K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c
Chính Biên
Quyển thứ XXV
Từ Canh Thân, Lê Hiến Tông năm Cảnh Thống thứ 3 (1500) đến Kỷ Tỵ, Lê Uy Mục đế năm Đoan Khánh thứ 5 (1509) gồm 10 năm.
Canh Thân, năm [Cảnh Thống] thứ 3 (1500). (Minh, năm Hoằng Trị thứ 13).
Tháng giêng, mùa xuân. Sai sứ thần sang nhà Minh.
Trước đây, nhà vua sai sứ thần sang nhà Minh báo cáo việc tang Lê Thánh Tông và xin nhà Minh phong tước. Nhà Minh sai Từ Ngọc, hành nhân trong ti Hành Nhân sang dụ bảo ban cho tế phẩm; Lương Trừ, tẩy mã trong cục Ti Kinh Kiêm Hàn lâm viện thị giảng và Vương Chẩn, Binh khoa đô cấp sự trung sang sách phong. Bọn Trừ và Ngọc đến trạm Thị Cầu, nhà vua sai bọn Đàm Văn Lễ, Đông các đại học sĩ, bàn định với bọn Lương Trừ về việc nghi lễ. Bọn Trừ đến trạm Lữ Côi, nhà vua ngự thuyền nhỏ đến tiếp. Sau khi đã làm xong lễ dụ ban tế phẩm và lễ sách phong rồi, bọn Ngọc và Trừ từ biệt ra về, nhà vua đem vàng bạc lụa hoa tiễn chân, bọn Trừ đều không nhận; nhà vua làm thơ để tiển.
Đến đây, nhà vua sai bọn Nguyễn Duy Trinh, Hình bộ tả thị lang, Lê Han Hinh, Lễ khoa đô cấp sự trung và Nguyễn Nho Tôn [Tông], Thượng bảo tự khanh, sang nhà Minh tạ ơn về việc ban cho tế phẩm; Lưu Hưng Hiếu, Đông các học sĩ, Đỗ Nhân, Hàn lâm viện thị thư, và Bùi Đoan Giáo, Thông sự ti thừa, sang tạ về việc sách phong, nhân thể xin ban cho mũ áo.
Lời Chua - Trạm Thị Cầu: Ở huyện Võ Giàng2294 .
Trạm Lữ Côi: Ở huyện Gia Lâm2295 . Cả hai đều thuộc tỉnh Bắc Ninh.
Nguyễn Duy Trinh: Người xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm2296 , đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu (1481) năm Hồng Đức đời Lê Thánh Tông.
Lê Han Hinh: Người xã Cổ Đô, huyện Tân Phong2297 , đỗ đồng tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1484) năm Hồng Đức; nguyên trước họ Nguyễn, tên là Sư Mạnh, được vua cho đổi họ và tên.
Nguyễn Nho Tôn [Tông]: Người xã Vực Đường, huyện Thiên Thi2298 , đỗ đồng tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487) năm Hồng Đức.
Đỗ Nhân: Người xã Lại Ốc, huyện Tế Giang sau đổi tên là Nhạc, đỗ tiến sĩ khoa Quý Sửu (1493) năm Hồng Đức.
Bùi Đoan Giáo: Người xã Đại Điền, huyện Bình Hà, đỗ tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487) năm Hồng Đức.
Tháng 2. Tuyển học sinh ở tam xá2299 , người nào đã dự trúng kỳ thi hội mà có đức hạnh, sẽ cất nhắc giữ chức dạy học.
Nhà vua hạ chiếu: Nếu chức huấn đạo có khuyết ngạch, thì các quan ở Quốc Tử giám chọn học sinh ở tam xá, người nào thi hội đã vào tam trường và người nào thi nhiều khoa đã thường trúng một hia kỳ, mà có đức hạnh, đáng làm tiêu biểu để người khác bắt chước, thì đưa sang bộ Lại lựa chọn bổ dụng.
Nhà vua định thể lệ cất nhắc bổ dụng hạng nho và hạng lại: nho sinh, giám sinh, học sinh và đô lại ở các nha môn, trước kia đã từng lựa chọn được, nay bộ Lại tra cứu xem hàng năm người nào thi hội trúng được nhiều kỳ thì cất nhắc trước, người nào trúng ít kỳ thi cất nhắc sau; nếu không có người trúng kỳ thi hội, thì người nào làm việc lâu năm được cất nhắc trước, người ít năm sẽ cất nhắc sau, không được theo như lệ trước chỉ căn cứ vào thân thể khỏe mạnh và thứ tự tuổi sinh.
Tháng 4, mùa hạ. Bổ dụng Dương Trực Nguyên làm chỉ huy sứ trong ti Đình úy.
Trực Nguyên làm quan doãn phủ Phụng Thiên, áp chế những người hào cường, làm cho bọn quyền quý phải chùn tay lại. Lê Quảng Độ tiến cử Trực Nguyên là người có phương pháp về chính trị và cứng rắn quả quyết, vì thế nhà vua hạ lệnh bổ dụng.
Truy lục dụng người tướng hiệu có quân công.
Trước đây, Đô ngự sử Quách Hữu Nghiêm dâng nói: "Việc thưởng và phạt là quyền lớn của đế vương dùng để khuyên đời: thưởng xứng đáng với công lao từng người, phạt xứng đáng với tội lỗi từng người, thì người ta ai cũng biết khuyên răn. Khoảng niên hiệu Hồng Đức2300 , khi đi đánh Chiêm Thành và Lão Qua, quân sĩ trong vệ Hiệu lực, những người có quân công, cất nhắc bổ dùng chưa hết, kịp lúc bị lựa chọn sa thải thì cho tất cả lui về để sung vào quân Ngũ phủ, cũng như hàng sĩ tốt khác, không có gì phân biệt. Vậy những người ấy, xin do bộ Binh làm danh sách tâu bày, đặt riêng làm 4 vệ Hiệu lực để khuyến khích những binh sĩ có công lao". Nhà vua y lời tâu ấy.
Đến nay Hộ Bộ tả thị lang Nguyễn Đức Quảng dâng nói: "Lúc vua Thái Tổ bắt đầu mở nước, tướng sĩ cùng lòng hết sức, người việc lớn, người việc nhỏ khó nhọc đều nhau, thế mà những bầy tôi vào hàng tướng soái thì được chức tước cao, thụy hiệu tốt, con cháu của họ lại được tập ấm để cất nhắc bổ dụng. Còn về phần sĩ tốt, tuy có trao cho chức tướng quân ở các vệ, nhưng con cháu của họ, hoặc người thì không thoát khỏi hàng binh tốt, hoặc người thì bị co ro ở cảnh nghèo hèn; phép tắt khuyên người có công chưa thi hành được đầy đủ".
"Từ khi bệ hạ lên nối ngôi tới nay, phàm những người tòng quân xẻo được tai giặc2301 tâu nộp, đều được cất nhắc bổ dụng; còn sĩ tốt trong thời khai quốc lao đao hàng trăm trận hơn mười năm trời thì con cháu của họ không được đếm xỉa tới, như thế thì lấy gì để cổ vũ khuyến khích những người sau này.
Tôi xin: những hạng tướng sĩ khai quốc, mà đã từng được nhận sắc mệnh, nay cho phép con cháu họ được đến cửa công tự bày tỏ, rồi do bộ Binh xét thực rõ ràng, làm danh sách kê họ tên tâu nộp, để giao bộ Lại tặng thêm cho họ một bậc nữa, chuẩn cho con cháu họ thừa ấm theo như thể lệ bầy tôi có công, trước làm tỏ lời thề sông cạn đá mòn, sau là để gia ơn cho họ được cùng nước hưởng phúc".
Nhà vua chuẩn y lời tâu, bèn hạ sắc lệnh: Trong thời Thuận Thiên2302 khai quốc, tướng sĩ nào đã từng được nhận sắc mệnh từ hàm tam phẩm trở lên, mà con cháu đã xung vào các hạng quân ngũ, đều được phép đến cửa công bày tỏ, bộ Binh xét thực sẽ bổ sung vào tướng sĩ vệ Cẩm Y; nếu là người thông hiểu nghĩa sách sẽ cho sung vào nho sinh quán Chiêu Văn; con cháu viên quan dưới hàm tam phẩm trở đi, thì sung vào các vệ Vũ Lâm và Thần Tí.
Lời phê2303 - Đều không biết đại thể, vì tình thế không bổ dụng thế nào cho xiết được. Lời chua - Chiêm Thành: Tức Lâm Ấp, xem thuộc Tấn, Mục đế, năm Vĩnh Hòa thứ 9 (Tb.III, 20- 21).
Lão Qua: Xem Trần Thuận Tông, năm Quang Thái thứ 3. (Chb. XI, 13).
Vệ Cẩm Y, Vũ Lâm và Thần Tí: Đều xem Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 4 (Chb. XXII, 32-33).
Quán Chiêu Văn: Xem Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 82304 (Chb.XXIII 6).
Lựa chọn hoàng đinh người nào am hiểu nghề nghiệp để sung vào ngạch thợ.
