K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c
Chính Biên
Quyển thứ 29
Từ Quý Dậu, Lê Anh Tông, năm Hồng Phúc thứ 2 (1573) đến Nhâm Thìn, Lê Thế Tông, năm Quang Hưng thứ 15 (1592), gồm hai mươi năm.
Quý Dậu, năm [Hồng Phúc ] thứ 2 (1573). (Thế Tông, Lê Duy Đàm, năm Gia Thái thứ 1 - Mạc, năm Sùng Khang thứ 8 - Minh, năm Vạn Lịch thứ 1 ).
Tháng giêng, mùa xuân. Nhà vua ở Nghệ An.
Trịnh Tùng đón lập Duy Đàm, con thứ nhà vua.
Trước kia, nhà vua chạy đi Nghệ An, Tùng bàn với các tướng rằng trước hãy lập trước hãy lập hoàng tử lên ngôi đã, rồi sau xuất quân đi đón nhà vua, cũng chưa muộn.
Bấy giờ ông hoàng năm, Duy Đàm mới lên bảy tuổi, đang được nuôi dưỡng ở xã Quảng Thi, huyện Thụy Nguyên, Tùng sai người đón lập làm vua, đổi niên hiệu là Gia Thái (1573 - 1577 )2621 , ban chiếu đại xá gồm có sáu điều.
Lời phê - [Sở dĩ lập Lê Duy Đàm ], là vì Trịnh Tùng chỉ cốt lợi rằng vua còn thơ ấu đó thôi. Trịnh Kiểm tuy chuyên quyền nhưng tội ác chưa có gì tỏ rõ cho lắm; đến Trịnh Tùng mới thật là gian thần như đồ Vương Mãng và Tào Tháo2622 ! Lời cẩn án - Theo thể lệ của Cương mục2623 chép về việc đổi niên hiệu, hễ đổi vào giữa năm mà là bình thường, không có ý nghĩa gì quan trọng thì lấy niên hiệu đặt sau làm chính; nếu là lúc có việc phế lập2624 quan hệ đến đạo nghĩa thì lấy niên hiệu trước làm chính, rồi chua niên hiệu mới đổi đó [bằng chữ nhỏ ] ở dưới2625 . Nay xét: bấy giờ Lê Anh Tông ra ở Nghệ An, Trịnh Tùng tự tiện lập con của Anh Tông lên thay, Sử cũ vội chép ngay năm đó niên hiệu Gia Thái bằng chữ lớn. Thế là đối với đạo nghĩa vua tôi cha con, Sử cũ điều sau trái cả. Vậy, để đính chính lại, nay xin cứ theo niên hiệu cũ mà chép năm là Hồng Phúc, còn niên hiệu Gia Thái thì chưa lưỡng cước ở dưới. Lời chua - Quảng Thi: Tên xã, thuộc huyện Thụy Nguyên, tỉnh Thanh Hóa.
Sáu điều:
1) Dân nào, trải sau binh lửa, không có hàng sản, đều khoan giảm lực dịch.
2) Dân nghèo xiêu giạt đều cho trở về bản quán, khoan giảm phú thuế và phu dịch.
3) Những tù phạm tội trộm cướp mà đang tại đào đều cho phép ra thú ở quan sở tại và sẽ được tha bổng.
4) Các nha môn ở trong kinh đô và ngoài các lộ có những tù nhân hiện đang bị giam cầm, nếu là tội nhẹ thì tha bổng.
5) Trong các quan văn quan võ ai có công lao thì cho thăng tước một lần2626 .
6) Con cháu quan viên nào bị chèn ép chìm đọng thì cho làm giấy khai trình, sẽ được lục dụng tùy theo tài năng.
Tả tướng Trường quốc công Trịnh Tùng giết nhà vua2627 ở Lôi Dương.
Tùng sai bọn Nguyễn Hữu Liêu đem quân đến Nghệ An, nhà vua lánh ra ruộng mía. Bọn Hữu Liêu đến lạy mời: "Xin bệ hạ mau mau vào cung! để cho tôi con trong nước được thỏa ý mong muốn. Chúng tôi chẳng ai dám có ý gì khác ". Họ bèn đón nhà vua quay về. Tùng sai quận Bảng Tống Đức Vị ngày đêm hầu ở bên nhà vua. Ngày 22 tháng giêng ấy, đi đến Lôi Dương. Đức Vị ngầm bức bách giết chết nhà vua, rồi giả vờ nói phao lên rằng nhà vua tự thắt cổ chết.
Bầy tôi dâng tôn hiệu là Anh Tông Tuấn hoàng đế. Nhà vua ở ngôi 16 năm, thọ 42 tuổi, táng ở lăng Bố Vệ.
Lời cẩn án - Theo thể lệ của Cương mục2628 , vua bị giết chết mà đương thời không trị tội tên giặc thí nghịch thì sử không chép đến việc an táng vua bị giết ấy. Cho nên xin chép phụ việc táng Lê Anh Tông vào cuối phần "Mục ". Lời chua - Tống Đức Vị: Người Khoái Lạc, huyện An Định2629 .
Lôi Dương: Tên huyện, xem Bình Định vương năm thứ 1 (Chb. XIII, 2 ).
Bố Vệ: Tên xã, thuộc huyện Đông Sơn, Thanh Hóa.
Trịnh Tùng tự gia phong cho mình làm đô tướng, tiết chế các quân doanh thủy và bộ, kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự.
Trịnh Tùng tự phong thêm cho mình làm đô tướng tiết chế các doanh quân thủy quân bộ ở các xứ kiêm giữ việc quân việc nước quan trọng. Phàm các sự vụ cơ mật quốc gia đều tự Trịnh Tùng quyết định cả. Trịnh Tùng lại dùng Vũ Công Kỷ làm hữu tướng, bọn Hoàng Đình Ái, Vũ Sư Thước và Nguyễn Hữu Liêu làm thái phó, và phong tước quận công cho bọn Trịnh Đỗ, Phạm Văn Khoái và Hà Thọ Lộc.
Lời chua - Vũ Công Kỷ: Là con Gia quốc công Vũ Văn Mật, Công Kỷ người Ba Đông, huyện Gia Lộc2630 .
Ra lệnh cho Thuận Hóa tích trữ thóc lúa để sự phòng thủ nơi biên giới được đầy đủ vững chắc.
Sai sứ giả đem sắc thư vào gia phong Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế2631 ta làm thái phó và hạ lệnh cho Gia Dụ phải tích trữ thóc lúa để việc phòng thủ nơi biên giới được đầy đủ, vững chắc. Hằng năm phải nộp tiền tiễn dư2632 là 400 cân bạc và 500 tấm lụa.
Lời chua - Thuận Hóa: Xem năm Quảng Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 23 - 24 ).
Tháng 7, mùa thu. Quân Mạc vào xâm lấn An Tràng.
Nhà Mạc sai quân vào xâm lấn An Tràng. Quan quân [bên Lê ] đều rút vào trong lũy để giả vờ tỏ ra mình yếu. giặc lại đắp thêm lũy đất. Khi giặc sắp qua chằm Đoàn Trạch, Trịnh Tùng chia chu sư ra đón đánh: cả phá được giặc. Quân Mạc chạy trốn.
Tháng 10, mùa đông. Cho Vũ Công Kỷ trở về trấn thủ Đại Đồng.
Trước kia, Công Kỷ từ Đại Đồng vào yết kiến, đi đánh Mạc, nhiều lần lập được chiến công. Đến đây, triều đình cho rằng dân ở địa phương chưa được yên tĩnh, nên lại sai Công Kỷ quản lãnh quân bản bộ trở về trấn thủ Đại Đồng.
Lời chua - Đại Đồng: Đời Lê, Đại Đồng là trấn lụy Tuyên Quang. Xem Lê Chiêu Tông, năm Quang Thiệu thứ 5 (Chb. XXVII, 2 ).
Mạc Mậu Hợp lại về Thăng Long.
Trước đây, quân Mạc thường thua, chúa Mạc là Mậu Hợp phát sợ, phải di cư sang Bồ Đề. Đến đây, bọn Mạc Kính Điển lại nâng đỡ cho Mậu Hợp về thành Thăng Long, đóng dinh ở phía ngoài cửa Nam thành Thăng Long.
Lời chua - Bồ Đề: Xem Bình Định vương năm thứ 10 (Chb. XIV, 4 ).
Thăng Long: Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 1 (Chb. II, 10 ).
