K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c
Tiền Biên
Quyển thứ V
Năm Nhâm Ngọ (826). (Đường, năm Hàm Thông thứ 3).
Tháng 2, mùa xuân. Nam Chiếu lại vào lấn cướp. Nhà Đường cho Thái Tập sang làm kinh lược sứ, đem quân chống nhau với quân Nam Chiếu.
Theo Cương mục (Trung Quốc), nước Nam Chiếu vào lấn cướp, Vương Khoan nhiều lần cáo cấp với nhà Đường. Vua Đường dùng Thái Tập, nguyên quan sát sứ Hồ Nam, sang thay Vương Khoan, vẫn điều động quân các đạo Hứa, Hoạt, Từ, Biện, Kinh, Tương, Đàm, Ngạc, tất cả là ba vạn người, giao cho Thái Tập để chống nhau với Nam Chiếu. Thế lực quân Đường đã mạnh, người Man phải rút lui.
Lời chua - Hựa, Hoạt, Từ, Biện, Kinh, Tương, Đàm, Ngạc: Tên tám châu (Trung Quốc).
Tháng 5, mùa hạ. Nhà Đường chia đất Lĩnh Nam làm hai đạo; Đông và Tây. Dùng Vi Trụ và Thái Kinh sang làm tiết độ sứ.
Theo sách Cương mục (Trung Quốc), tả thứ tử186 Thái Kinh có tính tham tàn, hay dối trá. Tể tướng bấy giờ tưởng hắn là người có tài cai trị, tâu xin cho Kinh đi khu xử các việc ở Lĩnh Nam. Đất Lĩnh Nam trước kia chia làm năm quản187 là Quảng, Quế, Ung, Dung và An Nam, đều lệ thuộc Lĩnh Nam. Theo lời tâu xin của Thái Kinh, nhà Đường chia Quảng Châu làm Đông Đạo, Ung Châu làm Tây Đạo, giao cho Vi Trụ và Thái Kinh mỗi người coi một đạo. Thái Tập bấy giờ cầm quân các đạo đóng ở An Nam. Thái Kinh ghen ghét, sợ Thái Tập lập công, bèn tâu với vua Đờng rằng quân Man đã lánh xa, nơi biên viễn không có gì đáng lo ngại, xin bãi bỏ lính thú. Vua Đường nghe theo lời Thái Kinh. Thái Tập nhiều lần tâu rằng quân Man vẫn rình chỗ sơ hở của ta, không thể không có quân đóng để phòng bị; vậy xin lưu lại năm nghìn quân. Vua Đường không nghe. Thái Tập có làm bài trạng nói mười điều tất chết gửi lên tòa Trung thư. Tể tướng lúc đó cả nghe lời Thái Kinh, không xét gì lời trạng cả. Thái Kinh cai trị làm nhiều điều hà khắc thảm hại. Nhân dân khắp nơi ai cũng ta oán. Rồi bị quân sĩ đuổi đi, Kinh phải giáng chức làm tư hộ Nhai Châu, nhưng hắn không chịu đến Nhai Châu nhận chức, khi hắn về đến Linh Lăng, vua Đường hạ lệnh bắt phải tự tử.
Lời chua - Quảng, Quế: Sử cũ chép sai là Liêm, Quế. - Vi Trụ: Người Vạn Niên thuộc Kinh Triệu. Theo truyện Vi Đan trong Đường thư , con Đan là Trụ được thăng làm tiết độ sứ Lĩnh Nam.
Năm Quý Mùi (863). (Đường, năm Hán Thông thứ 4).
Tháng giêng, mùa xuân. Nam Chiếu đánh phá phủ đô hộ. Kinh lược sứ Thái Tập và ngu hậu Nguyên Duy Đức đều bị chết.
Theo sách Cương mục (Trung Quốc), nước Nam Chếu thống suất quân các Man gồm năm vạn người đến lấn cướp. Thái Tập cáo cấp với nhà Đường. Vua Đường hạ sắc điều động hai nghìn quân ở Kinh, Hồ và ba nghìn quân ở Quế Quản sang cứu viện. Các quân ấy chưa đến nơi, Nam Chiếu đã vây thành phủ; quân cứu viện không tới được, thành liền bị phá. Thái Tập quanh mình không còn ai, đi bộ gắng sức cố đánh, khắp mình bị mười mũi tên. Tập muốn chạy xuống thuyền giám quân, thì thuyền đã lìa khỏi bờ, liền nhảy xuống sông chết. Các tướng sĩ Kinh Nam hơn 400 người, chạy đến bến nước ở phía
đông thành; ngu hậu là Nguyên Duy Đức bảo mọi người: "Bọn ta không có thuyền, xuống nước thế nào cũng chết, chi bằng quay lại cùng đánh nhau với quân Man, cứ một mạng đổi lấy hai quân Man, cũng vẫn có lợi". Nói xong, liền kéo về phía thành, tung quân ra giết được hơn hai nghìn người Man. Đêm đến, tướng Man là Dương Tư Tấn kéo ra tiếp cứu, bọn Duy Đức bị thua trận bị chết. Nước Nam Chiếu hai lần đánh phá phủ đô hộ, vừa giết vừa bắt làm tù binh tổng số đến mười lăm vạn người. Chúng lưu lại hai vạn quân Man, sai tướng là Dương Tư Tấn ở lại giữ thành phủ. Các Di, Lạo ở miền Khê động đều đầu hàng chúng.
Lời chua - Theo sách Điền tá ký của Dương Thận, năm Hàm Thông thứ 4 (863) đời Đường, người Nam Chiếu là Mông Thế Long cướp Giao Chỉ, vừa giết vừa bắt làm tù binh gần mười lăm vạn người, lưu lại hai vạn quân Man, sai tướng của chúng là Dương Tư Tấn ở lại chiếm đóng. Các Di, Lạo ở miền Khê động đều ra hàng cả. Đến năm Hàm Thông thứ 5 (864), chúng lại sang cướp Ung Châu, bị thua, rút về. Năm Hàm Thông thứ 7 (866), tiết độ sứ Cao Biền đánh phá tan hẳn, Giao Chỉ lại yên. Xem thế thì Nam Chiếu lúc bấy giờ là Nam Chiếu dưới thời Mông Thế Long.
Tháng 6, mùa hạ. Nhà Đường bãi bỏ phủ đô hộ, đặt ra Hành Giao Châu ở trấn Hải Môn; dùng Tống Nhung làm thứ sử, Khang Thừa Huấn giữ chức kiêm Lĩnh Nam chư quân hành doanh.
Theo sách An Nam kỷ yếu , bấy giờ Nam Chiếu đánh phá phủ thành, nhà Đường gọi quân các đạo về giữ Lĩnh Nam Tây Đạo, bãi bỏ phủ đô hộ, đặt Hành Giao Châu ở trấn Hải Môn, dùng hữu giám môn vệ tướng quân Tống Nhung làm chức Hành Giao Châu thứ sử, Vũ Nghĩa tiết độ sứ Khang Thừa Huấn kiêm tiết độ sứ Lĩnh Nam và chư quân hành doanh.
Theo sách Cương mục (Trung Quốc), Khang Thừa Huấn đến Ung Châu, không đặt quân xích hậu188 . Khi Nam Chiếu đem sáu vạn người sắp tiến vào địa giới, Thừa Huấn sai quân ra chống cự, thì cả tám nghìn người trong năm đạo quân đều bị chết, duy có quân Thiên Bình đến sau được thoát. Thừa Huấn không biết xoay xở ra sao. Phó sứ Lý Hành Tố đem quân sửa hào lũy vừa mới xong; quân Man bổ vây đến bốn ngày. Lúc khí giới chuẩn bị gần đủ, các tướng xin: đêm đến, chia từng đạo quân đánh phá đánh phá vào doanh trại quân Man. Khang Thừa Huấn không nghe. Có viên tiểu hiệu trong quân Thiên Bình, hai ba lần cố tranh cãi, Thừa Huấn mới chịu nghe. Viên tiểu hiệu này đem ba trăm dũng sĩ đang đêm dòng dây từng người một ra khỏi thành, phóng lửa đốt các dinh trại quân Man, chém được hơn năm trăm thủ cấp. Quân Man phải cởi vòng vây, rút đi. Khang Thừa Huấn mạo nhận lấy công ấy, tâu tin thắng trận lên triều đình. Nhà Đường thăng Thừa Huấn lên chức kiểm hiệu hữu bộc xạ, các con em thân cận của hắn đều được tâu là có công và đều được thưởng. Còn viên tiểu hiệu có công đốt dinh trại địch không được thăng một cấp bậc nào cả. Vì thế, trong quân ai cũng oán giận.