Theo chế độ cũ, khi nào thiếu thợ, thì sai người chia nhau đi các sứ chọn người am hiểu các nghề để bổ sung. Đến nay, nhà vua hạ chiếu phàm ngạch thợ có khuyết, thì sức cho các xã dân chọn lấy hoàng đinh người nào am hiểu các nghề để bổ sung vào.
Nhà vua ra sắc lệnh: Từ nay, các sắc quân và thợ phải họp tập đông đủ trong kỳ thượng phiên2305 , hoặc có người nào làm việc chưa đủ kỳ hạn mà bỏ trốn về trước, thì các quan châu, quan huyện tâu hoặc để trị tội. Còn ở ti và sở thuộc các vệ, có người nào bỏ trốn mà lại về làm việc và dân đinh có người nào già ốm, thì mỗi khi đến kỳ thượng phiên, được phép sai phái họ làm việc nhẹ. Nếu là người mạnh khỏe, thì không được phép cho đội ngũ ấy nộp tiền thay thế và không được gian trá thoái thác là có bệnh.
Lời chua - Hoàng đinh: Theo Hội điển triều Lê, dân đinh 17 tuổi gọi là hoàng nam.
Tháng mười, mùa đông. Định chế độ mũ áo.
Nhà vua hạ chiếu: Tất cả quan lại, quân và dân đều phải tuân hành theo chế độ mũ áo mới định.
Lời chua - Chế độ mũ áo: Theo Hội điển triều Lê, các tướng công trong hoàng thân và quan văn, quan võ từ tam phẩm trở lên, khi vào triều, mũ dùng kiểu mũ phốc đầu2306 . Mũ: của hoàng thân trang sức bằng vàng, quan văn, quan võ trang sức bằng bạc; áo dùng màu tía; bổ tử: các tước công trong hoàng thân dùng hình con kỳ lân, quan nhất, nhị phẩm, về hàng văn dùng hình con tiên hạc, về hàng võ dùng hình con sư tử, tam phẩm về hàng văn dùng hình con cẩm kê, về hàng võ dùng hình con bạch thạch; đai lưng: dùng sừng con tê hoa, đai của hoàng thân trang sức bằng vàng, quan văn, hoặc võ hàm nhất, nhị phẩm trang sức bằng bạc, quan tam phẩm dùng đồi mồi trang sức bằng bạc; bao lưng: dùng lụa đỏ.
Các quan từ tứ phẩm đến ngũ phẩm, mũ: về hàng võ dùng nón sơn trắng, về hàng văn dùng kiểu phốc đầu2307 , không có trang sức; áo; dùng màu lục; bổ tử: quan tứ phẩm, về hàng võ dùng hình con hổ, về hàng văn dùng hình con công, ngũ phẫm, về hàng võ dùng hình con báo, về hàng văn dùng hình con văn nhạn; đai lưng: quan văn, quan võ đều dùng đồi mồi, trang sức bằng thau; bao lưng: dùng lụa đỏ.
Lục phẩm trở xuống, mũ: về hàng võ dùng nón sơn đỏ, về hàng văn dùng kiểu phốc đầu2308 , không có trang sức; áo: dùng màu xanh; bổ tử: về hàng võ dùng hình con
voi, về hàng văn dùng hình con bạch nhàn; đai lưng: quan văn. quan võ đều dùng tốc hương, chung quanh viền thau; bao lưng: dùng đoạn thâm.
Áo mặc khi thượng triều: các quan hàm nhất, nhị phẩm trở lên dùng các hàng gấm vóc có dệt hoa lá sặc sỡ; tam phẩm đến ngũ phẩm dùng các hàng gấm vóc; lụa phẩm trở xuống dùng các hàng tơ lĩnh.
Mệnh phụ2309 , đều theo với phẩm trật của chồng.
Giám sinh, nho sinh, học sinh, sinh đồ, lại điển và quan viên tử, quan viên tôn đều dùng các hàng lĩnh, là. Thứ dân đều dùng các hàng lĩnh là hoặc vãi, lụa.
Tân Dậu, năm thứ 4 (1501). (Minh, năm Hoằng Trị thứ 14).Tháng giêng, mùa xuân. Nhà vua đi tuần du Tây Kinh.
Nhà vua đi tuần du Tây Kinh, cấm các quan theo hầu xa giá không được sai quân sĩ dùng hành trang chở vợ con hoặc nữ nhạc đi theo.
Tháng 5, mùa hạ. Định rõ thể lệ lựa chọn tráng đinh.
Theo chế độ cũ, nhân đinh, người nào mạnh khỏe, đều tuyển làm lính, không câu nệ người giàu, người nghèo. Đến đây, nhà vua hạ chiếu: Từ nay, gặp kỳ lựa chọn tráng đinh, dân xã nào có người nghèo thiếu, thì xã trưởng dự bị khai báo cam đoan ngay từ trước, quan phủ, quan huyện xét thực, đều cho những người ấy được miễn tuyển.
Nhà vua hạ chiếu: Đinh nam ở các xã, phường và sách từ 12 tuổi đến 16 tuổi và hoàng đinh sót sổ, mà sức vóc khỏe mạnh cao lớn trên bốn thước ta, thì xã trưởng kê khai họ tên, để nộp ba ti Đô, Thừa, Hiến và phủ Phụng Thiên, để đến lúc việc làm ruộng nhàn rỗi sẽ xét duyệt lựa chọn.
Tháng 9, mùa thu. Mưa to.
Ở kinh thành nước lên đầy rẫy.
Định thuế sai dịch.
Nhà vua hạ sắc lệnh định thuế sai dịch của nhân đinh: Mỗi suất đinh đồng niên nộp cổ tiền2310 1 quan 2 tiền; hạng sinh đồ, hoàng đinh và hạng lão thì cứ hai người chuẩn làm một suất; người tàn tật bất cụ2311 : người nào không thể làm nghề gì sinh sống được đều được miễn; người nào có thể làm nghề nghiệp sinh sống sẽ thu nửa phần thuế thân.
Tháng 12, mùa đông. Định rõ điều lệ thi hương.
Nhà vua ra sắc lệnh: Từ nay gặp khoa thi hương, trừ số sinh đồ ở cục Tú Lâm ra, còn những quân và dân, người nào có học lực, có hạnh kiểm, có thể làm đủ thể văn 4 kỳ, về phần sĩ tử ở các xứ Hưng Hoá, An Bang, Tuyên Quang và Lạng Sơn, có thể làm đủ thể văn 3 kỳ, đều được phép vào thi. Số sĩ tử kể trên do xã trưởng kê khai cam kết, xã lớn 20 người, xã trung bình 15 người, xã nhỏ 10 người, xã nào số học trò ít ỏi, thì không bó buộc theo thể lệ này. Sau khi xã trưởng loại khai lấy danh sách họ tên sĩ tử rồi, thì phủ, huyện hoặc châu phúc hạch mộ kỳ ám tả, người nào được dự trúng thì do 2 ti Thừa Chính và Hiến Sát thi khảo kỷ lại. Nếu xã trưởng kê khai cam kết không đúng sự thật, các quan phủ, huyện hoặc châu khảo hạch không tinh tường, đến nổi sĩ tử vào thi còn xẩy ra trùng điệp hoặc văn bài không ra nghĩa lý gì, hoặc có người nào vì thân thích con em của mình mà gởi gắm quan chấm thi, thì Lục khoa, Ngự sử đài thân hành dò xét, hặc tấu để trị tội.
Khi sĩ tử vào trường thi, quan trường phải sức cho viên quan giữ việc thể sát lục soát kiểm điểm, nếu thấy có người nào mang giấu văn bài ở trong mình hoặc người nào đi thi thay cho người khác, sẽ bắt
tội sung quân ở bản phủ; nếu viên quan giữ việc thể sát khám xét không chu đáo, sẽ phải luận vào tội biếm chức hoặc giáng chức. Hai ti Thừa chính và Hiến sát hội đồng kiểm xét, nếu thấy có hình tích gian trá thì phải hặc tâu; nếu quan hai ti dám thông đồng làm bậy, thì các quan ở Lục khoa và Ngự sử đài thân hành dò hỏi, rồi hặc tâu để trị tội.
Về phần lại điển làm việc ở trong kinh hoặc ở ngoài, người nào tình nguyện ứng thi, thì đệ đơn trình bày, sẽ do viên quan bản quản xét thực, rồi cho phép về ứng thí ở nguyên quán của mình, không được nhân tiện nộp quyển thi ở phủ Phụng Thiên hoặc phụ thí ở xứ khác.
Người lại điển nào đi thi hương được trúng tuyển, sẽ được sung vào học ở Quốc Tử giám.
Giám sinh hoặc sinh đồ, người nào ở nhà để tang bố mẹ, gặp khi thi hương, những người ấy đều phải đến điểm mục tại phủ nha của mình; ai thiếu mặt sẽ phải tội sung quân ở bản phủ. Người nào dám thiện tiện vào ngoài cửa trường thi, sẽ phải luận vào tội đồ, suốt đời không được ứng thí và cất nhắc bổ dụng; nếu xã trưởng nhận diện mà đồng tình dung túng, khi có người tố cáo phát giác, thì người can phạm và xã trưởng đều phải sung quân.
