K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c
Chính Biên
Quyển thứ XIII
Từ Mậu Tuất (1418), Bình Định vương Lê Lợi năm thứ 1 đến Bính Ngọ (1426), Bình Định vương Lê Lợi năm thứ 9, gồm 9 năm.
Mậu Tuất (1418). (Bình Định vương Lê Lợi năm thứ 1. Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 16).
Tháng giêng, mùa xuân. Lê Lợi, người Thanh Hóa, dấy quân ở Lam Sơn, tự lập làm Bình Định vương.
Vương, người làng Lam Sơn, huyện Lương Giang thuộc Thanh Hóa, sinh ngày tháng 81267 năm Ất Sửu, niên hiệu Xương Phù thứ 9 (1385) đời Trần, tại làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương. Sinh ra đời rồi, Vương là người tuấn tú, tiếng nói như tiếng chuông lớn, đi như rồng đi, bước như hổ bước. Trước mắt những người có kiến thức, Vương được coi là bậc phi thường.
Sau cuộc thất bại của nghịch Hồ1268 , người Minh xâm lược chiếm cứ: pháp luật dữ dội, hình phạt hà khắc, thuế nặng, sưu cao. Nghe biết Vương có tài trí và kiến thức, người Minh muốn dụ dỗ Vương bằng chức nọ quan kia; nhưng Vương không chịu khuất, khảng khái có chí dẹp loạn và nói: "Trượng phu ở đời phải nên cứu nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm hàng nghìn thuở, chứ đâu lại xun xoe đi phục dịch kẻ khác!". Rồi Vương ẩn náu ở nơi rừng núi, mời đón những bậc có mưu trí, có sức mạnh, chiêu tập vỗ về những kẻ xiêu dạt lưu ly. Cùng với các tướng tá là bọn Lê Thạch, Lê Liễu mưu tính nhằm mùa xuân năm Mậu Tuất (1418), dấy quân. Vương chia đặt các quan chức và liêu thuộc, truyền hịch đi các nơi xa gần: hẹn ngày trừ diệt giặc Minh.
Lời phê1269 - Như thế mới đáng là anh hùng. Lê Lợi mở được nền chính thống cho nghìn năm: thật đáng là bậc nối gót Hán Cao Tổ1270 . Lời cẩn án - Bình Định vương ban đầu dấy lên ở Lam Sơn, tức cũng như Bái Công1271 , với một thanh kiếm, nổi lên ở Bái Trung. Vậy, nên theo thể lệ của Cương Mục [Trung Quốc] chép về liệt quốc mà chua ở dòng chữ nhỏ1272 ; thế mà Sử cũ liệt vào chính thống, chép "nguyên niên" (năm thứ nhất) [của Bình Định vương] bằng chữ lớn. Nay kháp với thể lệ của Cương Mục [Trung Quốc] chép về "Lưu Bang, người nước Sở, dấy quân ở đất Bái, tự lập làm Bái công" thì thấy chưa hợp, vậy xin chép lại để tỏ nghĩa chính thống1273 .
Lời chua - Thanh Hóa: Tức Ái Châu xưa. Xem Lê Thánh Tông năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 16).
Lam Sơn: Tên làng (hương), nay là huyện Thụy Nguyên thuộc phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Lương Giang: Tên huyện, nay là huyện Thụy Nguyên thuộc phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Lôi Dương: Tên huyện, nay thuộc phủ Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Chủ Sơn: Tên xã, nay là Thủy Chú, thuộc huyện Lôi Dương.
Vương đánh và thắng được Mã Kỳ nhà Minh.
Mã Kỳ, nội quan Minh, được tin Bình Định vương dấy quân ở Lam Sơn, bèn kéo quân đến bức bách. Vương lui đóng ở Lạc Thủy, đặt quân phục sẵn để đợi giặc. Khi Mã Kỳ đến, quân phục đổ ra đánh. Các tướng Lê Thạch, Lê Ngân và Lê Lý đua nhau xung phong, phá trận địch: chém hơn nghìn thủ cấp, bắt được quân nhu và khí giới kể đến hàng nghìn.
Cách vài ngày sau, tên Ái (không rõ họ) phụ đạo ở sách1274 Nguyệt Ấn, dắt quân Minh đi đường tắt đến đánh úp: quân của Vương bị vỡ, chạy tan tác; vợ và con gái của Vương bị địch bắt. Vương thu thập số quân tan vỡ còn sót lại, rồi cùng với các tướng Đinh Lễ, Đỗ Bí và Lê Xí lặng lẽ rút vào ẩn náu ở núi Chí Linh.
Lời chua - Tây Đô: Xem Trần Đế Ngỗi, năm Hưng Khánh thứ 1 (Chính biên XII, 16).
Lạc Thủy: Tức Cử Long. Xem Lê Đại Hành, năm Ứng Thiên thứ 8 (Chính biên I, 34-35).
Sách1275 Nguyệt Ấn: Nay thuộc tổng Quảng Thi, huyện Thụy Nguyên.
Núi Chí Linh: Ở địa phận mường Giao Lão, nay thuộc đất phủ Trấn Định, Nghệ An.
Tháng 7, mùa thu. Người Minh thiết lập trường sở thu hột trai.
Hải phận Tĩnh An và Vân Đồn sản nhiều ngọc trai. Người Minh lập nên trường sở để coi giữ việc lặt lượm ngọc trai. Hằng ngày, chúng bắt đến hàng nghìn người dân làm việc lực dịch ấy. Bấy giờ người Minh yêu sách đòi hỏi không biết thế nào là chán. Phàm những địa phương có hồ tiêu, hương liệu, hươu trắng, voi trắng, rùa chín đuôi, chim vẹt1276 , vượn bạc má và con trăn, vân vân, chúng đều buộc dân phải đi kiếm, đi bắt đem nộp để đưa về Yên Kinh. Dân tình, do đấy, nháo nhác nôn nao!
Lời phê - Than ôi! Dân ta lại mắc phải một ách vận này! Lời chua - Tĩnh An: Châu Vĩnh An xưa. Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 14 (Chính biên II, 23-24).
Vân Đồn: Xem Lý Anh Tông, năm Đại Định thứ 10 (Chính biên IV, 43).
Kỷ Hợi (1419). (Bình Định vương năm thứ 2. Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 17).
Tháng 2, mùa xuân. Nhà Minh ban phát sách vở để dùng cho các trường học hàng phủ, hàng châu và hàng huyện. Lại sai thày chùa truyền bá kinh Phật.
Trước kia, vua Minh, dưới sự định đoạt của mình, cho in ra các sách Ngũ Kinh1277 , Tứ thư1278 và Tính lý đại toàn1279 . Khi sách xong, hạ chiếu cho ban phát khắp trong và ngoài nước. Vua Minh dụ bảo Bộ Lễ rằng: "Nghĩa lý tinh túy của thánh hiền ở cả trong sách này. Đó thật là căn bản cho người theo học. Các người khá thể theo ý chỉ của trẫm, hiểu dụ những người theo học hết lòng giảng luận nghiên cứu, chứ đừng nên coi chỉ là lời suông mà thôi". Đến đây, vua Minh sai giám sinh Đường Nghĩa sang Nam, ban phát sách vở nói trên cho những người nho học ở các phủ, các châu, các huyện. Lại sai các thày chùa truyền bá kinh Phật ở các Tăng, Đạo ti. Còn các sự tích và sử sách của nước ta từ đời Trần trở về trước đều tịch thu đưa về Kim Lăng1280 .
Lời chua - Tăng, Đạo ti: Theo Minh sử , khoảng giữa niên hiệu Vĩnh Lạc (1403- 1424), nhà Minh đặt ra ti Tăng Cương và ti Đạo Kỷ.
Sử sách: Theo phần "Văn tịch chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú thì từ đời Trần trở về trước, các đời thường có điển chương và sử sách:
Hình thư 3 quyển Lý Thái Tông1281
Quốc triều thông lễ 10 quyển Trần Thái Tông
Hình luật 1 quyển Trần Thái Tông
Kiến trung thường lễ 10 quyển Trần Thái Tông
Khoá hư tập1282 1 quyển Trần Thái Tông
Ngự thi1283 1 quyển Trần Thái Tông
Di hậu lục 2 quyển Trần Thánh Tông
Cơ cừu lục 1 quyển Trần Thánh Tông
Thi tập1284 1 quyển Trần Thánh Tông
Trần triều đại điển 2 quyển Trần Dụ Tông1285
Trùng hưng thực lục1286 2 quyển Trần Nhân Tông
Thi tập1277 1 quyển Trần Nhân Tông
Thi tập1288 1 quyển Trần Minh Tông
Thủy vân tùy bút1289 2 quyển Trần Anh Tông
Bảo Hòa điện dư bút1290 8 quyển Trần Nghệ Tông
Thi tập1291 1 quyển Trần Nghệ Tông
Binh gia yếu lược 1 bộ Trần Hưng Đạo đại vương Quốc Tuấn
Vạn kiếp bí truyền 1 bộ Trần Hưng Đạo đại vương Quốc Tuấn
Tứ thư thuyết ước 1 bộ Chu Văn Trinh1292
Tiều ẩn1293 thi 1 tập Chu Văn Trinh
Sầm lâu1294 tập 1 quyển Uy Văn vương Trần Quốc Tụy
Lạc đạo tập1295 1 quyển Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải
Băng Hồ1296 ngọc hức tập 1 quyển Tư đồ Trần Nguyên Đán
Giới Hiên1297 thi tập 1 quyển Nguyễn Trung Ngạn
Hiệp Thạch1298 tập 1 quyển Phạm Sư Mạnh
Cúc Đường di thảo 2 quyển Trần Nguyên Đào
Thảo nhàn hiệu tần 1 quyển Hồ Tôn [Tông] Thốc1299
Việt Nam thế chí 1 bộ Hồ Tôn Thốc
Việt sử cương mục 1 bộ Hồ Tôn Thốc
Đại Việt sử ký 30 quyển Lê Văn Hưu
Nhị Khê thi tập 1 quyển Nguyễn Phi Khanh
Phi sa tập1300 1 quyển Hàn Thuyên
Việt điện u linh tập 1 quyển Lý Tế Xuyên
Những sách kê trên mà người Minh tịch thu mất, nay không biết nội dung ra sao.