Lời chua - Khang Thừa Huấn: Theo truyện Khang Nhật Tri trong Đường thư , Thừa Huấn là người Linh Châu, con Khang Nhật Tri. Vì ông cha có công, Thừa Huấn được bổ làm quan, dần lên đến chức hữu thần vũ tướng quân, thăng làm Vũ Nghĩa tiết độ sứ, rồi đổi sang Lĩnh Nam Tây Đạo.
Hải Môn: Theo Thanh nhất thống chí , trấn Hải Môn ở cách 15 dặm về phía tây huyện Bác Bạch thuộc châu Uất Lâm bây giờ, xưa kia là đường đi vào đất An Nam. Cao Biền luyện tập quân lính ở đó, và từ đấy tiến quân lấy lại An Nam. Có người bảo Hải Môn trấn ở Hải Dương, đó là nhận lầm chữ Hải Môn là nơi cửa biển (hải môn) mà Ngô Quyền trồng cọc để đánh Hoằng Tháo.
Tháng 7, mùa thu. Nhà Đường lại đặt phủ đô hộ ở Hành Giao Châu; dùng Tống Nhung làm kinh lược sứ, đem quân Sơn Đông sang đóng giữ.
Theo sách Cương mục (Trung Quốc), quân các đạo nhà Đường sang cứu viện An Nam thường tụ tập đóng đồn ở Lĩnh Nam, việc vận tải lương thực vừa nhọc vừa tốn. Trần Bàn Thạch, người Nhuận
Châu, dâng sớ xin đóng thứ thuyền lớn trọng tải được nghìn hộc, để trở gạo từ Phúc Kiến đi đường biển không đầy một tháng đến Quảng Châu. Vua Đường nghe theo, nên lương ăn của quân lính mới đầy đủ. Nhưng các quan cứ mượn tiếng "hòa cô"189 , chiếm đoạt thuyền buôn, khi đi ra biển, có chiếc bị sóng gió làm chìm đắm thì viên chức có trách nhiệm lại giam giữ viên cương lại190 và bắt người chủ thuyền phải đền số gạo bị mất. Người ta phải khổ về việc này.
Lời chua - Cương Lại: Cũng như Cương Điền, theo lời chua của Cương mục tập lãm , là Lại Viên giữ giấy má sổ sách về việc chở lương thực.
Năm Giáp Thân (864). (Đường, năm Hàm Thông thứ 5).
Nhà Đường dùng tổng quản kinh lược sứ Trương Nhân kiêm giữ cả các công việc Giao Châu.
Theo sách Cương mục (Trung Quốc), bấy giờ Nam Chiếu lấn cướp Ung Châu, quan quân nhà Đường thua thiệt nặng. Thừa Huấn mạo nhận có công, được thăng chức Kiểm hiệu Lĩnh Nam tiết độ. Vi Trụ biết rõ việc làm của Thừa Huấn, viết thư trình bày lên tể tướng. Nhà Đường bèn bãi chức Thừa Huấn, dùng Trương Nhân sang thay, và thêm ba vạn năm nghìn quân cho trấn Hải Môn, sai Trương Nhân tiến lấy thành phủ đô hộ.
Tháng 7, mùa thu. Nhà Đường dùng Cao Biền làm đô hộ tổng quản kinh lược chiêu thảo sứ.
Theo sách An Nam kỷ yếu, Trương Nhân dùng dằng không chịu tiến quân Hạ Hầu Ti tiến cử Kiêu Vệ tướng quân Cao Biền sang thay; Trương Nhân giao lại cho Cao Biền tất cả những quân mà Nhân đã coi quản.
Lời chua - Cao Biền: Theo truyện Cao Biền trong Đường thư , Biền, tiểu tự là Thiên Lý, người U Châu, là cháu Sùng Văn, một nhà truyền đời làm quân Cấm Vệ. Cao Biền, từ khi còn nhỏ, rất chịu khó trau giồi về văn học. Giao du với các nho sĩ, Biền bàn luận đường lối chính trị một cách rắn rỏi. Những người trong hai quân Cấm, Vệ191 lại càng khen ngợi Biền. Biền theo hầu Chu Thúc Minh, làm tư mã192 . Bấy giờ có hai con chim điêu (thuộc loại chim cắt) đang song song bay với nhau, Cao Biền giương cung định bắn và khấn: "Nếu ta sau này làm nên sang cả, thì bắn trúng nhé!". Khấn rồi bắn một phát trúng cả đôi. Mọi người đều quá đỗi kinh ngạc, nhân thế gọi Biền là Lạc Điêu thị ngự (quan thị ngự bắn rơi chim điêu). Biền làm quan, được thăng dần đến hữu thần sách đô ngu hậu, vì có công, lại được thăng làm phòng ngự sứ Tấn Châu. Hồi Nam Chiếu đánh phá Giao Châu, Biền được cử sang thay Trương Nhân đánh Nam Chiếu.
Hạ Hầu Ti: Theo truyện Lưu Triện , Hạ Hầu Ti tên tự là Hiếu Học, người đất Tiêu thuộc Bạc Châu.
Năm Ất Dậu (865). (Đường, năm Hàm Thông thứ 6).
Tháng 7, mùa thu. Cao Biền tiến quân sang Phong Châu, đánh và phá tan được quân Man.
Theo sách Cương mục (Trung Quốc), Cao Biền đang rèn luyện quân lính ở trấn Hải Môn, chưa tiến quân; giám quân là Lý Duy Chu ghét Biền, muốn hại Biền, nên nhiều lần cứ thúc Biền tiến quân. Biền đem hơn năm nghìn người vượt biển đi trước, hẹn Duy Chu cho quân tiếp ứng viện trợ cho. Khi Biền đem quân đi rồi, Duy Chu giữ chặt quân còn lại, không chịu điều động xuất phát. Tháng chín, quân Cao Biền đến Nam Định193 , thấy dân Man Phong Châu ngót năm vạn người đang gặt lúa ở đồng ruộng, Biền ập lại đánh tan được, chém được Man tướng là bọn Trương Thuyên, thu lấy lúa của dân đã gặt để làm lương ăn cho quân.
Lời chua - Nam Định: Theo Địa lý chí trong Đường thư , Nam Định đặt năm Vũ Đức thứ 4 (621), thuộc Giao Châu. Theo Thái Bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử đời Tống, ở huyện Nam Định có núi Đông Cứu. Theo Thanh nhất thống chí , núi Đông Cựu ở châu Gia Lâm. Nay xét núi Đông Cứu ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, vậy huyện Nam Định phải ở địa giới Gia Lâm và Gia Bình.
Phong Châu: Xem đời Hùng Vương (Tb.I, 2).
Năm Bính Tuất (866). (Đường, năm Hàm Thông thứ 7).
Tháng 4, mùa hạ. Cao Biền đánh lấy lại được thành Giao Châu. Nhà Đường thăng cho Biền lên chức kiểm hiệu Công bộ Thượng thư.
Theo Đường thư , bấy giờ thủ lĩnh man Nam Chiếu tên là Tù Long, bổ Đoàn Tù Thiên làm tiết độ sứ ở Thiện Xiển, sai Dương Tập Tư giúp Tù Thiên sang lấn cướp, cho Phạm Ni Ta làm phủ đô thống, Triệu Nặc Mi làm đô thống ở Phù Da.