Nhâm Tuất, năm thứ 5 (1502). (Minh, năm Hoằng Trị thứ 15).
Tháng 2, mùa xuân, nhà vua ra bài sách thi cống sĩ; cho bọn Lê Ích Mộc 61 người được cập đề và xuất thân cao thấp khác nhau.
Bảng vàng đề tên người đỗ tiến sĩ trước kia treo yết ở cửa Đông Hoa. Đến nay, nhà vua sai bộ Lễ cho phường nhạc đi trước cử nhạc, rước bảng vàng yết ở cửa nhà Thái Học. Việc này từ đây về sau dùng làm thể lệ lâu dài.
Lời chua - Lê Ích Mộc: người xã Thanh Lãng, huyện Thủy Đường2312 .
Tháng 4, mùa hạ. Định lệnh tuyển dụng quan trong kinh và ngoài các đạo.
Các quan: thượng thư, thị lang trong lục bộ+ Ngự sử đài+ Đông các+ Hàn lâm+ Lục tự+ Lục khoa+ Thừa tuyên sứ+ Hiến sát sứ cùng ti và sở ở các vệ thuộc Ngũ phủ như các đô đốc+ đô kiểm điểm+ chỉ huy sứ+ đô tổng binh, v.v... Những quan chức kể trên nếu có khuyết ngạch, thì bộ Lại tâu bày đầy đủ để xin chỉ thị của vua.
Ở vệ và sở: nếu khuyết một viên tổng tri, theo thể lệ, dự lấy hai người trong hàng quản lãnh; khuyết một viên quản lãnh, theo thể lệ, dự lấy ba người trong hàng võ úy. Bộ Lại làm danh sách kê quan chức và họ tên những viên quan được dự lấy tâu bày đầy đủ. Nếu chức quan khuyết ngạch thuộc vào quan trong kinh, sẽ do trưởng quan trong Ngũ phủ dẫn vào chầu để lựa chọn; nếu thuộc vào quan ngoài các đạo, sẽ do Chỉ huy sứ và viện Hàn lâm hội đồng với 3 ti Đô, Thừa, Hiến lựa chọn, rồi tâu bày đầy đủ, sẽ có chỉ dụ cho thuyên chuyển cất nhắc.
Kiến vương là Tân mất.
Vương là con thứ năm của Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 2 (1471) được tiến phong Kiến vương, mất năm 35 tuổi, nhà vua cho đặt tên thụy là Trinh Tĩnh.
Lại hạ lệnh cấm hoạn giả thiện tiện đến nhà người khác.
Năm Quang Thuận và Hồng Đức trước2313 định thể lệ: Nếu người hoạn quan nào thiện tiện đến nhà người khác sẽ bị xử trảm. Đến nay nhà vua nhắc lại lệnh cấm ấy.
Quý Hợi, năm thứ 6 (1503). (Minh, năm Hoằng Trị thứ 16).
Tháng giêng, mùa xuân. Hạn hán. Hạ sắc lệnh chuẩn bị xe lấy nước2314 để bảo vệ việc làm ruộng.
Nhà vua hạ sắc lệnh dụ bảo bọn Dưỡng Tĩnh, tham nghị trong ti Thừa Tuyên sứ ở Thanh Hóa: "Trẫm rất lưu tâm đến việc làm ruộng, bọn các ngươi phải hết lòng về việc làm ruộng của dân, nghĩ thi hành chính sách tốt đẹp. Việc hạn hán, thủy lạo là những việc bất thường, cần phải dự bị đề phòng, để việc cày cấy được kịp thời vụ. Trẫm thường cho người đi dò thám, thấy nơi thì ruộng nương trũng thấp, nơi thì đường sá rậm rạp, trời nắng chưa mấy ngày mà dân đã kêu ca là khô cạn quá đỗi. Những việc ấy đều bởi viên chức ở châu, ở huyện không được người tốt đấy. Vậy các người nên sức cho trong hạt mình phải cần làm ngay việc sửa đắp. Các người lại phải chính mình tự đi kiểm xét cửa sông, xe nước, khe nhỏ, đường to. Nếu thấy viên quan nào thừa hành hoàn hảo thì khi khảo công liệt vào hạng nhất; viên quan nào thừa hành một cách dối trá để có chỗ thẩm lậu, thì liệt vào hạng không làm đầy đủ chức phận; rồi đem hết sự thật tâu bày lên trẫm biết, để định việc truất bãi hoặc cho thăng chức".
Tháng 2. Đại hạn.
Tháng4, mùa hạ. Sao chổi xuất hiện ở phương đông.
Đắp đê Tô Lịch, đào cừ Yên Phúc.
Dương Trực Nguyên, tả thị lang bộ Lễ, tâu xin: Đắp đê sông Tô Lịch trên từ cầu Trát xuống đến sông Cống để phòng bị thủy hoạn, lại xin khai cừ Yên Phúc xuống đến cừ Thượng Phúc để lấy nước tưới ruộng. Nhà vua chuẩn y.
Lời chua - Sông Tô Lịch: Xem thuộc Đường, Mục Tông, năm Tràng Khánh thứ 4 (Tb.IV, 31-32).
Cầu Trát: nay ở xã Trát Kiều.
Sông Cống: Nay ở xã Cống Xuyên.
Cừ Yên Phúc: Ở thôn Yên Phúc2315 .
Cừ Thượng Phúc: Ở xã Thượng Phúc2316 .
Đều thuộc huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Nội2317 .
Tháng 5, mùa hạ. Có thủy tai lớn.
Núi Tản Viên và núi Tam Đảo bị sụt lở.
Lời chua - Núi Tản Viên: Xem Lê Đại Hành, năm Ứng Thiên thứ 7 (chb.I,34).
Núi Tam Đảo: Xem Lê Nhân Tông, năm Thái Hòa thứ 7 (Chb.XVIII,18).
Giáp Tý, năm thứ 7 (1504). (Từ tháng 6 trở về sau, thuộc Lê Túc Tông Khâm hoàng đế năm Thái Trinh thứ nhất- Minh, năm Hoằng Trị thứ 17).
Lời cẩn án - Theo phàm lệ chép Cương mục của Chu Tử: năm nào gặp năm Giáp Tí, thì chữ "Giáp Tí" chép ngang ở trên bằng màu đỏ để cho phân biệt4, ngoài ra các năm khác đều chép bằng màu đen. Lại môt lệ nữa:- Phàm thiên tử nối đời trước, lên ngôi vua, thì chỉ thụy hiệu, niên hiệu ở hàng dưới chép bằng màu đỏ, còn chữ "nguyên niên" chép bằng màu đen; từ năm thứ 2 trở đi, mới chép lớn niên thứ bằng màu đen ở hàng dưới. Nếu chưa qua năm sau mà đổi niên hiệu thì chữ "nguyên niên" chua ờ hai bên dòng, mà bắt đầu chép chữ lớn từ năm thứ 2.
Nay, tháng 6 mùa hạ, năm Cảnh Thống thứ 7, Túc Tông lên ngôi vua, chưa qua sang năm sau đã đổi niên hiệu, đến tháng 12 thì Túc Tông mất. Vậy thì năm Cảnh Thống thứ 7 này là năm cuối cùng đời Hiến Tông, đến năm sau lại là năm đầu đời Uy Mục đế, như thế thành ra thụy hiệu, niên hiệu của Túc Tông không có thể chép vào năm nào được. Tra trong Đường Thư, thì thấy: "Thuận Tông lên ngôi nhằm tháng giêng mùa
xuân năm Trinh Nguyên thứ 21 đời Đức Tông, đến tháng 8 truyền ngôi cho người khác". Về việc này, sách Cương mục chính biên của Chu tử chép phân biệt như thế này: ngay năm ấy chua nhỏ chữ "ất dậu" bằng màu đen; chép lớn chữ "nhị thập nhất niên" bằng màu đen; chua nhỏ chữ "Thuận tông hoàng đế [ niên hiệu ] Vĩnh Trinh" bằng màu đỏ, chua nhỏ chữ "nguyên niên" bằng màu đen. Nay phỏng theo lệ ấy, chua nhỏ chữ "giáp tí" bằng màu đỏ; chép lớn chữ "thất niên" bằng màu đen; chua nhỏ chữ "Túc tông Khâm hoàng đế [ niên hiệu ] Thái Trinh " bằng màu đỏ và chua nhỏ chữ " nguyên niên " bằng màu đen. Đấy là thuộc về biền lệ. Tháng 2, mùa xuân. Nhà vua đi tuần du Tây Kinh.
Tháng 5, mùa hạ. Nhà vua mất.
Trước đây, nhà vua từ Tây Kinh trở về cung, trong mình không được khỏe, lại vì sắc dục quá độ, nên mắc bệnh nặng. Lúc bệnh kịch quá, để mệnh lệnh lại cho Thái tử nối ngôi vua. Đến nay, mất ở điện Đồ Trì.
