùi, năm thứ 8 (1607 ). (Minh, năm Vạn Lịch thứ 35 ).
Mậu Thân, năm thứ 9 (1608 ). (Minh, năm Vạn Lịch thứ 36 ).
Tháng 9, mùa thu. Đại hạn. Dân bị nạn đói to.
Kỷ Dậu, năm thứ 10 (1609 ). (Minh, năm Vạn Lịch thứ 37 ).
Tháng 3, mùa xuân. Sai Trịnh Đỗ đi kinh lý vùng Thái Nguyên. Mạc Kính Cung chạy trốn.
Trước kia, Kính Cung chạy, chiếm cứ vùng Lạng Sơn, dần dần tụ họp lại được quân lính, bèn xâm lấn quấy rối vùng Thái Nguyên, Tùng hạ lênh cho thái tể Trịnh Đỗ làm thống lãnh, Nguyễn Danh Thế làm đốc thị, đem quân đi đánh. Giặc được tin chạy trốn tan vỡ, lẩn lút vào trong hang. Kinh lý vừa được một tháng. Trịnh Đỗ dẫn quân về.
Lời chua - Trịnh Đỗ: Em Trịnh Tùng.
Thái Nguyên: Tức Ninh Sóc, xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 19, 32, 33, 35 ).
Nguyễn Danh Thế: Người xã Vân Nội, huyện Chương Đức.
Canh Tuất, năm thứ 11 (1610 ). (Minh, năm Vạn Lịch thứ 38 ).
Tháng 11, mùa đông. Lê Bật Tứ đề đạt kế sách với họ Trịnh.
Bất Tứ, tả thị lang Hộ Bộ, dâng tờ khải trình bày với Tùng: một là xin lập thế tử, dự bị giao phó cho binh quyền, để giữ vững lòng người; hai là xin xử trí đối với phiên trấn mạnh, để thống nhất chế độ. Bật Tứ lại trình bày rõ: " Này, người làm vua lấy thiên hạ làm của một nhà mình, bên cạnh giường nằm,
có lẽ nào lại để người khác nghe biết tiếng ngáy2734 . Nay Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Nam và Thuận Hóa hãy còn ở ngoài bản đồ, nếu không xử trí, tôi e rằng sẽ làm mối lo sau này. Ngày trước vua Hiến Tông nhà Đường nghe lời bàn của Hoàng Thường dùng phép xén bớt và hạn chế quyền của phiên trấn, sau thành được nghiệp trung hưng. Vậy những lời tôi trình bày, cúi xin xét đoán thi hành ".
Lời phê - Chim mồi chó săn của nhà Trịnh, tên này là tên tội ác đầu sỏ. Lời chua - Lê Bất Tứ: Người xã Cổ Định, huyện Nông Cống đỗ nhị giáp tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1598 ) năm Quang Hưng.
Quảng Nam: Xem Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 2 (Chb. XXII, 2 - 10 ).
Tân Hợi, năm thứ 12 (1611 ). (Minh, năm Vạn Lịch thứ 39 ).
Tháng 10, mùa đông. Núi Tản Viên bị sụt.
Lời chua - Núi Tản Viên: Xem Lê Đại Hành, năm Ứng Thiên thứ 7 (Chb. I, 34 ).
Ở Yên Việt Mưa ra máu (vũ huyết ).
Mưa vừa vặn một ngày đêm.
Lời chua - Yên Việt: Tên huyện nay là Việt Yên, thuộc tỉnh Bắc Ninh2735 .
Nhâm Tý, năm thứ 13 (1612 ). (Minh, năm Vạn Lịch thứ 40 ).
Tháng 8, mùa thu. Thủy tai lớn.
Quý Sửu, năm thứ 14 (1613 ). (Minh, năm Vạn Lịch thứ 41 ).
Tháng 6, mùa hạ. Hi Tông Hiếu Văn hoàng đế2736 ta lên nối nghiệp.
Nhà vua hạ chiếu Gia Phong [cho Hi Tông ] chức Thái Bảo và được lưu trấn Thuận Hóa.
Tháng 8, mùa thu. Sai Trịnh Tráng kinh lý vùng Yên Quảng.
Lúc ấy mới dẹp bình được đảng giặc, nên hạ lệnh cho Tráng đi kinh lý địa phương này, chiêu tập vỗ về nhân dân. Tráng đi đến đâu ai cũng vui mừng. Sau đó Tráng để viên tướng thuộc dưới quyền mình ở lại trấn giữ, rồi trở về kinh sư.
Lời chua - Tráng: Con của Tùng.
Yên Quảng: Xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 29 ).
Tháng 11, mùa đông. Sai xứ thần đi tuần hành các địa phương trong nước.
Hạ lệnh cho quan trong kinh sư chia nhau đi các xứ, thăm hỏi sự đau khổ của dân; người nào phiêu tán được miễn lực dịch ba năm.
Giáp Dần, năm thứ 15 (1644 ). (Minh, năm Vạn Lịch thứ 42 ).
Tháng 11, mùa đông. Sấm động.
Ất Mão, năm thứ 16 (1615 ). (Minh, năm Vạn Lịch thứ 43 ).
Mồng một, tháng 3, mùa xuân. Nhật thực.
Đầm xã Hoằng Liệt và Thịnh Liệt bị khô cạn.
Không vì cớ gì, mà nước ở đầm bị cạn, 5 khắc sau lại trở lại như cũ.
Lời chua - Hoàng Liệt, Thịnh Liệt: Tên hai xã đều thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Nội.