Theo sách Cương mục (Trung Quốc), Cao Biền tiến quân thường đánh phá được quân Nam Chiếu. Những tin thắng trận ấy gửi đến trấn Hải Môn đều bị Duy Chu dìm đi cả. Chu lại tâu với vua Đường rằng Biền có ý nuông giặc, không chịu tiến quân. Vua Đường nổi giận, muốn giáng chức Cao Biền, dùng hữu vũ vệ tướng quân Vương Án Quyền sang thay và gọi Biền về triều. Ngày tháng ấy, Biền lại đánh thắng quân Nam Chiếu được một trận lớn, vừa giết vừa bắt được nhiều lắm, rồi bao vây thành Giao Châu đến hơn mười ngày; quân Man bị khốn quẫn lắm. Khi thành sắp sửa bị hạ thì Biền nhận được công văn của Vương Án Quyền cho biết rằng Án Quyền đã cùng với Duy Chu đem đại quân do cửa biển xuất phát rồi. Biền lập tức giao việc quân cho Vi Trọng Tể, rồi cùng với hơn trăm người thủ hạ trở về Bắc. Trước đây, tiểu sứ Vương Tuệ Tán do Trọng Tể sai phái và tiểu hiệu Tăng Cổn do Cao Biền cắt cử, cùng nhau đem thư báo tin thắng trận về tâu với vua Đường. Khi đi trên biển, hai người trông thấy bóng cờ từ phía đông sang, hỏi những thuyền đi biển, họ cho biết đấy là quan kinh lược mới194 và quan giám quân195 sang đấy. Hai người bàn nhau: Duy Chu thế nào cũng cướp lấy tờ biểu này của ta. Họ liền cùng nhau trốn vào trong hải đảo, đợi Duy Chu đi khỏi, lập tức lên đường đi gấp về kinh đô. Vua Đường nhận được sớ biểu, mừng lắm, thăng chức cho Cao Biền lên kiểm hiệu Công bộ thượng thư, lại cho trở lại trấn. Bấy giờ, Cao Biền mới đến trấn Hải Môn, lại trở lại. Án Quyền là người mờ tối biếng nhác, Duy Chu là người tàn ác, tham lam, các tướng không ai chịu cộng sự với họ, nên đã bỏ lỏng vòng vây, quân Man trốn thoát mất quá nửa. Cao Biền khi đến nơi, lại đốc thúc tướng sĩ đánh và hạ được thành, chém hơn ba vạn thủ cấp, giết được Tù Thiên và thổ man là Chu Cổ Đạo đã làm người dẫn đường cho quân Nam Chiếu. Quân Nam Chiếu phải chạy trốn. Cao Biền lại phá được hai động thổ mán hùa theo Nam Chiếu và giết những tù trưởng của họ. Các thổ mán khác đem dân chúng đến quy phụ với Cao Bền có tới một vạn bảy nghìn người.
Lời chua - Thiên Xiển: Theo Nam Man truyện trong Đường thư , Thiện Xiển là một kinh đô của nước Nam Chiếu, ở về phía tây bắc Giao Châu.
Phù Da: Theo Thanh nhất thống chí , phủ An Nam đô hộ có huyện Phù Da thuộc châu Vũ Định. Lại theo Vân Nam cổ tích , Vân Nam có thành Phủ Da ở huyện La Thứ196 .
Tháng 11, mùa đông. Giặc Man đã dẹp yên. Nhà Đường đặt Tĩnh hải quân, dùng Cao Biền làm tiết độ sứ.
Theo sách Cương mục (Trung Quốc), kể từ khi Lý Trác sách nhiễu nhân dân, dân các Man nổi lên gần 10 năm; đến nay mới bình định xong, nhà Đường đặt Tĩnh Hải quân ở An Nam, dùng Cao Biền làm tiết độ sứ. Bắt đầu từ đấy, An Nam đổi tên là Tĩnh Hải quân tiết trấn.
Cao Biền vào ở phủ lỵ, đắp Đại La thành.
Theo sách An Nam kỷ yếu, Cao Biền đắp Đại La thành, và làm ra sổ sách chép rõ bờ cõi, số lính thú trong trấn và các thuế má cống nạp. Người Giao Châu kính sợ Cao Biền, gọi Biền là Cao vương.
Sử cũ chép: La Thành của Cao Biền đắp chu vi một nghìn chín trăm tám mươi hai trượng linh trăm thước (1982 trượng, 5 thước)197 ; thân thành cao hai trượng, sáu thước (2 trượng, 6 thước); chân thành rộng hai trượng, năm thước (2 trượng, 5 thước); nữ tường198 bốn mặt cao năm thước, năm tấc (5 thước 5 tấc); năm mươi nhăm lầu vọng địch; sáu nơi úng môn199 , ba cái hào nước, ba mươi tư đường đi. Lại còn đắp con đê vòng quanh ngoài thành dài hai nghìn một trăm hai mươi nhăm trượng, tám thước (2125 trượng, 8 thước), đê cao một trượng, năm thước, chân đê rộng hai trượng, và làm hơn bốn mươi vạn gian nhà.
Cao Biền đi tuần xem xét đến hai châu Ung, Quảng thấy trên đường biển có nhiều đá mọc ngầm, làm cho việc vận tải lương thực không được thông đồng. Biền sai trưởng sử là Lâm Phúng và Hồ Nam tướng quân là Dư Tồn Cổ đem quân bản bộ và thủy thủ hơn một nghìn người đi khai đào. Lúc đi, Biền có dụ bảo họ rằng: "Đạo trời thường giúp lẽ phải, thần linh hay phò người ngay. Bây giờ đi khai đường biển để giúp đời sống cho nhân dân, nếu ta không vụ lợi riêng thì việc làm có gì là khó?". Lâm Phúng ra đi, khởi công làm việc khơi đục, giữa vời vấp phải có hai hòn đá lớn đằng dăng dài đến mấy trượng, rìu búa đục mãi cũng không ăn thua gì, tự nhiên có sấm sét đánh luôn mấy trăm tiếng: tảng đá lớn đều bị vỡ tan. Về phía tây lại có hai hòn đá lớn mọc sừng sững đối nhau, các thợ đều phải bó tay. Thế rồi lại có sấm sét đánh như trước, làm tan cả ra. Đường biển do đấy mới được thông đồng. Nhân thế gọi tên nơi ấy là Thiên Uy cảng (cảng oai trời).
Lời phê - Nay xét: trong Đường thư, Cao Biền bị liệt vào truyện Bạn thần200 ; do vì Biền ăn ở hai lòng, nên mắc phải tai vạ, chứ có gì đáng khen! Còn như việc dẹp yên Nam Chiếu chẳng qua chuyên nhờ oai võ mà thắng được chúng đó thôi. Con sông mà Biền đứng đào nay ở vào đâu cũng không biết rõ. Nếu bảo ở tỉnh Nghệ An bây giờ thì vẫn còn nghẽn tắc, nào đã thông suốt được đâu? Lời Sử cũ chép đây so với lời truyện Cao Biền trong Đường thư khen là thần tiên cũng chỉ là một lối hoang đường tầm bậy giống nhau mà thôi. Vậy mà Sử cũ khen việc Biền đào cảng là được trời giúp, tưởng cũng là chuyện nghe theo truyền văn mà vội tin đấy. Lời cẩn án - Đại La ở Long Biên là cái thành do Trương Bá Nghi nhà Đường đã đắp trước, Triệu Xương, Lý Nguyên Gia tiếp tục sửa đắp lại, chứ không phải bắt đầu từ Cao Biền. Sử cũ chép rằng Cao Biền đắp La Thành, làm nhà cửa có tới hơn bốn mươi vạn gian, tưởng cũng là lời truyền văn không đúng sự thực e khó tin được hết cả. Sử cũ lại chép: "Cao Biền đi tuần xem xét Ung Châu và Quảng Châu, khơi thông đường biển, gọi là Thiên Uy cảng". Nay xét Địa lý chí trong Đường thư, ở huyện Bác Bạch có cái ghềnh Bắc thú (Bắc thú than). Khoảng giữa niên hiệu Hàm Thông (860-873) nhà Đường, Cao
Biền mộ người đục phẳng những đá mọc ngầm để cho thuyền bè được thông đồng qua lại. Theo Thanh nhất thống chí, huyện Bác Bạch nay thuộc châu Uất Lâm. Vậy thì nơi mà Cao Biền khơi đục không phải ở địa giới nước ta. Có người bảo đó là Thiết Cảng ở Nghệ An, vì nó có tên nữa là Thiên Uy cảng; nhưng không phải. Việc Sử cũ chép đó e cũng không đúng. Nay xin lược bớt, ghi phụ sơ qua ở đây để tiện tham khảo. Lời chua - Đại La Thành: Thành này do Trương Bá Nghi đắp từ năm Đại Lịch thứ 2 (767) đời Đường; năm Trinh Nguyên thứ 7 (791), Triệu Xương đắp thêm; năm Nguyên Hòa thứ 3 (808), Trương Chu lại sửa đắp lại; năm Trường Khánh thứ 4 (824), Lý Nguyên Gia đời phủ trị tới bên sông Tô Lịch, đắp một cái thành nhỏ, gọi là La Thành; năm Hàm Thông thứ 7 (866), Cao Biền đắp ngoại thành bao quanh "kim thành"201 , cũng gọi tên là La Thành. Theo Thanh nhất thống chí thành Đại La ở ngoài phủ thành Giao Châu, quận trị Giao Chỉ đời Hán, phủ trị đô hộ đời Đường đều ở đấy. Lâu ngày đổ nát, vết cũ khó xét thấy. Đó tức là những lũy đất ở bốn mặt ngoài tỉnh thành Hà Nội ngày nay. Những thành đất mà các đời Lý, Trần về sau đã sửa đắp nhiều lần, tục cũng gọi là La Thành. Nếu bảo đấy là vết thành cũ của Cao Biền thì thật không đúng.