Nhà vua ở ngôi 7 năm; hưởng thọ 44 tuổi; miếu hiệu Hiến Tông, có 6 con trai.
Nhà vua là người thông minh, thánh trí, nhân từ, hoà nhã, ôn hậu, không làm ra dáng nghiêm khắc. Hằng ngày, mỗi khi lui chầu, thường tìm bọn sĩ đại phu vào cung hỏi han về những điều hay điều dở, trong khi hỏi, lời nói nét mặt tỏ ra dịu dáng, để khơi gợi cho người kia ứng đối lại; nếu có xếp đặt việc gì thì ung dung nhà nhã; lời nói nét mặt không bao giờ lộ ra vẻ khoe khoang. Nhà vua thường nói: Thánh Tổ ta2318 xây dựng khu vực rộng lớn; vua cha ta trong sửa chính sự, ngoài dẹp bọn xâm lăng, quy mô đã định sẵn ta không cần phải thay đổi việc gì, chỉ cốt noi theo phép tắt cũ, làm cho ngày một mở rộng mà tươi sáng hơn, để tỏ rõ công đức của ông cha ta mà thôi.
Lời chua- Sáu người con của Hiến Tông: Con trưởng: An Vương Tuân; con thứ hai: Uy Mục Đế; con thứ ba: Túc Tông; con thứ tư: Thông Vương Dong; con thứ năm: Minh Vương Trị; con thứ sáu: Tư Vương Dưỡng.
Tháng 6, thái tử Thuần lên ngôi vua.
Lê Quảng Độ. tả đô đốc phủ Trung Quân, Lê Đạt Chiêu, tả đô đốc phủ Nam Quân, cùng trăm quan văn võ, rước thái tử Thuần lên ngôi vua ở điện Hoàng Cực ( tức là Túc Tông ). Hạ lệnh đại xá, đổi niên hiệu lấy năm ấy là năm Thái Trinh thứ nhất (1504).
Tôn hoàng thái hậu làm thái hoàng thái hậu.
Sau khi nhà vua lên ngôi, tôn bà tổ mẫu Trường Lạc hoàng thái hậu Nguyễn Thị2319 làm thái hoàng thái hậu.
Sao Trường tinh2320 xuất hiện ở phương tây bắc.
Tháng 9, mùa thu. Truy tôn mẹ là quý phi Nguyễn Thị làm hoàng thái hậu.
Hoàng thái hậu Nguyễn Thị người xã Bình Lăng, huyện Thiên Thi. Lúc Hiến Tông làm thái tử. Nguyễn Thị được tuyển vào hầu trong cung, ngày mồng một tháng 8 năm Hồng Đức thứ 19 (1488) sinh
nhà vua; lúc Hiến Tông lên ngôi, gia phong là quý phi, hậu mất sớm. Đến nay tôn là Trang thuận minh ý hoàng thái hậu.
Lời chua- Thiên Thi: Tên huyện nay thuộc tỉnh Hưng Yên.
Đoàn Thế Nùng ở Cao Bằng nổi loạn, phải chịu tội giết chết.
Thế Nùng làm phản ở Cao Bằng, nhà vua sai quân sĩ bắt được. Thế Nùng cùng đồ đảng hơn 500 người đều phải giết chết.
Lời Chua- Cao Bằng: Tức Bắc Bình, thuộc xứ Ninh Sóc xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 ( Chb.XXI,20,32 ).
Tháng 11, mùa đông. Làm lễ táng Hiến Tông ở Dụ Lăng.
Nhà vua sai bọn Nguyễn Nhân Thiếp, Phạm Thịnh và Trình Chí Sâm biên soạn văn bia.
Lời Chua- Phạm Thịnh: Người xã Tam Nha (á), huyện Gia Định.
Trình Chí Sâm: Người xã Từ Hồ, huyện Đông Yên. Đều đỗ đồng tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487) năm Hồng Đức đời Lê Thánh Tông.
Tháng 12 nhà vua mất.
Nhà vua mất ở điện Hoàng Cực, ở ngôi một năm, hưởng thọ 17 tuổi, miếu hiệu Túc Tông, để tờ chiếu lại cho trăm quan về việc tang phục nhất thiết theo lễ cổ.
Đại thần rước người anh thứ2321 của nhà vua tên là Tấn vào cung điện lên ngôi vua.
Trước kia, Túc Tông bị yếu, hạ sắc lệnh dụ bảo bầy tôi trong triều là bọn Lê Quảng Độ và Lê Năng Nhượng rằng: "Bệnh trẫm không khỏi được, trẫm lo việc nước ký thác nặng nề, không thể gánh vác nổi. Người con thứ hai của tiên hoàng đế là Tấn, hiền hòa, sáng suốt, nhân từ, hiếu nghĩa, có thể nối giữ chính thống được, đại thần trăm quan đều phải hết lòng trung trinh, để giúp nên nghiệp lớn. Các thân vương, nếu có người nào sinh lòng càn dòm dỏ ngôi báu, thì người trong nước đều có quyền giết chết". Đến nay Lê Quảng Độ, tả đô đốc phủ Trung Quân, Lê Năng Nhượng, Tông Nhân Lệnh, cùng văn võ trăm quan đều đến điện Hưng Minh rước Tấn vào cung lên ngôi vua (tức Uy mục đế). Hạ chiếu đại xá, đổi niên hiệu, lấy sang năm làm năm Đoan Khánh thứ nhất.
Sai sứ thần sang nhà Minh.
Trước kia, Túc Tông lên ngôi vua, sai sứ sang nhà Minh:
Bọn Đặng Tán, tả thị lang bộ Lại; Khuất Quỳnh Cửu, Hàn Lâm viện kiểm thảo, và Lưu Quang Phụ, Hộ Khoa đô cấp sự trung, sang dâng cống phẩm hằng năm;
Bọn Nguyễn Bảo Khuê, hữu thị lang bộ Lễ, Trần Bá Lương, đông các hiệu thư, và Vũ Châu, hiệu lý, sang xin phong tước.
Các viên quan kể trên ra đi chưa kịp sang qua quan ải. Đến nay nhà vua lại đổi làm tờ biểu khác rồi sai bọn Bảo Khuê mang đi.
Lời chua- Đặng Tán: Người xã Mạo Bồ, huyện Sơn Vi, đỗ đồng tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487) năm Hồng Đức đời Lê Thánh Tông.
Khuất Quỳnh Cửu: Người xã Lội Trạch, huyện Thạch Thất.
Trần Bá Lương: Người xã Lê Xá, huyện Nghi Dương, Quỳnh Cửu và Bá Lương đều đỗ đồng tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1499) năm Cảnh Thống đời Lê Hiến Tông.
Nguyễn Bảo Khuê: Người xã Lý Hải, huyện An Lãng, đỗ tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487) năm Hồng Đức đời Lê Thánh Tông.
Vũ Châu: Người xã Dị Sử, huyện Đường Hào, đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1499) năm Cảnh Thống.
Ất Sửu, Uy Mục đế năm Đoan Khánh thứ nhất (1505). (Minh, năm Hoằng Trị thứ 18).
ngày mồng một, tháng giêng,mùa xuân. Nhật thực.
Tháng 2. Truy tôn mẹ là Nguyễn Thị làm hoàng thái hậu.
Hoàng thái hậu Nguyễn Thị, người xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, lúc bé, mồ côi và nghèo đói, phải tự bán mình cho nhà một người ở Phụng Thiên. Sau nhà người ấy phạm tội, Nguyễn Thị phải tịch thu làm nô tì trong cung, vì cớ ấy được vào hầu hoàng thái hậu ở cung Trường Lạc. Lúc Hiến Tông làm thái tử, vào cung chầu hoàng thái hậu, trông thấy Nguyễn Thị, lấy làm bằng lòng, mới lấy làm vợ; ngày mồng năm tháng năm năm Hồng Đức thứ 19 (1488) sinh nhà vua. Sau đó, Nguyễn Thị mất sớm. Nay nhà vua lên ngôi, truy tôn là Chiêu nhân hoằng ý hoàng thái hậu, rước bài vị lên thờ phụ ở nhà thái miếu.
Lời chua- Đông Ngàn, tên huyện, nay thuộc tỉnh Bắn Ninh2322 .
Phụng Thiên: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 20, 35).
Tháng 3.Làm lễ táng Túc Tông ở Kính Lăng.
Nhà vua sai bọn Đàm Văn Lễ, Nguyễn Nhân Thiếp, Phạm Thịnh và Trình Chí Sâm soạn văn bia.
Giết thái hoàng thái hậu ở điện Trường Lạc.
Trước kia, Túc Tông mất, hoạn giả là Nguyễn Nhữ Vi muốn lập nhà vua, nhưng thái hoàng thái hậu lấy cớ rằng, nhà vua, do mẹ người hèn hạ sinh ra, không thể phụng thừa chính thống được, và cố ý đòi lập Lã Côi Vương (?). Nhữ Vi liền khuyên thái hậu đi đón Lã Côi Vương (?), rồi bọn Nhữ Vi đóng cửa thành lại mà lập nhà vua. Thái hậu không bằng lòng. Đến nay, nhà vua bèn sai người thân cận giết thái hậu một cách bí mật, rồi hạ lệnh nghĩ thiết triều 7 ngày.