Bính Thìn, năm thứ 17 (1616 ). (Minh, năm Vạn Lịch thứ 44 ).
Tháng 8, mùa thu. Từ tháng 5 đến tháng này không mưa.
Tháng 9. Kén thêm quân ở Thanh Hoa.
Bọn thị lang Lê Bật Tứ và Lưu Đình Chất làm tờ khải trình bày với Tùng rằng: " Lòng trời thương yêu người làm vua, tất nhiên có lúc hiện ra điềm tai dị để mà cảnh cáo, nếu người làm vua không biết tự xét mình, thì lại xuất hiện tai dị để cho răn sợ. Tháng 5, tháng 6 năm nay đại hạn, người làm ruộng mất trông mong; tháng 8 vừa đây, lúa má đương xanh tốt thì lại gặp hạn hán dữ dội. Như thế chả phải là chính sự có thiếu thốn hay sao ? Nay không phải kỳ hạn xét duyệt dân đinh để tuyển lính, thế mà kén thêm ngoài ngạch lính đã định, thì dân chịu đựng thế nào nổi được ? Xin bỏ việc ấy đi, để tỏ lòng thành thực kính trời ".
Lời chua - Lưu Đình Chất: Người xã Quỳ Chử, huyện Hoằng Hóa, đỗ tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1607 ) năm Hoằng Định.
Định Tỵ, năm thứ 18 (1617 ). (Minh, năm Vạn Lịch thứ 45 ).
Tháng 7, mùa thu. Mưa to gió lớn.
Tháng 9. Gió lớn. Nước biển tràn ngập.
Lúc ấy, các giống lúa đương chín, gió bão nổi lên quá mạnh, nước mặn tràn ngập, dân ở gần biển, phần nhiều bị hại.
Xứ Sơn Tây, phát sinh nhiều sâu keo.
Mậu Ngọ, năm thứ 19 (1618 ). (Minh, năm Vạn Lịch thứ 46 ).
Tháng giêng, mùa xuân. Sai bọn Trịnh Tráng đi đánh Cao Bằng. Mạc Kính Khoan chạy trốn.
Kính Khoan, cháu Kính Cung, hô hào tụ hợp đồ đảng còn sót lại là bọn Trí Thủy, lấp ló ra vào ở quảng Vũ Nhai, Đại Từ, xưng ngụy tước là Khánh vương, tiếm niên hiệu là Long Thái. Trịnh Tùng sai thái phó thanh quận công Trịnh Tráng, thái bảo Trịnh Xuân đốc xuất tướng tá là bọn Nguyễn Cảnh Kiên, Nguyễn Văn Giai, Tạ Thế Phúc, Nguyễn Khải, Nguyễn Thực, Hoàng Đình Phùng, Trịnh Thức, Trịnh Trăn và Nguyễn Duy Thời [ Thì ] chia đường đi đánh. Đảng ngụy trốn xa, quan quân kéo về. Tháng 3, lại hạ lệnh cho bọn Trấn quận công Trịnh Lâm và Trịnh Bảng đi đánh Vũ Nhai, giặc đều tan vỡ.
Lời chua - Vũ Nhai: Tức Vạn Nhai, xem Lý Thái Tông, năm Thông Thụy thứ 5 (Chb, II, 42, 43 ).
Đại Từ: Tên huyện, thuộc Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.
Trịnh Xuân: Con Trịnh Tùng.
Nguyễn Văn Giai: Người xã Phù Lưu, huyện Thiên Lộc, đỗ hội Nguyên Khoa Canh Thìn (1580 ) năm Quang Hưng, thi đình đỗ nhị giáp tiến sĩ.
Nguyễn Cảnh Kiên: Người xã Nam Đường thuộc Nghệ An, là con Nguyễn Cảnh Mô.
Nguyễn Thực: Người xã Vân Điềm, huyện Đông Ngàn, đỗ nhị giáp tiến sĩ khoa Ất Mùi (1595 ) năm Quang Hưng.
Hoàng Đình Phùng: Người xã Vân Lung, huyện Thạch Thành.
Trịnh Trăn, Trịnh Thức: Đều là cháu của Tùng.
Nguyễn Duy Thời [Thì ]: Người xã An Lãng, huyện An Lãng, đỗ nhị giáp tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1598 ) năm Quang Hưng.
Tháng 4, mùa hạ. Núi Đồng Cổ bị sụt.
Sai quan đến tế.
Lời chua - Núi Đồng Cổ: Xem Lê Đại Hành, năm Thiên Phúc thứ 4 (Chb. I, 20 ).
Sao chổi xuất hiện ở phương tây nam.
Sao Chổi xuất hiện, hình như tấm lụa đỏ.
Tháng 8, mùa thu. Trời mưa cát vàng, lại mưa than đen.
Lời cẩn án - Sử cũ chép: " Trời mưa ra vàng, hình như gạo vàng; trời mưa ra gạo, hình như gạo đen ". Nhưng xét tờ khải của Lưu Đình Chất nói: " Trời mưa cát vàng mà bảo là mưa ra vàng, trời mưa ra than đen mà bảo trời mưa ra gạo ". Nên nay cải chính lại. Tháng 9. Có sắc trắng xuất hiện ở phương đông nam.