Năm Ất Mùi (875). (Đường, Hi Tông, năm Kiền Phù thứ 2).
Nhà Đường đổi Cao Biền đi làm tiết độ sứ Tây Xuyên, dùng Cao Tầm sang thay.
Theo sách An Nam kỷ yếu , Cao Tầm là cháu họ Cao Biền, đã từng làm tiên phong, xông pha tên đạn, nêu gương mẫu cho các quân sĩ. Cao Biền tiến cử Cao Tầm sang thay cho mình. Vua Đường nghe theo. Cao Biền ở phủ đô hộ tất cả được chín năm.
Năm Canh Tí (880). (Đường, năm Quảng Minh thứ 1). Tháng 3, mùa xuân. Quân phủ đô hộ nổi loạn. Tiết độ sứ Tăng Cổn phủ dụ được yên.
Theo sách An Nam kỷ yếu , trước kia, Tăng Cổn làm chức tiểu hiệu dưới quyền Cao Biền, Tăng Cổn là người giỏi về chính trị. Khoảng giữa niên hiệu Kiền Phù (874-879), nhà Đường dùng Tăng Cổn thay Cao Tầm làm tiết độ sứ. Năm này (880) quân trong phủ nổi loạn, các thuộc hạ xin Tăng Cổn rút ra ngoài thành để lánh nạn. Cổn không nghe, đem điều uy đức ra phủ dụ: quân nổi loạn yên ngay, đến quy phụ với Cổn. Cổn không nhắc hỏi đến lỗi của họ nữa. Vì thế, trong số quân các đạo đi thú ở Ung Quản hễ ai theo về với Cổn thì đều được dung nạp cả. Tăng Cổn là người có tiếng khéo vỗ về cai trị nhân dân, được người Giao Châu gọi là "ông thượng Tăng" (Tăng thượng thư). Cổn có soạn sách Giao Châu ký lưu hành ở đời. Cổn làm việc ở trấn 14 năm. Đến đời Đường Chiêu Tông, năm Cảnh Phúc thứ 1 (892), Chu Toàn Dục mới sang thay Cổn làm tiết độ sứ.
Lời cẩn án - Sử cũ chép quân trong phủ nổi loạn, tiết độ sứ Tăng Cổn trốn ra ngoài thành. Nay xét Tăng Cổn là người có tiếng về chính trị, e Sử cũ chép lầm chăng, nên nay căn cứ vào sách An Nam kỷ yếu của Cao Hùng Trưng mà cải chính lại. Năm Bính Dần (906). (Đường, Chiêu Tuyên đế, năm Thiên Hựu thứ 3).
Tháng giêng, mùa xuân. Nhà Đường gia phong chức đồng bình chương sự202 cho quan Tĩnh Hải quân tiết độ sứ là Khúc Thừa Dụ.
Họ Khúc là một họ lớn lâu đời ở Hồng Châu. Thừa Dụ, tính khoan hòa, hay thương người, được dân chúng suy tôn.
Gặp thời buổi loạn lạc, nhân danh là hào trưởng một xứ, Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ và xin mệnh lệnh với nhà Đường; nhân thế vua Đường cho làm chức ấy.
Lời chua - Theo sách Thông giám , tháng giêng năm Thiên Hựu thứ 3 (906), nhà Đường gia phong cho Thừa Dụ chức đồng bình chương sự. Sách Vân Đài loại ngữ , Lê
Quý Đôn chép: Thừa Dụ tức là Khúc Tiên chúa. Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ đều là con cháu.
Hồng Châu: Tên đất xưa, đời Lê là hai phủ Thượng Hồng và Hạ Hồng, nay là hai phủ Bình Giang và Ninh Giang, đều thuộc tỉnh Hải Dương.
Năm Đinh Mão (907). (Đường, năm Thiên Hựu thứ 4; Lương, Thái Tổ, năm Khai Bình thứ 1).
Khúc Thừa Dụ mất, con là Hạo giữ Giao Châu, tự xưng là tiết độ sứ.
Khúc Hạo nhờ vào cơ nghiệp cũ, giữ lấy La Thành, tự xưng là tiết độ sứ, chia đặt các lộ, phủ, châu, và xã ở các xứ; đặt ra chánh lệnh trưởng và tá lệnh trưởng203 , bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch; lập sổ khai hộ khẩu, kê rõ họ tên quê quán, giao cho giáp trưởng trông coi. Chính sự cốt chuộng khoan dung giản dị. Nhân dân đều được yên vui. Khi đó, nhà Lương dùng tiết độ sứ Quảng Châu là Lưu Ẩn kiêm lĩnh chức Tĩnh Hải quân tiết độ sứ và phong cho tước Nam Bình vương. Lưu Ẩn giữ thành Phiên Ngung. Khúc Hạo giữ Giao Châu, tự xưng là tiết độ sứ, hai bên chực thôn tính lẫn nhau.
Lời chua - Khúc Hạo: Theo sách An Nam kỷ yếu , Khúc Hạo người Giao Chỉ. Cuối đời Đường, Khúc Hạo làm tiết độ sứ thay cho Độc Cô Tổn: đổi các hương ở các huyện làm giáp, đặt mỗi giáp một quản giáp và một phó tri giáp để giữ việc đánh thuế. Khúc Hạo giữ chức tiết độ sứ được bốn năm thì mất. Nay xét việc chép trong An Nam kỷ yếu có hơi khác với lời Sử cũ , xin ghi cả hai để tham khảo.
Quảng Châu: Tên đất, đặt từ đời Ngô. Xem Lương, Đại Đồng năm 7 (Tb.4, 2).
Phiên Ngung: Xem Triệu Vũ vương, năm thứ nhất (Tb.I, 19).
Năm Đinh Sửu (917). (Lương, Mạt đế, năm Trinh Minh thứ 3).
Khúc Hạo sai con là Thừa Mỹ sang thông hảo với nhà Nam Hán.
Khi bấy giờ Lưu Ẩn đã chết, em là Lưu Nham nối ngôi đặt quốc hiệu là Hán, niên hiệu là Kiền Hanh. Đó là nhà Nam Hán. Khúc Hạo sai Thừa Mỹ sang Nam Hán kết mối hòa hảo. Thực ra, đó là mượn tiếng hòa hảo để dò xét tình hình hư thực.
Khúc Hạo mất, con là Thừa Mỹ lên thay.
Năm Kỷ Mão (919). (Lương, năm Trinh Minh thứ 5).
Nhà Lương trao chức tiết độ sứ cho Khúc Thừa Mỹ.
Theo sách An Nam kỷ yếu, trước kia, Thừa Mỹ sai sứ sang nhà Lương xin lĩnh "tiết việt"204 ; nhân thế, nhà Lương cho làm tiết độ sứ, coi quản Giao Châu.
Năm Quý Mùi (923). (Lương, năm Long Đức thứ 3; Đường, Trang Tông, năm Đồng Quang thứ 1).
Tháng 7, mùa thu. Chúa Nam Hán là Lưu Cung sai Lý Khắc Chính sang xâm lấn. Khúc Thừa Mỹ đánh chống lại, không được, bị bắt.
Theo sách An Nam kỷ yếu , trước kia, Lưu Cung nghe nói Thừa Mỹ đã nhận "tiết việt" của nhà Lương, giận lắm, sai tướng giỏi là Lý Khắc Chính đem quân sang đánh, bắt được Thừa Mỹ đưa về.