Giáp Tuất, Lê Thế Tông Nghị hoàng đế, năm Gia Thái thứ 2 (1574). (Mạc, năm Sùng Khang thứ 9 - Minh, năm Vạn Lịch thứ 2 ).
Tháng 6, mùa hạ. Tướng Mạc, Nguyễn Quyện, vào xâm Nghệ An. Triều đình sai bọn Trịnh Mô đem quân đi cứu.
Mạc sai tướng Nam đạo là Nguyễn Quyện vào cướp Nghệ An. Các huyện Anh, Diễn2633 thuộc Nghệ An đều bị sa vào trong tay giặc. Trấn thủ Nguyễn Bá Quýnh sợ bóng gió, chạy trốn trước. Quận Hoành (không rõ tên ) giao chiến với địch, thường bất lợi vì thấy quân lính hay đào ngũ, quận Hoành mới xích chân họ lại. Khi giặc kéo đến, họ không chiến đấu thuyền lên cạn, chạy đến châu Bố Chính, bị Quyện bắt được.
Trịnh Tùng, nhân đó sai Tấn quận công Trịnh Mô và Lai quận công Phan Công Tích đem quân đến cứu. Bọn Trịnh Mô cầm cự với Nguyễn Quyện đến vài tháng, thì Quyện rút lui, bọn Trịnh Mô cũng thu quân về Thanh Hoa.
Lời chua - Phan Công Tích: Người Thái Xá, huyện Đông Thành2634 .
Bố Chính: Xem Lý Thánh Tông, năm Thần Vũ thứ 1 (Chb. III, 29 ).
Anh: Tức Anh Đô, nay đổi là phủ Anh Sơn.
Diễn: Tức phủ Diễn Châu. Anh và Diễn đều thuộc Nghệ An.
Ất Hợi, năm thứ 3 (1575). (Mạc, năm Sùng Khang thứ 10 - Minh, năm Vạn Lịch thứ 3 ).
Tháng giêng, mùa xuân. Bọn Mạc Kính Điển và Nguyễn Quyện đến xâm lấn.
Nhà Mạc sai Kính Điển khuấy nhiễu Thanh Hoa, và Nguyễn Quyện khuấy nhiễu Nghệ An. Quân Mạc kéo đến đâu, mọi người ở đấy đều bị ngả lướt, trốn biệt vào rừng núi để tránh khí thế sắc bén của địch.
Kính Điển chính mình thống suất đại binh, thẳng tiến đến huyện Thụy Nguyên và huyện An Định. Kính Điển lại chia quân đi xâm lấn khuấy nhiễu các huyện Lôi Dương và Đông Sơn.
Trịnh Tùng sai Hoàng Đình Ái đem quân cứu huyện Lôi Dương và huyện Nông Cống, đóng ở xã Tiên Mộc. Còn chính Trịnh Tùng thì thống suất các tướng, chia làm năm đội, đi chống cự. Tùng đánh nhau với Kính Điển ở xã Đông Lý. Vũ Sư Thước và Nguyễn Hữu Liêu dùng kỳ binh2635 đánh cho Kính Điển phải chạy.
Trịnh Tùng lại sai bọn Thế Khanh, Trịnh Mô và Phan Công Tích đến cứu Nghệ An, đánh nhau với Nguyễn Quyện, nhưng không thắng. Nguyễn Quyện đặt quân mai phục, bắt sông Công Tích đem về.
Lời chua - Tiên Mộc: Tên xã, thuộc huyện Nông Cống.
Đông Lý: Tênxã, thuộc huyện An Định.
Lôi Dương, Thụy Nguyên (tức Lương Giang ): Tên hai huyện đều xem Bình Định vương năm thứ 1 (Chb. XIII, 2 ).
Đông Sơn, An Định, Nông Cống: Đều xem Lê Anh Tông, năm Chính Trị thứ 13 (Chb. XXVIII, 28 ).
Bính Tý, năm thứ 4 (1576). (Mạc, năm Sùng Khang thứ 11 - Minh, năm Vạn Lịch thứ 4 ). Nguyễn Quyện nhà Mạc lại vào cướp Nghệ An.
Mạc Kính Điển lại vào cướp Thanh Hoa, và chia quân cho Nguyễn Quyện vào cướp Nghệ An.
Cầm cự với Quyện hàng tháng, Trịnh Mô thường đánh không thắng nổi, phải rút lui. Khi đến Ngọc Sơn, Quyện bảo tướng hiệu dưới quyền mình rằng: "Trịnh Mô thua trận rút về, quân trẩy không có hàng ngũ. Thế nào ta cũng phải bắt được nó ". Quyện bèn chính mình đốc suất binh sĩ đuổi theo, bắt sống được Mô đem về.
Lời chua - Ngọc Sơn, tên huyện thuộc phủ Tĩnh Gia2636 .
Đinh Sửu, năm thứ 5 (1577). (Mạc, năm Sùng Khang thứ 12 - Minh, năm Vạn Lịch thứ 5 ).
Tháng 8, mùa thu. Mạc Kính Điển xâm phạm sông Đồng Cổ. Trịnh Tùng đi đánh: Kính Điển phải chạy.
Trước đây, nhà Mạc thu nhặt quân lính các trấn, hạ lệnh cho đem lương đủ ba tháng, kéo vào lấn cướp.
Trịnh Tùng sai dân các huyện ở ven sông thuộc Thanh Hoa phải sửa soạn làm đồng không nhà trống để tránh sự cướp bóc của giặc. Những chỗ tuần phòng ở các cửa biển và các xứ ven đường đều đặt pháo hiệu. Hễ thấy giặc đến thì chỗ đầu tiên phải nổ một tiếng pháo, rồi suốt dọc đường cứ lần lượt nổ pháo truyền đi làm hiệu khiến cho dân chung biết tin để tản cư trước.
Đến đây, quân Kính Điển kéo đến sông Đồng Cổ, Trịnh Tùng đem chư tướng ra cửa lũy Khoái Lạc để chống cự. Quân Mạc đánh phá dinh Hội Thượng. Hoàng Đình Ái và Nguyễn Hữu Liêu đánh chẹn: phá được địch. Quân Mạc lại tiến đến ngoài lũy Khoái Lạc. Lại Thế Mỹ [bên Mạc] xung phong trèo lên lũy trước để khiêu chiến: bị quan quân bắn chết. Quân Mạc tan vỡ lung tung. Các quân [ bên lê ] đem thủ cấp Thế Mỹ đến dâng ở cửa quân Trịnh Tùng. Kính Điển liền chạy về Thăng Long.
Lời chua - Các huyện ven sông: Tức là địa phận các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Vĩnh Lộc, và An Định2637 .
Sông Đồng Cổ: Tức là sông Tất Mã, từ huyện Cẩm Thủy qua xã Đan Nê huyện An Định (vì tại đó có miếu Đồng Cổ, nên mới gọi tên như vậy ) rồi chảy xuống Lương Giang, đổ ra biển.
Lũy Khoái Lạc: Ở xã Khoái Lạc, huyện An Định, tỉnh Thanh Hóa.
Thanh Hoa có nạn thủy tai lớn. Dân bị đói.
Năm này, Thanh Hoa hay mưa dầm, nước lụt đến bảy lần. Lúa đồng bị hư hại. Dân đói to.
Tháng 11, mùa đông. Sao chổi xuất hiện.
Sao Chổi xuất hiện, thẳng chỉ về phía Đông Nam, ánh sáng đỏ rực, dài đến 40 trượng, từ tháng 11 đến mồng 1 tháng 12 mới lặn. Nhà vua xuống chiếu kể từ năm sau (Mậu Dần 1578 ) đồi niên hiệu là Quang Hưng năm thứ 1.
Mậu Dần, năm Quang Hưng thứ 1 (1578). (Mạc, năm Diên Thành thứ 1 - Minh, năm Vạn Lịch thứ 6 ).
Tháng 7, mùa thu. Mạc Kính Điển lại vào xâm lấn Thanh Hoa. Trịnh Tùng đón đánh ở xã Phụng Công: cả phá được địch.
Kính Điển lại xâm lấn các huyện ven sông thuộc Thanh Hoa, tiến đến xã Giang Biểu. Trịnh Tùng sai bọn Trịnh Bách kéo quân vượt qua sông, đặt mai phục ở núi Phụng Công, đánh mạnh và phá được địch. Quân Mạc bị chết không sao xiết kể. Kính Điển phải rút về.
Bấy giờ chúa Mạc là Mậu Hợp bị sét đánh trượt, thành ra bán thân bất toại, sau chữa thuốc được lành, bèn đổi năm này làm năm Diên Thành thứ 1 (1578).