Phương đông nam có sắc trắng, đứng thẳng như hình cái búa lớn, mỗi đêm, thường xuất hiện trống canh năm, đến hơn một tháng mới tắt. Bầy tôi tâu rằng: " Chỗ quan hệ giữa trời và người rất đáng sợ. Tháng 9, năm nay, mỗi đêm cứ trống canh năm, có sắc trắng xuất hiện ở phương đông nam, hình như mũi nhọn, đầu đuôi nhọn hoắt, ai trông thấy cũng phải kinh sợ. Lại còn điềm mưa vàng như đất, mưa gạo như than và sấm động trái thời nữa. Cái cớ sở dĩ phát sinh ra tai biến ấy có lẽ vì bên trong trái đạo đức, ở bên ngoài trái chính lệnh, giường mối suy tàn, pháp lệnh không chấn chỉnh, quan lại hà khắc nhũng nhiễu, ngôi sao tượng trưng cho lòng dân bị dao động, việc làm của người phần nhiều trái với khí hòa mà đến nỗi như thế chăng ? Chúng tôi kinh xét trong sách Chu thư chép: " Vương tỉnh duy tuế, khanh sĩ duy nguyệt, thứ dân duy tinh "2737 . Mấy câu này ý nói việc làm của người có việc hay việc dở, thì điềm lành điềm dữ hiện ra cũng đều theo từng loại mà ứng phó lại. Nay tai dị hiện ra luôn luôn, trời cao răn bảo, thì lúc này chính là lúc lo sợ siêng năng đấy. Xin bệ hạ nhân tai dị mà lo sợ, nghiêm khắc với bản thân mà sửa đức hạnh, lập đàn cầu trời, chay nghiêm răn sợ tha thiết cầu đảo, ngõ hầu lòng thành cảm động, hình tượng ở trời sẽ theo mà đáp ứng, ngôi sao tai dị lui theo độ số, khí hòa sẽ đưa đến điềm lành ". Nhà vua để tờ tâu ấy ở trong cung.
Lời phê - Việc cần kíp lúc bấy giờ, không việc gì cần hơn là làm cho danh phận vua tôi được đúng mức. Thế mà bầy tôi cứ trình bày viễn vông cho xong việc, thật đáng khinh bỉ, đáng chê cười !
Tháng 11, mùa đông. Sao chổi xuất hiện ở phương đông.
Kỷ Mùi, năm thứ 20 (1619 ). (Từ tháng 6 trở về sau là năm Vĩnh Tộ thứ nhất đời Thần Tông - Minh, năm Vạn Lịch thứ 47 ).
Tháng giêng, mùa xuân. Lầu Đoan Môn bị hỏa tai.
Lửa bốc lên từ trong thành, nhà cửa bị cháy thành tro than, cháy lan đến lầu Đoan Môn.
Lời chua - Lầu Đoan Môn: Ở trong thành Thăng Long.
Tháng 5, mùa hạ. Tùng giết nhà vua ở nội điện.
Tùng chuyên quyền lấn át mỗi ngày một quá, nhà vua không sao chịu được. Vì nghe biết việc Xuân, con Tùng, ngầm có lòng cướp ngôi của người con trưởng, nhân đấy nhà vua bàn mưu với Xuân giết Tùng, rồi quyền bính sau này sẽ trao cho Xuân.
Một hôm, Tùng đi đến bến Đông Tân xem bơi thuyền, Xuân mật sai đồ đảng của mình là Văn Đốc, mai phục súng ở ngã ba đường, khi Tùng trở về, súng nổ, trúng vào con voi mà Tùng đương cưỡi. Bắt được Văn Đốc, tra hỏi biết rõ mưu gian. Tùng bèn sai con là Tráng và trưởng cung giám Bùi Sĩ Lâm vào nội điện tra hỏi tội phạm, rồi bắt ép vua phải tự thắt cổ. Còn Xuân đem giam ở nội phủ, sau lại tha ra.
Nhà vua ở ngôi 20 năm, hưởng thọ 32 tuổi. Bầy tôi bàn định: phàm lễ táng, lễ tế đều phải giảm bớt, bài vị phải thờ ở một nơi riêng, không được thờ phụ trong nhà thái miếu, bèn đặt tên thụy là Giản Huy đế, táng ở lăng Bố Vệ.
Lời phê - Người bầy tôi ngỗ ngược, tất nhiên có người con ngỗ ngược; đạo trời hay trả miếng, bao giờ cũng thế. Tháng 6. Tùng lập hoàng tử Duy Kỳ làm vua ( tức là Thần Tông ).
Đại xá.
Lấy năm ấy làm năm Vĩnh Tộ thứ nhất, đại xá cho trong nước.
Canh Thân. Thần Tông Uyên hoàng đế, năm Vĩnh Tộ thứ 2 (1620 ). (Minh, năm Vạn Lịch thứ 48 ).
Tháng giêng, mùa xuân. Tế nam giao.
Tân Dậu, năm thứ 3 (1621 ). (Minh Hi Tông, năm Thiên Khải thứ nhất ).
Tháng 8, mùa thu. Cầu vòng trắng xuất hiện ở phương đông.
Nhâm Tuất, năm thứ 4 (1622 ). (Minh, năm Thiên Khải thứ 2 ).
Tháng 8, mùa thu, mưa to.
Quý Hợi, năm thứ 5 (1623 ). (Minh, năm Thiên Khải thứ 3 ).
Mùa xuân (không rõ tháng ). Thi đại tị.
Khoa ấy thi hội, bọn Phạm Phi Kiến 7 người được trúng cách. Kịp khi thi đình, Nguyễn Trật mượn người khác làm hộ bài, việc phát giác, nhà vua không bằng lòng, nên không bang cho bảng vàng.
Lời chua - Phạm Phi Kiến: Người xã Dương Liễu, huyện Đan Phượng.
Nguyễn Trật: Người xã Nguyệt Viên, huyện Hoằng Hóa.