Lời phê - Phần nhiều những sách này bây giờ không thấy có nữa: đáng tiếc! Nhà Minh cấp phát "hộ thiếp" cho các châu, các huyện.
Lý Bân nhà Minh tâu với vua Minh xin Hộ Bộ ban phát hộ thiếp cho Giao châu, ra lệnh cho các châu, các huyện làm sổ "hoàng sách" quy định về việc phú thuế sưu dịch, lập thành những "bản đồ chu niên" về việc cắt đặt lý trưởng và giáp thủ. Đại khái thế này: cứ mỗi 110 hộ là một lý, mỗi năm một người làm lý trưởng, mười người làm giáp thủ, đứng lên cáng đáng việc công, cứ luân chuyển hết lượt thì lại trở lại lượt khác. Những người ra làm lý trưởng hoặc giáp thủ ấy thường bị đòn vọt không sao kể xiết nỗi khổ!
Lời chua - Hộ thiếp: Theo Đại Minh hội điển , Hộ Bộ làm sổ hộ khẩu khắp trong thiên hạ và đặt ra các hộ thiếp. Mỗi tấm hộ thiếp có viết rõ quê quán, tên tuổi và số đinh trong một hộ. Mỗi hộ thiếp có đánh số chữ ký hiệu và đóng một nửa phần dấu kiềm để phòng những khi khám nghiệm: sổ hộ khẩu thì để ở Hộ Bộ, còn hộ thiếp thì cấp phát cho nhân dân. Khi quan lại được lệnh kiểm soát so sánh, hễ thấy hộ thiếp nào không phù hợp thì người hộ ấy phải phát vãng làm lính.
Hoàng sách: Theo sách Thông giám tập lãm1301 thì năm Hồng Vũ thứ 14 (1381), vua nhà Minh hạ chiếu bắt suốt trong nước làm sổ "hoàng sách" kê khai về việc phú thuế sưu dịch: phàm mỗi "hương"1302 cứ 110 hộ là một "lý", mỗi lý có người lý trưởng; 10 hộ là một giáp, mỗi giáp có một người giáp thủ. Hằng năm, dùng một người lý trưởng để gánh công việc trong một lý, hạn làm việc là một năm. Hết một năm là một lượt gọi là "bài niên". Thứ tự trước sau là tùy theo số đinh và số lương của từng lý nhiều hay ít. Các khu vực hành chính khác như ở đô thành gọi là "phường", ở gần thành đô gọi là "sương"1303 . Về chức dịch và việc công, phường và sương cũng như lý. Mỗi lý phải làm một quyển sổ gọi là "sách"; trong "sách" có kê số đinh và số điền, lấy từng hộ làm chủ chốt. Đầu "sách" có vẽ bản đồ. Hạng quan1304 , quả1305 , cô1306 , độc1307 không phải làm chức dịch thì cho phụ thuộc ở sau các giáp, gọi là loại "lẻ loi". Số "sách" đóng làm bốn bản: một bản đưa lên Hộ Bộ (bìa đóng bằng giấy vàng, nên gọi là "hoàng sách"); còn ba bản (bìa đóng giấy xanh) thì
lưu lại ở ti Bố Chính Sứ, ở phủ và ở huyện mỗi nơi một bản. Cứ mỗi 10 năm, quan trên lại soát lại các "sách": nhắc lên bậc trên hay hạ xuống bậc thấp là tùy theo số đinh lương ghi trong "sách" ấy có tăng thêm hay là sút kém.
Lại theo sách Hội điển nhà Minh, vua Minh hạ chiếu cho khắp nước: các phủ, các châu và các huyện phải làm "hoàng sách" kê khai về phú thuế sưu dịch. Cứ 110 hộ là một "lý" (làng nhỏ). "Lý" nào nhiều đinh thì cho 10 người làm lý trưởng; còn thì cứ mỗi 100 hộ đặt làm 10 giáp, có 10 người làm giáp thủ. Hằng năm, do một người lý trưởng cai quản công việc trong một lý, phải chịu trách nhiệm về việc công. Khu vực trong thành gọi là "phường"; khu vực gần thành gọi là "sương"; khu vực "hương", "đô"1308 gọi là "lý". Cứ mười năm là một lượt. Khi luân lưu hết một lượt, chỗ nào nên trước hay nên sau là tùy theo số đinh nhiều hay ít mà sắp xếp thứ tự. Mỗi "lý" làm thành một "sách". Đầu "sách" nào cũng có một bản đồ. Những hạng quan, quả, cô, độc không gánh vác nổi việc công thì cho phụ thuộc ở ngoài số 110 hộ mà liệt kê ở sau bản đồ gọi là loại "lẻ loi". Khi các "sách" làm xong, phải đưa một bản lên Hộ Bộ và lưu lại ở ti Bố Chính, ở phủ, ở châu, ở huyện mỗi chỗ một bản.
Lại theo Toàn tạo hoàng sách cách thức , thì quan trên trước hết làm hẳn một hộ để ra mẫu nhất định, bấy giờ mới cho viết chân phương tinh tường, sai khắc in, rồi phát cho phường trưởng, sương trưởng, lý trưởng và các giáp thủ khiến người chủ hộ cứ theo mẫu sẵn mà khai số đinh và nghề nghiệp từng người trong hộ của mình, rồi giao cho người giáp thủ thuộc giáp mình. Người giáp thủ bèn đem hộ trong giáp mình gộp với mười hộ nữa làm thành bản "văn sách" rồi chuyển lên các phường trưởng, sương trưởng và lý trưởng. Những người này lại sẽ đem các bản "văn sách" do các giáp thủ đã làm kia họp lại một chỗ, đưa lên trên huyện mình. Quan lại ở huyện sẽ đem các sách nhận được ấy so sánh đối chiếu, rồi theo thể thức mà chia loại và điền vào bản đồ.
Tháng 4, mùa hạ. Bình Định vương đánh đồn Nga Lạc, bắt được chỉ huy Minh, Nguyễn Sao. Rồi Vương lại lui giữ núi Chí Linh. Quân Minh kéo đến bức bách. Đô tổng quản1309 Lê Lai chịu chết thay Vương.
Vương tấn công đồn Nga Lạc, bắt được chỉ huy Minh, Nguyễn Sao, đem chém. Nhưng bấy giờ thế lực của giặc còn đang mạnh; về phía Vương, tướng còn hiếm, quân còn ít, lại đánh nữa, không thắng được địch. Vương chạy vào Trịnh Cao, rồi lui giữ núi Chí Linh1310 . Quân Minh thường đến đánh úp: tình hình phía Vương khốn quẫn quá! Vương phải nhóm họp các tướng, dụ bảo họ rằng: "Bây giờ ai có thể làm như Kỷ Tín1311 xưa, để ta ẩn náu trong rừng núi, mưu tính cử sự về sau?". Trong các tướng chẳng ai dám đáp ứng cả. Riêng có Lê Lai khảng khái xin vâng, tình nguyện trao đổi đồ mặc với Vương để đi chết thay.
Lê Lai liền cho sắp xếp nghi trượng chỉnh tề, chính mình đem quân và voi, hướng ra phía địch, chỉ huy các tướng chia đường khiêu chiến. Tướng Minh lấy thêm quân bao vây Lê Lai. Lai chiến đấu kiệt sức, bị người Minh bắt và giết chết. Địch bèn rút quân về Tây Đô.
Lời phê1312 - Vua nhà Lê đã có tài như vua nhà Hán là Cao Tổ, tôi nhà Lê lại cũng trung liệt như tôi nhà Hán là Kỷ Tín: nghìn năm bất hủ! Lời chua - Nga Lạc: Tên huyện. Nay là huyện Nga Sơn, thuộc phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Theo sách Thiên hạ quận quốc lợi bệnh toàn thư của nhà Minh, thì cửa ải Nga Lạc thuộc huyện Nga Lạc.
Trịnh Cao: Tên châu xưa, lệ thuộc vào phủ Ngọc Ma; nay là đất phủ Trấn Định thuộc tỉnh Nghệ An.
Núi Chí Linh: Xem Bình Định vương năm thứ 1 (Chính biên XIII, 3).
Tháng 5. Vương đóng quân ở Lô (Lư) sơn. Ai Lao đem quân sang giúp Vương.
Trước kia, Vương sai bọn Trịnh Đồ và Trịnh Khả liên kết với Ai Lao, nhờ Ai Lao giúp cho quân lính và lương thực. Đến đây, Vương tiến quân đóng ở Lô Sơn, được Ai Lao đem quân sang giúp.
Lời chua - Lô Sơn: Cách châu Quan Hóa 97 dặm về phía tây.
Ai Lao: Xem Triệu Việt vương năm thứ 2 (Tiền biên IV, 9-10).
Trịnh Đồ: Người làng Kim Bôi1313 , sau được nhà vua cho lấy theo họ Lê.
Tháng 7, mùa thu. Phan Liêu, tri phủ Nghệ An, phản lại người Minh, chạy sang Ai Lao.
Nhà Minh dùng nội quan Mã Kỳ làm chức thái biện sứ. Mã Kỳ sang yêu sách những đồ báu, của quý. Liêu không chịu nổi được sự hà nhược của Mã Kỳ, bèn thống suất mọi người, đánh giết quan lại nhà Minh. Bấy giờ quân chủ lực của Minh đóng ở thành Nghĩa Liệt thuộc Nghệ An, bị Phan Liêu đánh úp: thành suýt bị phá vỡ. Lý Bân từ Đông Quan1314 kéo đến: Phan Liêu phải chạy sang Ai Lao. Bân đuổi đến Ngọc Ma, không kịp, quay về.