Lời chua - Bách: Người cùng họ với Trịnh Tùng.
Giang Biểu, Phụng Công: Tên hai xã đều thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoa.
Lập đàn tế Nam Giao ở Vạn Lại.
Trước kia, dựng thành tại ở Vạn Lại; sau đó lập đàn tế Nam Giao ở phía ngoài cửa lũy.
Lời chua - Vạn Lại: Xem Lê Trang Tông, năm Nguyên Hòa thứ 14 (Chb. XXVII, 42 )..
Tháng 10, mùa đông. Vũ Công Kỷ đánh cho Mạc Ngọc Liễn đại bại ở Thu Châu.
Ngọc Liễn, tướng tây đạo nhà Mạc, xâm lấn cướp bóc các châu huyện ở Tuyên Quang và Hưng Hóa, khi kéo quân đến châu Thu Vật, bị thái phó Nhân quốc công Vũ Công Kỷ tung quân đánh mạnh; quân Mạc thua to rút về.
Lời chua - Ngọc Liễn: Là con Nguyễn Kính, người Dị Nậu, huyện Thạch Thất2638 , Ngọc Liễn được nhà Mạc cho lấy theo họ Mạc.
Tuyên Quang, Hưng Hóa: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 19, 30, 31 ).
Châu Thu Vật: Xem Lê Thánh Tông, năm Đại Bảo thứ 1 (Chb. XVII, 20 ).
Kỷ Mão, năm thứ 2 (1579). (Mạc, năm Diên Thành thứ 2 - Minh, năm Vạn Lịch thứ 7 ).
Tháng 7, mùa thu. Mạc Kính Điển vào cướp huyện Hà Trung, bị thái phó Đặng Huấn đánh phá tan.
Kính Điển lại vào lấn cướp các huyện ven sông2639 luôn với phủ Hà Trung và huyện Tống Sơn2640 . Trịnh Tùng sai Đặng Huấn đốc suất binh sĩ chống cự ở xã Thái Đường. Tùng lại sai Trịnh Văn Hải làm
tiên phong, đại chiến với quân Mạc ở núi Kim Âu. Đặng Huấn lén kéo quân đếnTống Sơn, vọt ra Mục Sơn, đánh chẹn phía sau quân địch. Mạc Kính Điển bị đại bại, phải rút về; sau đó bị bệnh chết.
Lời chua - Đặng Huấn: Người Lương Xá, huyện Chương Đức2641 .
Thái Đường, Kim Âu: Tên hai xã, thuộc huyện Vĩnh Lộc.
Mục Sơn: Núi này ở xã Bình Hòa, huyện Tống Sơn, Vĩnh Lộc và Tống Sơn trên đây đều thuộc Thanh Hóa.
Canh Thìn, năm thứ 3 (1580). (Mạc, năm Diên Thành thứ 3 - Minh, năm Vạn Lịch thứ 8 ).
Tháng 8, mùa thu. Lại mở khoa thi hội.
Từ niên hiệu Nguyên Hòa2642 trở đi, đã lâu không có khoa thi hội, đến đây mới lại mở. Nhà vua sai chia làm tam giáp2643 , ban cho bọn Nguyễn Văn Giai và Phùng Khắc Khoan sáu người được đỗ tiến sĩ xuất thân và tiến sĩ đồng xuất thân2644 có khác nhau. Từ đó về sau, cứ ba năm một lần thi, đặt làm lệ thường; nhưng hãy còn chưa có thi đình.
Lời chua - Nguyễn Văn Giai: Người Phù Lưu Tràng, huyện Thiên Lộc2645 .
Tháng 9. Sao sa có tiếng như sấm. Sao Chổi xuất hiện.
Tân Tỵ, năm thứ 4 (1581). (Mạc, năm Diên Thành thứ 4 - Minh, năm Vạn Lịch thứ 9 ).
Mùa thu. Mạc Đôn Nhượng vào xâm lấn. Bọn Hoàng Đình Ái đánh bại được địch.
Mạc Kính Điển bấy giờ đã chết. Chúa Mạc là Mậu Hợp lại sai ông chú2646 là phụ chính Ứng Vương Đôn Nhượng làm tổng thống chư quân, trưng tập binh mã vào cướp Thanh Hoa.
Đôn Nhượng do đường biển tiến quân đến đóng tại núi Đường Nang huyện Quảng Xương. Nhà vua sai bọn Hoàng Đình Ái thống lãnh đại quân đi chống quân Mạc. Đình Ái hội hợp chư tướng, chia làm ba đạo đồng thời cùng tiến. Đánh nhau kịch liệt với quân Mạc, quan quân chém được hơn 600 thủ cấp địch. Quân giặc thua vỡ tan tành. Đôn Nhượng thu nhặt quân tàn, trốn về Thăng Long.
Quan quân đại thắng kéo về. Triều đình tưởng lục chiến công: dùng Hoàng Đình Ái làm thái úy, Nguyễn Hữu Liêu làm Tây quân đô đốc, Trịnh Bách làm Nam quân đô đốc, Trịnh Đỗ và Ngô Cảnh Hựu làm Nam Bắc quân tả hữu đô đốc. Còn thì phong thưởng có hơn kém khác nhau.
Những tù binh bắt được đến vài trăm người đều cấp cho cơm ăn áo mặc, thả về. Từ đó, uy thế quan quân rất lừng lẫy, quân Mạc không dám ngấp nghé nom dòm. Cư dân Thanh, Nghệ mới được yên nghiệp làm ăn một chút.
Lời chua - Đôn Nhượng: Là con út của Đăng Doanh và là ông chú của Mậu Hợp.
Trịnh Đỗ: Con Trịnh Kiểm.
Ngô Cảnh Hựu: Người Trảo Nha, huyện Thạch Hà2647 .
Núi Đường Nang: Ở thôn Nang, xã Hưng Lễ, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.
Nhâm Ngọ, năm thứ 5 (1582). (Mạc, năm Diên Thành thứ 5 - Minh, năm Vạn Lịch thứ 10 ).
Tháng 5, mùa hạ. Ở Thanh Hoa mưa đá lớn.
Ở Vạn Lại thuộc Thanh Hoa, mưa đá lớn bằng quả dưa. Lúa đồng đều bị hư hại.
Trong biển Quỳnh Lưu có hòn đá lớn bắn vọt lên mặt đất.
Cửa biển Đông Hồi có hòn đá trắng lớn từ trong nước vọt lên mặt đất cách chỗ nước 15 trượng mới sa xuống. Người bản thổ2648 cho là thiêng liêng kỳ dị, bèn lập đền thờ để thờ hòn đá ấy.
Lời chua - Đông Hồi: Tên thôn thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Quý Mùi, năm thứ 6 (1583). (Mạc, năm Diên Thành thứ 6 - Minh, năm Vạn Lịch thứ 11 ).
Tháng 7, mùa thu. Nước Ai Lao sai sứ đến dâng phẩm vật địa phương.
Lời chua - Ai Lao: Xem Triệu Việt vương năm thứ 2 (Tb. IV, 9 - 10 ).
Tháng 10, mùa đông. Trịnh Tùng xuất quân đánh Sơn Nam.
Tiết chế Trịnh Tùng kéo đại quân ra Sơn Nam, đánh các huyện Yên Mô, Yên Khang, gặt lấy lúa, rồi rút về. Nguyễn Viết Kính, tướng đông đạo nhà Mạc, đầu hàng, lại được phong tước quận công.
Lời chua - Nguyễn Viết Kính: Người huyện Tứ Kỳ thuộc Hải Dương.
Yên Mô: Tên huyện, hồi đầu Lê, thuộc Sơn Nam , nay thuộc Ninh Bình.
Yên Khang: Xem Trần Nhân Tông, năm Trùng Hưng thứ 8 (Chb. VIII, 18 ).
Giáp Thân, năm thứ 7 (1584). (Mạc, năm Diên Thành thứ 7 - Minh, năm Vạn Lịch thứ 12 ).
Tháng giêng, mùa xuân. Trịnh Tùng xuất quân ra Trường Yên, rồi lại rút về.
Một lần nữa. Trịnh Tùng xuất quân ra đánh các huyện thuộc Trường Yên, rồi lại tiến quân đi tuần ở Thiên Quan. Vì Ngô Cảnh Hựu rút quân về trước, nên Trịnh Tùng liền đó rút quân quay về, dâng biểu xin giáng chức Cảnh Hựu xuống hai tư2649 .