Lời chua - Chúa Nam Hán trước tên là Nham, sau đổi là Cung là vì có điềm "rồng trắng" hiện hình. Về sau cho tên Cung không lợi, lại đổi là Yêm, nghĩa là có vẻ cao sáng vì lấy nghĩa "rồng bay trên trời".
Nha tướng205 của Khúc Hạo là Dương Diên Nghệ nổi quân đánh đuổi Lý Khắc Chính.
Theo sách An Nam kỷ yếu , chúa Nam Hán sau khi bắt được Thừa Mỹ, sai tướng là Lý Tiến sang làm thứ sử, cùng với Khắc Chính đóng giữ Giao Châu. Dương Diên Nghệ lấy tư cách là tướng cũ của Khúc Hạo, tập họp quân sĩ, đánh bại Khắc Chính. Khắc Chính phải chạy về Nam Hán. Chúa Nam Hán ý muốn chiêu dụ, tạm phong tước vị cho Diên Nghệ. Chúa Nam Hán bảo những kẻ tả hữu mình rằng: "Dân Giao Châu thích nổi loạn, ta chỉ có thể cơ mi206 được thôi".
Lời chua - Dương Diên Nghệ: Người Ái Châu. Sách An Nam kỷ yếu chép là Đình Nghệ. Nay theo sách Cương mục (Trung Quốc) đổi lại là Diên Nghệ.
Năm Tân Mão (931). (Hậu Đường, Minh Tông, năm Trường Hưng thứ 2).
Tháng 12, mùa đông. Dương Diên Nghệ đánh đuổi Lý Tiến, giết Trần Bảo, lấy lại Giao Châu, tự xưng là tiết độ sứ.
Trước kia, Diên Nghệ vẫn có chí định khôi phục Giao Châu có nuôi ba nghìn tráng sĩ làm nha binh207 . Lý Tiến biết việc đó, cho người gấp về báo với chúa Nam Hán. Diên Nghệ liền kéo quân vây đánh Lý Tiến. Chúa Nam Hán sai thừa chỉ là Trần Bảo đem quân sang cứu. Quân Trần Bảo chưa đến nơi thì thành đã bị đánh phá, Lý Tiến phải trốn về. Trần Bảo đến nơi, cho quân vây thành; Diên Nghệ ra đánh, Trần Bảo bị thua và chết. Diên Nghệ tự xưng là tiết độ sứ, quản lĩnh công việc Giao Châu.
Năm Đinh Dậu (937). (Tấn, Cao tổ, năm Thiên Phúc thứ 2).
Tháng 3, mùa xuân. Nha tướng của Dương Diên Nghệ là Kiểu Công Tiện giết Diên Nghệ và lên thay Diên Nghệ.
Lời chua - Kiểu Công Tiện: Theo sách An Nam kỷ yếu , Tiện là người Phong Châu.
Năm Mậu Tuất (938). (Tấn năm Thiên Phúc thứ 3).
Tháng 9, mùa thu. Một nha tướng khác của Diên Nghệ là Ngô Quyền khởi binh, đánh giết Kiểu Công Tiện. Chúa Nam Hán, Lưu Cung sai con là Hoằng Tháo sang cứu viện. Ngô Quyền đón đánh ở sông Bạch Đằng: quân Nam Hán bị thua, Hoằng Tháo bị chết đuối.
Ngô Quyền, người xã Đường Lâm, thuộc dòng quý tộc đã lâu đời, cha là Mân trước làm quan mục ngay châu nhà. Khi Ngô Quyền mới sinh, có điềm sáng rực cả nhà, trạng mạo đặc biệt khác thường, trên lưng có ba nốt ruồi đen. Người xem tướng lấy làm lạ, bảo rằng sau này có thể làm chúa một phương. Vì thế mới gọi tên là Quyền. Khi Quyền lớn lên, mặt mũi khôi ngô, mắt sáng như chớp, chân bước khoan thai như dáng con hổ, có trí dũng, sức khoẻ cất nổi cái vạc, làm nha tướng của Diên Nghệ. Diên Nghệ gả con gái cho. Ngô Quyền coi giữ Ái Châu. Khi Công Tiện giết Diên Nghệ, Ngô Quyền đem quân từ Ái Châu ra đánh, giết được Công Tiện.
Theo sách Cương mục (Trung Quốc), Công Tiện sai sứ đem của đút lót cho chúa Nam Hán để xin cứu viện. Chúa Nam Hán là Lưu Cung định nhân dịp rối loạn ấy sang lấy Giao Châu, mới cho con là Vạn vương Hoằng Tháo làm Giao vương, đem quân sang cứu Công Tiện. Lưu Cung có hỏi Sùng Văn sứ là Tiêu Ích về sách lược; Tiêu Ích trả lời: "Hiện này mưa dầm đã suốt mấy tuần, đường biển hiểm trở xa khơi; Ngô Quyền lại là người giỏi lắm, chớ nên coi thường. Đại quân phải nên giữ gìn thận trọng, dùng nhiều người đưa đường rồi sau hãy tiến". Lưu Cung không nghe, sai Hoằng Tháo đem thuyền chiến kéo thẳng sang đánh Giao Châu. Khi ấy, Ngô Quyền đã giết được Công Tiện, đem quân đón đánh. Trước hết lấy các cọc gỗ đầu đẽo nhọn và bịt sắt trồng ngầm ở cửa biển, nhân lúc nước triều lên cho các thuyền nhẹ ra khiêu chiến, rồi giả cách thua chạy. Hoằng Tháo đuổi đánh, thình lình nước triều rút cạn, thuyền chiến mắc phải cọc bịt sắt, không trở về được: quân Nam Hán bị thua to, Hoằng Tháo bị chết đuối.
Theo Ngũ đại sử , tướng cũ của Diên Nghệ là Ngô Quyền đánh Giao Châu, Công Tiện cho người sang Nam Hán xin quân cứu viện. Lưu Cung phong Hoằng Tháo làm Giao Vương, xuất quân tới sông Bạch Đằng để đánh Ngô Quyền. Lưu Cung thì đem quân đóng ở trấn Hải Môn. Ngô Quyền ra đón đánh, Hoằng Tháo bị thua và chết, Lưu Cung thu quân kéo về.
Lời bàn của Ngô [Thì] Sĩ - Trận thắng lợi trên sông Bạch Đằng là cơ sở sau này cho việc phục lại quốc thống. Những chiến công các đời Đinh, Lê, Lý, Trần vẫn còn nhờ vào uy thanh lẫm liệt để lại ấy. Trận Bạch Đằng này là vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lừng lẫy ở một thời bấy giờ mà thôi đâu? Lời phê - Ngô Quyền gặp được ngụy triều Nam Hán là một nước nhỏ, Hoằng Tháo là thằng hèn kém, nên mới có được trận thắng trên sông Bạch Đằng. Đó là một việc may, có gì đáng khen. Nếu gặp phải tay Trần Bá Tiên, mà bảo rằng Ngô Quyền không phải theo gót Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, thì ít có lắm! Lời chua - Đường Lâm: Tên xã xưa. Xem thuộc Đường, năm Trinh Nguyên thứ 7 (Tb.4, 26). Theo sách An Nam kỷ yếu , Ngô Quyền, người Ái Châu. Vậy rõ sách nào chép đúng.
Sông Bạch Đằng: Bắt đầu từ sông Lục Đầu thuộc địa hạt tỉnh Bắc Ninh phân lưu chạy vào địa hạt tỉnh Hải Dương: Một chi theo Mỹ Giang, một chi theo Châu Cốc Sơn, hai chi hợp lại ở xã Đoan Lễ. Khúc sông hợp lại này gọi là sông Bạch Đằng. Sông Bạch Đằng phía nam giáp giới huyện Thủy Đường, tỉnh Hải Dương; phía bắc giáp giới huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Yên; chuyển về phía nam 29 dặm, đổ ra cửa biển Nam Triệu. Theo sách Địa lý chí208 của Nguyễn Trãi, sông Bạch Đằng có tên gọi nữa là sông Vân Cừ, rộng hơn 2 dặm, ở đó có nhiều núi cao ngất, nhiều ngành sông đổ lại, sóng cồn man mác giáp tận chân trời, cây cối um tùm che lấp bờ bến, thực là một nơi hiểm yếu về đường biển. Ngô vương Quyền đời Tiền Ngô đánh bại Hoằng Tháo, Hưng Đạo vương đời Trần chiến thắng quân Nguyên đều ở trên sông Bạch Đằng này.