Khi Bân vào đánh Phan Liêu, có sai chỉ huy Lộ Văn Luật làm tiền phong. Văn Luật hoang mang: vừa ngờ vực, vừa lo sợ, bèn lẩn trốn. Rồi tụ họp mọi người, chiếm giữ Thạch Thất, phản lại người Minh. Bân đến đánh, phá được Văn Luật. Luật cũng chạy sang Lào: làm người đứng chủ bày mưu lập kế cho Ai Lao. Vì thấy Bình Định vương là bậc có uy quyền và danh vọng, Văn Luật đem lòng đố kỵ, nên tìm nhiều cách ly gián giữa Vương và Ai Lao. Từ đó, Ai Lao tuyệt giao với ta.
Lời chua - Nghệ An: Tức Hoan Châu xưa. Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 21-23).
Phan Liêu: Người làng Tôn Lỗ thuộc huyện Thạch Hà1315 . Theo An Nam truyện trong Minh sử , Phan Liêu là con của Phan Quý Hựu, tri phủ Nghệ An trước. Khi kế chân cha làm tri phủ, Phan Liêu không chịu nổi sự bạo ngược của Mã Kỳ, nên phản lại người Minh.
Nghĩa Liệt thành: Còn tên nữa là Lam Thành, do người Minh xây đắp, ở xã Nghĩa Liệt, huyện Hưng Nguyên.
Đông Quan: Tức Đông Đô. Xem Trần Nhuận Tông, năm Quang Thái thứ 10 (Chính biên XI, 29).
Ngọc Ma: Tên một châu xưa, nhà Lê đặt làm phủ; nay là phủ Trấn Định thuộc tỉnh Nghệ An.
Lộ Văn Luật: Người huyện Thạch Thất, thuộc Sơn Tây.
Tháng 11, mùa đông. Các vùng Hạ Hồng, Tân Minh, Khoái Châu và Hoàng Giang dấy quân khởi nghĩa, bị Lý Bân nhà Minh đánh bại.
Trịnh Công Chứng và Lê Hành ở Hạ Hồng, Phạm Thiện ở Tân Minh, Nguyễn Đặc ở Khoái Châu, Nguyễn Đa Cấu và Trần Nhuế ở Hoàng Giang thấy thành Đông Quan suy yếu trống rỗng, nên kéo nhau cùng nổi dậy, xông thẳng đến Nhị Hà, đánh vào phía cầu phao, nhưng bị Lý Bân nhà Minh đánh bại.
Lại có Lê Ngạ, người huyện Thủy Đường1316 , trạng mạo khôi ngô, tầm vóc đẫy đà, là gia nô của Trần Thiên Lại ngày trước. Bấy giờ Lê Ngạ đổi tên là Dương Cung, giả làm người hầu của Mã Kỳ, hống hách nộ nạt các châu, các huyện. Khi thấy bọn Công Chứng, Phạm Ngọc và Phạm Thiện đua nhau nổi dậy, Lê Ngạ bảo những người quen biết mình rằng: "Chúng bay có muốn giàu sang không? Đứa nào muốn thì đi theo ta đây!". Ngạ bèn đi lên Đan Ba thuộc Lạng Sơn, mạo xưng là chút1317 của Trần Duệ Tông, từ nước Lão Qua1318 , trở về nước. Thổ tù Lạng Sơn, Bế Thuấn, gả con gái cho Ngạ, lập Ngạ làm minh chủ. Khoảng độ một tuần, một tháng, tụ họp được đến vài vạn quân. Sau khi bọn Công Chứng và Phạm Thiện đã thất bại, những đồ đảng còn sót lại đều theo về với Lê Ngạ, do đấy, quân gia của Ngạ ngày một đông thêm. Ngạ tự xưng là Thiên Thượng hoàng đế, đặt niên hiệu là Vĩnh Thiên, sắp xếp quan lại, đúc tiền tệ, kéo quân đi thiêu đốt vùng Xương Giang và cướp bóc miền Bình Than.
Có người biết "vua Vĩnh Thiên" này chính là Lê Ngạ, nhưng cũng không dám nói. Trần Thiên Lại đến thăm Lê Ngạ, khi ra rồi, nói: "Đó là gia nô của ta ngày trước!". Rồi Thiên Lại dời thuyền đi nơi khác. Ngạ sai người đuổi theo, nhưng không kịp.
Trần Thiên Lại truyền hịch đi các quận huyện, tự xưng là Hưng Vận quốc thượng hầu, dấy quân đánh nhau với Ngạ, bị Ngạ giết chết.
Lý Bân nhà Minh nói: "Thiên Lại và Lê Ngạ chỉ như hai con thú thôi!". Nhân khi họ đã nhược rồi, Lý Bân bấy giờ mới đánh: Lê Ngạ và Bế Thuấn đều thua, đang đêm phải chạy trốn.
Việc này lên đến triều đình nhà Minh, vua Minh ra hạn nghiêm ngặt cho đi lùng bắt. Bọn Bân ức hiếp bắt Phạm Luận, sinh viên ở Giáp Sơn1319 , mạo khai là Dương Cung1320 . Viên tri huyện là Dặc Khiêm cho là không phải Dương Cung, nhưng bọn Bân không nghe, cứ cho giải sang Yên Kinh.
Lời chua - Hạ Hồng: Xưa thuộc Hồng Châu. Xem thuộc Đường, Chiêu Tuyên đế, năm Thiên Hựu thứ 3 (Tiền biên V, 14).
Tân Minh: Nay là huyện Tiên Minh1321 .
Khoái Châu: Xem Lý Cao Tông, năm Trị Bình Long Ứng thứ 4 (Chính biên V, 32).
Hoàng Giang: Xem Trần Thái Tông, năm Nguyên Long thứ 7 (Chính biên VI, 44).
Nhị Hà: Tức sông Phú Lương. Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 2 (Chính biên II, 13).
Cầu Phao: Theo Đại Thanh Nhất thống chí , đầu niên hiệu Vĩnh Lạc (1403-1424), bọn Trương Phụ làm cầu phao ở bến Đông Tân sông Nhị.
Phạm Ngọc: Người An Lão1322 , xuất gia đi tu làm sư, rồi tụ họp dân chúng nổi loạn.
Lạng Sơn: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 19).
Đan Ba: Tức Đan Dĩ. Xem Trần Nhân Tông, năm Trùng Hưng thứ 4 (Chính biên VIII, 8-9).
Lão Qua: Xem Trần Thuận Tông, năm Quang Thái thứ 3 (Chính biên XI, 13).
Xương Giang: Theo Bắc Ninh tỉnh sách1323 , thành Xương Giang, do người Minh đắp, ở xã Thọ Xương, huyện Bảo Lộc, phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Ninh1324 .
Bình Than: Xem Trần Nhân Tông, năm Thiệu Bảo thứ 4 (Chính biên VII, 28).
Giáp Sơn: Tên huyện. Nay do phủ Kinh Môn kiêm lỵ thuộc tỉnh Hải Dương.
Phạm Luận: Người làng Ngư Uyên, huyện Giáp Sơn.
Canh Tí (1420). (Bình Định vương năm thứ 3. Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 18).
Tháng 6, mùa hạ. Nhà Minh sai Trần Trí đến trấn thủ Phụng Hóa.
Lời chua - Phụng Hóa: Tức Thiên Trường. Xem Trần Thái Tông, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 15 (Chính biên V, 28).
Tháng 10, mùa đông. Bình Định vương đóng quân ở Ba Lẫm, đánh úp và phá được quân Minh ở trại Quan Du.
Vương tiến quân đóng ở thôn Thôi. Lý Bân nghe tin ấy, kéo quân từ Tây Đô vào chực đánh úp. Vương đặt quân mai phục ở Thi Lang, đánh bại được địch. Vương tiến đóng ở sách1325 Ba Lẫm thuộc Lỗi Giang. Bọn tướng Minh, Tạ Phượng và Hoàng Thành, chia quân đóng đồn ở Nga Lạc và Quan Du để phòng thủ cho Tây Đô. Vương ngày đêm đánh gấp: bọn Phượng đóng chặt đồn lũy, cố thủ, không dám ra. Sau đó, chúng bỏ Nga Lạc, lui giữ Quan Du. Vương sai các tướng Lê Sát và Lê Hào đánh úp quân Minh ở trại Quan Du: cả phá được địch, chém hơn nghìn thủ cấp, tước được chiến cụ và nghi trượng của địch không biết bao nhiêu mà kể. Người Minh, do đó, tinh thần sút kém quá đỗi!
Lời chua - Ba Lẫm: Thay đổi ra sao, không rõ. Theo sách Thiên hạ quận quốc lợi bệnh toàn thư của nhà Minh, thì cửa ải Ba Lẫm thuộc huyện Lỗi Giang.
Quan Du: Tên trại xưa. Bây giờ là châu Quan Hóa thuộc Thanh Hóa.
Thôi: Tên thôn xưa. Bây giờ là huyện Man Xuy, thuộc phủ Trấn Man1326 .
Thi Lang: Thay đổi ra sao, không rõ.
Lỗi Giang: Xem Trần Đế Ngỗi, năm Hưng Khánh thứ 1 (Chính biên XII, 17-18).
Tân Sửu (1421). (Bình Định vương năm thứ 4. Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 19).
Tháng 6, mùa hạ. Vùng Tam Giang có nạn nước to.
Lời chua - Tam Giang: Xem Trần Thuận Tông, năm Quang Thái thứ 10 (Chính biên XI, 29).
Tháng 9, mùa thu. Nước sông Đáy1327 tràn ngập.
Lời chua - Sông Đáy: Xem Trần Thiếu Đế, năm Kiến Tân thứ 2 (Chính biên XI, 36).
Tháng 11, mùa đông. Bình Định vương đánh bại được Trần Trí nhà Minh ở Úng Ải. Lại đánh và phá được quân Ai Lao.
