Đ ạ i V i ệ t S ử K ý N g o ạ i K ỷ T o à n T h ư

Quyển IV

[1a]

K ỷ T h u ộ c N g ô , T ấ n , T ố n g , T ề , L ư ơ n g

Đinh Mùi, [227], (Hán Kiến Hưng năm thứ 5; Ngô Hoàng Vũ năm thứ 6), Vua Ngô nghe tin Sĩ Nhiếp mất, thấy Giao Châu ở xa cách, mới chia từ quận Hợp Phố trở về bắc thuộc vào Quảng Châu, cho Lữ Đại làm Thứ sử; từ quận Hợp Phố trở về nam thuộc vào Giao Châu, cho Đái Lương làm Thứ sử. Lại sai Trần Thì làm Thái thú thay Sĩ Nhiếp. Đại ở lại Nam Hải. Lương và Thì cùng lên đường. Đến Hợp Phố nghe tin ở Giao Châu con Sĩ Nhiếp là Huy đã tự làm Thái thú, đem tông binh ra chống cự. (Cuối thời nhà Hán, tôn thất nổi loạn, người Nam cũng tụ họp họ hàng làm binh để tự vệ, cho nên gọi là tông binh). Lương ở lại Hợp Phố. Thuộc lại của Sĩ Nhiếp là Hoàn Lân cúi đầu can Huy, xin đón Lương, Huy giận đánh chết Lân.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Từ xưa hễ giết bề tôi can ngăn thì chưa từng không mất nước. Nước Trần giết [1b] Tiết Dã, nước Tề giết Cô Huyên, việc nước Trần, nước Tề đáng làm gương soi, lấy đó làm răn. Thế mà còn có người giết bề tôi căn ngăn như Sĩ Huy, nối nghiệp chưa kịp quay gót mà đã phải chết là đáng lắm.

Anh của Lân là Trị và con là Phát lại họp tông binh đánh Huy. Huy đóng cửa thành để giữ. Bọn Trị đánh mấy tháng không hạ được thành, bèn giảng hòa và đều bãi binh. Kế đó Lữ Đại vâng chiếu nước Ngô đánh Huy, đem quân từ Quảng Châu, ngày đêm đi gấp đến Hợp Phố, cùng với Lương đều tiến, dụ con của Sĩ Nhiếp là Trung Lang Tướng Khuông92 bảo Huy ra chịu tội, tuy mất chức quận thú, nhưng bảo đảm không có lo ngại gì khác. Đại theo Khuông đến sau. Anh Huy là Chi, em Huy là bọn Cán, Tụng sáu người cởi trần93 đón Đại. Đại mặc áo thường94 đi thẳng đến quận trị. Sáng hôm sau, Đại bày màn trướng, mời anh em Huy theo thứ tự đi vào. Tân khách đầy nhà, Đại đứng dậy cầm phù tiết đọc tờ chiếu kể tội Huy, tả hữu trói quặt [2a] [anh em Huy] đưa ra ngoài, đem chém cả, lấy đầu đưa về Vũ Xương.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Sĩ Huy cha mất không xin mệnh mà đã tự lập, lại đem quân chống mệnh, theo nghĩa thì phải đánh. Nhưng Lữ Đại đã dụ [Huy] ra hàng mà lại giết đi là trái lẽ. Giữ điều tin là báu của nước. Huy đã hàng cứ trói giải về Vũ Xương, khiến cho việc sinh sát được quyết ở trên, mà uy tín lan xuống kẻ dưới, há chẳng hay hơn ư? Tôn Thịnh nói: "Hòa với người phương xa, được lòng người ở gần, không gì hay hơn chữ Tín". Lữ Đại giết kể đầu hàng để cầu công, người quân tử lấy làm chê cười, xem thế mới biết họ Lữ không được lâu là phải lắm.

Nhất, Vĩ và Khuông sau mới ra hàng, được Ngô Vương tha tội, cùng với con tin của Sĩ Nhiếp là Ngẩm, đều giáng làm thứ nhân. Được vài năm, Nhất và Vĩ có tội bị giết, duy có Khuông ốm chết trước. Đến khi Ngẩm chết, đại [2b] tướng của Huy là Cam Lễ và Hoàn Trị đem lại dân đánh Đại, Đại đánh tan

được. Bấy giờ mới bỏ Quảng Châu, đặt lại Giao Châu như cũ. Đại tiến đánh quận Cửu Chân, chém và bắt được kể hàng vạn người.