Tháng 4, mùa hạ. Truy dâng tôn hiệu thái hoàng thái hậu.
Nhà vua truy dâng tôn hiệu bà tổ mẫu Nguyễn Thị là Huy gia tĩnh mục ôn cung nhu thuận thái hoàng thái hậu, lại dựng điện Quang Mĩ ở phường Lệ Viên, huyện Quảng Đức, để thờ tiên tổ thái hoàng thái hậu.
Lời phê- Giấu giếm thế nào được tội ác ? Bọn gian giảo lừa dối người ta thường thường như thế, đáng chê cười! Lời chua- Quảng Đức: tên huyện, thuộc phủ Phụng Thiên, nay là huyện Vĩnh Thuận2323 .
Dựng điện Chân Nguyên ở làng Phù Chẩn.
Nhà vua tôn trọng yêu nuông ngoại thích, dựng điện Chân Nguyên và nhà Bảo Thụy ở làng Phù Chẩn để thờ tiên tổ nhà thái hậu Nguyễn Thị.
Lời chua- Làng Phù Chẩn: nay ở huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh2324 .
Làm nhà Tuyên Dự ở Hoa Lăng.
Mẹ đẻ ra nhà vua là thái hậu Nguyễn Thị mất sớm, Kính phi Nguyễn Thị nuôi nhà vua làm con mình. Kịp khi Túc Tông mất, không có con, Kính phi cùng hoạn giả là Nguyễn Nhữ Vi định mưu kế lập nhà vua, nhà vua rất lấy làm ơn. Đến nay làm nhà Tuyên Dự ở Hoa Lăng để thờ tiên tổ Kính phi.
Lời chua- Nguyễn Kính Phi: Người xã Hoa Lăng, huyện Thủy Đường2325 .
Truất chức Đàm Văn Lễ, thượng thư bộ Lễ và Nguyễn Quang Bật, đô ngự sử, làm thừa chính sứ ở thừa tuyên Quảng Nam2326 , rồi giết đi.
Trước kia, lúc Hiến Tông nằm giường bệnh, Kính phi có ý muốn lập nhà vua, nhưng sợ quan đại thần không theo, bèn đem vàng đút lót Đàm Văn Lễ, Văn Lễ không nhận. Kịp khi Hiến Tông bệnh kịch. Văn Lễ cùng Quang Bật nhận tờ di chiếu giúp hoàng thái tử nối ngôi vua. Lúc ấy các vương tranh nhau để được lập làm vua, Văn Lễ sợ việc biến xảy ra trong chốc lát, bèn vào nhà tẩm điện lấy quả ấn truyền quốc đem về nhà mình, rồi cùng các đại thần cùng lập Túc tông. Nhà vua rất lấy làm oán giận. Đến nay, nhà vua dùng mưu mô của Khương Trùng và Nguyễn Nhữ Vi, truất Văn Lễ và Quang Bật đi giữ chức thừa chính sứ đạo Quảng Nam; khi hai người đi đến sông Chân Phúc, nhà vua sai người đuổi kịp, bắt phải tự tử. Bầy tôi trong triều lấy cớ rằng hai người ấy không có tội mà bị chết, nên nhiều người can ngăn; nhà vua đổ lỗi ấy cho Nhữ Vi, rồi lại giết cả Nhữ Vi nữa.
Nhà vua tin dùng những người thân thích bên ngoại, bọn Khương Trùng cậy quyền, ngang ngược, không sợ hãi ai. Lúc ấy, Nguyễn Chí, lấy thân phận là người quê ngoại nhà vua, được cất nhắc làm thiếu doãn phủ Phụng Thiên sau được bổ làm tri phủ Phú Bình. Chí là người mạnh dạn cứng cổ, không chịu khuất phục ai. Nguyễn Trọng thân nhân của Khương Trùng, mang lòng oán Chí, bắt Chí đem đến ngục đình úy, đấm đá cho đến chết.
Lời chua- Quảng Nam: Xem Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 2 (Chb. XXII, 7-9).
Nguyễn Quang Bật: Người xã Bình Ngô, huyện Gia Định, đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ nhị danh khoa Giáp Thìn (1484) năm Hồng Đức.
Khương Trùng: Người xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, một người trong đảng với họ hàng của Nguyễn thái hậu.
Nguyễn Chí: Chí bị Nguyễn Trọng đấm đá chết, vất bỏ ở ngoài thành, con cháu đem xác về để chôn, nhưng rồi lại sống lại, vợ con của Chí phải dùng hài cốt người khác chôn thay và làm lễ để tang 3 năm, làng xóm không ai biết rõ việc ấy. Đến năm Hồng Thuận thứ nhất (1509) đời Tương Dực đế, Chí đến khuyết đình tự tâu bày, lại được trao giữ chức Bí thư giám xá nhân. Sau, Chí làm quan với nhà Mạc.
Sông Chân Phúc: Nay ở huyện Châu Lộc, thuộc tỉnh Nghệ An.
Gia Định: Nay là huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Tháng6. Khởi phục2327 Ngô Hoán làm hiến sát sứ Thanh Hoá.
Hoán, đỗ tiến sĩ đời Hồng Đức, trải thờ Hiến Tông, làm quan Đông các hiệu thư, vì can tội đem việc trong triều nói cho người ngoài biết, nên phải bãi chức và phải sung làm quân ở bản phủ. Năm Cảnh Thống thứ 4 (1501) , Hoán lại thi đỗ sinh đồ. Đến nay, lại được triệu ra bổ dụng.
Bính Dần năm thứ 2 (1506). (Minh Võ Tông, năm Chính Đức thứ nhất ).
Tháng giêng, mùa xuân. Lập Trần Thị làm Hoàng hậu.
Hậu, người xã Nhân Mục, tên là Tùng, con gái viên quản lãnh họ Trần (không rõ tên ), là cháu ngoại một ông vua triều nhà Trần. Nhà vua nghe nói Trần Thị có sắc đẹp, cho tuyển vào cung, đến nay lập làm hoàng hậu. Sau, người em gái tên là Trúc cũng vào trong cung hầu vua.
Lời chua - Xã Nhân Mục: Nay thuộc huyện Thanh Trì, Tỉnh Hà Nội2328 .
Tháng 2. Tuyển hoàng đinh.
Lời chua - Hoàng đinh: Xem Lê Hiến Tông, năm Cảnh Thống thứ 3 (Chb. XXV, 5 ).
Tháng 12, mùa đông. Thi khảo quân và dân về môn viết chữ và tính toán
Nhà vua sai bọn Nguyễn Quang Mĩ, Binh bộ thượng thư, Nguyễn Tinh, Lại khoa đô cấp sự trung, và Nguyễn Trọng Đạt, giám sát ngự sử, thi khảo quân và dân về môn viết chữ và tính toán ở sân điện Giảng Võ. Người ứng thi hơn ba vạn, lấy bọn Nguyễn Tử Kỳ 1519 người trúng tuyển; trong số này trích lấy những người trội hơn được 144 người, thi khảo lại một lần nữa, lấy 25 người trúng tuyển cho sung vào Hoa Văn học sinh, ngoài ra đều cho sung làm lại dịch các nha môn trong kinh và ngoài các đạo.
Lời chua - Nguyễn Tinh: Người xã Văn Xá, huyện Lang Tài, đỗ đồng tiến sĩ khoa Quý Sửu (1493) năm Hồng Đức đời Lê Thánh Tông.
Đinh Mão, năm thứ 3 (1507). (Minh, năm Chính Đức thứ 2 ).
Tháng giêng, mùa xuân. Đặt ti Cường Lực.
Theo chế độ cũ, dũng lực võ sĩ ở các ti thuộc hai vệ Cẩm Y và Kim Ngô đều đặt chức phó quân và đều không câu nệ đội ngũ, chỉ có từ ban thứ nhất đến ban thứ tám, chiếu theo số binh lính nhiều hay ít, để liệu lượng định thứ tự từng ban. Đến nay định lại hiệu quân, bãi bỏ chức phó quân, đổi đặt làm ti Cường Lực.
Lời chua - Các ti trong hai vệ Cẩm Y và Kim Ngô: Xem năm Hồng Đức thứ 4 đời Lê Thánh Tông (Chb. XXII, 32 )2329 .
Phó quân: Xem năm Hồng Đức thứ 22 (Chb. XXIV, 13 ).
Ti Cường Lực: Quân số của ti này không khảo cứu được.
Tháng 3. Nhà vua đi tuần du Tây Kinh; khi trở về, bèn vào thăm điện Chân Nguyên.
Lời chua - Điện Chân Nguyên: Xem năm Đoan Khánh thứ nhất (Chb, XXV, 19 ).
Tháng 11, mùa đông. Sai sứ thần sang nhà Minh.
Trước đây, nhà Minh sai sứ thần sang nước ta.