Năm Kỷ Hợi (939). (Ngô vương Quyền, năm thứ 1; Tấn, năm Thiên Phúc thứ 4).
Mùa xuân. Ngô Quyền tự xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa.
Lời tán tụng của Ngô [Thì] Sĩ - Vua Ngô Quyền giết giặc nội phản để trả thù cho chúa, đuổi quân ngoại xâm để cứu nạn cho nước, xây dựng quốc gia, đem lại chính thống, công nghiệp thực là vĩ đại. Lời chua - Cổ Loa: Xem An Dương vương năm thứ 3 (Tb.I, 9).
Lập Dương thị làm hoàng hậu.
Dương Hậu là con gái Diên Nghệ. Trước kia, Ngô Quyền làm nha tướng của Diên Nghệ, Diên Nghệ gả con gái cho; đến đây lập Dương thị làm hoàng hậu.
Đặt trăm quan, dựng nghi lễ trong triều, định màu sắc các đồ mặc.
Năm Giáp Thìn (944). (Ngô vương năm thứ 6; Tấn, Tề vương, năm Khai Vận thứ 1).
Ngô vương Quyền mất.
Lời bàn của Ngô Sĩ Liên - Nhà Tiền Ngô khởi lên, không những có công đánh giặc thắng lợi, lại còn đặt ra trăm quan, dựng ra nghi lễ trong triều, định màu sắc các đồ mặc, ta cũng đã thấy sơ qua về quy mô đế vương; thế mà hưởng ngôi vua không được lâu dài, chưa thấy có kết quả gì về chính trị, thật là đáng tiếc! Năm Ất Tị (945). (Tấn, năm Khai Vận thứ 2).
Tam Kha, em Dương hậu, tự xưng là Bình Vương.
Lời chua - Dương Tam Kha: Theo lời chua trong Sử ký của Ngô [Thì] Sĩ, Tam Kha người làng Dương Xá, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Con cả Ngô vương Quyền là Xương Ngập chạy đến Nam Sách, nương nhờ Phạm Lệnh Công.
Trước kia, Ngô vương Quyền, khi bệnh kịch, có trối trăng dặn Tam Kha giúp con mình là Xương Ngập. Tam Kha liền cướp lấy ngôi, tiếm xưng là Bình vương. Xương Ngập sợ, chạy đến Nam Sách Giang, ẩn náu tại nhà Phạm Lệnh Công ở Trà Hương. Tam Kha nuôi con thứ hai của Ngô vương Quyền là Xương Văn làm con mình. Các con vợ thứ của Ngô vương là Nam Hưng, Kiền Hưng còn nhỏ, đều theo Dương hậu. Tam Kha sai Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạch đem quân đi lùng Xương Ngập: trước sau đến ba lần đều không bắt được. Phạm Lệnh Công đem Xương Ngập giấu vào trong động núi. Tam Kha biết tin, lại cho sục sạo, cuối cùng vẫn không tìm thấy.
Lời bàn của Ngô Sĩ Liên - Việc làm của Phạm Lệnh Công thật là trung nghĩa. Tam Kha là kẻ bầy tôi, đuổi con cả của vua đi mà cướp lấy ngôi, thế mà Phạm Lệnh Công dám giấu Xương Ngập một chỗ, là có ý muốn bảo toàn lấy dòng dõi họ Ngô. Tại đây ta thấy việc Chử Cữu và Trình Anh209 lại tái diễn. Ai dám bảo trong cả một nước to lớn mà không có trung thần nghĩa sĩ hay sao? Lời chua - Nam Sách Giang: Nay là phủ Nam Sách thuộc tỉnh Hải Dương.
Trà Hương: Tức là huyện Kim Thành, xưa gọi là Trà Hương, đều thuộc tỉnh Hải Dương.
Đỗ Cảnh Thạc: Người huyện Thuận Đức thuộc Quảng Đông.
Trình Anh, Chử Cữu: Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, về đời Cảnh Công nước Tấn năm thứ 3, Đồ Ngạn Giả (quan tư khấu nước Tấn) giết con Triệu Thuẫn là Triệu Sóc và diệt cả họ Triệu, Trình Anh và Chử Cữu, là bạn của Triệu Sóc, cùng nhau liều chết đem giấu con Triệu Sóc là Triệu Vũ để bảo tồn lấy dòng dõi họ Triệu.
Năm Canh Tuất (950). (Hán, Ân đế, năm Kiền Hựu thứ 3).
Ngô Xương Văn đánh Tam Kha truất bỏ đi.
Tam Kha sai Xương Văn cùng hai quan sứ là Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc đem quân đi đánh hai thôn ở Thái Bình. Khi đi đến huyện Từ Liêm, Xương Văn bảo hai quan sứ rằng: "Đức trạch của Tiên vương210 ta thấm khắp lòng dân, tất cả các chính lệnh thi hành không ai là không vui lòng theo cả. Chẳng may Tiên vương ta mất đi. Bây giờ Bình vương là kẻ bất nghĩa, tự cướp lấy ngôi, còn tội gì hơn nữa! Nay lại sai chúng ta đi đánh các ấp vô tội kia, may mà được đã vậy, nếu họ không phục thì làm thế nào?". Hai quan sứ trả lời: "Tướng quân bảo sao chúng tôi cũng xin vâng mệnh". Xương Văn bảo: "Ý tôi muốn đem quân quay về đánh úp Bình Vương để phục lại cơ nghiệp của tiền nhân, có nên không?". Hai quan sứ đều lấy làm phải. Bấy giờ mới trở về đánh úp Tam Kha. Mọi người muốn giết đi, nhưng Xương Văn bảo rằng: "Bình vương đối với ta cũng có ơn, nỡ nào đem giết?". Rồi giáng Tam Kha xuống làm Trương Dương công, nhân chỗ ở ấy cho làm thực ấp211 . Tam Kha tiếm ngôi được 6 năm.
Lời chua - Hai thôn Thái Bình: Sử cũ chép là hai thôn Đường, Nguyễn thuộc Thái Bình.
Thái Bình: Xem Triệu Việt vương năm thứ 9 (Tb.4, II).
Trương Dương: Sử cũ chua: tức là bến đò Chương Dương, bây giờ ở huyện Thượng Phúc.
Năm Tân Hợi (951). (Ngô, Nam Tấn vương Xương Văn, năm thứ 1; Chu, Thái tổ, năm Quảng Thuận thứ 1).
Ngô Xương Văn lên ngôi xưng là Nam Tấn vương.
Xương Văn, là con thứ Ngô Vương Quyền, sau khi truất bỏ Tam Kha, lên ngôi vua. Ấy là nhà Hậu Ngô.
Sai sứ giả đón anh là Xương Ngập về. Xương Ngập xưng là Thiên Sách vương.
Đón Xương Ngập ở Trà Hương về kinh đô, cùng nhau trông coi việc nước.
Đinh Bộ Lĩnh khởi binh ở Hoa Lư. Vua Nam Tấn đánh không được.
Bộ Lĩnh, người Hoa Lư, từ bé đã có chí khí lớn. Bấy giờ trong nước rối loạn, Bộ Lĩnh cùng với con là Đinh Liễn đi theo sứ quân Trần Minh Công. Minh Công thấy Bộ Lĩnh là người khôi ngô, khác thường, và có độ lượng, nên giao cho binh quyền. Sau khi Minh Công mất, Bộ Lĩnh thống lĩnh cả các quân, về giữ Hoa Lư. Nam Tấn vương cùng với Thiên Sách vương đem quân đến đánh, Bộ Lĩnh sợ, sai con là Liễn vào làm con tin để hoãn binh. Khi Đinh Liễn đến, hai vương liền bắt cả Đinh Liễn đem đi đánh, hơn một tháng cũng chưa đánh được, mới treo Liễn lên đầu ngọn sào, sai người bảo Bộ Lĩnh: "Nếu không hàng thì sẽ giết Liễn!". Bộ Lĩnh giận, nói: "Tài trai đã quyết chí công danh, khi nào lại chịu bắt chước như đàn bà con trẻ!". Rồi sai hơn mười tay nỏ cùng nhằm chực bắn vào Liễn. Hai vương thấy thế, kinh hãi bảo nhau: "Ta treo con hắn là cốt muốn cho hắn đầu hàng ngay, nay hắn tàn nhẫn như vậy, thì dẫu giết con hắn đi cũng chẳng ích gì". Hai vương bèn không giết Đinh Liễn nữa, rút quân về. Sau, Đinh Liễn lại trở về Hoa Lư.