Tân Hợi, [231], (Hán Kiến Hưng năm thứ 9; Ngô Hoàng Vũ năm thứ 3). Người man Ngũ Khê ở Vũ Lăng nước Ngô làm phản. Ngô Vương cho là đất miền Nam đã dẹp yên, gọi Thứ sử Lữ Đại về. Thái thú Hợp Phố là Tiết Tống95 dâng sớ nói: "Ngày xưa vua Thuấn đi tuần phương nam, mất ở Thương Ngô, nhà Tần đặt các quận Quế Lâm, Nam Hải, Tượng Quận, thế thì bốn quận96 ấy nội thuộc đã lâu rồi. Triệu Đà nổi dậy ở Phiên Ngung, vỗ về thần phục được vua Bách Việt, đó là miền đất về phía nam quận Châu Nhai, Hiếu Vũ (nhà Hán) giết Lữ Gia, mở 9 quận, đặt chức Thứ sử ở Giao Chỉ, dời những người phạm tội ở Trung Quốc sang ở lẫn vào các nơi ấy, cho học sách ít nhiều, hơi thông hiểu lễ hóa. Đến khi Tích Quang làm Thái thú Giao Chỉ, Nhâm Diên làm Thái thú Cửu Chân, dựng nhà học, dẫn dắt bằng lễ nghĩa. Từ đấy trở đi, hơn 400 [3a] năm, dân tựa hồ đã có quy củ. Nhưng đất rộng người đông, núi rừng hiểm trở, dễ làm loạn. Thần từng thấy Hoàng Cái ở Nam Hải làm Thái thú Nhật Nam, khi đến nơi thấy đồ cung đốn, trần thiết không đủ, đánh chết người chủ bạ, nhưng rồi cũng bị đánh đuổi. Thái thú Cửu Chân là Đam Manh vì bố vợ là Chu Kinh mà bày tiệc mời các quan to. Khi rượu say cho cử nhạc, công tào Phan Hâm đứng dậy múa, rồi mời Kinh. Kinh không chịu đứng lên, Hâm cứ thúc ép mãi. Manh nổi giận giết Hâm. Em của Hâm đem quân đến đánh Manh. Thái thú Giao Chỉ trước là Sĩ Nhiếp sai quân đến đánh dẹp không được. Bấy giờ Thứ sử Chu Phù phần nhiều cho người làng như bọn Ngu Bao, Lưu Ngạn chia nhau làm trưởng lại, vơ vét của dân, một con cá vàng thu thóc mộc hộc. Trăm họ oán ghét làm phản, kéo đi đánh phá châu quận, Phù phải chạy ra biển. Bộ Chất đã lần lượt làm cỏ, kỷ cương mới được chấn chỉnh lại. Sau Lữ Đại bình được loạn Sĩ Huy, đổi đặt các trưởng lại, làm sáng tỏ kỷ cương của nhà vua, uy [3b] danh khắp muôn dặm, lớn nhỏ đều theo. Do đó mà xem thì giữ yên biên giới, vỗ về dân xa quả thật là ở tại người. Bổ nhiệm các chức bá mục nên chọn người thanh liêm. Ngoài cõi hoang phục thì họa phúc lại càng hệ trọng lắm. Nay Giao Châu tuy rằng tạm yên, nhưng còn bọn giặc lâu nay ở Cao Lương97 bốn quận Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Châu Nhai cũng chưa yên, trộm cướp thường tụ họp. Nếu Đại không trở lại phương Nam nữa thì Thứ sử mới nên chọn người nào cẩn thận chu đáo, có phương lược mưu kế để vỗ về, mới có thể trị yên được. Còn như hạng người thường, chỉ biết giữ phép thường, không có mưu kỳ chước lạ thì lũ ác nghịch98 ngày thêm nảy nở99 ". Ngô Vương lại cho Đại làm Trấn Nam tướng quân, phong tước Phiên Ngung hầu (có sách chép là phong Ngụy quận Lăng Lệ Công).

Mậu Thìn, [284], (Hán Diên Hy năm thứ 11; Ngô Vĩnh An năm thứ 1)100 . Người Cửu Chân lại đánh hãm thành ấp, châu quận rối động. Ngô Vương cho Hành Dương đốc quân đô úy Lục Dận (có sách chép là Lục Thương) làm Thứ sử kiêm hiệu úy. [4a] Dận đến nơi, lấy ân đức tín nghĩa hiểu dụ, dân ra hàng phục đến hơn 3 vạn nhà, trong châu lại yên. Sau, người con gái ở quận Cửu Chân là Triệu Ẩu tập họp dân chúng đánh chiếm các quận huyện (Ẩu vú dài 3 thước, vắt ra sau lưng, thường ngồi trên đầu voi đánh nhau với giặc). Dận dẹp yên được. (Sách Giao Chỉ chí chép: Trong núi ở quận Cửu Chân có người con gái họ Triệu, vú dài 3 thước, không lấy chồng, họp đảng cướp bóc các quận, huyện, thường mặc áo ngắn màu vàng, chân đi giày mũi cong101 , ngồi đầu voi mà chiến đấu, sau chết làm thần)102 .