Bấy giờ Vương đóng doanh trại ở Ba Lẫm. Trần Trí, tham tướng Minh, đem hơn mười vạn quân đến đánh. Trời đã về chiều, địch đóng lại cách Ba Lẫm 50 dặm. Hội họp các tướng, Vương bàn rằng:
"Quân của địch dẫu đông, nhưng chúng phải lặn lội từ xa đến. Chúng ta đem cái thế thong thả chờ đợi để đối phó với địch đang nhọc nhằn, bấy giờ thình lình đổ ra mà đánh thì tất thế nào cũng phá được địch". Đêm đến, bèn đánh úp trại giặc: chém hơn nghìn thủ cấp. Trần Trí tức giận lắm, hôm sau, mở đường tiến quân. Vương sẵn sàng đặt trước quân phục ở Úng Ải. Trưa đến, quân Trần Trí vượt hiểm trở, kéo đến cửa ải. Chúng leo trèo, bám như đàn kiến mà lên: quân phục thình lình nổi dậy xung kích, đánh bại được địch. Trần Trí rút lui.
Bấy giờ Mãn Sát, tù trưởng Ai Lao, đem ba vạn quân và một trăm thớt voi thình lình ập đến, nói phao lên rằng sang cứu viện ta. Vương không ngờ nó nói dối, đương đêm bị nó đánh úp. Vương, với vẻ bình tĩnh, không động binh vội, mới chia cắt tướng sĩ lẻn ra phía sau địch: trong và ngoài đánh khép lại, cả phá được quân giặc, chém hơn một vạn thủ cấp, tước được mười bốn thớt voi. Nhân đà thắng lợi, ruổi dài đuổi theo. Mãn Sát cùng quẫn, sợ dúm lại, xin hòa, nhưng Vương không ưng thuận. Bình chương Lê Thạch xung phong, dẫn đầu quân sĩ, gấp đánh địch, bị chết vì giẵm phải chông.
Lời phê - Về việc Ai Lao đánh úp này, Sử cũ chép không rõ. Khi làm Cương mục, tuy đã sửa lại rồi, nhưng cũng vẫn chưa thấy hợp tình hợp lý. Vì rằng quân Ai Lao đông đến ba vạn thì bên ít địch lại làm sao được với bên nhiều! Chắc là do sự ghi chép thất thực. Lời chua - Úng Ải: Thay đổi ra sao, không rõ. Bây giờ tổng Cổ Lũng, huyện Cẩm Thủy, phủ Quảng Hóa1328 có Úng Quan, có lẽ là Úng Ải này.
Mãn Sát: Tên của tù trưởng Ai Lao.
Nhâm Dần (1422). (Bình Định vương năm thứ 5. Minh, Vĩnh Lạc năm thứ 20).
Ngày mồng 1, tháng giêng, mùa xuân. Nhật thực.
Tháng 2. Tổng binh Minh, Lý Bân, chết. Nhà Minh dùng Trần Trí lên thay, cai quản quân đội.
Tháng 12, mùa đông. Bình Định vương đại thắng quân Minh ở sách Khối. Vương chuyển quân về núi Chí Linh1329 .
Vương từ Ba Lẫm tiến đến Quan Da. Mã Kỳ nhà Minh lại ước hẹn với Ai Lao, hợp sức với nhau, hai mặt trước sau đánh khép lại. Quân của Vương không lợi, phải lui đóng ở sách Khối. Địch tập hợp cả quân lại để bao vây. Vương khóc lóc bảo các tướng sĩ: "Giặc đang bao vây và bức bách cả bốn mặt. Chúng ta cố đánh nhanh thì sống; nếu không đánh nhanh thì tất phải bại vong". Mọi người đều cảm kích, đua nhau liều chết cố đánh. Các tướng Lê Lĩnh, Phạm Vấn, Lê Hào và Lý Triện chính mình xông pha lên trước, đánh phá trận địch; chém tham tướng Minh, Phùng Quý, và hơn nghìn thủ cấp quân lính địch. Mã Kỳ và Trần Trí đều phải chạy; quân Ai Lao cũng lẩn trốn.
Vương chuyển quân về núi Chí Linh. Bấy giờ quân ta tuy thắng trận, nhưng chưa có cơ thuận tiện để tiến thủ, phải đóng ở trong trại miền núi: sự tiếp tế không được liền nối, phải cạn lương đến hơn hai tháng, chỉ ăn rau dưa mà thôi, đến nỗi Vương phải giết cả voi và ngựa để thết quân đội. Tướng sĩ đều mỏi mệt nhọc nhằn, muốn tạm nghỉ ngơi, ai nấy đều khuyên Vương nên hòa với người Minh. Vương bất đắc dĩ sai bọn Lê Trăn đến chỗ quân Minh, xin hòa.
Lời chua - Sách Khối: Thay đổi ra sao, không rõ.
Quan Da: Tức trại Quan Du. Xem Bình Định vương năm thứ 3 (Chính biên XIII, 13).
Quý Mão (1423). (Bình Định vương năm thứ 6. Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 21).
Tháng 4, mùa hạ. Bình Định vương quay về Lam Sơn.
Bấy giờ bọn Trần Trí và Sơn Thọ nhà Minh thường hay đưa biếu Vương: trâu, ngựa, cá, muối, nông cụ và thóc lúa... Vương sai lũ Lê Trăn đem vàng bạc đáp lại. Bọn Trí, sau đó, ngờ rằng Vương bề ngoài giả cách giảng hòa thân thiện, nhưng bề trong vẫn ấp ủ cái chí đánh úp, nên chúng bắt giam lũ Trăn lại, không cho về1330 . Vương nổi giận, liền tuyệt giao với bọn Trí.
Giáp Thìn (1424). (Bình Định vương năm thứ 7. Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 22).
Tháng 9, mùa thu. Bình Định vương đánh và hạ được đồn Đa Căng.
Vương đóng quân ở Lô (Lư) sơn, nhóm họp các tướng hỏi về sách lược tiến thủ, nên đánh thành nào trước. Thiếu úy1331 Lê Chích thưa: "Nghệ An là nơi hiểm yếu: đất rộng, người đông, tôi đã từng qua lại Nghệ An, nên rất thông thuộc đường đất. Nay ta nên trước hãy nên đánh lấy Trà Long, chiếm giữ bình định cho được Nghệ An để làm chổ đất đứng chân, rồi dựa vào đấy mà lấy tiền tài sức lực, sau sẽ quay cờ trẩy ra Đông Đô thì có thể tính xong được việc dẹp yên thiên hạ". Vương khen là phải. Liền đó kéo quân ra phía nam, đánh úp đồn Đa Căng: Lương Như Hốt, tham chính bên Minh, thua chạy. Ta chém chết địch và bắt được của địch vô kể.
Lời chua - Đa Căng: Thay đổi ra sao, chưa rõ. Theo sách Sĩ hoạn tu tri lục của Nguyễn Công Tiệp, thì huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa có động Bất Căng, có lẽ tức là Đa Căng này.
Trà Long: Tức Trà Lân, nay là phủ Tương Dương thuộc Nghệ An.
Nhà Minh vời Hoàng Phúc về nước, dùng Trần Hiệp sang thay.
Trước kia, do chân Công Bộ thượng thư kiêm giữ công việc hai ti Bố, Án tại Giao châu, Hoàng Phúc ở Giao Châu mười tám năm, coi dân như con đẻ. Từ chính sự đến mệnh lệnh đều sắp xếp có đầu mối, có kế hoạch, công việc không cứ lớn hay nhỏ, Phúc đều hết lòng cả. Vua Minh vì thấy Phúc đã lâu năm khó nhọc ở ngoài, nên triệu Phúc về nước, dùng Binh Bộ thượng thư Trần Hiệp sang thay.
Vương đi tuần hành ở Nghệ An, gặp quân Minh và đánh bại được địch. Tháng 11, mùa đông, quân ta vây Trà Long. Tháng 12, tri phủ Cầm Bành đầu hàng và dâng cả châu Trà Long.
Bình Định vương, sau khi đã hạ được đồn Đa Căng, cho ghi vào sổ lấy những trai tráng, rồi sắp xếp hàng ngũ bộ thuộc một cách nghiêm chỉnh, thẳng rảo đến Nghệ An. Dọc đường, khi qua Bồ Liệp thuộc Quỳ châu, gặp bọn chỉ huy Sư Hựu, tham tướng Trần Trí và Phương Chính nhà Minh đón đường chẹn cả mặt trước lẫn mặt sau. Chiều đến, Vương đặt quân mai phục ở khoảng rừng rú, nhử địch đến, đánh bại được giặc: chém đô ti Minh, Trần Trung, và hơn hai nghìn thủ cấp quân địch, tước được hơn một trăm ngựa. Quân Minh phải lùi chạy. Ngày hôm sau, Vương tiến quân đến châu Trà Long, gặp địch lần nữa, lại cả phá được giặc. Bọn Trần Trí chạy về Nghệ An.
Vương sai dụ hàng tên Cầm Bành, tri phủ, quyền giữ công việc châu Trà Long, nhưng Bành không theo, cứ cố thủ, đợi quân cứu viện. Vương đốc thúc các tướng bao vây Trà Long. Bọn Trần Trí và Phương Chính sợ hãi, không dám tiến quân. Bấy giờ Sơn Thọ lấy cớ là đến để chiêu an, bèn thả trả sứ bộ Lê Trăn1332 về với Bình Định vương để xin hòa1333 . Còn Cầm Bình, quân gia ngày một phản lại và ly tán, tự biết thế cô, lại không có quân cứu, đành phải đầu hàng. Vương tha tội cho Bành. Quân sĩ ta không tơ hào gì đến của dân ở Trà Long. Sau đó Cầm Bành lại mưu làm phản, bị giết chết. Vương vỗ về yên ủi các bộ lạc, ai nấy đều vui vẻ làm công việc do Vương sử dụng. Vương sai tuyển lấy hơn năm nghìn người ưu tú và khoẻ mạnh cho lệ thuộc vào sổ quân nhân. Thế lực quân đội của ta bấy giờ rất là lừng lẫy.
Hay tin Trà Long đã mất, thượng thư Minh, Trần Hiệp, liền đem tình hình tâu lên triều đình. Vua Minh hạ sắc chỉ nghiêm trách bọn Trần Trí và Phương Chính, ra lệnh cho chúng phải mau dẹp cho yên. Bọn chúng sợ hãi, vội kéo quân thủy và quân bộ đi tấn công.