Tháng 6, mùa hạ. Xuân, con thứ của Tùng, nổi loạn. Tùng dụ Xuân đến, bắt giết đi.
Tùng mắc bệnh, họp trăm quan bàn chọn người lập làm thế tử, cho con trưởng là Thanh quận công Trịnh Tráng giữ binh quyền, Xuân giữ chức phó. Xuân ấm ức không hài lòng, định mưu nổi loạn, hắn bèn phóng lửa đốt phố xá trong kinh thành. Tùng hay tin có biến động, gượng bệnh lên xe ra khỏi kinh thành, đến làng Hoàng Mai huyện Thanh Trì, vào nhà riêng Trịnh Đỗ, rồi sai người giả vờ bảo Xuân vào hầu sẽ trao cho giữ binh quyền. Bấy giờ Xuân, miệng cắn cỏ, phủ phục ở sân. Tùng kể tội lỗi của Xuân. Trịnh Đỗ sai chưởng cung giám Bùi Sĩ Lâm dùng giáp giết chết Xuân.
Lời chua - Thanh Trì: Trước là Thanh Đàm. Xem Bình Định vương năm thứ 9 (Chb. XIII, 30 ).
Hoàng Mai: Tên xã, thuộc huyện Thanh Trì.
Trịnh Tùng mất. Tráng rước nhà vua đi Thanh Hoa.
Vì cớ con là Xuân nổi loạn, Tùng phải chạy vạy ở bên ngoài, bệnh nặng, mất ở chùa Thanh Xuân. Con là Tráng kế tiếp nối binh quyền. Lúc ấy, đồ đảng của Xuân nhiều người trốn thoát, lòng người nôn nao. Nhân đấy, Tráng rước nhà vua đi Thanh Hoa, để lo toan việc yên ninh sum hợp. Nhà vua phong Tráng làm đô tướng tiết chế thủy bộ chư quân bình chương quân quốc trọng sự thái úy Thanh quốc công.
Lời phê - Có nhiều dịp tốt, mà chung quy không toan tính được việc gì, không biết lúc bấy giờ vì cớ gì mà lại như thế ? Lời chua - Thanh Hoa: Xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 16, 20, 21, 33 ).
Thanh Xuân: Tên chùa, thuộc huyện Thanh Trì.
Tháng 7, mùa thu. Mạc Kính Khoan xâm phạm Gia Lâm. Nhà vua sai Trịnh Tráng thống lãnh quân sĩ đi đánh.
Trước kia, Kính Khoan lẩn lút ở Cao Bằng, thấy mình thế lực nhỏ yếu, sợ không dám động binh. Đến nay, hay tin trong nước có biến loạn, hắn nhân lúc sơ hở, đem quân tiến thẳng đến Gia Lâm dàn quân đóng đồn trại, những bọn bất mãn ở xã Đông Dư và Thổ Khối hưởng ứng một cách ô hợp có đến vạn người. Nhà vua hạ lệnh cho Tráng thống lãnh quân thủy, quân bộ cùng tiến đánh. Đặng Thế Tài làm tiên phong, Nguyễn Danh Thế đốc hậu quân, xông thẳng đến Gia Lâm đánh nhau với Kính Khoan. Quan quân phá tan quân địch, chém và bắt được rất nhiều. Kính Khoan chạy về Cao Bằng.
Lời chua - Gia Lâm: Xem Ý Tông, năm Vĩnh Hựu thứ 6 (Chb. XXXVIII, 39 ).
Cao Bằng: Thuộc Ninh Sóc, xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 31, 32 ).
Đông Dư, Thổ Khối: Tên hai xã, đều thuộc huyện Gia Lâm.
Đặng Thế Tài: Người xã Vân Nội, huyện Chương Đức.
Tháng 8. Nhà vua trở về Đông Kinh.
Trịnh Tráng lấy cớ rằng trong kinh kỳ đã được dẹp yên, bèn sai bọn thị lang Lê Bật Tứ và chưởng cung giám Bùi Sĩ Lâm vào Thanh Hoa rước xa giá. Nhà vua bèn trở về. Bàn xét những người có công theo hầu, gia phong cho chức tước có cao thấp khác nhau.
Lời chua - Đông Kinh: Xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 3 (Chb. XV, 26 ).
Tháng 11, mùa đông. Trịnh Tráng tự tiến làm nguyên soái tổng quốc chính, Thanh đô vương.
Giáp Tý, năm thứ 6 ( 1624 ). (Minh, năm Thiên Khải thứ 4 ).
Ất Sửu, năm thứ 7 (1625 ). ( Minh, năm Thiên Khải thứ 5 ).
Tháng 5, mùa hạ. Hạ lệnh cho quận công Trịnh Kiều đi đánh Cao Bằng, bắt được Mạc Kính Cung giải về kinh sư giết đi. Mạc Kính Khoan xin hàng.
Kính Cung tiếm xưng niên hiệu Kiền Thống, cùng với cháu là Kính Khoan chia nhau chiếm cứ Cao Bằng. Chúng lấp ló ở quãng Thái Nguyên, Yên Quảng và Lạng Sơn hơn 30 năm, hễ quan quân tiến đánh thì chạy, trốn, khi quân rút về, lại hô hào nhau tụ hợp như cũ. Đến nay, triều đình hạ lệnh cho Trịnh Kiền Thống lãnh các quân chia đường càn quét, bắt được Kính Cung và đồ đảng là bọn Sùng, Lễ, đóng cũi đưa về kinh sư giết đi, Kính Khoan thua chạy, sai người dâng tờ biểu đến kinh sư xin đầu hàng.