Quý Mùi, [263], (Hán Viêm Hưng năm thứ 1, Ngô Vĩnh An năm thứ 16)103 . Mùa xuân, tháng 3, lúc trước nhà Ngô lấy Tôn Tư làm Thái thú Giao Châu, Tư là người tham bạo, làm hại dân chúng. Đến đây vua Ngô sai Đặng Tuân đến quận. Tuân lại tự tiện bắt dân nộp 30 con công đưa về Kiến Nghiệp. Dân sợ phải đi phục dịch đường xa, mới mưu làm loạn. Mùa hạ, tháng 4, quận lại là Lữ Hưng giết Tư và Tuân, xin nhà Tấn đặt Thái thú và cho binh. (Xét sách Cương mục chép là xin nhà Ngụy đặt quan, nhưng đến năm sau. Ngụy nhường ngôi cho Tấn, thì Ngụy cũng tức là Tấn). Các quận Cửu Chân, Nhật Nam đều hưởng ứng. Năm ấy [4b] nhà Hán mất.

Giáp Thân, [264], (Ngụy Tào Hoán Hàm Hy năm thứ 1, Ngô Tôn Hạo Nguyên Hưng năm thứ 1). Mùa thu, tháng 7, nhà Ngô tách Giao Châu, đặt Quảng Châu. Bấy giờ Ngô đã phụ vào Tấn. Nhà Tấn cho Lữ Hưng làm An Nam tướng quân đô đốc Giao Châu chư quân sự, cho Nam Trung giáp quân là Hoắc Dặc xa lĩnh104 Thứ sử Giao Châu, cho được tùy nghi tuyển dụng trưởng lại. Dặc dâng biểu tiến cử Thoán Cốc (có sách chép là Phần Cốc) làm Thái thú, đem thuộc lại là bọn Đổng Nguyên, Vương Tố đem quân sang giúp Hưng, nhưng chưa đến nơi thì Hưng đã bị công tào là Lý Thống giết. Cốc cũng chết (có sách chép Cốc ốm chết).

Ất Dậu, [265], (Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm, Thái Thủy năm thứ 1, Ngô Cam Lộ năm thứ 1), Vua Tấn sai Mã Dung người Ba Tây thay Hưng. Dung ốm chết. Dặc lại sai Dương Tắc người Kiện Vi thay Dung làm Thái thú.

[5a] Mậu Tý, [268], (Tấn Thái Thủy năm thứ 4, Ngô Bảo Đỉnh năm thứ 3). Nhà Ngô lấy Lưu Tuấn làm Thứ sử. Tuấn cùng với Đại đô đốc Tu Tắc105 và Tướng quân Cố Dung trước sau 3 lần đánh Giao Châu. [Dương] Tắc đều chống cự và đánh tan được cả. Các quận Uất Lâm, Cửu Chân đều theo về Tắc. Tắc sai tướng quân là Mao Linh106 và Đổng Nguyên đánh quận Hợp Phố, giao chiến ở Cổ Thành (tức là thành quận Hợp Phố), đánh tan quân Ngô, giết Lưu Tuấn và Tu Tắc, dư binh tan chạy về Hợp Phố, Dương Tắc nhân đó dâng biểu cử Mao Linh làm thái thú Uất Lâm, Đổng Nguyên làm Thái thú Cửu Chân.

Kỷ Sửu, [269], (Tấn Thái Thủy năm thứ 5, Ngô Kiến Hành năm thứ 1). Mùa đông, tháng 10, nhà Ngô sai Giám quân Nhu Phiếm, Uy Nam tướng quân Tiết Hủ và Thái thú quận Thương Ngô người Đan Dương là Đào Hoàng theo đường Kinh Châu sang; Giám quân Lý Đỉnh, Đốc quân Từ Tồn theo đường biển Kiến An sang, đều hội ở Hợp Phố để đánh [Dương] Tắc (Lý Đỉnh có sách chép là Lý Húc).