Lời chua - Trường Yên: Tên phủ, xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 1 (Chb. II, 11 ).
Thiên Quan: Tên phủ, xem Bình Định vương năm thứ 9 (Chb. XIII, 25 ).
Các huyện thuộc Trường Yên: Tức là các huyện Gia Viễn, Yên Mô và Yên Khánh đều thuộc phủ Trường Yên2650 .
Tháng 10, mùa đông. Thanh Hoa động đất.
Động đất đến hơn 50 dặm ở các địa phương thuộc huyện Thụy Nguyên và huyện An Định.
Lời chua - Thụy Nguyên: Tức huyện Lương Giang. Xem Bình Định vương năm thứ 1 (Chb. XIII, 2 ).
An Định: Xem năm Gia Thái thứ 3 (Chb. XXIX, 7 ).
Ất Dậu, năm thứ 8 (1585). (Mạc, năm Diên Thành thứ 8 - Minh, năm Vạn Lịch thứ 13 ).
Tháng giêng, mùa xuân. Trịnh Tùng đánh các lộ Sơn Tây; thắng lợi. Rồi lại rút quân về.
Trịnh Tùng chính mình đốc suất đại quân, kéo ra Thiên Quan, đánh phá các huyện Mỹ Lương, Thạch Thất và An Sơn, lược định mặt Tây đạo. Đóng quân ở Sài Sơn2651 , để tì tướng là quận Chiêu (không rõ tên họ ) đóng đồn ở Hoàng Xá. Quân Mạc truy kích: quận Chiêu bị chết trận. Tùng thấy không lợi rút quân về.
Lời chua - Sài Sơn: Ở xã Thụy Khuê, huyện An Sơn2652 .
Hoàng Xá: Tên xã, thuộc huyện An Sơn, tỉnh Sơn Tây.
Mỹ Lương, Thạch Thất, An Sơn: Ba huyện này đều thuộc Sơn Tây2653 .
Tháng 6, mùa hạ. Vùng Đông Bắc nhà Mạc, nhân dân đói to.
Bấy giờ, từ tháng 2 đến tháng 6 này, không mưa. Ở Đông đạo và Bắc đạo, lúa má chết khô, nhân dân bị đói kém.
Lại Mẫn dâng sớ cực lực nói về việc hình phạt ngục tụng thì oan uổng hà lạm, phú thuế sưu dịch thì phiền nhiễu nặng nề; vậy xin sửa đổi chính sự tệ hại để cứu chữa đau khổ cho dân được sống lại. Mạc Mậu Hợp dẫu cho rằng Lại Mẫn nói phải, nhưng không nghe theo.
Lời chua - Lại Mẫn: Người Ô Mễ, huyện Vũ Tiên2654 , đổ tiến sĩ khoa Ất Sửu (1565) niên hiệu Thuần Phúc (1562 - 1565) đời Mạc Mậu Hợp.
Nhà Mạc tu sửa thành Thăng Long.
Mậu Hợp muốn vào ở thành Thăng Long, bèn tăng cường về việc sửa sang xây đắp: rầm rộ khởi công làm việc, đóng gạch, nung ngói, vừa đầy một năm mới xong. Mậu Hợp vào ở tòa Chính Điện, nhận lễ chầu mừng, kể từ năm sau đổi niên hiệu là Đoan Thái thứ 1 (1586).
Bính Tuất, năm thứ 9 (1586). (Mạc, năm Đoan Khánh thứ 1 - Minh, năm Vạn Lịch thứ 14 ).
Tháng 6, mùa hạ. Nước sông Mã tràn ngập.
Bấy giờ, Thanh Hoa không mưa gió, thế mà nước sông Mã thình lình lên to2655 , tràn ngập cả vào thành Tây Đô. Dòng sông chảy ngược, xiết mạnh như tên bắn, cây và gỗ ngổn ngang nghẽn cả sông. Nhiều nhà cửa của cư dân ven sông bị trôi giạt ra biển.
Lời chua - Thành Tây Đô: Xem Trần Đế Ngỗi, năm Hưng Khánh thứ 1 (Chb. XII, 16 ).
Sông Mã: Tức là sông Lễ, xem Trần Thái Tông, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 17 (Chb. VI, 32 ).
Tháng 7, mùa thu. Mặt trăng có quầng đỏ.
Mặt trăng có quầng mông lung, màu đỏ như tiết.
Tháng 8. Quân doanh An Tràng bị hỏa tai.
Bấy giờ, gió lộng, lửa bốc mạnh, cháy lem lém tất cả trại quân, phòng, dinh, công đường và phố xá đến vài nghìn nóc nhà, khói lửa mù mịt. Cháy từ giờ ngọ đến giờ thân2656 mới dập tắt được. Mẹ Trịnh Tùng là Nguyễn Ngọc Bảo2657 chết cháy, Tùng phải lánh ở chỗ khác để cư tang, truy tôn Ngọc Bảo làm thái phi của Minh Khang đại vương2658 .
Lời chua - An Tràng: Xem Lê Trung Tông, năm Thuận Bình thứ 5 (Chb. XXVIII, 4 ).
Tháng 9. Thanh Hoa có thủy tai lớn. Dân bị đói kém.
Trước đây, trong dinh trại An Tràng, gió bão dữ đội, nhà sụp, cây đổ. Từ tháng 9 này đến tháng 10 mưa dầm hàng tuần, nước lụt đến 7 lần. Suốt vùng Thanh Hoa, mùa mất. Nhân dân nhiều người bị chết đói.
Tháng 10, mùa đông. Núi ở Thanh Hoa sụt lở.
Núi ở các huyện [thuộc Thanh Hoa] đâu cũng có chỗ lở sụt.
Đinh Hợi, năm thứ 10 (1587). (Mạc, năm Đoan Khánh thứ 2 - Minh, năm Vạn Lịch thứ 15 ).
Tháng giêng, mùa xuân. Nhà Mạc đắp thêm lũy đất.
Nhà Mạc sửa sang đường xá ngoại thành Thăng Long. Lại hạ lệnh cho các xứ đắp lũy đất, trên từ sông Hát xuống đến sông Hoa Đình, kéo dài đến vài trăm dặm. Đâu đấy đều trồng tre và cây để phòng ngừa quan quân kéo ra.
Lời chua - Sông Hát: Xem Bình Định vương năm thứ 19 (Chb. XIII. 31 ).
Sông Hoa Đình: Ở huyện Sơn Miêng, Hà Nội2659 .
Tháng 3. Trên trời tự nhiên ầm ầm có tiếng kêu.
Ngày Canh Tý, tháng 3 này, trong khoảng không bỗng dưng ầm ầm có tiếng kêu. Lại nữa, ở núi Trát Bút huyện Vĩnh Phúc2660 có hòn đá lớn, cao một trượng2661 , vô cớ tự đổ xuống dời ra chỗ khác. Nước giếng xã Trừng Xá thuộc huyện An Định2662 tự nhiên sôi lên, đục đến ba ngày.
Lời chua - Vĩnh Phúc: Tên huyện, thuộc phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Núi Trát Bút: Ở xã Đa Bút, huyện Vĩnh Lộc2663 .
Trừng Xá: Nay là xã Hà Xá, thuộc huyện An Định.
Tháng 5, mùa hạ, Trịnh Tùng giết thái phó Vệ Dương hầu Trịnh Bách.
Bách là người có họ với Trịnh Tùng [Trước kia ] Bách ngầm mưa với Lê Cập Đệ, định giết Tùng, nhưng Tùng biết, nên giết Cập Đệ và giam Bách vào trong ngục. Vì có thái phi Nguyễn Thị2664 hết sức cứu chữa, nên Bách thoát khỏi lao tù. Đến đây, vì Bách lại nuôi kẻ đồng cốt làm thuật phép yêu quái và định táng mả cha vào nơi cấm địa, nên Tùng mới sai thắt cổ giết chết Bách.
Mồng một, tháng 9, mùa thu. Nhật thực.
Tháng 10, mùa đông. Trịnh Tùng tiến quân ra huyện Mỹ Lương, cả phá quân Mạc ở sông Do Lễ.
Trịnh Tùng đem quân đánh phá các huyện Trường Yên, Thiên Quan, bèn tiến quân ra vùng tây nam, đến huyện Mỹ Lương2665 .