Tăng Đạc, Hàn Lâm viện biên tu, và Trương Hoằng Chí, Lại khoa cấp sự trung, sang báo cáo việc Võ Tông [nhà Minh] lên ngôi và ban cho lụa hoa;
Hà Lộ, hành nhân trong ti Hành Nhân, sang dụ bảo việc ban lễ tế Hiến Tông [nhà Lê];
Thẩm Đào, Hàn Lâm viện biên tu, và Hứa Thiên Tích, Công Khoa cấp sự trung, sang sách phong nhà vua làm An nam quốc vương và ban cho mũ áo bì biền2330 .
Lúc Thiên Tích trông thấy nhà vua, nhân làm câu thơ rằng: "An nam tứ bách vận vưu trường, thiên ý như hà giáng quỷ vương ? " Ý nói: Vận mệnh An nam bốn trăm năm rất dài lâu, không biết ý trời thế nào mà lại giáng sinh ông vua quỷ sứ ?
Đến đây, nhà vua sai sứ thần sang nhà Minh:
Bọn Dương Trực Nguyên, Hộ bộ tả thị lang, Chu Văn Đông các hiệuu thư, và Đinh Thuận, Hàn Lâm viện kiểm thảo, sang chúc mừng Minh Võ Tông lên ngôi vua;
Nguyễn Thuyên, Hồng lô tự Thiếu khanh, sang dâng hương;
Bọn Nguyễn Thụ, Công Bộ hữu thị lang, Doãn Mậu khôi, Hàn Lâm viện kiểm thảo, và Lê Đinh Chi, Hộ khoa cấp sự trung, sang tạ ân việc ban cho tế phẩm;
Bọn Lê Tung, thừa chính sứ Thanh Hóa, Đinh Trinh, Hàn Lâm viện kiểm thảo, và Lê Hiếu Trung, giám sát ngự sử, sang tạ việc sách phong;
Bọn Lê Uyên tham chính Nghệ An, Ngô Tuy, Hàn Lâm viện hiệu lý, và Hoàng Nhạc, giám sát ngự sử, sang dâng lễ cống hàng năm.
Lời chua - Chu Văn: Người xã Đa Sĩ, huyện Đường Hào đỗ tiến sĩ khoa Kỹ Mùi (1499) năm Cảnh Thống đời Lê Hiến Tống.
Đinh Thuận: Người xã An Dương, huyện Tây Lan.
Lê Đỉnh Chi: Người xã Lạc Sơn, huyện Lập Thành.
Ngô Tuy: Người xã Tông Tranh, huyện Đường Yên. Những người kể trên đều đỗ đồng tiến sĩ khoa kỷ Mùi (1499) năm cảnh thống.
Doãn Mậu Khôi: Người xã An Duyên, huyện Thượng Phúc.
Đinh Trinh: Người xã Vị Khê, huyện Thanh Lan. Khôi và Trinh đều đỗ đồng tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502) năm Cảnh Thống.
Lê Trung Hiếu: Người xã Chi Nê, huyện Chương Đức, đỗ đồng tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502) năm Cảnh Thống, làm quan đến Quố Tử giám tư nghiệp. Khoảng năm Quang Thiệu, Trịnh Tuy bắt cóc Lê Chiêu Tông đem vào Thanh Hóa, Trung Hiếu không chịu khuất mà chết2331 .
Hoàng Nhạc: Người xã Hoàng Xá, huyện Đông Thành, đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502) năm Cảnh Thống.
Mậu Thìn, năm thứ 4 (1508). (Minh, năm Chính Đức thứ 3 ).
Tháng 2, mùa xuân. Bổ dụng Mạc Đăng Dung làm đô chỉ huy sứ ở ti Đô chỉ huy sứ thuộc vệ Thiên Võ.
Đăng Dung, người xã Cổ Trai, huyện Nghi Dương; ông tổ bảy đời của Đăng Dung là Đĩnh Chi ở làng Đông Cao, huyện Bình Hà, đỗ trạng nguyên triều nhà Trần, làm quan đến tả bộc xạ. Đĩnh Chi sinh con là Dao, Dao sinh con là Túy, Túy sinh con là Tung, dời đến xã Lang Khê, huyện Thanh Hà, Tung sinh con là Bình, lại dời về ở xã Cổ Trai huyện Nghi Dương, Bình sinh con là Hịch, Hịch lấy con gái Đặng Xuân, sinh 3 con trai: con trưởng là Đăng Dung, con thứ 2 là Đốc Tín, con thứ 3 là Quyết. Đăng Dung, lúc bé có sức mạnh, nhà nghèo làm nghề đánh chài. Lúc ấy nhà vua muốn tìm kiếp dũng sĩ, Đăng Dung thi khảo, trúng đô lực sĩ, được sung vào túc trực bảo vệ trong cung cấm. Đến nay nhà vua bổ cho chức này
Lời chua - Vệ Tuyên Võ: Xem Tương Dực đế, năm Hồng Thuận thứ 2 (Chb. XXVI, 4 ).
Làng Đông Cao, huyện Bình Hà: Nay là xã Long Động, huyện Chí Linh.
Xã Lan Khê huyện Thanh Hà: Nay đều thuộc phủ Nam Sách.
Xã Cổ Trai huyện Nghi Dương: Nay thuộc phủ Kiến Thụy. Đều lệ thuộc tỉnh Hải Dương.
Tháng 10, mùa đông. Bắt đô ngự sử Đỗ Nhân giao xuống ngục hình, ít lâu, Nhân lại được tha.
Trước kia. Nhân gặp tang mẹ nghĩ [việc quan, về nhà riêng ] khi đoạn tang, được khởi phục làm hữu thị lang bộ Lễ, sau được thăng làm phó đô ngự sử trong Ngự sử đài. Đến nay, vì nói việc gì đó trái với ý vua, bị bắt giao xuống hình ngục, sau Nhân lại được tha.
Nước Hắc La La xâm lấn cửa ải Chu Quan. Nhà vua sai bọn Lê Quýnh đem quân đi đánh, chia lập giới mốc ở nơi quan ải, rồi dẫn quân về.
Nước Hắc La La xâm lấn vào cửa ải Chu Quan. Nhà vua sai Trần Thúc Mại, đô đốc Bắc quân, làm phó tướng doanh Hữu du kính, Phạm Nhất Ngạc làm ký lục, dẫn quân đi trước; một mặt hạ lệnh cho Mỹ quận công Lê Quýnh làm Chinh man tướng quân, Đan Khê bá Trịnh Hựu làm phó, thống lĩnh các vệ Thần Võ. Hiệu Lực, Điện Tiền và quân trong Ngũ phủ, tất cả 6 vạn người đi đánh. Quân kéo đến cửa ải Chu Quan, chia lập giới mốc; lại hạ lệnh cho bọn Lê Quýnh chỉnh lý đất đai ở Chu Quan thuộc châu Thủy Vĩ xứ Hưng Hóa, sửa sang xếp đặt công việc ở quan ải, rồi dẫn quân về.
Lời cẩn án : - Sử cũ chép "Nhà vua hạ lệnh cho bọn Lê Quýnh kinh lý Thuận Hóa ". Nay tra chữ "Thuận Hóa " chính là chữ "Hưng Hóa " mà sử cũ chép lầm, nên cải chính lại. Lời chua - Hắc La La: Theo sách thiên hạ quận quốc lợi bệnh toàn thư, thì nước Hắc La La là giống man di ở Vân Nam thuộc tỉnh Vân Nam.
Chu Quan: Theo điền lệ quan chế triều Lê, thì ti Tuần kiểm sứ thuộc Đô tổng binh sứ ti ở Hưng Hóa có cửa Chu Quan, thuộc châu Thủy Vĩ.
Thần Võ, Hiệu Lực và Điện Tiền: Đều xem Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 4 (Chb. XXII, 23 ).
Quân Ngũ Phủ và doanh du kính: Đều xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 7 (Chb. XX, 2-7 ).
Hứng Hóa: Xem năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XX 16, 19 ).
Châu Thủy Vĩ: Nay thuộc tỉnh Hưng Hóa2332 .
Kỷ Tỵ, năm thứ 5 (1509). (Từ tháng 12 trở về sau, thuộc năm Hồng Thuận thứ nhất đời Tương Dực đế. (Minh, năm Chính Đức thứ 4 ).
Tháng 2, mùa xuân. Nhà vua cày ruộng tịch điền, cái cày bị gãy.
Quả chuông ở điện Kính Thiên tự nhiên rơi xuống.
Cái bồ lao treo hai quả chuông lớn ở điện Kính Thiên thình lình bị đứt đoạn, quả chuông tự rơi xuống.
Lời chua - Điện Kính Thiên: Xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ nhất (Chb. XV, 13 ).
Đặt ti Phi võ lực sĩ.
Theo chế độ cũ, lực sĩ điện Kim Quang 10 ti, mỗi ti lực sĩ 100 người, bác sĩ 2 người thay ban nhau phụng mệnh túc trực ở điện Kim Quang. Đến nay, mới đặt Phi Võ ti lực sĩ 100 người, phụng mệnh túc trực cung Đoan Khang, cũng như thể lệ lực sĩ túc trực điện Kim Quang. Bổ dụng Nguyễn Tông làm đô phi võ lực sĩ nội sứ trong ti Phi Võ, Nguyễn Công Luận làm Phi Võ lực sĩ nội sứ.