Triều đình y cho, phong cho Kính Khoan chức thái úy Thông quốc công, bắt bỏ hết ngụy hiệu, tuân theo chính sóc2738 triều đình, lại cho hết đời này đến đời khác trấn giữ một phương làm một nơi phiên trấn giúp sức triều đình mãi mãi. Kính Khoan xin tuân lệnh, triều đình tỏ ý khen ngợi.
Lời chua - Thái Nguyên: Tức Ninh Sóc.
Yên Quảng: Tức Yên Bang.
Thái Nguyên, Yên Quảng và Lạng Sơn: Đều xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 18, 31, 35 ).
Trịnh Kiều: Con Trịnh Tráng.
Tháng 8, mùa thu. Bắt đầu đặt khoa sĩ vọng.
Triều đình nghĩ cất nhắc người có tài mà bị chìm đắm, nên ngoài khoa thi đại tị, lại đặt khoa sĩ vọng. Cống sĩ nào tài năng đức vọng được dự thi. Khoa này bọn Nguyễn Nghi 27 người trúng cách, được cất nhắc trao cho quan chức cao thấp khác nhau.
Lời chua - Khoa sĩ vọng: Theo Kiến văn lục của Lê Quý Đôn thì khoa sĩ vọng cũng gọi là khoa hoành từ, chỉ có cống sĩ mới được vào thi. Đầu bài thi: Hoặc thơ, phú, tụng, ca, châm không có thể lệ nhất định. Người được trúng cách, nếu là người bổ làm quan lần đầu thì được cất nhất chức tri huyện, nếu là người trước đã làm quan rồi, thì đều được theo với thông tư2739 của mình hiện có mà trao cho chức tự thừa, tri phủ, hiến sát phó sứ hoặc tham nghị.
Theo " khoa mục trí " trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú thì khoa hoành từ mới đặt từ hồi đầu triều Lê, khoa thi sĩ vọng mới đặt từ sau hồi trung hưng. Sở dĩ mở khoa thi này là để đãi ngộ những sĩ tử có danh tiếng mà bị chìm đắm không được cắt nhắc. Đầu bài thi thì hoặc thơ, phú, hoặc nhận sét sự việc, hoặc văn sách, không có thể văn nhất định. Vậy chép cả ra đây đề phòng khi khảo cứu.
Nguyễn Nghi: Người xã Kim Thanh, huyện Vũ Tiên.
Bính Dần, năm thứ 8 ( 1626 ). ( Minh, năm Thiên Khải thứ 6 ).
Đinh Mão, năm thứ 9 (1627 ). ( Minh, năm Thiên Khải thứ 7 ).
Tháng 2, mùa xuân. Trịnh Tráng kèm nhà vua đi Nhật Lệ.
Trước đây, Tráng sai Công Khoa cấp tư trung Nguyễn Hữu Bản phụng sắc chỉ nhà vua đi Thuận Hóa thu tô thuế từ năm Giáp Tý ( 1524 ) trở về trước, lại đón Hi Tông Hiếu văn hoàng đế ta đến Đông Kinh. Vương thượng ( tức Hi Tông ) cười bảo Hữu Bản rằng: " Việc này là phát xuất từ ý riêng họ Trịnh chứ hoàng đế là bậc nhân từ có lẽ nào lại ghét dòng dõi người công thần ? " Bèn khoản đãi Hữu Bản một cách trọng hậu rồi bảo trở về. Đến nay, Tráng muốn đem quân vào xâm lược Thuận Hóa, nhưng lại e rằng không lấy lẽ gì để kể tội được. Hắn bèn lập mưu sai Lê Đại Dụng phụng sắc mệnh nhà vua dụ bảo về việc cho con vào chầu, và đòi nộp 30 thớt voi, 30 chiếc thuyền đi biển, để cho đủ thể lệ cống nạp triều đình nhà Minh. Vương thượng lại cười nói: " Thể lệ cống nạp triều Minh chỉ có vàng tốt và kỳ nam mà thôi, nay họ Trịnh đòi hỏi ngoài lệ ngạch, nên tôi không dám nhận mệnh lệnh. Vả lại, hiện nay tôi đương sửa sang đồ binh khí, tu bổ việc phòng bị ngoài biên cảnh, vậy để cho vài năm nữa tôi sẽ đến triều vua, cũng chưa lấy gì làm muộn ". Đại Dụng đem lời nói ấy trở về báo cáo. Tráng bèn hạ lệnh cho bọn Nguyễn Khải, Nguyễn Danh Thế làm tiên phong đem 5000 quân đóng ở Hà Trung. Tráng tự thân đem đại binh kế tiếp xuất phát. Nhân đấy Tráng kèm nhà vua cùng đi, lấy cớ là đi tuần du để xem xét phong tục ở các địa phương; quân thủy, quân bộ cùng nhau đều tiến.
Ở Việt Nam từ hồi Bắc thuộc cho đến triều nhà Nguyễn không thấy thay đỗi chính sóc mà chỉ thay đổi niên hiệu. Có những lúc, có người không phục tùng triều đình đương thời, họ tự chiếm cứ một địa phương, để chống với triều đình, họ tự đặt ra niên hiệu để thông dụng ở địa bàn mà họ hoạt động, chứ không theo niên hiệu của triều đình đương thời. Ví dụ, niên hiệu Cảnh Thụy, Khải Lịch của Nùng Trí Cao hoặc những niên hiệu Kiền Thống, Long Thái ... của con cháu nhà Mạc.