Nhà Mạc sai tướng Tây đạo là Mạc Ngọc Liễn xuất quân ra huyện An Sơn2666 để đánh vào phía tả quân Tùng, lại sai tướng Nam đạo là Nguyễn Quyện xuất quân đến huyện Chương Đức2667 , vượt qua sông Do Lễ, lại chia quân đặt mai phục ở miền sơn cước, chực cắt đứt đường vận tải lương thực của quân Tùng.
Do thám biết rõ, Tùng bèn trước sai đại tướng Hoàng Đình Ái cấp tốc đang đêm tiến lén về để giữ Thanh Hoa, lưu bọn Hà Thọ Lộc và Ngô Cảnh Hựu ở lại canh giữ binh lương ở phía sau. Tùng lại sai bọn Nguyễn Hữu Liêu và Trịnh Đỗ, từ đường phía tả, xuất quân đi cầm cự với Mạc Ngọc Liễn để phân tán thế lực của địch. Còn Tùng thì đốc quân do đường phía hữu kéo ra, tiến đánh Nguyễn Quyện: Quyện thua liểng xiểng. Quân của Nguyễn Quyện thua chạy, phục binh cũng tan vỡ chạy nốt: chúng tranh nhau qua sông, chết đuối vô kể. Quan quân chém và bắt sống hàng vài trăm địch, truy kích đến nửa ngày mới thôi. Ngọc Liễn cũng thu quân chạy trốn.
Từ đó. Quyện sợ oai, hễ gặp quan quân thì xa lánh, không dám tranh giành trước mũi nhọn sắc bén nữa.
Qua ngày hôm sau. Tùng đem đại quân tiến đóng Hoàng Sơn, lại tấn công các huyện An Sơn, Thạch Thất, đều phá được cả. Sau đó, vì bấy giờ đã là cuối năm, nên Tùng rút quân về Thanh Hóa.
Lời chua - Sông Do Lễ: Ở xã Do Lễ huyện Chương Đức.
Mậu Tý, năm thứ 11 (1588). (Mạc, năm Hưng Trị thứ 1 - Minh, năm Vạn Lịch thứ 16 ).
Tháng giêng, mùa xuân. Nhà Mạc đắp thêm lũy đất ở ngoài thành Đại La.
Nhà Mạc thấy quan quân ngày một mạnh, bèn ra lệnh cho quân và dân ở tứ trấn2668 đắp thêm ba lần lũy đất ở ngoài thành Đại La: bắt đầu từ Nhật Chiêu qua Tây Hồ, suốt Cầu Dừa đến Thanh Trì tới sát phía tây bắc Nhị Hà; thân lũy cao hơn thành Thăng Long đến vài trượng, rộng 25 trượng2669 , đào ba lần hào. Lũy nào cũng trồng tre và cây, tất cả chiều dài của lũy có đến vài mươi dặm. Đó là mưu chước của nhà Mạc dùng để phòng thủ.
Lời chua - Nhật Chiêu: Xem Lê Tương Dực Đế, năm Hồng Thuận thứ 12670 (Chb. XXV, 37 ).
Tây Hồ: còn tên nữa là Lãng Bạc, xem Thuộc Hán, năm Kiến Vũ thứ 8 (Tb. II, 11 ).
Cầu Dừa2671 : Ở phường Thịnh Quang, huyện Vĩnh Thuận thuộc Hà Nội.
Nhị Hà: Tức sông Phú Lương, xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 2 (Chb. II, 13 ).
Tháng 5, mùa hạ. Núi Trát Bút đổ.
Lời chua - Núi Trát Bút: Xem lời chua ở trên (Chb. XXIX, 17 ).
Tháng 6. Sao Thái Bạch xuất hiện, ánh sáng suốt qua bầu trời. Mặt trời, mặt trăng có hai lần quầng. Sương mù tỏa xuống.
Ngày Quý Hợi tháng ấy, sao Thái Bạch xuất hiện, ánh sách suốt trời. Mặt trời và mặt trăng có hai lần quầng kéo dài đến hàng tuần không thôi. Sương mù mờ mịt đầy trời. Lúa má chết khô. Nhân dân phần nhiều xiêu giạt tan tác.
Tháng 11, mùa đông. Trịnh Tùng đánh bại quân Mạc ở trại Dương Vũ.
Trịnh Tùng rầm rộ kéo quân ngoài cửa ải Trường Cát, đánh phá Trường Yên và Thiên Quan, qua đò sông Chính Đại. Đến trại Dương Vũ, Tùng đóng quân ở lại đến đến hơn một tuần. Quân Mạc cố thủ không ra đánh. Tùng đốt dinh trại, giả vờ rút quân về, nhưng đặt kỳ binh2672 và voi ngựa mai phục ở phía sau dinh trại. Giặc dốc hết quân ở trong lũy ra để chực giành lấy thắng lợi, quân phục của Tùng thình lình nổi dậy, đánh úp: chém được vài trăm thủ cấp. Tùng, nhân đó chuyển quân quay về, đến núi Tam Điệp2673 , hạ lệnh cho các quân đẵn gỗ lim, chia nhau cắm kè ở cửa biển Linh Tràng để phòng ngừa thuyền giặc và chuẩn bị để khiêu chiến.
Lời chua - Cửa ải Trường Cát: Xem Lê Anh Tông, năm Chính Trị thứ 7 (Chb. XXVIII, 18 ).
Sông Chính Đại: Ở trang Chính Đại, huyện Tống Sơn2674 .
Trại Dương Vũ: Ở xã Dương Vũ, huyện Yên Khánh2675 .
Cửa biển Linh Tràng: Xem Lê Anh Tông, năm Chính Trị thứ 8.
Tháng 12. Nước sông Vãn đỏ như tiết.
Nước sông Vãn tự nhiên đỏ ngầu như máu đổ đến hàng một dặm.
Lời chua - Sông Vãn: Ở xã Văn Hà, huyện Thụy Nguyên, tỉnh Thanh Hóa.
Kỷ Sửu, năm thứ 12 (1589). (Mạc, năm Hưng Trị thứ 2 - Minh, năm Vạn Lịch thứ 17 ).
Ngày Nhâm Tuất, tháng giêng, mùa xuân, sao Huỳnh Hoặc xâm phạm vào giới phận sao Cang; ngày Quý Hợi, mặt trăng xâm vào giới phận sao Thái Tuế. Đại Hạn.
Bấy giờ những tai biến do tinh tú báo điềm đã nhiều lần xảy ra. Trời đại hạn. Gạo kém. Dân nhiều người xiêu giạt.
Lời chua - Trong Quản quy tập lãm, Thạch thì bàn rằng: Xuyên qua ngôi sao mà ánh sáng tỏa lấn thì gọi là "phạm ". Sách Tấn chí chép: "Ngày Tân Mùi tháng 4, năm Hàm Khang thứ 5 (339) đời Thành đế2676 , mặt trăng xâm phạm vào giới phận sao Thái Tuế. Nhà chiêm tinh đoán rằng: Nước thì đói kém, nhân dân thì xiêu giạt ".
Tháng 7, mùa thu. Có hạn thủy tai lớn.
Tháng 10, mùa đông. Trịnh Tùng đánh bại quân Mạc ở núi Tam Điệp2677 . Mạc Đôn Nhượng chạy trốn.
Trước kia, Trịnh Tùng chính mình đốc suất đại quân đi đánh các huyện Trường Yên. Nhà Mạc sai Đôn Nhượng đem vệ sĩ và quân tứ trấn2678 ấn định nhật kỳ đồng thời cung tiến. Đôn Nhượng kéo đến Yên Mô2679 , hẹn ngày hội chiến.
Trịnh Tùng bàn mưu với các tướng rằng: "Giặc Mạc dốc hết quân đến đây, định quyết một trận sống mái với ta đó.
Nay đã giữ một chỗ địa thế hiểm yếu rồi, quân giặc dẫu nhiều cũng không thể làm gì được. Binh pháp có nói: "Một người giữ được chỗ hiểm yếu thì hàng nghìn kẻ khác không địch nổi ". Chính là thế đó. Bây giờ ta nên giả vờ rút lui, nhử giặc vào sâu hiểm địa; giặc coi khinh ta, chắc sẽ lùa hết quân sĩ đuổi theo. Bấy giờ ta sẽ tung quân chủ lực ra đánh úp chúng thì tất thế nào cũng phá tan được giặc ".