Được tin báo về việc quân này, Vương sai các tướng Đinh Liệt đem hơn nghìn quân, đi đường tắt đến đóng giữ huyện Đỗ Gia để chiếm trước lấy ưu thế. Còn Vương thì tự đốc suất các tướng sĩ, kế tiếp tiến lên mạn thượng du cửa ải Khả Lưu, chiếm giữ nơi hiểm yếu để chờ đợi địch. Sau đó vài hôm, người Minh quả nhiên kéo đến, đóng đồn ở mạn hạ lưu cửa ải Khả Lưu. Vương làm kế nghi binh: ban ngày cho quân mở cờ khua trống, ban đêm cho đốt lửa làm như thổi nấu, nhưng ngầm sai quân và voi lặng lẽ qua sông, mai phục. Mờ sớm hôm sau, địch tiến quân để bức bách ta, gặp quân mai phục nổi dậy, chúng thua thiệt nặng nề, phải lui giữ mạn hạ lưu. Rồi chúng lựa theo thế núi, đắp đồn, lập lũy, cậy có nhiều lương thực, chực đóng cửa đồn, cố thủ kéo dài. Vương đặt quân phục khắp cả bốn bề ở mặt thượng lưu, rồi đốt doanh trại, giả vờ làm như lẩn trốn. Địch kéo đến chiếm cứ: phục binh của ta thình lình nổi dậy, xung kích. Các tướng Lê Sát và Đinh Lễ đua nhau xung phong, đi đầu sĩ tốt, đánh phá trận địch: bắt sống được đô ti Minh, Chu Kiệt, chém tướng tiền phong Minh, Hoàng Thành. Ngoài ra, giết chết và bắt được vô kể. Khí giới của địch quân quăng bỏ bừa bãi ở núi và ở hang. Bọn Trần Trí thu lượm những quân còn sót, kéo về Nghệ An.
Lời cẩn án - Theo Minh sử, khi Vương đánh phá châu Trà Long, thổ tri phủ1334 là Cầm Bành bị chết. Sử cũ chép Cầm Bành đầu hàng. Nay xét Lam sơn thực lục chép Cầm Bành tự biết mưu chước đã cùng, quân cứu viện lại không có, nên Bành mở cửa đầu hàng. Thông sử của Lê Quý Đôn chép Bành thấy viện binh không đến, bèn đầu hàng. Bài "Chí Linh sơn phú" của Nguyễn Trãi cũng viết1335 : "Cầm Bành sụp lạy mà dâng đất". Như vậy, Minh sử chép như thế là không đúng sự thực. Nay xin cải chính. Lời chua - Cầm Bành: Theo mục "An Nam nhân vật" trong Đại Thanh Nhất thống chí , Cầm Bành là người Giao Châu, hồi giữa niên hiệu Vĩnh Lạc (1403-1424), do tri phủ Nghệ An, quyền giữ công việc châu Trà Long. "An Nam truyện" trong Minh sử chép: "Lê Lợi cướp châu Trà Long, đánh bại quân của Phương Chính, giết chỉ huy Ngũ Vân; Lợi cướp bóc mãi không thôi. Chinh Di phó tướng quân Trần trí vốn không có tài làm tướng, lại sợ giặc, bèn mượn tiếng chiêu an để đánh lừa triều đình [nhà Minh]. Vả, Trần Trí lại hục hặc với Phương Chính, nên mới đóng lại, không chịu tiến quân. Giặc càng không kiêng nể gì, lại vây châu Trà Long. Bọn Trí ngồi nhìn, không cứu. Trải qua bảy tháng, trong thành cạn lương, châu Trà Long bèn bị hạ; tri châu Cầm Bành chết theo thành. Thượng thư Trần Hiệp dâng thư lên triều đình [nhà Minh] nói Lê Lợi vẫn hai lòng, thế lực ngày càng lan rộng, xin triều đình sai quan tổng binh mau sang đánh dẹp trừ diệt. Nhà vua1336 xuống chiếu nghiêm trách, hẹn đến mùa xuân năm tới phải dẹp yên. Trần Trí phát sợ, vội cùng Phương Chính kéo quân đi vây cửa ải Khả Lưu, bị thua, rút quân quay về".
Quỳ Châu: Tên phủ nay thuộc tỉnh Nghệ An.
Bồ Liệp: Tên núi, cũng gọi là Bồ Cứ hoặc Bồ Đằng, thuộc Quỳ Châu.
Đỗ Gia: Tên huyện xưa. Bây giờ là huyện Hương Sơn, thuộc Nghệ An.
Khả Lưu: Tên cửa ải xưa, ở bờ phía bắc sông Lam thuộc huyện Lương Sơn, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.
Ất Tị (1425). (Bình Định vương năm thứ 8. Minh, Nhân Tông, năm Hồng Hi thứ 1).
Tháng giêng, mùa xuân. Bình Định vương đến huyện Thổ Du. Cầm Quý đem quân bản bộ quy thuận. Vương bèn vây Nghệ An.
Vương kéo quân đến Đa Lôi thuộc huyện Thổ Du. Trẻ già đua nhau đem rượu và trâu bò đến đón tiếp khao quân. Họ nói: "Không ngờ ngày nay lại được trông thấy oai nghi cố quốc". Cầm Quý, tri phủ Ngọc Ma, đem quân và voi đến quy thuận, được Vương phong làm thái úy.
Vương ra lệnh rằng: "Bấy lâu dân bị đau khổ vì chính sự bạo ngực. Bây giờ hễ trẩy đến đâu, quân sĩ không được động chạm tơ hào của dân chúng. Trâu bò thóc lúa nếu không phải là của tàng trữ của người Minh thì không được lấy". Bấy giờ Vương mới chia quân đi lấy các đất đai. Quân trẩy đến đâu, có nhiều châu, nhiều huyện đầu hàng, người ta đều tình nguyện xin góp sức đánh thành Nghệ An. Vương lựa lấy số quân tinh nhuệ thẳng kéo đến chân thành này. Ngưòi Minh đóng chặt cửa thành cố giữ, không dám thò ra. Vương dạy bảo các tướng sĩ sửa sang khí giới, chuẩn bị để đánh thành. Vừa đầy hai tuần1337 , chiến cụ xong xuôi đầy đủ. Bấy giờ tham tướng Minh, Lý An, từ Đông Quan vượt biển vào cứu; bọn Trần Trí hợp quân lại, xông ra chiến đấu. Vương đặt quân phục ở cửa sông Đỗ Gia, cả phá được địch: Trần Trí chạy về Đông Quan; bọn Lý An rút vào thành, liều chết cố giữ.
Lời chua - Thổ Du: Tên huyện xưa. Bây giờ là huyện Thanh Chương thuộc tỉnh Nghệ An.
Cầm Quý: Nối đời làm thổ tù1338 huyện Ngọc Ma.
Ngọc Ma: Xem Bình Định vương năm thứ 2 (Chính biên XIII, 10).
Đa Lôi: Theo Nghệ An Cổ tích chí , thì thôn Trung Hội, xã Nam Kim, huyện Thanh Chương, có giáp Xuân Lôi, có lẽ tức là Đa Lôi này.
Tháng 5, mùa hạ. Tư không Đinh Lễ đánh bại được tướng Minh, Trương Hùng, ở Diễn châu. Hùng chạy về Tây Đô. Vương cho thêm quân đi đánh.
Vương sai Đinh Lễ đi tuần Diễn Châu. Khi kéo quân đến gần thành, Lễ đặt quân mai phục. Bấy giờ đô ti Minh, Trương Hùng đem ba trăm thuyền lương thực từ Đông Quan đến. Trong thành Diễn Châu kéo ra đón lương thực: gặp phục binh nổi dậy, chúng đều thua chạy. Đinh Lễ cướp được thuyền lương, rồi đuổi Hùng đến tận Tây Đô.
Vương được tin thắng trận, liền tuyển quân và voi, sai Lê Sát và Lưu Nhân Chú kế theo, đi tiếp ứng cho Đinh Lễ. Cánh nghĩa quân này đi đến đâu cũng không có sức gì ngăn cản được cả. Họ tiến sát đến Tây Đô. Người Minh đóng chặt cửa thành, liều chết cố giữ. Đối với cư dân ở ngoài thành, các tướng Đinh Lễ đến chiêu an vỗ về. Bấy giờ những người Thanh Hóa tranh nhau đến cửa trại quân, xin đầu hàng. Bọn Lễ bèn bao vây lấy thành.
Lời chua - Diễn Châu: Xem thuộc Đường, Cao Tông, năm Điều Lộ thứ 1 (Tiền biên VI, 20).
Lưu Nhân Chú: Người Yên Thượng, huyện Đại Từ1339 ; sau được cho lấy theo họ Lê.
Tháng 7, mùa thu. Vương sai tư đồ Trần Hãn và thượng tướng Lê Nỗ đi tuần các xứ Tân Bình và Thuận Hóa: đều hạ được cả mấy xứ này.
Vương liệu trước rằng Tân Bình, Thuận Hóa bị đứt liên lạc với Nghệ An và Đông Đô đã từ lâu, bèn dụ bảo các tướng: "Người giỏi chiến trận thường bỏ chỗ kiên cố, đánh chỗ sơ hở, tránh chỗ vững chắc, đánh vào chỗ trống rỗng; như thế thì chỉ dùng sức một phần mà thành công gấp bội". Vương bèn sai tư đồ Trần Hãn và thượng tướng Lê Nỗ đem hơn nghìn quân đi đánh giặc và vỗ về nhân dân. Khi đến Bố Chính, gặp tướng Minh, Nhâm [Nhậm] Năng, bọn Hãn giữ chỗ hiểm yếu, đặt quân phục, rồi tìm kế nhử địch. Tên Năng lùa hết quân tiến lên. Phục binh nổi dậy, đánh khép lại: quân Minh thua vỡ tan tành, bị chém và bị bắt rất nhiều.