Chính sóc chép ở đây chỉ có nghĩa là theo niên hiệu của triều đình nhà Lê đã đặt ra mà thôi.
Về bên ta, Vương thượng hạ lệnh cho Tôn Thất Vệ làm tiết chế, quan văn là Nguyễn Hữu Dật giữ nhiệm vụ xem xét tình hình chiến đấu, thống lãnh quân bộ đi chống cự; lại hạ lệnh cho hoàng tự Trung chỉ huy quân thủy để tiếp ứng. Quân hai bên đóng dinh lũy đối diện với nhau.
Lê Khuê, tướng bên Trịnh, đem kỵ binh ( quân cưỡi ngựa ) vào cướp trận địa, quân ta dùng đại bác bắn lại, quân Trịnh sợ hãi rút lui. Lúc ấy, Nguyễn Khải dàn doanh trại ở phía Bắc sông Nhật Lệ. Nhân đêm, nước thủy triều lên, lính thủy của ta bắn súng để uy hiếp, quân Trịnh sợ hãi rối loạn. Chợt lúc quân của Trịnh Tráng tiếp đến thế quân rất mạnh, quân của ta dùng voi chặn đánh, quân Trịnh tan vỡ, bị chết rất nhiều. Hữu Dật cùng Trương Phúc Gia bàn mưu với nhau: cho gián điệp nói phao lên là Trịnh Gia và Trịnh Nhạc sắp nổi loạn. Tráng nghe tin ấy trong bụng nghi ngờ, lại vì cớ bị thua luôn mấy trận, bèn dẫn quân về.
Lời chua - Cửa biển Nhật Lệ: Xem Trần Duệ Tông, năm Long Khánh thứ 4 ( Chb. X, 39 ).
Thuận Hóa: Xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 ( Chb. XXI, 17, 23, 24, 33 ).
Hà Trung: Tên xã, thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Nguyễn Hữu Dật: Người xã Gia Miêu, ngoại trang, huyện Tống Sơn.
La Khuê: Người xã Nhân Lý, huyện Thanh Lâm.
Trương Phúc Gia: Người xã Hoàng Văn, huyện Tống Sơn.
Cũng tháng 2 ấy. Nhà vua trở về Đông Kinh.
Mậu Thìn, năm thứ 10 (1628 ). ( Minh, Trang Liệt đế, năm Sùng Trinh thứ nhất ).
Kỷ Tỵ, năm Đức Long thứ nhất (1629 ). ( Minh, năm Sùng Trinh thứ 2 ).
Tháng 4, mùa hạ. Đại hạn, đại xá cho trong nước.
Vì hạn hán, đổi niên hiệu và đại xá.
Dân bị đói to.
Tháng 10, mùa đông. Trịnh Tráng tự tiến phong là sư phụ Thanh Vương.
Canh Ngọ, năm thứ 2 (1630 ). ( Minh, năm Sùng Trinh thứ 3 ).
Tháng 5, mùa hạ. Đem Trịnh Thị, vợ người bác họ là Lê Trụ, vào trong cung, rồi sách lập làm hoàng hậu.
Trịnh Thị Ngọc Hành, con gái Trịnh Tráng, trước kia gả cho Cường quận công Lê Trụ là bác họ nhà vua, Trịnh Thị đã sinh được 4 con. Đến khi Trụ vì mưu làm việc bạn nghịch phải bắt giam trong ngục, Tráng bắt Ngọc Hành về, đem tiến vào cung, rồi lập làm hoàng hậu. Bọn Nguyễn Thực và Nguyễn Danh Thế thường dâng sớ can, nhà vua không nghe lời.
Tháng ấy. Mưa dầm.
Sau khi lập Trịnh Thị, trời mưa dầm, suốt ngày đêm không thôi.
Tháng 6. Thủy tai lớn, nước sông tràn lên làm vỡ đê.
Nước sông Nhị tràn ngập, cửa nam kinh thành nước chảy như trút, nhiều người chết đuối. Đê Thanh Trì vỡ, lúa thóc bị nước ngâm thối nát, nhân dân bị đói.
Lời chua - Nhị Hà: Tức sông Phú Lương, xem Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 2 (Chb. II, 13 ).
Tháng 9, mùa thu. Xây dựng nhiều cung điện.
Dựng 3 tòa cung điện và 16 gian hành lang.
Tân Mùi, năm thứ 3 (1631 ). ( Minh, năm Sùng Trinh thứ 4 ).
Tháng giêng, mùa xuân. Gió Lớn.
Gió lớn nổi lên từ phương đông bắc, làm gãy cây, tốc mái nhà, thuyền ở sông phần nhiều bị đắm.
Tháng 3. Hải Dương mưa đá.
Hạt mưa rơi xuống to bằng viên đá lớn hoặc bằng đầu ngựa và súc vật phần nhiều bị thiệt hại.
Lời chua - Hải Dương: Xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 17, 24, 25, 34 ).
Tháng 4, mùa hạ. Ở Tây Kinh đất nứt toạc ra.
Núi Mã Yên ở Tây Kinh bị sét đánh, đất nứt toạc đến 5 trượng.
Lời chua - Tây Kinh: Tức Lam Kinh, xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 6 (Chb. XV, 33 ).
Núi Mã Yên: Ở phía tây nam Lam Kinh.
Giếng đá ở Thanh Trì có tiếng kêu.
Giếng đá làng Hoàng Mai, huyện Thanh Trì có tiếng kêu, nghe như tiếng trống.
Tháng 9, mùa thu. Mưa to gió lớn.