Đêm hôm ấy, hồi canh ba, Tùng sai Nguyễn Hữu Liêu quản lãnh 15.000 quân tinh nhuệ, 200 quân khinh kỵ kéo đi trước, lén mai phục ở chân núi. Tùng cắt bọn Trịnh Đỗ và Trịnh Đồng quản lãnh quân lính ở lại đoạn hậu, nhử giặc vào chỗ mai phục; Ngô Cảnh Hựu thì thu lượm lương thực và quân lính rút lui trước để tỏ ý kéo quân về. Đại Doanh của trung quân cũng theo đó rút lui. Trịnh Tùng làm hậu đốc cũng rút vào núi Tam Điệp, đóng dinh trại.
Quân Mạc thấy thế, cho rằng quan quân khiếp sợ, tháo lui, trốn tránh, nên chúng đua nhau lên trước để đuổi theo đánh giết.
Bọn Đỗ và Đồng vừa đánh vừa lùi, nhử giặc đến sơn cước. Phục binh nghe tiếng pháo nổ, hàng loạt nổi dậy. Trịnh Tùng tung đại quân ra, bốn mặt cùng hăng hái đánh; chém hơn nghìn thủ cấp địch, bắt sống hơn 600 người. Giặc tan vỡ xiểng liểng thua chạy. Đôn Nhượng thu lượm quân tàn trốn về.
Quan quân đại thắng, bèn rút về. Các tướng ai nấy đều đem đến dâng nộp những tù binh mà mình đã bắt được. Tùng đều sai cởi trói và vỗ về yên ủi, rồi cấp cho cơm áo, thả về.
Lời chua - Đỗ, Đồng: Đều là con Trịnh Kiểm và là em Trịnh Tùng.
Núi Tam Điệp: Ở chỗ giáp giới hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình.
Canh Dần, năm thứ 13 (1590). (Mạc, năm Hưng Trị thứ 3 - Minh, năm Vạn Lịch thứ 18 ).
Mồng 1, tháng 7, mùa thu. Nhật thực. Sao Thái Bạch xâm phạm vào giới phận mặt trăng.
Tân Mão, năm thứ 14 (1591). (Mạc, năm Hồng Ninh thứ 1 - Minh, năm Vạn Lịch thứ 19 ).
Tháng 3, mùa xuân. Sao Chổi xuất hiện. Cầu vòng đỏ mọc xuống vòm trời. Mặt trời có quầng.
Sao Chổi hướng về tây bắc mà chuyển vần. Lại có cầu vòng đỏ mọc suốt vòm trời. Mặt trời có hai lần quầng, ngoài lần quầng ấy lại có vòng khí trắng bao xung quanh.
Ngày Nhâm Tý, tháng 12, mùa đông. Mặt trăng xâm phạm vào giới phận sao Thái Tuế.
Trịnh Tùng ra tuần hành vùng Sơn Tây cả phá quân Mạc ở xã Phấn Thượng, bèn sai quân tiến lên bức bách thành Thăng Long.
Trịnh Tùng lại bàn xuất quân, sai:
Quận Diễn Trịnh Văn Hải vá quận Thái Nguyễn Thất Lý, quản lãnh quân thủy, quân bộ, trấn thủ những nơi hiểm yếu ở các cửa biển.
Quận Thọ Lê Hòa kiêm coi võ sĩ trong ngoài thuộc bốn vệ theo hầu nhà vua và hộ vệ ngự doanh.
Đến nhật kỳ đã định, Tùng đều động hơn 5 vạn quân, chia làm 5 đội sai bọn thái phó Nguyễn Hữu Liêu, thái úy Hoàng Đình Ái, quận Lân Hà Thọ Lộc, quận thế Ngô Cảnh Hựu chia nhau quản lãnh. Còn Tùng thì chính mình đốc suất 2 vạn binh mã của trung quân kéo ra Tây Đô, theo đường huyện Quảng Bình qua huyện Thiên Quan, phá núi mở đường, đêm ngày đi gấp, hơn mười hôm thì đến núi Mã Yên, rồi tiến ra huyện Ma Nghĩa. Quân Tùng kéo đi đến đâu thì ở đấy giặc đều đổ lướt. Trong khoảng không đầy mười hôm, đã lượt định các lộ An Sơn, Thạch Thất, Phúc Lộc và Tân Phong, Tùng đóng quân ở Tốt Lâm.
Nhà Mạc đều động hết binh mã ở bốn trấn2680 , bốn vệ, và năm phủ được hơn mười vạn, sai bọn Mạc Ngọc Liễn và Nguyễn Quyện chia ra quản lĩnh các đạo quân Tây, Nam, Đông, Bắc. Chúa Mạc là Mậu Hợp chính mình đốc suất binh mã ở chính doanh, đồng thời cùng tiến đến xã Phấn Thượng, đối trận với quan quân ở Tốt Lâm.
Tùng sai tướng Hữu doanh là Hoàng Đình Ái đi trước, khiêu chiến. Tùng lại tuyển 400 quân thiết kỵ xông lên trước giúp sức cho trận thế. Các quân đồng thời trổ sức, đánh giáp lá cà, từ giờ Mão đến giờ Tỵ2681 : chém được quận Khuông2682 và quận Tân (đều không rõ tên họ ) là tướng trong quân bốn vệ của địch ở ngay vòng trận.
Giặc Mạc đóng quân ở yên một chỗ không nhúc nhích2683 . Tùng bèn chính mình đốc chiến, tướng sĩ phấn khởi đều thề quyết tâm diệt giặc để báo thù; ai nấy hăng hái đánh giặc, cả phá được địch. Quan quân thừa thắng ruổi dài, đuổi giặc đến Giang Cao chém được hơn vạn quắc2684 , tước được ngựa trận và khí giới không biết bao nhiêu mà kể.
Mậu Hợp cả sợ, phải sang sông để chạy. Quân tàn của Mạc tranh nhau xuống thuyền, ngã xuống nước chết đến quá nửa. Riêng có cánh quân Nguyễn Quyện, tướng nam đạo vì lánh xa, nên không bại trận.
Tùng tiến đến Hoàng Xá, đóng dinh trại, sai quân vượt sông Cù, phá tan và san phẳng đồn lũy của giặc. Tùng nhân đó bày mưu với các tướng rằng: "Quân giặc nhiều lần thất bại, ta nên nhân đà thắng này mau mau đánh lấy thì dể dàng như cuối xuống nhặt lấy cái rác thôi ". Tùng bèn sai Hữu Liêu quản lãnh quân và voi thẳng tiến đến cầu Cau2685 ở góc tây nam2686 thành Thăng Long, phóng hỏa, đốt nhà cửa, khói lửa mù trời. Trong thành kinh hãi rối loạn. Dân chúng ở quanh Kinh Đô tranh nhau qua đò sang sông để chạy loạn. , chết đuối rất nhiều.
Gặp bấy giờ lá tết nguyên đán. Trịnh Tùng cho quân nghĩ ngơi, ăn mừng để úy lạo họ, hẹn phải thu phục lấy kinh thành. Các quân ai nấy đều xin sẵn sàng trổ sức. Giặc Mạc đều chưa bị bắt, nhưng thanh thế của quan quân từ đây đã lừng lẫy lắm rồi.
Lời chua - Trịnh Văn Hải: Người Ngân Bôi, huyện Vĩnh Lộc2687 .
Nguyễn Thất Lý, Lê Hòa: Không rõ người đâu.
Bốn vệ quân Mạc: Vệ Hưng Quốc, vệ Chiêu Vũ, vệ Cẩm Y, và vệ Kim Ngô.
Năm Phủ: Phủ Trung Quân, phủ Đông Quân, phủ Tây Quân, phủ Nam Quân, phủ Bắc Quân.
Huyện Quảng Bình: Thuộc phủ Thiệu Hóa; nay đổi làm huyện Quảng Địa2688 thuộc phủ Quảng Hóa2689 .
Núi Mã Yên: (Yên Ngựa): Ở huyện An Sơn.
Tân Phong: Nay là huyện Tiên Phong.
Phúc Lộc: Nay là huyện Phúc Thọ.
Ma Nghĩa: Nay là huyện Tùng Thiện.
Phấn Thượng: Nay là xã Tảo Thượng. Từ Mã Yên đến Phấn Thượng trên đây đều thuộc tỉnh Sơn Tây.
Sông Cù: Cũng là Sông Hát, vì chảy qua xã Cù Sơn, nên gọi tên như vậy.
Tốt Lâm: Ở đâu không khảo được.
Nhâm Thìn, năm thứ 15 (1592). (Mạc, năm Hồng Ninh thứ 2 - Minh, năm Vạn Lịch thứ 20 ).
Tháng giêng, mùa thu. Trịnh Tùng tấn công thành Thăng Long; Chúa Mạc là Mậu Hợp chạy sang Gia Lâm. Quan quân bắt được tướng Mạc là Nguyễn Quyện.