Lời chua - Lực sĩ 10 ti túc trực điện Kim Quang: Xem Lê Thánh Tông năm Quang Thuận thứ 8 (Chb. XX, 31 ).
Đặt hai giám ti Ngự tượng và Ngự mã.
Tính nhà vua thích dũng lực, nhân đi tế yết giao đàn trờ về, cỡi voi vào cửa Đông Hoa, sai quân các ti và quân các vệ trong Ngũ phủ, quản lãnh voi công dẫn đến trước mặt vua để ứng tuyển, đặt hai giám ti Ngự tượng và Ngự mã; quân sĩ ở ti Ngự tượng đội mũ màu thủy ngân, vẽ hoa kim quỳ, quân sĩ ti Ngự mã đội mũ màu thủy ngân, vẽ hoa hồng quy. Mỗi ngày, sai hai viên giám quân đấu sức với nhau; hai viên cầm gậy đánh nhau từ cửa Thanh Dương đến ngoài cửa Thái Miếu, nhà vua tới xem, lấy làm thích thưởng cho tiền và lụa.
Từ sau khi lên ngôi, nhà vua mỗi đêm cùng cung nhân vui đùa uống rượu quá độ. Khi rượu say, liền giết cung nhân đi. Lúc ấy quyền bính về tay ngoại thích: mặt đông thì ngoại thích ở Hoa Lăng, mặt nam thì ngoại thích ở Nhân Mục, mặt bắc thì ngoại thích ở Phù Chẩn, đều cậy quyền thế ức hiếp trăm quan, mượn mánh khóe để đòi của báu; lại còn giết hại sinh dân, của cải vật dụng ở dân gian cướp lấy đến hết. Muôn dân oán hờn mà nhà vua không biết. Nhà vua lại đem lòng nghi ngờ ghen ghét bầy tôi, người nào ngày trước không phụ họa với mình thì thường thường giết đi; mặt khác, lại bí mật sai người trong cung là Nguyễn Đình Khoa thân hành dò xét các chú và anh em: Kinh vương2333 sợ vạ lây, phải đi trốn tránh, không biết đi đâu; Giản tu công Oánh2334 , là chỗ con chú con bác, cũng bị bắt giam vào ngục. Vì thế, ai cũng lo sẽ nguy hiểm đến tính mạng, càng nghĩ đến việc nổi loạn.
Lời chua - Hai giám ti Ngự tượng và Ngự mã: Số quân bao nhiêu, nay không khảo cứu được.
Hoa Lăng và Phù Chẩn: Xem năm Đoan Khánh thứ nhất (Chb. XXV. 20 ).
Nhân Mục: Xem năm Đoan Khánh thứ 2 (Chb. XXV. 22 ).
Giản tu công Oánh: Con thứ 2 Kiến vương Tân, tức Tương Dực đế sau này.
Hạ lệnh cho bọn đô đốc Lê Tử Vân và Vũ Cảnh đi chinh lý xếp đặt công việc ở Quảng Nam.
Trước kia, Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, bắt được Trà Toại và vợ con hắn2335 mang về an trí ở ngoài cửa Bảo Khánh gần 30 năm; Trà Toại mất, đến khoảng niên hiệu Cảnh Thống2336 , con Trà Toại là Trà Phúc lấy trộm hài cốt mang trốn về. Đến nay, những người Chiêm Thành làm nô lệ ở điền trang các nhà công thần thế gia cũng bỏ trốn về nước. Gặp lúc ấy, bọn Ma Mạt, người Chiêm Thành đi biển bị trôi giạt, quan quân nước ta bắt được, Ma Mạt cung xưng: "Năm trước Trà Phúc trốn về, sai con là Mạ La sang cầu viện với nhà Minh và đóng nhiều thuyền chứa lương thảo ". Vì cớ ấy, nhà vua hạ lệnh cho bọn Vũ Cảnh đi kinh lý xếp đặt công việc ở Quảng Nam. Nhà vua hạ chiếu bắt người Chiêm Thành nào còn bị giam giữ đem giết hết.
Lời chua - Quảng Nam: Xem Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 2 (Chb. XXII, 7, 10 ).
Chiêm Thành: Tức Lâm Ấp, xem thuộc Tấn, Mục đế, năm Vĩnh Hòa thứ 9 (Tb, III, 20,21 ).
Tháng 9, mùa thu. Định rõ lại niên hạn tư cách lựa chọn cất nhắc giám sinh và nho sinh.
Dương Đức Giản, Lại khoa đô cấp sự trung, dâng sớ nói: "Năm Hồng Đức thứ 7 (1476) có chiếu chỉ: Phàm Giám sinh ở Quốc Tử giám sung vào tam xá sinh mà tuổi từ 30 trở lên, mới được lựa chọn bổ dụng ". Đến năm Hồng Đức thứ 8 (1477) lại có sắc chỉ: "Nho sinh ở Chiêu văn quán, Tú Lâm cục đã lâu năm, mà có tài cán và thi hội trúng một, hai, ba kỳ, đều được cất nhắc bổ dụng, không câu nệ vào niên hạn ". Và xét giám sinh, nho sinh tuổi chưa đến 30, sung bổ chưa đầy 15 năm, mà chỉ dựa vào việc thi
hội trúng một, hai, ba kỳ, thì thường có người cầu may để tiến thân, như thế, phần nhiều có điều không tiện. Xin từ nay, giám sinh, nho sinh tuổi từ 30 trở lên, mới được sung bổ, lại phải sung bổ đủ 15 năm trở lên, mới được lựa chọn cất nhắc
Đến nay, nhà vua hạ lệnh cho bọn Ninh quận công Lê Quảng Độ bàn định lại: giám sinh trong Quốc Tử giám, người nào thi hội nhiều lần trúng được ba kỳ, ở Giám được 15 năm trở lên mà sung vào thượng xá sinh, thì tiến dẫn lựa chọn, sẽ cất nhắc giữ các chức thủ lĩnh, bạn độc, trưởng sử và huấn đạo; còn người nào nhiều lần thi hội trúng ba kỳ, đã ở Giám đũ 15 năm mà chưa được sung vào thượng xá sinh, và người nào một lần thi hội trúng ba kỳ mà ở Giám đã được 18 năm trở lên, thì lựa chọn cất nhắc giữa các chức cáp môn, tự ban và giảng dụ.
"Quan viên tử, quan viên tôn sung vào nho sinh ở Chiêu văn quán, Tú lâm cục, mà thi hội trúng ba kỳ đã ở quán hoặc cục đủ 15 năm trở lên và người trúng một kỳ mà ở quán hoặc cục đã đủ 18 năm trở lên, thì lựa chọn bổ dụng các chức chăn dân2337 hoặc thủ lĩnh; người nào lâu năm mà có tài cán, dầu không trúng ba kỳ thi hội mà ở quán hoặc cục đã đủ 25 năm trở lên, thì lựa chọn cất nhắc giữ chức tá nhị2338 ở châu hoặc huyện.
Thân thuộc dòng dõi của Hoàng hậu và con cháu của bầy tôi có công khai quốc, thì sung vào nho sinh quán Chiêu văn theo như thể lệ cũ ".
Lời chua - Tam xá sinh: Xem Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 14 (Chb. XXIII, 39 - 40 ).
Chiêu văn quán, Tú Lâm cục: Xem năm Hồng Đức thứ 8 (Chb. XXIII, 6 ).
Tháng 10, mùa đông. Sao chổi xuất hiện ở phương tây.
Sao chổi xuất hiện 10 ngày mới lặn.
Tháng 11, mùa đông. Có sắc trắng xuất hiện ở phương tây - nam.
Sắc trắng hình như cái kiếm, dài hơn một trượng.
Tôn thất Giản Tu công là Oánh làm phản.
Lúc ấy nhà vua đuổi các người tôn thất và công thần về Thanh Hóa. Uy quyền của bọn ngoại thích là Khương Trùng và Nguyễn Bá Thắng làm nghiêng lệnh cả trong triều đình và ngoài các địa phương, chúng tự tiện làm oai làm phúc; dân gian không có kế gì xoay sở được tay chân, thiên hạ mất hết hi vọng. Nguyễn Văn Lang lấy thân phận là họ thân của Nguyễn Thái hậu cũng bị đuổi. Người đại thần trong họ tôn thất là Nghi quận công Lê Năng Cẩn không được hài lòng, bèn gởi cho Văn Lang bài thơ bảo đem quân giết hết bè đảng bạo nghịch. Văn Lang bèn đem nô bọc người Chiêm Thành là Chế Mạn cùng Vũ Bá, Vũ Tiếp hiệu triệu nhân dân ba phủ thuộc Thanh Hóa hội hợp ở thành Tây Đô, rồi đem quân chấn giữ cửa biển Thần Phù. Gặp lúc ấy, Giản Tu Công tên là Oánh trước bị giam trong ngục, Oánh đem nhiều lễ vật đút lót cho người canh ngục, được thoát ra, trốn về Tây Đô. Khi Oánh đi đến cửa biển Thần Phù, Văn Lang đón rước lập làm minh chủ2339 . Nhân đấy, Oánh đem đại thần là bọn Nguyễn Diễn, Ngô Khế, Nguyễn Bá Cao, Lê Trạm cùng những viên quan ở Thanh Hóa là tổng binh thiêm sự Nguyễn Bá Tuấn, thừa tuyên sứ Lê Tung, tham chính Nguyễn [Thì] Ung cùng nhau khởi binh, sai Lương Đắc Bằng làm tờ hịch dụ bảo đại thần trăm quan, rồi giả xưng là Cẩm Giang vương, kéo lá cờ chiêu an, tiến quân đến sát Đông Kinh.