Gió lớn ba ngày, làm gãy gốc cây, tốc mái nhà, mưa như trút nước xuống, nước sông Nhị đầy dẫy lên.
Ngày mồng một, tháng 10, mùa đông. Nhật Thực.
Nhâm Thân, năm thứ 4 (1632 ). (Minh, năm Sùng Trinh thứ 5 ).
Tháng giêng, mùa xuân. Truy tôn hoàng khảo ( bố vua ) là Giản Huy đế làm Kính Tông.
Trước kia, Giản Huy đế vì việc lập mưu giết Trịnh Tùng, bị Tùng giết chết và truất đi không được phụ thờ ở thái miếu2740 . Đến nay truy tôn là Hiển nhân dụ khánh tuy phúc Huệ hoàng đế, miếu hiệu Kính Tông, phụ thờ ở thái miếu.
Tháng 4, mùa hạ. Bọn Lại bộ tả thị lang2741 Nguyễn Tuấn và Hữu thị lang2742 Nguyễn Lại, có tội bị bãi chức.
Tuấn và Lại giữ việc kén chọn cất nhắc quan lại, hai người này ăn của đút công khai, bổ trao quan chức phần nhiều quá lạm. Thiếu úy Nguyễn Thực và Thái phó Nguyễn Khải hặc tâu hai người này đều bị bãi.
Lời chua - Nguyễn Tuấn: Người xã Nhân Mục, huyện Thanh Trì, đỗ đồng tiến sĩ khoa Quý Sửu (1613) năm Hoàng Định triều Lê Kính Tông.
Nguyễn Lại: Người xả Bột Thượng huyện Hoằng Hóa2743 , đỗ nhị giáp tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1619) năm Hoằng Định.
Tháng 6. Mưa to.
Mưa suốt ngày như trút nước xuống, nước sông nhị đầy dẫy. Trịnh Tráng đem bọn thái úy Trịnh Kiều đi hộ đê Thanh Trì.
Quý Dậu, năm thứ 5 (1633). (Minh, năm Sùng Trinh thứ 6 ).
Tháng giêng, mùa xuân. Núi Long Tuyền bị sụt.
Lời chua - Núi Long Tuyền: Ở huyện Đồng Hỉ, tỉnh Thái Nguyên.
Tháng 3. Nước sông Nhị bị cạn.
Vùng nước ở xã Yên Duyên thuộc chi lưu sông Nhị đương đêm bị cạn khô đến hơn một khắc, những nhà dân ở vùng ven sông giong đuốc bắt cá.
Lời chua - Yên Duyên: Tên xã, thuộc huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Nội2744 .
Đầm Thịnh Liệt bị khô cạn.
Lời chua - Đầm Thịnh Liệt: Xem Kính Tông, năm Hoằng Định thứ 16 (Chb. XXXI, 12 ).
Tháng 11, mùa đông. Trịnh Tráng xâm lấn cửa biển Nhật Lệ, quân ta đánh cho quân Trịnh bị hại.
Lúa ấy, con thứ ba của Vương thượng là anh trấn giữ Quảng Nam , ngầm mang lòng bội bạn, viết mật thư hẹn Trịnh Tráng đem quân vào xâm lấn, hễ nghe tiếng súng nổ, Anh tức khắc làm người ứng viện ở bên trong. Trịnh Tráng tin lời, thân hành thống lãnh đại binh tiến thẳng đến cửa biển Nhật Lệ. Hi Tông Hiếu văn hoàng đế ta hạ lệnh cho bọn Nguyễn Văn Thắng và Nguyễn Hữu Dật đem quân chống cự. Quân hai bên dàn doanh lũy đối diện để cầm cự với nhau. Quân Trịnh bắn súng ra hiệu, không thấy Anh đến, Tráng sinh nghi, lui quân đóng cách xa doanh lũy để đợi hơn một tuần, quân Trịnh sinh ra trễ biếng, quân ta xông ra đánh mạnh, quân Trịnh tan vỡ bỏ chạy, chết mất quá nữa. Tráng cho Nguyễn Khắc Loát giữ Bắc Bố chính, rồi tự mình dẫn quân về.
Lời chua - Quảng Nam: Xem Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 2.
Bắc Bố Chính: Tên châu xưa, nay là hai huyện Minh Chính và Bình Chính, đều thuộc tỉnh Quảng Bình.
Cửa biển Nhật Lệ: Xem Trần Duệ Tông, năm Long Khánh thứ 4.
Giáp Tuất, năm thứ 6 (1634). (Minh, năm Sùng Trinh thứ 7).
Ngày mồng một, tháng 3, mùa xuân. Nhật thực.
Mùa hạ (không rõ tháng). Đại hạn.
Ất Hợi, năm Dương Hòa thứ nhất (1635). (Minh, năm Sùng Trinh thứ 8).
Tháng 10, mùa đông. Thần Tông Hiếu chiêu hoàng đế ta nối nghiệp2745 .
Bính Tý, năm thứ 2 (1636). (Minh, năm Sùng Trinh thứ 9 ).
Đinh Sửu, năm thứ 3 (1637). (Minh, năm Sùng Trinh thứ 10).
Ngày mồng một, tháng giêng, mùa xuân. Nhật thực.
Ngày 30, tháng 12, mùa đông. Nhật thực.
Mậu Dần, năm thứ 4 (1638). (Minh, năm Sùng Trinh thứ 11).
Tháng 3, mùa xuân. Mạc Kính Khoan ở Cao Bằng mất, con là Kính Hoàng làm phản, Trịnh Tráng thống lãnh binh sĩ đi đánh.