Trịnh Tùng lập đàn, tế cáo trời đất và các vua. Thái Tổ Thái Tông [nhà Lê ], thề xin diệt giặc để phục thù. Khi đại quân kéo đến bờ phía tây Ninh Giang, Tùng ra ba điều buộc quân lính phải tuân giữ:
1/ Không được tự tiện vào nhà nhân dân mà hái rau, kiếm củi;
2/ Không được cướp của cải, đồ vật và đẵn cây cối;
3/ Không được hiếp phụ nữ và giết người vì thù riêng. Kẻ nào vi phạm những điều cấm trên đây, sẽ trị theo quân luật.
Ba quân nghe theo lệnh, nghiêm chỉnh đội ngũ trẩy đi. Quân trẩy đến đâu, nhân dân vẫn an cư ở đó. Họ tranh nhau đem rượu và trâu bò đến đón quan quân. Tùng đốc suất quân lính sang sông. Khi Tùng trẩy đến chùa Thiên Xuân, chúa Mạc là Mậu Hợp cả sợ, bỏ thành Thăng Long, qua sông Nhị, đóng ở xã Thổ Khói, để các đại tướng ở lại chia nhau đóng giữ các cửa thành Thăng Long.
Quan quân qua sông Tô Lịch, đến cống Mọc2690 , đóng quân ở Xạ Đôi2691 . Tùng chia sai các tướng là Hoàng Đình Ái và Nguyễn Hữu Liêu quản lãnh quân và voi, hẹn định ngày phá các cửa thành, còn Tùng thì tự đốc suất quân và voi ở đại doanh tiến đến phường Hồng Mai.
Bấy giờ Mậu Hợp tuy đã qua đò sang Bắc, nhưng vẫn cậy có sông dài hiểm trở, sai Mạc Ngọc Liễn, Bùi Văn Khuê, Nguyễn Quyện và Trần Bách Niên cố thủ thành Đại La, còn mình thì thống suất thủy quân, dàn hơn trăm chiếc thuyền thành thế trận, giữ sông Nhị Hà để làm thanh thế cứu viện cho quân trong thành.
Nguyễn Quyện đặt quân mai phục ở ngoài cửa cầu Giền2692 , dàn súng bách tử đại pháo để phòng bị.
Các tướng chia đường tấn công từ giờ Tỵ đến giờ Mùi2693 chưa phân được thua. Tùng lại đốc suất quân sĩ cố sức chiến đấu. Quan quân xuyên qua luỹ, trèo lên thành, đua nhau xông lên trước, đánh phá được ba lần cửa lũy ở ngoài thành.
Quân Văn Khuê và Bách Niên rối loạn, tan chạy. Ngọc Liễn sợ hãi cũng trốn.
Thừa thắng, quan quân đồng thời cùng tiến, đốt cung điện và nhà cửa ở ngoài thành: khói lửa mù mịt cả khoảng không. Quan quân lại rầm rộ lùa quân và voi xông vào giày đạp đánh phá cầu Giền. Phục binh của Nguyễn Quyện không kịp nổi dậy, đều bị quan quân giết sạch. Con của Nguyễn Quyện là Bảo Trung và Nghĩa Trạch đều chiến đấu mà chết cả. Quyện bị quan quân bắt sống. Trịnh Tùng thân hành cởi trói cho Quyện, đối đãi bằng lễ tiếp khách và yên ủi cho đến điều. Quyện hổ thẹn, vội phục xuống đất.
Hôm đó, thây giặc ngổn ngang chồng gối lên nhau. Quan quân chém được hơn vài nghìn thủ cấp địch. Tướng giặc bị chết đến vài mươi người. Khí giới tước được chất cao như núi.
Mậu Hợp thu nhặt tàn quân, giữ dọc sông dài để phòng thủ.
Tùng nhân dịp đó, hỏi Nguyễn Quyện về mưu chước để diệt Mạc, Quyện nói: "Viên tướng đã thua trận, không thể còn nói đến mạnh được nữa. Trời đã làm mất nhà Mạc, thì dù anh hùng cũng không thể thi thố tài lược được ". Rồi nhân dịp Quyện nói với Tùng nên sang phẳng lũy đất thành Đại La khiến cho nhà Mạc dù có quay về cũng không còn gì để làm căn cứ được nữa. Tùng không ngờ lời Quyện nói đó là kế hoãn binh, bèn sai các quân san suốt vài nghìn trượng hào lũy của nhà Mạc làm cho trở thành đất phẳng.
Bấy giờ uy thế binh lực của quan quân vang dậy lẫy lừng. Nhân dân phía tây nam đều như làn cỏ lướt theo chiều gió. Hễ trẩy đến đâu là đấy hàng phục . Nhị Hà trở tây lại là đất của triều đình [nhà Lê].
Liền đó, Tùng bàn rút quân về, đến cửa cung khuyết tâu tin thắng trận. Nhà vua cả mừng, sai bàn định để thăng chức thưởng tước cho những người có công lao.
Về sau, Nguyễn Quyện và con là bọn Nguyễn Tín mưu phản, nên bị chết ở trong ngục.
Lời chua - Bùi Văn Khuê: Người Chi Phong, huyện Gia Viễn2694 , sau đầu hàng nhà Lê.
Chùa Thiên Xuân: Ở địa phận xã Thanh Xuân, huyện Thanh Oai2695 .
Ninh Giang: Xem Lê Chiêu Tông, năm Quang Thiệu thứ 7 (Chb. XXVII, 6 ).
Cống Mọc (Nhân mục kiều ): Xem Bình Định Vương năm thứ 9 (Chb. XIII, 28 ).
Sông Tô Lịch: Xem thuộc Đường, Mục Tông , năm Tường Khánh thứ 4 (Tb. IV, 31 - 32 ).
Hồng Mai: Nay đổi là phường Bạch Mai.
Cầu Giền: Ở địa phận Bạch Mai, thuộc huyện Thọ Xương. Hồng Mai và cầu Giền đều thuộc Hà Nội.
Xã Thổ Khối: Xem Trần Dụ Tông, năm Thiệu Phong thứ 12 (Chb. XII, 3 - 4 ).
Tháng 7, mùa thu. Thủy tai lớn.
Bấy giờ nước lũ thình lình đổ đến, tràn ngập cả gò đống. Lúa má ở Thanh Hoa bị mất mùa. Dân miền tây nam phần nhiều đói kém.
Mồng 1, ngày Mậu Tý, tháng 8. Sao sa, có tiếng như sấm vang.
Sao sa, màu đỏ, ánh sáng dài đến 5 trượng, rơi xuống đất, nổ kêu như tiếng sấm lớn.
Tướng Mạc, Bùi Văn Khuê, đầu hàng. Tùng bèn tiếng đánh quân Mạc ở sông Thiên Phái: Mạc bị đại bại.
Chúa Mạc là Mậu Hợp ngày ngày say đắm tửu sắc. Nguyễn thị2696 là con gái của Nguyễn Quyện và là vợ Bùi Văn Khuê, nhân có em gái là vợ của Mạc Mậu Hợp, nên thường ra vào trong cấm cung. Mậu Hợp ưng ý Nguyễn thị vì nàng có nhan sắc, nên muốn giết Văn Khuê để chiếm lấy nàng. Văn Khuên biết chuyện, bèn đem quân bản bộ tự ý rút về Gia Viễn2697 , đóng binh một chỗ, không chịu vào chầu. Mậu Hợp sai quân đến bức bách để bắt Văn Khuê sai con trai là Văn Nguyên chạy vào Thanh Hoa, dâng lễ đầu hàng và xin cứu viện. Trịnh Tùng ưng nhận cho hàng và mừng rỡ nói: "Văn Khuên đầu hàng, thế là trời giúp cho ta được chóng thành công. Đất đai bản triều2698 có thể hẹn ngày khôi phục được ".
Tùng bèn sai Hoàng Đình Ái lãnh quân tiến lên trước, đến làng Bái và làng Đình thì Văn Khuê đem quân bản bộ ra đón tiếp. Đình Ái sai Văn Khuê tiến quân đóng giữ bến đò Đàm Giang. Quân Mạc bèn lui giữ sông Thiên Phái. Tùng quản đốc đại quân kéo ra Trường Yên2699 , Văn Khuê đến Yết Kiến, khóc lóc kể lễ nỗi niềm. Tùng khen thưởng để vỗ về yên ủi, lại phong tước quận công2700 , cho Văn Khuê quản lãnh binh mã và thuyền chiến của bản bộ, sung làm toán quân tiền đội cầm cự với quân Mạc.