Trước đó, Vương sai bọn Lê Ngân đem bảy mươi chiếc chiến thuyền từ Nghệ An vượt biển vào hội quân với các tướng Trần Hãn để tiễu giặc. Đến đây, các đạo quân ấy tề tựu đông đủ, quân thủy và quân bộ cùng tiếp ứng nhau, tấn công hai thành Tân Bình và Thuận Hóa, đều hạ được cả. Quân ta trẩy đến đâu, quân và dân ở đó đều ra hàng. Trần Hãn lựa lấy vài vạn người tinh nhuệ để bổ sung quân đội, rồi đặt quan trấn thủ, còn mình thì kéo quân về.
Các tướng tôn Bình Định vương lên làm "Đại Thiên hành hóa"1340 . Từ đó về sau, phàm có bảng văn niêm yết những lời cáo dụ đều nêu trên đầu là "Đại Thiên hành hóa".
Lời phê1341 - Về sau, những đồ bất lương thường thường mượn danh từ "Đại Thiên hành hóa" này để làm mê hoặc mọi người, vậy thì việc Bình Định vương làm đây chẳng phải đúng như người xưa nói rằng "do lòng tham mà đặt ra pháp độ"1342 đó sao? Lời chua - Tân Bình: Tức Lâm Bình. Xem Lý Thái Tông, năm Thái Ninh thứ 4 (Chính biên III, 34)1343 .
Thuận Hóa: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 23).
Trần Hãn: Có chỗ chép là Trần Nguyên Hãn, người làng Sơn Đông huyện Lập Thạch1344 , là dòng dõi Trần Nguyên Đán, sau được lấy theo họ Lê.
Bố Chính: Xem Lý Thánh Tông, năm Thần Vũ thứ 1 (Chính biên III, 29).
Bính Ngọ (1426). (Bình Định vương năm thứ 9. Minh, Tuyên Tông, năm Tuyên Đức thứ 1).
Tháng 8, mùa thu. Bình Định vương sai các tướng chia nhau đi tuần các lộ ở Đông Đô.
Vương cho rằng quân tinh nhuệ của nhà Minh ở cả Nghệ An, Đông Đô trở thành yếu ớt trống rỗng bèn sai:
Bọn Thái úy Lý Triện, Xu mật Phạm Văn Xảo, thái giám Trịnh Khả và Đỗ Bí ra từ Thiên Quan, đi tuần vùng Quốc Oai, Quảng Oai, Gia Hưng, Quy Hóa, Đà Giang, Tam Đái và Tuyên Quang để diệt đạo viện binh nhà Minh từ Vân Nam kéo xuống;
Bọn Thiếu úy Lưu Nhân Chú và Bùi Bị ra từ Thiên Quan, đi tuần vùng Thiên Trường, Kiến Xương, Tân Hưng, Thượng Hồng, Hạ Hồng, Bắc Giang và Lạng Sơn để diệt đạo viện binh từ Lưỡng Quảng1345 kéo xuống;
Bọn Tư đồ Đinh Lễ và Lê Xí thống suất toán quân tinh nhuệ kế tiếp xuất phát, thọc ngay vào Đông Quan để phô trương thanh thế, rồi sau mới thừa cơ mà tiến thủ.
Các tướng trẩy đến đâu cũng giữ quân luật nghiêm túc, không tơ hào xâm phạm đến của nhân dân. Bấy giờ các lộ ở Đông Đô và các thổ tù ở ven biên giới chẳng ai là không vui vẻ hả hê.
Cánh quân của các tướng Lý Triện từ mạn Quốc Oai và Tam Đái đe dọa bức bách thành Đông Quan. Tham tướng Minh, Trần Trí dốc hết quân ra mạn Ninh Kiều và Ứng Thiên để chống cự. Triện cùng bọn Xảo, Khả và Bí hợp sức đánh hăng, quân của Trí phải thua chạy. Bọn Triện tiến đóng ở bờ phía tây sông Ninh Giang.
Chợt được tin hơn vạn quân cứu viện của nhà Minh sang từ Vân Nam, sắp đến thành Tam Giang, mà đạo quân do Lễ và Xí chỉ huy chưa kịp đến, bọn Triện e rằng hai đạo quân của địch1346 nếu phối hợp được với nhau thì mình khó chế trị được. Triện bèn chia cho Xảo và Khả hơn nghìn quân, đi thẳng lên trước và đón đường chặn đánh địch; còn mình và bọn Xí đem vài nghìn quân tinh nhuệ, thừa thắng đuổi theo cánh quân của Trí. Khi đến Nhân Mục, bắt sống được đô ti Minh, Vi Lượng, và chém được hơn nghìn thủ cấp địch, rồi lại quay về Ninh Giang, làm thanh thế tiếp ứng cho bọn Xảo.
Còn cánh quân của bọn Xảo, khi đến cầu Xa Lộc, gặp đạo quân của Vương An Lão, đô ti Vân Nam của Minh: quân ta đón đánh, cả phá được địch, chém và bắt được không biết bao nhiêu mà kể. Số quân còn sót lại của địch phải rút vào giữ thành Tam Giang.
Lời chua - Phạm Văn Xảo: Người Kinh Lộ, sau được cho lấy theo họ Lê.
Thiên Quan: Tên trấn, nay là phủ, thuộc tỉnh Ninh Bình.
Quảng Oai: Xem Lý Huệ Tông, năm Kiến Gia thứ 8 (Chính biên V, 38-39).
Gia Hưng: Tức Lâm Tây. Xem Lý Thái Tông, năm Thông Thụy thứ 4 (Chính biên II, 41).
Quy Hóa: Xem Trần Thái Tông, năm Nguyên Phong thứ 7 (Chính biên VI, 41).
Đà Giang: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 30).
Tam Đái: Xem ngang với Tống, Thái Tổ, năm Kiến Đức thứ 4 (Tiền biên V, 29).
Tuyên Quang: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 30).
Bùi Bị: Người làng Hào Kiệt, huyện Thiên Bản1347 , sau được cho lấy theo họ Lê.
Kiến Xương: Xem Trần Thái Tông, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 15 (Chính biên VI, 28).
Tân Hưng: Tên một lộ, nay là phủ Tiên Hưng1348 .
Thượng Hồng: Xưa thuộc Hồng Châu. Xem thuộc Đường, Chiêu Tuyên đế, năm Thiên Hựu thứ 3 (Tiền biên V, 14).
Bắc Giang: Tức Kinh Bắc. Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XXI, 28).
Lạng Giang: Tức Lạng Sơn. Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chính biên XX, 31).
Ninh Kiều: Ở phía tây phủ Giao Châu.
Ứng Thiên: Nay là phủ Ứng Hòa1349 .
Ninh Giang: Phía trên liền với cửa sông Hát, phía dưới đổ vào sông Xá1350 rồi thông với Châu Giang. Hạ lưu sông Ninh Giang này hợp làm một với sông Hoàng Giang.
Nhân Mục: Tên xã. Nay thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Nội1351 .
Cầu Xa Lộc: Thanh đổi ra sao, không rõ.
Tháng 9. Vương để các tướng Lê Ngân và Lê Văn An ở lại vây thành Nghệ An, còn mình tự đem quân đi tuần Tây Đô1352 .
Trần Trí nhà Minh thấy thành Đông Quan bị cô lập và nguy khốn, vội sai người gấp rút đem thư vào Nghệ An cáo cấp với bọn Phương Chính, để bọn này quay về cứu lấy chỗ căn bản.
Bọn Trí bèn để Thái Phúc ở lại giữ Nghệ An, còn chúng thì vượt biển trở ra Đông Quan. Vương liền cho các tướng Lê Ngân, Lê Văn An, Lê Bôi, Lê Thận và Lê Văn Linh lưu lại, góp sức với nhau vây thành Nghệ An, còn Vương chính mình thống suất đại quân, cả thủy lẫn bộ cùng tiến, đuổi theo Phương Chính. Đến Thanh Hóa, Phương Chính phóng thuyền ra khơi, lẩn trốn tận ra xa. Vương bèn đi tuần Tây Đô. Tri châu La Thông đóng chặt cửa thành, không chịu đầu hàng.
Vương đóng quân ở Lỗi Giang, úy lạo các tướng sĩ, ban thưởng cho các bà con và những người cố cựu ở quê nhà1353 . Nhân sĩ và dân chúng ở Thanh Hóa đều tình nguyện tòng quân.
Tháng 10, mùa đông. Các tướng Đinh Lễ, Lê Xí và Lý Triện cả phá quân của Vương Thông nhà Minh ở Tốt Động. Bình Định vương bèn tiến quân đến Thanh Đàm, đánh thành Đông Quan.
Bấy giờ nhà Minh sai Thành Sơn hầu Vương Thông làm chinh di tướng quân, và đô đốc Mã Anh làm tham tướng, đem năm vạn quân sang cứu Đông Quan, bóc hết chức tước của bọn Trần Trí và Phương Chính, cho sung làm sự quan1354 , lệ thuộc trong quân để lập công chuộc tội; còn Trần Hiệp thì vẫn cho làm tham tán quân vụ. Tất cả đều ở dưới quyền chỉ huy của Thông.
Thông mới đến, tinh thần rất hăng, điều động tất cả mười vạn quân, cùng bọn Hiệp chia làm ba đường, đồng thời xuất phát. Thông đóng ở bến Cổ Sở; Phương Chính đóng ở Sa Đôi; Mã Kỳ đóng ở Thanh Oai. Doanh trại của chúng đằng dăng đến vài mươi dặm, cờ xí rợp cả đồng nội. Chúng tự cho rằng chỉ một chuyến này có thể dẹp yên được.
Các tướng Triện và Bí từ Ninh Kiều tiến đến Sốm1355 , chia quân và voi cho mai phục sẵn để đợi giặc. Họ cho toán du binh1356 xông xáo đến sát trại Mã Kỳ, khiêu chiến, giả cách thua chạy. Mã Kỳ lùa hết quân đuổi theo. Khi chúng đến cầu Ba La1357 : quân phục của ta nổi dậy, đánh cắt ngang trận địch. Quân Minh tan vỡ, chạy bừa, sa lầy, bị chém hơn nghìn thủ cấp. Quân ta ruổi dài đến cống Mọc1358 , bắt được hơn năm trăm địch. Thây giặc rải rác đến vài mươi dặm. Mã Kỳ chỉ kịp một người một ngựa trốn về.