Tân Mão, [271], (Tấn Thái Thủy năm thứ 7, Ngô Kiến Hành năm thứ 3). Mùa hạ, tháng 4, Ngu Phiếm, Tiết Hủ, Đào Hoàng chống nhau với Tắc, đánh nhau [5b] ở sông Phần107 Đào Hoàng thua, lui về giữ Hợp Phố, chết hai tướng. Hủ giận bảo Hoàng: "Ngươi tự dâng biểu xin đi đánh giặc mà để chết mất hai tướng thì trách nhiệm ở đâu?" Hoàng nói: "Hạ quan không được làm theo ý mình, quân sĩ không hòa thuận, cho nên đến nỗi thua như thế". Hũ chưa nguôi giận, muốn đem quân trở về. Đêm ấy, Hoàng đem mấy trăm quân đánh úp Đổng Nguyên, lấy được của báu, chở thuyền đem về. Hủ bèn tạ lỗi, cho Hoàng lĩnh chức Tiền bộ đô đốc Giao Châu. Hoàng lại theo đường biển, nhân khi bất ngờ, tiến thẳng đến châu. Nguyên chống cự. Các tướng muốn đánh, Hoàng ngờ bên trong chỗ cầu gãy có phục binh, bèn dàn riêng một đội quân giáo dài ở đằng sau. Quân hai bên vừa mới giao chiến, Nguyên giả cách lui, Hoàng đuổi theo, phục binh quả nhiên kéo ra. Quân giáo dài quay lại đánh, phá tan bọn Nguyên, giết Nguyên [tại trận], lấy những thuyền chở hàng hóa báu vật và mấy nghìn tấm thổ cẩm cướp được trước đây đem cho tướng giặc Phù Nghiêm là Lương Tề108 . Tề đem [6a] hơn vạn người đến giúp Hoàng. Bấy

giờ Dương Tắc lấy tướng của mình là Vương Tố thay Nguyên. Dũng tướng của Nguyên là Giải Hệ cùng ở trong thành. Hoàng sai em [của Hệ] là Tượng viết thư gửi cho Hệ, lại sai Tượng ngồi xe ngựa, đánh trống thổi sáp, dẫn đường cho mình đi theo. Bọn Tố bảo nhau rằng: "Tượng như thế, Hệ tất có ý bỏ bọn ta để đi theo". Bèn giết Hệ. Bọn Hủ và Hoàng bèn đánh lấy châu. Nhà Ngô nhân đó dùng Đào Hoàng làm Thứ sử. Hoàng là người có mưu lược, chu cấp kẻ nghèo khốn, ưa bố thí, được lòng người, ai ai cũng vui lòng giúp việc, đến đâu cũng có công trạng. Trước đây vua Tấn cho Dương Tắc làm Thứ sử Giao Châu, Mao Miện109 làm Thái thú, ấn thao chưa gửi đến mà Tắc và Miện đã thua chết rồi. Nhân đó vua Tấn truy tặng Tắc, Miện, Tùng, Năng (Tùng, Năng không kê cứu được110 ) tước Quan nội hầu. Công tào quận Cửu Chân là Lý Tộ giữ quận mà phụ theo nhà Tấn, Hoàng sai tướng đi đánh, không được. Cậu của Tộ là Lê Hoàn (có sách chép là Lê Minh) theo quân [của Hoàng], khuyên Tộ hàng, Tộ gay gắt trả lời: "Cậu [6b] là tướng nước Ngô, Tộ là bề tôi nước Tấn, chỉ có thể dùng sức mà đối xử với nhau thôi". Quân của Hoàng phải đánh, giờ lâu mới hạ được thành.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Bề tôi giữ đất, nếu ai cũng có lòng như lòng Lý Tộ thì có thể gọi là trung với chúa mình thờ.