Quan quân tiến lên, qua đò sông Hoàng Xá đến núi Kẽm Trống2701 ở Yên Quyết thì đóng dinh trại. Nghĩa quốc công (không rõ tên họ ), tướng Nam đạo bên Mạc, đóng quân ở sông Thiên Phái, giữ bến đò Đoan Vĩ, đắp lũy để chống giữ. Tùng sai Văn Khuê lén dời binh thuyền ra cửa sông, rồi trên và dưới cùng đánh kẹp lại: quân Mạc tan vỡ, chạy trốn. Quan quân tước được 70 chiếc thuyền và vô số khí giới. Tướng Mạc, Trần Bách Niên, đem quân bản bộ đầu hàng.
Lời chua - Đàm Giang: Xưa là bến đò Đàm Gia, ở xã Điềm Xá, huyện Gia Viễn thuộc huyện Ninh Bình.
Sông Thiên Phái: Ở chỗ giáp giới hai huyện Ý Yên và Phong Doanh thuộc Nam Định, chảy ra cửa Liêu.
Bến đò Đoan Vĩ: Thuộc xã Đoan Vĩ, huyện Thanh Liêm, Hà Nội2702 .
Kẽm Trống (Kiềm Cố Sơn ): Thuộc xã Nham Kênh, huyện Thanh Liêm2703 .
Bái, Đỉnh: Tên hai xã đều thuộc huyện Gia Viễn.
Sông Hoàng Xá: Cũng thuộc huyện Gia Viễn, giáp huyện Kim Bàng2704 .
Tháng 11, mùa đông. Trịnh Tùng lại tiến quân ra Thăng Long. Chúa Mạc là Mậu Hợp chạy đi Kim Thành rồi trốn.
Trịnh Tùng đã phá quân Mạc , tiến đóng Bình Lục, rồi kéo đến bãi Tinh Thần thuộc Thanh Oai, đóng dinh trại. Tùng hiểu dụ nhân dân miền tây nam đâu đấy nên cứ yên nghiệp làm ăn. Rồi Tùng tiến quân ra cửa sông Hát.
Tướng Mạc, Ngọc Liễn, dàn quân lính và thuyền chiến để chống cự. Quan quân tiến đánh: phá được địch. Ngọc Liễn bỏ thuyền chạy lên Tam Đảo. Quan quân thừa thắng, ruỗi dài đến cửa Nam thành Thăng Long, đóng quân ở bến Cỏ2705 , bắt được chiến thuyền của Mạc đến hàng nghìn chiếc. Mậu Hợp chạy đi Kim Thành thuộc Hải Dương.
Tùng hạ lệnh răn cấm tướng sĩ [không được vi phạm quân lệnh ], đồng thời lại chiêu an vỗ về cư dân. Các cửa huyện ở vùng phía Bắc sông Nhị, như Thuận An, Tam Đái và Thượng Hồng, đều đầu hàng cả. Tên Liêm (không rõ họ ), đầu sỏ giặc Thái Nguyên, cũng đem 5.000 đồ đảng ra hàng.
Tùng lại đem quân đi truy tiểu quân Mạc. Đến huyện Phù Dung, Tùng sai bọn Nguyễn Thất Lý, Bùi Văn Khuê và Trần Bách Niên quản lãnh 300 chiếc chiến thuyền, đánh phá huyện Kim Thành. Mậu Hợp bỏ quân doanh, chạy trốn. Quan quân thu được vàng bạc, của cải, đồ vật và phụ nữ không sao kể xiết. Và bắt được mẹ chúa Mạc đem về.
Lời chua - Kim Thành: Tức là Trà Hương. Xem thuộc Tấn2706 , Tề Vương, năm Khai Vận thứ 2 (Tb. V, 22 ).
Thanh Oai: Xem Bình Định Vương năm thứ 9 (Chb. XIII, 31 ).
Bãi Tinh Thần: Nay đổi xã Thanh Thần, thuộc huyện Thanh Oai2707 .
Núi Tam Đảo: Xem Lê Nhân Tông, năm Thái Hòa thứ 7 (Chb. XVIII, 18 ).
Phù Dung: Tên huyện, nay là huyện Phù Cừ thuộc Hưng Yên.
Phủ Thuận An: Xem Trần Dụ Tông, năm Thiệu Phong thứ 122708 (Chb.X, 4 ).
Phủ Tam Đái: Ngang với Tống, Thái Tổ, năm Kiến Đức thứ 4 (Tb, V, 29 ).
Phủ Thượng Hồng: Xem Thuộc Đường, Chiêu Tuyên Đế, năm Thiên Hựu thứ 3 (Tb, V, 14 ).
Bồ Đề: Xem Bình Định Vương năm thứ 10 (Chb. XIX, 4 ).
Mạc Mậu Hợp cho con là Toàn coi giữ việc nước, tự mình đứng ra đốc suất quân đội.
Bấy giờ quân Mạc nhiều lần thua trận, Mậu Hợp bèn lập con là Toàn làm vua, coi quản việc nước, đổi năm này làm năm Vũ An thứ 1 (Nhâm Thìn, 1592 ). Mậu Hợp tự làm tướng, quản đốc binh mã để chống và giữ.
Tháng 12. Mặt trời có hai điểm đen như quạ.
Trịnh Tùng sai bọn Phạm Văn Khoái tấn công Kinh Bắc, bắt được Mạc Mậu Hợp, giết chết.
Tùng chia quân tấn công tướng Mạc, Kính Chỉ, ở Thanh Hà; cả phá được địch. Nhà cửa của nhân gian ở các phủ Thượng Hồng, Nam Sách và Kinh Môn đều bị thiêu hủy gần hết. Bầy tôi nhà Mạc là bọn Đỗ Uông, Đồng Hàng, Ngô Tháo và Đàm Văn Tiết 17 người đều đến cửa quân xin đầu hàng.
Sau đó Tùng tiến đóng quân doanh tại xã Tranh Giang thuộc Vĩnh Lại2709 . Lại sai bọn quận Lai Phạm Văn Khoái ai nấy quản lãnh quân và voi đánh dẹp các huyện Yên Dũng, Võ Ninh thuộc Kinh Bắc.
Mậu Hợp bỏ thuyền, lê bộ, lẩn trốn vào chùa thờ phật ở huyện Phượng Nhãn. Quan quân đuổi theo, được nhân dân thôn quê vùng đó chỉ đẫn, bắt sống được Mậu Hợp, cho chở lên voi đem về Thăng
Long; bêu sống ba ngày, rồi chém ở bến Bồ Đề, chặt đầu đem về hành tại Thanh Hoa, dâng tin thắng trận. Thủ cấp Mạc Mậu Hợp bị đóng đinh vào hai mắt, bêu ở chợ.
Trịnh Tùng bèn ra lệnh cho các quân dời đại doanh ở bến Cỏ (Thảo Tân ) đến đóng tại cửa Nam thành Thăng Long.
Lời chua - Đỗ Uông: Người Đoàn Lâm, huyện Gia Lộc2710 , đỗ bản nhãn khoa Bính Thìn2711 đời Mạc.
Đồng Hàng: Người Triều Dương, huyện Chí Linh2712 , đỗ hoàng giáp khoa Kỷ Mùi2713 đời Mạc.
Ngô Tháo: Người xã Đàn, huyện Thọ Xương2714 , đỗ tiến sĩ khoa Tân Mùi2715 đời Mạc.
Đàm Văn Tiết:: Người Lãm Sơn, huyện Quế Dương2716 , đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn2717 đời Mạc.
Tranh Giang: Tên xã, thuộc huyện Vĩnh Lại.
Thượng Hồng: Tên phủ, xem Thuộc Đường, Chiêu Tuyên đế năm Thiên Hựu thứ 3 (Tb, V, 14 ).
Phủ Nam Sách (sách: sách lược ): Tức Nam Sách (sách: sổ sách ). Xem thuộc Tấn, Tề Vương, năm Khai Vận thứ 2 (Tb. V, 22 ).
Phủ Kinh Môn: Thuộc Hải Dương.
Vũ Ninh (nay là Võ Giàng ), Yên Dũng, Phượng Nhãn: Ba huyện này đều thuộc Bắc Ninh.
Bến Cỏ (Thảo Tân ): Chắc là ở bờ phía Nam sông Nhị, Hà Nội; nay ở đâu, không rõ2718