Các tướng Lý Triện thừa thắng, muốn chẹn phía sau Phương Chính, nhưng Phương Chính đã rút quân lui rồi. Bấy giờ trời đã chiều hôm, các tướng bên ta phải đem quân quay về. Bọn Kỳ và Chính nhân lúc ban đêm, lén đem quân đến hội với Vương Thông.
Ngày hôm sau, các tướng Lý Triện đến bến Cổ Sở, bổ vây quân Thông. Trước đó, Thông đã đặt quân mai phục, và đã đan tre làm cái khiên, phía trong khiên có cài chông sắt. Khi thoạt giao chiến, quân của Thông đã quăng bỏ khiên, giả vờ chạy. Bọn Triện đuổi theo: voi giẫm phải chông, không lợi. Bọn Triện bèn thu quân vào giữ Cao Bộ.
Nghe nói các tướng Đinh Lễ và Lê Xí đang đóng quân ở Thanh Đàm, Triện liền sai báo gấp cho họ đến tiếp ứng. Bọn Lễ và Xí lựa lấy ba nghìn quân tinh nhuệ và hai thớt voi, tức tốc ngay ban đêm, đến hội quân ở Cao Bộ. Họ chia quân đặt phục ở Tốt Động và Chúc Động.
Bắt được gián điệp của địch, ta biết rằng Thông đã tiến đóng ở Ninh Kiều, ngầm cho kỳ binh1359 đi rảo đến phía sau quân Triện, còn chính binh1360 của Thông thì sẽ qua sông tiến lên phía trước. Chúng hẹn nhau rằng hễ nghe nổ pháo1361 thì các đạo quân địch đồng thời đánh khép lại. Hồi trống canh năm đêm ấy, bọn Lễ sai quân nổ pháo ở nơi yếu hại để đánh lừa địch. Địch nghe tiếng pháo, mọi đứa đều đổ xô đi chiếm lấy thuận lợi. Chúng lùa quân đi tắt vào. Bấy giờ trời mưa, đường lầy lội. Chúng kéo đến Tốt Động, bị quân phục của ta bốn bề nổi dậy. Quân ta hợp sức lại, hăng hái chiến đấu, cả phá được địch: chém thượng thư Trần Hiệp và nội quan Lý Lượng. Ta lại đuổi kẻ chạy, dượt kẻ thua, hoặc giết chết, hoặc bắt sống. Quân Minh cùng giày đạp chồng chất lên nhau, chết đến hơn năm vạn. Số quân địch chết đuối cũng rất nhiều, làm nghẽn cả khúc sông Ninh Giang. Ta bắt sống được hơn một vạn địch, tước được quân nhu và khí giới vô kể.
Bọn Chính và Kỳ chạy trốn. Thông bị thương, chạy về Đông Quan, đóng chặt cửa thành, cố giữ. Thông sai phá hủy chuông Quy Điền1362 và vạc Phổ Minh1363 để làm chiến xa và vũ khí.
Các tướng Đinh Lễ thừa thắng, tiến vây Đông Quan.
Tin thắng trận báo đến hàng doanh Lỗi Giang. Bình Định vương sai gióng trống trẩy ra. Khi Vương đến Thanh Đàm, các tướng đều ra đón mừng. Vương sai:
Các tướng Trần Hãn điều động thủy quân và hơn một trăm chiếc thuyền theo Lung Giang ra cửa sông Hát, thuận dòng xuôi đến bến Đông Bộ Đầu sông Nhị Hà;
Các tướng Bùi Bị đem hơn một vạn bộ binh, ngầm tiến đến cầu Tây Dương.
Vương tự làm tướng, chỉ huy đạo quân chủ lực, tiến vây thành Đông Quan, bắt được rất nhiều chiến thuyền của địch.
Người Minh làm thêm rào lũy, liều chết cố giữ.
Bấy giờ Vương đến Đông Đô, các hào kiệt ở Kinh Lộ và các tù trưởng ở biên trấn đều xút xít đến cửa quân doanh, tình nguyện xin trổ sức, dù chết cũng không quản. Vương vỗ về yên ủi, hiểu dụ cho họ biết rõ cái nghĩa nên lui nên tới1364 ; phàm nhân sĩ và thứ dân hễ ai đến yết kiến cũng đều được Vương tiếp đãi bằng lời nhũn nhặn và lễ ưu hậu, rồi tùy tài cao thấp của từng người mà cất đặt vào mọi chức sự. Dùng tước lộc khen thưởng để người ta được khuyến khích, lại dùng hình phạt nghiêm minh để người ta biết răn chừa. Vì thế mọi người đều cảm kích. Vương trẩy đến đâu cũng thu được công hiệu đến đó.
Lời cẩn án - Chiến dịch Tốt Động, bọn Vương Thông thống suất hàng mười vạn quân, tinh thần sắc bén gấp hàng trăm lần. Các tướng Lý Triện chỉ có vài nghìn người. Một đám cô quân vào sâu trong trận địch, thế mà nhiều lần thừa thắng, đánh được giặc một cách độc nhất. Như vậy không khỏi có điều đáng ngờ. Bọn Lưu Nhân Chú và Bùi Bị được phân phối đi tuần đường khác, không kịp tiếp ứng: nói thế cũng còn xuôi xuôi. Đến như Đinh Lễ, Lê Xí vâng lệnh cầm quân, thực tế là phải đương đầu với cả phía chính diện của thành Đông Quan. Bấy lâu đang đóng ở Thanh Đàm, vốn không có sự cách trở vì thành lũy cao hay mặt trận vững của địch, thế mà lần đầu thì thắng ở Ninh Kiều và Xa Lộc, lần thứ hai lại thắng ở Ba La, trước sau không hề được một tên quân nào đến tiếp
ứng cả. Kịp khi bọn Triện đánh giặc không lợi, sai người cấp báo, bấy giờ mới có cuộc hội quân ở Cao Bộ. Tình hình đương thời ra sao, thực có điều không thể hiểu được. Chỉ vì sử sách thiếu sót, không thể chất chính vào đâu cả. Nay xin kính cẩn chép theo Sử cũ , còn thì xin để khuyết nghi1365 . Lời phê - Điều không thể hiểu được còn nhiều, chứ chẳng những việc này. Có lẽ vì tập sử Lê Kỷ là do các bầy tôi nhà Lê biên soạn, cho nên tuy gọi là "thực lục", nhưng có nhiều lời lẽ quá khoe khoang, không đủ tin là chứng cớ xác thực được. Lời chua - Tốt Động: Tên xã. Nay thuộc huyện Mỹ Lương1366 .
Thanh Đàm: Tức Long Đàm. Xem Trần Thái Tông, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 14 (Chính biên VI, 26).
Sự quan: Theo sách Hội Điển nhà Minh, phàm người phạm luật, bị bóc chức, phải đái tội đi tòng chinh thì gọi là sự quan.
Cổ Sở: Tên xã. Có bến đò Phùng, nay thuộc huyện Thạch Thất, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây.
Sa Đôi: Theo Bản kỷ thực lục của Ngô Sĩ Liên, huyện Từ Liêm có Bãi Sa Đôi, có lẽ tứclà Sa Đôi này.
Thanh Oai: Tên huyện. Nay thuộc tỉnh Hà Nội1367 .
Cổ Lãm: Tên xã. Nay là xã Thắng Lãm1368 , thuộc huyện Thanh Oai.
Tam La: Tức là chỗ có quán Ba La ở giáp giới giữa huyện Từ Liêm và huyện Thanh Oai thuộc Hà Nội1369 .
Cao Bộ: Tên xã. Nay đổi là Cao Bộ thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Nội1370 .
Chúc Động: Tên xã. Nay là xã Chúc Sơn, thuộc huyện Chương Đức1371 .
Chuông Quy Điền: Thôn Thanh Bảo, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội có chùa Một Cột. Tục truyền rằng đời Lý đúc quả chuông lớn, để ở trong chùa, đánh không kêu, bèn đem bỏ chuông ấy ở ruộng Quy Điền. Ruộng này trũng thấp ẩm ướt, có sản nhiều rùa, nên gọi tên như vậy.
Phổ Minh: Tên chùa. Năm Thiệu Long thứ 5 (1262) đời Trần Thánh Tông làm chùa này, có đúc cái vạc và khắc bài minh vào vạc.
Cửa sông Hát: Ở xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây.
Đông Bộ Đầu: Xem Lý Cao Tông, năm Trị Bình Long Ứng1372 thứ 5 (Chính biên V, 33).
Cầu Tây Dương và Lung Giang: Không rõ bây giờ là đâu.
Vương bắt đầu chia Đông Đô làm bốn đạo, cất đặt các chức quan văn võ ở trong kinh và ngoài các lộ, các trấn.
Vương bắt đầu chia các lộ Đông Đô làm bốn đạo, đặt quan chức và liêu thuộc văn võ ở trong kinh và ngoài các lộ, các trấn. Còn ở các cửa biển thì đặt chức tuần kiểm, ra lệnh kiểm soát những người qua lại và những kẻ đem thư sang Trung Quốc.
Lời chua - Bốn đạo: Theo "Địa dư chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, thì:
Các trấn Tam Giang, Tuyên Quang, Hưng Hóa và Gia Hưng thuộc Tây Đạo;
Các lộ Thượng Hồng, Hạ Hồng, Nam Sách Thượng, Nam Sách Hạ và trấn An Bang đều thuộc Đông Đạo;
Các lộ, các trấn Bắc Giang, Thái Nguyên đều thuộc Bắc Đạo;
Các lộ Khoái Châu, Lỵ Nhân1373 , Tân Hưng, Kiến Xương và Thiên Trường đều thuộc Nam Đạo.