Lời chua - Nguyễn Văn Lang: Người xã Gia Miêu huyện Tống Sơn, là con Thái úy Nguyễn Đức Trung.
Nguyễn Bá Tuấn: Người xã Đại Lạc, huyện Vũ Ninh, đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1499) năm Cảnh Thống đời Lê Hiến Tông, sau đổi tên là Bá Thuyên.
Nguyễn [Thì] Ung: Người xã Đa Ngưu, huyện Tế Giang, đỗ đồng tiến sĩ khoa Quý Sửu (1493) năm Hồng Đức đời Lê Thánh Tông.
Cẩm Giang vương: Tên Sùng, con trưởng của Kiến vương Tân. Sùng bị Uy Mục đế giết, lúc Tương Dực đế lên ngôi vua, truy phong là Trang Định đại vương, kịp lúc Chiêu Tông lên ngôi, truy tôn là Minh tông triết hoàng đế.
Lương Đắc Bằng: Người xã Hội Triều, huyện Hoằng Hóa, đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh (tức bản nhản ) khoa Kỷ Mùi (1499) năm Cảnh Thống đời Lê Hiến Tông.
Ba phủ thuộc Thanh Hóa: Hà Trung, Thiệu Hóa và Tĩnh Gia.
Cửa biển Thần Phù: Nay ở xã Thần Phù, huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình.
Oánh, tiến quân đến núi Thiên Kiện. Nhà vua sai lũ Lê Võ, Đông nham bá và Dương Trực Nguyên, đô ngự sử, đi đánh. Võ và Nguyên đánh không thắng, bị chết.
Giản Tu công Oánh đem quân thủy, quân bộ các dinh cùng tiến: quân thủy kéo đến núi Thiên Kiện. Nhà vua dùng 2 chiếc thuyền nhỏ Hà Thanh và Hải Thanh đi vội đến Thiên Kiện, bắt được một viên tướng trong hàng ngũ quân thủy và chém được 20 thủ cấp đem về ngoài cửa Đông Hoa. Rồi hạ lệnh cho Đông nham bá Lê Võ sung làm tán lý, Ngự sử đài đô Ngự sử Dương Trực Nguyên sung làm ký lục, cùng bọn hữu thị lang Phạm Thịnh và Trần Năng thống lĩnh quân cấm binh cùng các vệ quân Thần Võ, Hiệu Lực, Điện Tiền đi chống cự, nhưng không đánh thắng được.
Lúc ấy thân thích của Oánh có: mẹ là Trịnh Thị, anh là Cẩm Giang vương Sùng, em là bọn Tĩnh lượng công Doanh và Quyên đều ở Đông Đô, nhà vua hạ lệnh cho giết hết. Sau khi Sùng đã bị giết, Oánh còn đem cờ chiêu an của Cẩm Giang vương chiêu dụ bọn tên Võ đầu hàng. Võ đem đầu của Cẩm Giang vương bảo cho Oánh biết và nói rằng: "Nói dối nhau làm gì ? " Bọn Võ tiến đánh, bị chết trận. Bọn Dương Trực Nguyên, Phạm Thịnh và Trần Năng cũng bị chết ở Châu Cầu.
Lời chua - Núi Thiên Kiện: Xem Trần Dụ Tông, năm Đại Trị thứ 5 (Chb. X, 17 ).
Cửa Đông Hoa: Ở cửa Đông thành Thăng Long.
Châu Cầu: Nay là xã Châu Cầu, thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nội2340 .
Trần Năng: Người xã Quan San, huyện Thanh Lâm, đỗ tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (tức thám hoa ) khoa Quý Sửu (1493) năm Hồng Đức đời Lê Thánh Tông.
Mẹ của Oánh: Theo Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, thì mẹ của Oánh là Đặng Thị, người xã Thủy Chú, huyện Lôi Dương, con gái của đô đốc thiêm sự Trịnh Trọng Phong. Năm Hồng Đức thứ 15 (1484) được tuyển làm vợ Kiến vương Tân, sinh ra Tương Dực đế. Kịp lúc Tương Dực đế khởi binh. Trịnh Thị bị Uy Mục đế giết; sau Tương Dực đế lên ngôi, truy tôn là Từ Huy hoàng thái hậu.
Doanh và Quyên: Đều là con Kiến vương Tân và là em Tương Dực đế, đều bị Uy Mục đế giết.
Tháng 12, Giản Tu công Oánh giết nhà vua và hoàng hậu Trần Thị, tự lập làm vua.
Quân của Oánh tiến đến làng Bảo Đà và phường Hồng Mai. Nhà vua ra cửa Thanh Dương yên ủy tướng sĩ, lấy kiếm trao cho bọn Trịnh Chí Sâm và Lê Quảng Độ. Một mặt đem vàng bạc tiền lụa trong kho ban cho người phạm tội bị giam mỗi người ba quan và buông tha ra bắt phải đi đánh giặc. Các phạm nhân lạy tạ nhận xong thì họ đều về nhà. Một mặt khác hạ lệnh cho Trung sứ và Hoa văn học sinh đem
sắc văn và phù hiệu đến các xứ Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và An Bang đều động lấy mỗi xứ 5000 lính bản thổ đem vào bảo vệ kinh thành. Bọn Trung sứ và Hoa văn học sinh chưa đi đến Bồ Đề, thì quân của Oánh đã tiến đến sát kinh thành, dân chúng đều bỏ trốn; hoàng hậu Trần Thị chạy ẩn núp ở nhà một người dân Hồng Mai, tự thắt cổ chết.
Lê Quảng Độ cùng Oánh, người trong thành, người ngoài thành, ứng tiếp lẫn nhau, bắn pháo để báo hiệu. Quân sĩ thì hoặc lấy ngọn tre hoặc đẵn cây đánh lẫn nhau để cho các quân sĩ sợ hãi. Nhân đấy, Quảng Độ bắt cóc nhà vua chạy sang mặt bắc.
Khi Oánh vào Đông Kinh, nghe tin mẹ cùng em là bọn Doanh và Quyên, anh là Sùng đều bị giết, sai quan làm lễ táng, tế.
Nhà vua chạy đến phường Nhật Chiêu, vệ sĩ đuổi theo bắt được, đem trói ở cửa Lệ Cảnh. Oánh cho tên vệ sĩ ấy là người bất nghĩa, sai đem chém đi. Nhà vua uống thuốc độc tự tử. Oánh căm giận về việc nhà vua giết mẹ cùng anh em của mình, bèn sai người dùng cổ đại bác đem thây đặt ở hỏa khẩu, khi súng nổ, hài cốt bị tan tành, chỉ lấy tro tàn đem về táng ở An Lăng tại làng Phù Chẩn là nơi quê mẹ mà thôi. Oánh giáng tước nhà vua làm Mẫu Lệ Công, rồi lên ngôi hoàng đế, ân xá cho trong nước, đổi niên hiệu là Hồng Thuận.
Lời chua - Xã Bảo Đà: Nay thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Nội2341 .
Phường Hồng Mai: Nay đổi Bạch Mai thuộc huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội2342 .
Hoa văn học sinh: Xem Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 252343 (Chb. XXIV, 16, 17 ).
Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, An Bang: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 19, 29, 30, 31 ).
Bồ Đề: Xem Bình Định vương năm thứ 10 (Chb, XIV, 4 ).
Phường Nhật Chiêu: Ở huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hà Nội2344 .
Phù Chẩn: Xem năm Đoan Khánh thứ nhất (Chb. XXV, 19 ).
Truy tôn: cha là Kiến vương Tân làm Kiến hoàng đế, mẹ là Trịnh Thị làm hoàng thái hậu; tặng tước vương cho 3 người: anh và em.
Truy dâng: tôn thụy.
Kiến vương là Phối thiên dụ thánh ôn lương quang minh văn triết khoan hoằng chương tín tuy hưu mục hiếu Kiến hoàng đế, tôn hiệu Trịnh Thị là Huy Từ trang huệ gia lượng nhu thánh hòa mục tín khiêm minh chính ý thuần phúc khánh hoàng thái hậu; tặng phong: anh trưởng là Cẩm Giang Vương Sùng làm Trang Định đại vương, em thứ là Tĩnh Lượng công Doanh làm Mục ý vương, và em út là Quyên làm Dực Cung vương.