Lời cẩn án - Hoa Lư ở về sơn phận hai xã Uy Viễn và Uy Tế thuộc Ninh Bình. Nơi đây bốn mặt đều có núi đá đứng thẳng như bức vách, trong có một chỗ hơi bằng phẳng rộng rãi, người xứ ấy gọi là động Hoa Lư. Theo sách An Nam kỷ yếu, Hoa Lư ở về huyện Lê Bình. Lê Bình bây giờ là Gia Viễn, trong lòng động rộng hàng hai trượng có một cái lạch nước quanh co khuất khúc chảy đến phía nam thành Hoa Lư. Thành Hoa Lư cũng ở huyện Lê Bình. Họ Đinh nhân thế núi đắp thành ấy chu vi năm trăm trượng. Vết thành cũ vẫn còn. Như thế thì động Hoa Lư là chỗ Đinh Tiên Hoàng khởi binh; Thành Hoa Lư ở Trường Yên là nơi đóng đô của họ Đinh. Có thuyết cho rằng hai phủ Yên Khánh và Thiên Quan xưa kia đều gọi là Hoa Lư cả; nếu bảo động Hoa Lư ở trong núi Trường Yên thì lầm. Năm Giáp Dần (954). (Ngô, Nam Tấn vương năm thứ 4; Chu, Thế tông, năm Hiển Đức thứ 1).
Xương Ngập mất. Nam Tấn vương sai sứ sang Nam Hán.
Trước kia, Thiên Sách vương Xương Ngập chuyên quyền, Nam Tấn vương không tham dự chính sự nữa. Hai bên do đấy có sự xích mích. Đến nay, Xương Ngập mất, Nam Tấn vương mới chính mình cầm chính quyền, sai sứ sang xin mệnh lệnh chúa Nam Hán là Lưu Thạnh. Nam Hán phong cho Nam Tấn vương chức Tĩnh Hải quân tiết độ sứ kiêm đô hộ.
Theo Ngũ đại sử (Nam Hán thế gia) có chép về Ngô Xương Tấn, người Giao Châu: Xương Tấn là con Ngô Quyền. Ngô Quyền giữ Giao Châu, khi mất rồi, Xương Ngập lên thay. Xương Ngập mất, em là Xương Tấn lên thay, sai sứ đến Lưu Thạnh xin "tiết việt"212 Lưu Thạnh sai cấp sự trung là Lý Dư đem cờ "tinh" sang để chiêu dụ. Lý Dư đi đến Bạch Châu, Xương Tấn sai người đến ngăn lại, bảo rằng: "Giặc biển làm loạn, đường sá khó đi", thành thử Lý Dư không sang được tới nơi.
Lời cẩn án - Sử cũ chép Nam Tấn vương Xương Văn xin mệnh lệnh chúa Nam Hán; còn Ngũ đại sử chép tên là Xương Tấn: sự việc hơi giống nhau, nhưng tên gọi mỗi đằng một khác. Có lẽ bấy giờ Xương Văn đổi tên là Xương Tấn để giao thiệp với nhà Nam Hán, mà người chép Ngũ đại sử ở đương thời không biết được rành mạch tường
tận nên mới trái ngược nhau như thế. Việc này thuộc về nước ta, nên theo Sử cũ là phải. Đến như Sử cũ chép chúa Nam Hán bấy giờ là Lưu Xưởng, có lẽ vì chưa khảo kỹ chăng. Vì xét: Lưu Xưởng nối ngôi nhằm đời Chu Thế Tông năm Hiển Đức thứ 5 (958), thì năm Hiển Đức thứ 1 (954) Lưu Thạnh vẫn còn làm chúa Nam Hán. Năm Ất Sửu (965). (Ngô, Nam Tấn vương năm thứ 15; Tống, Thái tổ; năm Kiền Đức thứ 3).
Nam Tấn vương Xương Văn đi đánh Thái Bình, mất tại trận.
Nam Tấn vương đem quân đi đánh hai thôn ở Thái Bình. Quân đến nơi, cắm thuyền, lên bộ đánh nhau. Nam Tấn vương bị trúng tên nỏ mai phục bắn chết! Trị vì được 15 năm.
Theo Sử ký của Ngô [Thì] Sĩ, khi bấy giờ có người quận Thao Giang là Chu Thái quật cường không thần phục. Nam Tấn vương thân đi đánh, chém được Chu Thái. Do trận thắng ấy, Nam Tấn vương quen mui sinh kiêu, nên mới mắc nạn về việc đi đánh hai thôn này.
Lời bàn của Ngô Sĩ Liên - Nam Tấn nhà Ngô dùng chính nghĩa trừ kẻ tàn bạo, lấy lại được cơ nghiệp cũ. Công việc ấy cũng đã yên ủi vong linh tiên tổ mình, làm nguôi lòng bực tức của quỷ thần, của nhân dân. Thế mà, chỉ vì hiền lành nhù nhờ, đã không trừng trị Tam Kha về tội cướp nước, lại còn gây ra chiến tranh bẩn thỉu ở Thái Bình, cuối cùng tự rước lấy tai nạn, thật đáng tiếc! Nhà Ngô mất. Ngô vương Quyền khởi lên năm Kỷ Hợi, mất năm Giáp Thìn, được 6 năm (939- 944); Nam Tấn Xương Văn từ năm Tân Hợi đến năm Ất Sửu, được 15 năm (951-965). Cộng tất cả là 21 năm
Năm Bính Dần (966). (Tống, năm Kiền Đức thứ 4).
Ngô Xương Xí giữ Bình Kiều, Đỗ Cảnh Thạc giữ Đỗ Động, cùng với thổ hào các huyện ấp tụ tập quân đánh lẫn nhau.
Từ khi Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, thổ hào các nơi đua nhau nổi dậy. Xương Văn tuy lấy lại được nước, nhưng chính sự cẩu thả, không thể thống nhất được; đến khi đi đánh Thái Bình, không được, bị chết trận, từ đó trong nước rối loạn. Một viên tướng người họ Ngô là Ngô Xương Xí tụ tập quân giữ Bình Kiều. Nha tướng nhà Ngô là Đỗ Cảnh Thạc giữ Đỗ Động Giang. Thổ hào các nơi khác cũng nổi lên mỗi người giữ một nơi, ai cũng xưng hùng trưởng. Sau Tiên Hoàng nhà Đinh nổi lên, dẹp yên được cả, từ đấy giang sơn mới thống nhất.
Trước kia, thổ hào các nơi nổi lên như sau:
− Trần Lãm, tự xưng là Trần Minh Công, giữ Bố Hải khẩu;
− Kiểu Công Hãn tự xưng là Kiểu Tam Chế, giữ Phong Châu;
− Nguyễn Khoan tự xưng là Nguyễn Thái Bình, giữ Nguyễn Gia Loan ở Tam Đái;
− Ngô Nhật Khánh tự xưng là Ngô Lãm Công, giữ Đường Lâm (có chỗ chép là Giao Thủy).
− Lý Khuê tự xưng là Lý Lãng Công, giữ Siêu Loại;
− Nguyễn Thủ Tiệp tự xưng là Nguyễn Lệnh công, giữ Tiên Du;
− Lữ Đường tự xưng là Lữ Tá Công, giữ Tế Giang;
− Nguyễn Siêu tự xưng là Nguyễn Hữu Công, giữ Tây Phù Liệt;
− Kiểu Thuận tự xưng là Kiểu Lệnh Công, giữ Hồi Hồ;
− Phạm Bạch Hổ tự xưng là Phạm Phòng Át, giữ Đằng Châu.
Các thổ hào ấy thôn tính lẫn nhau. Đến đây, bọn Ngô Xương Xí và Đỗ Cảnh Thạc lại chiếm giữ Bình Kiều và Đỗ Động, trước sau tất cả 12 sứ quân.