Trước kia, Kính Khoan đầu hàng xin làm phiên trấn giúp sức triều đình, nhà vua y cho; đến nay Kính Khoan mất, con là Kính Hoàn (có bản chép là Kinh Vũ) không dâng lễ cống nạp theo như chức phận, lại dấy quân làm phản, tiếm xưng niên hiệu là Thuận Đức. Trịnh Tráng thống lãnh binh sĩ đi đánh; tiên phong là Hạ quận công (Sử cũ chép thiếu tên họ) bị giặc bắt; ngoài mặt trận Lâm quận công (Sử cũ chép thiếu tên họ) tỏ vễ sợ hãi rụt rè, Tráng chém quận lâm, rồi ra hiệu lệnh nghiêm ngặt, đốc suất các quân sĩ bốn mặt bao vây. Gặp lúc ấy nóng bức, nhiều khí làm chướng bèn dẫn quân về.
Kỷ Mão, năm thứ 5 (1639). (Minh, năm Sùng Trinh thứ 12).
Canh Thìn, năm thứ 6 (1640). (Minh, năm Sùng Trinh thứ 13).
Tân Tỵ, năm thứ 7 (1641). (Minh, năm Sùng Trinh thứ 14).
Nhâm Ngọ, năm thứ 8 (1642). (Minh, năm Sùng Trinh thứ 15).
Tháng 9, mùa thu. Trịnh Tráng bổ dụng các con là bọn Tạc và Lực đi giữ quyền bính tiết chế ở tứ trấn.
Tráng lấy cớ rằng giường mối trong nước là ở chỗ xét xử việc kiện tụng cho được trôi chảy, nã bắt ngăn ngừa được bọn trộm cướp, vì thế Tráng bèn bổ dụng các con là:
- Thái bảo Tây quận công Trịnh Tạc trấn thủ Sơn Nam;
- Thái bảo Phù quận công Trịnh Lịch trấn thủ Sơn Tây;
- Quỳnh nham quận công Trịnh Lệ trấn thủ Kinh Bắc;
- Thiếu úy Hoa quận công Trịnh Sầm trấn thủ Hải Dương. Lại ra lệnh cho Thái thường tự khanh2746 Phạm Công Trứ, Binh bộ hữu thị lang Nguyễn trừng, Công bộ hữu thị lang Nguyễn Bình, Hộ khoa cấp sự trung Nguyễn Nhân Trừ đều xung chức tán lý ở tứ trấn. Nhiệm vụ các viên quan kể trên là sửa chữa thay đổi chính lệnh thối nát, vỗ về yên ủi nhân dân địa phương.
Lời chua - Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc: Đều xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10.
Phạm Công Trứ: Người xã Liêu Xuyên, huyện Đường Hào.
Nguyễn Bình: Người xã Bồng Lai, huyện Đế Dương, cả hai đều đỗ đồng tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1628) năm Vĩnh Tộ triều Lê Thần Tông.
Nguyễn Trừng: Người xã Cổ Điển, huyện Thanh Trì.
Nguyễn Nhân Trừ: Người xã Nguyệt Viên, huyện Hoằng Hóa. Cả hai đều đỗ đồng tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1634) năm Đức Long triều Lê Thần Tông.
Quý Mùi, năm thứ 9 (1643). (Tháng 10 trở về sau thuộc Chân Tông, năm Phúc Thái thứ nhất. - Minh, năm Sùng Trinh thứ 16).
Tháng 3, mùa xuân. Tráng kèm nhà vua đi An Bài.
Trước đây, Tráng sai bọn Trịnh Tạc và Trịnh Lệ làm tiên phong thống lãnh, Nguyễn Quang Minh, Phạm Công Trứ, và Nguyễn Danh Thọ giữ chức tham tán việc quân, kéo quân vào xâm lấn châu Nam bố chính. Viên tướng trấn thủ của ta là Bùi Công Thắng cố sức đánh lại, bị tử trận. Quân Trịnh bèn xâm phạm cửa biển Nhật Lệ. Đến nay, Tráng thống suất đại binh tiếp tục xuất phát, Tráng kèm nhà vua đến châu Bắc Bố chính, đóng tại An Bài, sai Trịnh Đảo đánh vào doanh lũy Trung Hòa, Binh sĩ ta phòng bị rất kiên cố. Quân Trịnh đánh không thắng được gặp lúc nóng nực lắm, quân Trịnh phần nhiều bị chết, bèn dẫn quân về.
Lời chua - Nguyễn Quang Minh: Người xã Văn Hà, huyện Thụy Nguyên, đỗ đồng tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1628) năm Vĩnh Tộ.
Nguyễn Danh Thọ: Người xã Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì.
Nam Bố Chính: Tên Châu Xưa, nay là Bố Trạch, thuộc huyện Quảng Bình.
Bùi Công Thắng: Người huyện Vũ Tuyên, tỉnh Nam Định2747 .
An Bài: Tên xã, thuộc huyện Bình Chính, tỉnh Quảng Bình.
Trung Hòa: Tên xã, nay là Mỹ Hòa, thuộc tỉnh Quảng Bình.
Tháng 4, mùa hạ. Nhà vua trở về kinh sư.
Tháng 10, mùa đông. Nhà vua truyền ngôi cho thái tử là Duy Hựu.
Thái tử lên ngôi (tức là Chân Tông), đổi niên hiệu, đại xá, tôn nhà vua làm thái thượng hoàng, hoàng hậu Trịnh Thị làm hoàng thái hậu.
Lấy năm ấy làm năm Phúc Thái thứ nhất (1643).