Chức quan: Theo Kiến văn lục1374 của Lê Quý Đông, Thái Tổ khi mới ra Đông Đô, có chia các lộ và các trấn làm bốn đạo, đặt các quan liêu văn võ trong kinh và ngoài các đạo, đồng thời cũng đặt các thị vệ tướng quân. Lại đặt chức tuần kiểm ở các cửa biển. Còn vệ quân ở các lộ, các phủ thì đặt dưới sự cai quản của những đại thần được bổ làm kiêm tri, tổng tri, đồng tri. Các viên chấp lệnh và giám quân cũng đều thuộc dưới quyền những đại thần này. Các nơi trấn thủ thì có chức quan sát và chức phòng ngự; các khê động1375 thì có chức thủ ngự, chức đoàn luyện; các lộ thì có chức an phủ.
Lại theo "Chức quan chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, Lê Thái Tổ tiến quân ra Đông Đô, cất đặt các chức quan, chia các lộ Đông Đô làm bốn đạo, sắp xếp các chức văn võ ở trong kinh và ngoài các đạo, mới có những chức như bộc xạ, thị trung, thiếu bảo, hành khiển, thượng thự và hàn lâm, v.v...
Có các quan ở bốn đạo (viên chánh, hàm tổng tri, coi quản các sự vụ về quân và dân; viên phó, kiêm việc trông coi các sổ sách quân và dân. Thí dụ như nhập nội thiếu bảo Lê Lựu làm Tổng tri coi quản công việc quân và dân ở Lạng Sơn và An Bang; thiếu bảo Lê Văn An làm Tổng tri coi quản công việc quân và dân ở Quốc Oai, Tam Đái và Quảng Oai; Bùi Ư Đài làm Kiêm tri coi quản sổ sách và công việc quân, dân ở Đông Đạo).
Có các quan mật viện (viên chánh giữ chức đại sứ, viên phó kiêm làm công việc của viện; dưới đó có các chức thiêm tri, thiêm sự, v.v...).
Có các quan các bộ (thí dụ như Lại Bộ thượng thư Nguyễn Trãi, Lễ Bộ thượng thư môn hạ Bùi Ư Đài; dưới đó có các chức lang trung, viên ngoại,..).
Có các quan các sảnh (thí dụ như thượng thư môn hạ sảnh tả hỏa và hữu hỏa... Bấy giờ nhà Lê vẫn theo quan hiệu cũ của nhà Trần, chia gọi môn hạ sảnh làm tả hoả và hữu hoả; sau mới đổi làm tả ti và hữu ti).
Có các quan viện Hàn Lâm (như thừa chỉ học sĩ, đãi chế, chủ thư thị sử, chủ thư sứ, nội lệnh sử, quốc tử bác sĩ, v.v...).
Có các quan ở hình viện (như Thẩm hình viện sứ, Thẩm hình viện phó sứ, phán đại lý chánh, v.v...).
Có các quan ở quân vệ (như Thiết đột trung quân, Thiết đột tiền quân, Thiết đột hậu quân, Thiết đột tả quân, Thiết đột hữu quân, mỗi quân đều có chức tổng lĩnh đứng đầu. Lại đặt ra mười bốn vệ Thiết đột).
Có các quan cầm quân1376 (có những chức như đốc quản, chánh đốc, chấp lệnh, giám quân, v.v...).
Danh sách các quan chức đại khái là thế.
Còn các quan chức ở ngoài các đạo thì có: quan sát sứ, phòng ngự sứ, tuyên úy sứ, an phủ sứ, v.v... đều là các chức to ở các trấn các huyện và các châu. (Lại đặt các chức tuần kiểm ở các cửa biển. Và trao cho các tù trưởng ở các nơi phiên thuộc những chức như thủ ngự, đoàn luyện, v.v... Thỉnh thoảng có những tù trưởng ở phiên thuộc nào theo về với triều đình mà lập được công to thì cũng ban cho chức trọng, như: nhập nội tư không bình chương sự, thượng tướng quân, đại tướng quân, v.v... Nếu ai dâng sách lược mà hợp với ý chỉ của nhà vua thì đặc biệt được phong là quân sư, chẳng hạn như Nguyễn Tử Hoan ở huyện Bố Chính đã được). Còn đối với các đại thần văn võ thân tín thì, trên cái chức quan đã được, còn ban thêm hai chữ "nhập nội" nữa (như: nhập nội tư mã, nhập nội hành khiển, v.v... Về quan chế thêm chữ "nhập nội" này, đời sau vẫn còn theo dùng).
Tháng 11. Bình Định vương lập Hồ Ông làm chúa nhà Trần, đổi tên là Trần Cao (Sử cũ chép chữ "Cao": "nhật" trên, "cao" dưới)1377 .
Bấy giờ Vương Thông nhà Minh nhiều lần bị giập gẫy, biết rằng không thể nào chiếm được thắng lợi cuối cùng. Muốn bãi chiến, rút quân về, nhưng ngại rằng không dựa vào danh nghĩa nào được, hắn bè vin vào lời chiếu của vua Minh ở đầu niên hiệu Vĩnh Lạc1378 bảo tìm lập con cháu họ Trần, nên mới ngầm khuyên Bình Định vương vin vào danh nghĩa lập con cháu họ Trần ấy để xin bãi binh. Bình Định vương cũng cho rằng trong nước bấy lâu phải đau khổ vì nạn binh đao, cũng mong cất gánh nặng để dân được nghỉ ngơi, nên cũng ưng thuận.
Trước kia, có một người là Hồ Ông, ẩn náu ở nơi Cầm Quý, thổ quan châu Ngọc Ma, mạo xưng là cháu ba đời của Trần Nghệ Tông (1370-1372). Để đáp ứng ý muốn của người Minh, Vương bàn tính cho đón Hồ Ông về, đổi tên là Trần Cao, lập làm chúa nhà Trần, đặt niên hiệu là Thiên Khánh. Vương xưng là Vệ quốc công, thay Cao làm bài biểu đưa sang nhà Minh cầu xin phong tước.
Trần Cao, sau khi được lập làm chúa nhà Trần, đóng ở núi Không Lộ. Vương sai Lê Quốc Hưng đến làm người giúp việc để giám sát Trần Cao.
Lời phê1379 - Lê Lợi đã tự nhận là trượng phu1380 , cần gì phải làm việc giả dối lập Trần Cao này! Lời chua - Núi Không Lộ: Ở huyện Thạch Nhất, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, trên núi có chùa Lạc Lâm, xưa là chỗ hoá thân của thiền sư Không Lộ, nên gọi tên như vậy.
Ngọc Ma: Xem Bình Định vương năm thứ 2 (Chính biên XIII, 10).
Vương điều động phân phái các tướng súy đi đánh phá và tập kích các thành.
Trước kia, Vương cho người đánh gấp thành Đông Quan. Bọn Vương Thông và Sơn Thọ đánh nhau với quân ta, nhiều lần bị thua trận, tình thế của chúng ngày một cùng quẫn. Chúng sai người đem thư đến xin hòa, mong được toàn quân để rút về nước. Bình Định vương nói: "Không đợi phải đánh mà khuất phục được quân của người ta: chước hay, là ở đấy". Rồi Vương ưng thuận, hẹn ngày cho Thông phải mau điều động tất cả người và ngựa ở các thành phải đến họp tập ở Đông Đô, sẽ cho về nước hết cả.
Thông, do đấy, sai gấp đưa thư đến các thành Nghệ An, Diễn Châu và Thanh Hóa, hạ lệnh đình chiến rút quân.
Bấy giờ bọn thổ quan1381 Trần Phong1382 và Lương Nhữ Hốt1383 vốn làm tay sai cho người Minh, sợ rằng, sau khi quân Minh rút lui, sẽ bị chu diệt, mới trả lời rằng: "Xưa, Ô Mã Nhi nhà Nguyên thua trận, đầu hàng nhà Trần, bị Hưng Đạo vương Quốc Tuấn lập mưu giết chết, không còn một mống nào sống sót mà về". Tin lời của bọn Lương Nhữ Hốt, Thông bề ngoài tuy nói xin hòa, nhưng vẫn đào hào, thả chông, ngầm sai người đem thư bọc kín trong sáp chực đưa về nước để xin quân cứu viện. Bình Định vương bắt được mật thư của Thông, ghét hắn tráo trở, bèn tuyệt giao với Thông. Vương chia sai các tướng lại khởi thế công:
Lê Quốc Hưng đánh Điêu Diêu và Thị Cầu;
Trịnh Khả và Lê Khuyển đánh Tam Giang;
Lê Sát và Lê Thụ đánh Xương Giang;
Trần Lựu và Lê Bôi đánh Khưu Ôn1384 .
Lời chua - Trần Phong: Người làng Ma Lộng, huyện Chí Linh1385 .
Ô Mã Nhi: Việc này xem Trần Nhân Tông, năm Trùng Hưng thứ 5 (Chính biên VIII, 11).
Điêu Diêu: Tên thành, ở huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh.
Thị Cầu: Tên thành, ở huyện Vũ Giàng, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Khưu Ôn: Tên thành. Xem Trần Nhân Tông, năm Trùng Hưng thứ 1 (Chính biên VII, 36).
Trần Lựu: Người Lam Sơn, thuộc Thụy Nguyên1386 , sau được cho lấy theo họ Lê.
Vương dùng bọn Đào Công Soạn và Nguyễn Vĩ, là những kẻ sĩ mới trúng tuyển, làm An phủ sứ và Viên ngoại lang1387 .
Bấy giờ Vương đóng ở hành doanh Bồ Đề, thi những kẻ sĩ văn học bằng đầu đề là làm bài văn yết bảng "hiểu dụ thành Đông Quan". Bọn Đào Công Soạn và Nguyễn Vĩ 36 người được trúng tuyển. Bấy
giờ những người được bổ dùng làm An phủ sứ ở các lộ và Viên ngoại lang ở lục bộ1388 đều là lớp người mới trúng tuyển này.
Lời chua - Đào Công Soạn: Người làng Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ1389 .
Nguyễn Vĩ: Người làng Vĩnh Khang thuộc Nghệ An.
Dinh Bồ Đề: Xem Bình Định vương năm thứ 10 (Chính biên XIV, 4).