Lời cẩn án - Sử cũ chép "Ngô sứ quân1 gồm 2 năm", để kế tiếp vào thế thứ Nam Tấn vương, vì Sử cũ nhận rằng sứ quân Ngô Xương Xí là con Ngô Xương Ngập. Nhưng nay xét: sau khi Nam Tấn vương mất, Xương Xí chiếm giữ Bình Kiều, thế lực rất yếu ớt, không khác gì các sứ quân ở các nơi khác; cho nên đem liệt cả vào một hàng sứ quân. Lại xét: Sử cũ chép Nam Tấn mất rồi, mười hai sứ quân đua nhau nổi lên, bắt đầu chép Ngô Xương Xí, cuối cùng chép Trần Minh Công; dưới đoạn ấy chép tiếp Đinh Bộ Lĩnh tự xưng Vạn Thắng vương rồi kể lại chuyện Bộ Lĩnh đi theo Trần Minh Công, khi Minh Công mất mới đứng quản lĩnh quân đội thay. Xét kỹ ra, thì ngay từ năm thứ nhất đời Nam Tấn, đã thấy có chép "Bộ Lĩnh giữ Hoa Lư, Nam Tấn vương và Thiên Sách vương đến đánh không được". Vậy thì Trần Minh Công khởi binh phải ở vào trước khi Xương Văn chưa lấy lại được nước. Cứ thế mà suy ra, mười hai sứ quân chiếm giữ các huyện ấy phải có kẻ trước kẻ sau, không giống nhau, chứ không phải đến khi Nam Tấn vương mất rồi, mười hai sứ quân mới đồng thời nổi dậy. Nhưng Sử cũ vì không biết rõ năm tháng của từng sứ quân, nên mới nói tổng hợp ở cả một chỗ ấy đấy thôi. Nay không có văn kiện chép rõ có thể chứng thực được, nên hãy xin ghi để xét sau. Lời chua - Ngô Xương Xí: Con Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập.
Bình Kiều: Chưa rõ ở đâu.
Đỗ Động Giang: Sông Đỗ Động, phát nguyên từ các đầm lớn ở xã Đàn Viên thuộc huyện Thanh Oai, chảy qua các xã Sinh Quả, Ức Lý, đi khuất khúc đến xã Thượng Cung, huyện Thượng Phúc, thì hợp với sông Nhuệ. Sử ký của Ngô [Thì] Sĩ chua: "Bây giờ ở làng Bảo Đà huyện Thanh Oai còn có vết cũ thành của sứ quân"214 . Có thuyết cho rằng Đỗ Động Giang là một tên khác của Nhuệ Giang, thế là lầm.
Bố Hải Khẩu: Tên đất. Năm Thiên Thành thứ 3, đời Lý Thái Tông, nhà vua đi Bố Hải Khẩu, cày ruộng tịch điền. Theo Nam Định tỉnh sách215 , xã Kỳ Bố, thuộc huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương, là nơi trước kia sứ quân Trần Lãm tụ tập quân đóng giữ. Bấy giờ chỗ ấy còn là cửa biển, nên gọi là Bố Hải Khẩu.
Phong Châu: Xem đời Hùng Vương (Tb.I, 1-2). Sơn Tây tỉnh sách216 có chép ở xã Phù Lập, huyện Bạch Hạc, phủ Vĩnh Tường, có vết thành sứ quân, tức là thành của Kiểu Tam Chế đã đắp.
Tam Đái: Tên Châu. Bây giờ là phủ Vĩnh Tường, xưa thuộc Phong Châu.
Nguyễn Gia Loan: Tên núi. Theo Sổ địa danh tỉnh Sơn Tây217 , núi ấy còn có tên gọi là núi Độc Nhĩ và tên gọi nữa là Biện Sơn, ở xã Vĩnh Mỗ huyện Yên Lạc là nơi trị sở của sứ quân Nguyễn Khoan khi giữ Tam Đái vì thế gọi là Nguyễn Gia Loan.
Đường Lâm: Tên xã. Xem thuộc Đường, năm Trinh Nguyên thứ 7 (Tb.IV, 26).
Nhật Khánh: Người họ Ngô Quyền, bị Đinh Tiên Hoàng dẹp yên được. Việc này xem năm Thái Bình thứ 10, đời Đinh Tiên Hoàng (Chb.I, 11).
Thủ Tiệp: Còn một tên hiệu nữa là Ba An quân, mình dài tiếng to, ai nghe thấy tiếng nói cũng phải giật mình, người ta gọi là ông Sấm (Lôi Công). Đến khi khởi binh, Thủ Tiệp tự xưng là Nguyễn Lệnh công, đóng giữ huyện Tiên Du, sau lấy cả Vũ Ninh, tự xưng là Vũ Ninh vương, không rõ là người ở xứ nào.
Tiên Du: Tên huyện. Bây giờ thuộc phủ Từ Sơn218 , tỉnh Bắc Ninh.
Siêu Loại: Tên huyện.
Tế Giang: Tên huyện xưa, bây giờ là Văn Giang219 , đều thuộc phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh.
Tây Phù Liệt: Tên đất. Bây giờ là xã Tây Phù Liệt thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Hồi Hồ: Thuộc huyện Cẩm Khê, tỉnh Sơn Tây. Cẩm Khê xưa là Hoa Khê. Theo Sổ địa danh tỉnh Sơn Tây , ở xã Trương Xá thuộc Cẩm Khê, có vết cũ thành của sứ quân Kiểu Công.
Đằng Châu: Tên đất. Nhà Trần gọi là Khoái Lộ, nhà Lê gọi là Khoái Châu, đều là đất này cả. Bây giờ ở xã Đằng Châu, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, còn có đền thờ Phạm sứ quân.
Trần Lãm, Kiểu Công Hãn, Nguyễn Khoan, Lý Khuê, Lữ Đường, Nguyễn Siêu, Kiểu Thuận, Phạm Bạch Hổ: Đều không rõ người ở đâu.
Năm Đinh Mão (967). (Tống, năm Kiền Đức thứ 5).
Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư đánh và dẹp yên được sứ quân các bộ, tự xưng là Vạn Thắng vương.
Thế lực quân đội của Bộ Lĩnh mỗi ngày một mạnh, đánh đâu được đấy. Lại phá được đám giặc ở Đỗ Động Giang. Các bộ đều dẹp yên được cả. Quan lại và nhân dân các châu các phủ không ai không quy phục.
Theo Ngũ đại sử, năm Đại Bảo thứ 8 đời Lưu Xưởng220 , Xương Văn ở Giao Châu mất (965), người giúp việc là Lữ Xử Bình cùng với thứ sử Phong Châu là Kiều Tri Hựu tranh nhau lên làm vua. Đinh Liễn đem quân đánh phá được. Lưu Xưởng cho Đinh Liễn làm tiết độ sứ Giao Châu.
Theo sách Thập quốc Xuân thu của Ngô Nhậm Thần nhà Thanh, thì năm Đại Bảo thứ 3 đời Hậu Chúa Nam Hán Lưu Xưởng, Đinh Bộ Lĩnh giữ công việc Giao Chỉ, hiệu là Đại Thắng vương. Trước kia, Ngô Xương Văn mất, tướng tá của Xương Văn là Lã Xử Bình cùng với thứ sử Phong Châu là Kiều Tri Hựu gây loạn, Bộ Lĩnh cùng với con là Đinh Liễn đánh bại Xử Bình, được dân chúng suy tôn làm vua.
Lời bàn của Ngô Sĩ Liên - Theo khí vận (tuần hoàn) của trời đất, bĩ tắc mãi tất có lúc hanh thông. Xem như ở Trung Quốc, sau những loạn lạc về thời Ngũ Đại (907- 959) thì có Thái tổ nhà Tống nổi lên; ở nước Nam ta, sau những cuộc tranh giành của Mười hai sứ quân thì có Đinh Tiên Hoàng trỗi dậy. Những việc đó không phải là ngẫu nhiên, mà chính là khí vận do trời định đoạt. Lời cẩn án - Nay xét: Đem việc chép về nhà Đinh trong Ngũ đại sử và Thập quốc Xuân thu so với Sử cũ của ta thì thấy hơi khác: năm Đại Bảo thứ 8 đời Lưu Xưởng (965) tức là năm Kiền Đức thứ 3 nhà Tống (965), những cũng xin chép cả, để giúp việc tra cứu. Đây trở lên, từ năm Nhâm Ngọ, thuộc Đường, năm Hàm Thông thứ 3 (862) đến năm Đinh Mão, ngang với nà Tống năm Kiền Đức thứ 5 (967), cộng một trăm linh sáu năm.