Vua Ngô cho Đào Hoàng làm Thứ sử trì tiết đô đốc Giao Châu chư quân sự. Dưới thời các tướng quân châu mục trước kia, các quận Vũ Bình, Cửu Đức, Tân Xương, địa thế hiểm trở, người Di Lão hung tợn, đã mấy đời không chịu thần phục, Hoàng đi đánh, dẹp yên được, mở thêm đất, đặt 3 quận, và hơn 30 huyện ở các nước phụ thuộc với quận Cửu Chân111 . Sau vua Ngô lấy Hoàng làm Đô đốc Vũ Xương, cho Thái thú Hợp Phố là Tu Nguyên112 thay. Dân địa phương đến hàng nghìn người xin lưu Hoàng lại, bởi thế cho Hoàng trở về nhiệm sở cũ. Sau vua Ngô hàng nhà Tấn, tự tay viết thư sai Mã Tức Dung113 khuyên Hoàng quy thuận [nhà Tấn]. Hoàng khóc mấy ngày, rồi sai sứ mang ấn [7a] thao về Lạc Dương. Vua Tấn xuống chiếu cho phục chức, phong cho Hoàng tước Uyển Lăng hầu, lại đổi làm Quán quân tướng quân. Hoàng ở châu 30 năm, tỏ ra người có ân có uy, được người địa phương yêu mến. Đến khi chết, cả châu khóc thương như mất cha mẹ hiền. Vua Tấn lấy Viên ngoại lang tán kỵ thường thị là Ngô Ngạn làm Đô đốc thứ sử. Khi Hoàng mới mất, các thú binh ở Cửu Chân làm loạn, đuổi Thái thú, người cầm đầu là Triệu Chỉ vây quận trị, Ngạn dẹp yên cả. Ngạn giữ chức 25 năm, ân uy rõ rệt, dân trong châu yên ổn, sau dâng biểu xin cho người thay. Vua Tấn cho Viên ngoại lang tán kỵ thường thị là Cố Bí thay. Bí là người ôn hòa, nhã nhặn, cả châu yêu mến, không được bao lâu thì mất. Người trong châu cố ép con của Bí là Tham trông coi việc châu. Sau Tham chết, em là Thọ trông coi việc châu, người châu không nghe. Thọ cố nài, bèn được coi việc châu. Rồi giết trưởng lại là bọn Hồ Triệu, lại toan giết đốc quân dưới trướng [7b] là Lương Thạc. Thạc chạy thoát được, dấy binh đánh, bắt được Thọ. Mẹ Thọ sai lấy thuốc độc giết chết. Thạc bèn chuyên quyền (có sách chép là cả mẹ của Thọ cũng bị giết bằng thuốc độc), nhưng sợ dân tình không theo, bèn cho con trai của Hoàng là Uy [đang làm] Thái thú Thương Ngô về lĩnh chức Thứ sử [Giao Châu]. Uy ở chức rất được lòng dân, được 30 năm114 thì chết. Em trai Uy là Thục, con trai [của Uy] là Tuy115 nối nhau làm thứ sử. Từ Cơ đến Tuy bốn đời đều làm Thứ sử. Cơ là ông nội của Hoàng116 .

Mậu Dần, [318], (Đông Tấn Nguyên Đế Tư Mã Duệ, Đại Hưng117 năm thứ 1). Mùa đông, tháng 10, vua Tấn xuống chiếu cho Thứ sử Quảng Châu là Đào Khản làm Đô đốc Giao Châu chư quân sự.

Nhâm Ngọ, [322], (Tấn Vĩnh Xương năm thứ 1). Vương Đôn nhà Tấn lấy Vương Lượng làm Thứ sử, sai đánh Lương Thạc. Thạc đem quân vây Lượng ở Long Biên.

[8a] Quý Mùi, [323], (Tấn Minh Đế Thiệu, Thái Ninh năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 2, Đào Khản sai quân đi cứu Vương Lượng, chưa đến nơi thì Lương Thạc đã lấy được Long Biên rồi. Thạc đoạt lấy cờ tiết của Lượng, Lượng không cho, Thạc bèn chặt tay trái của Lượng, Lượng nói: "Chết còn không tránh, chặt cánh tay thì làm gì?". Được hơn 10 ngày thì Lượng chết. Thạc chiếm châu, hung bạo mất lòng dân. Đào Khản sai tham quân là Cao Bảo sang đánh, chém chết Thạc. Vua Tấn cho Khản lĩnh chức Thứ sử Giao Châu, thăng hiệu là Chinh Nam đại tướng quân, được mở phủ riêng nghi thức như tam ti. Không bao lâu, Thị lang Lại bộ là Nguyễn Phóng xin làm Thứ sử, vua Tấn bằng lòng. Phóng đến Ninh Phố gặp Cao Bảo, mời Bảo đến dự cơm, đặt phục binh muốn giết Bảo. Bảo biết chuyện, liền đem quân đánh Phóng (Phong là cháu họ của Hàm). Phóng chạy thoát, đến châu được chốc lát thì khát nước quá mà chết.

Quý Sửu, [353], (Tấn Mục Đế San, Vĩnh Hòa năm thứ 9). Mùa xuân, tháng 3, Nguyễn Phu nhà Tấn làm Thứ sử Giao Châu. Phu đánh [8b] nước Lâm Ấp118 , phá được hơn 50 lũy. (Trước đây nhà Tấn khi đã bình được nhà Ngô, trưng binh ở Giao Châu119 , Thứ sử Giao Châu là Đào Hoàng dâng thư nói: "Giao Châu ngoài cách Lâm Ấp chỉ vài nghìn dặm120 . Tướng Di [Lâm Ấp] là Phạm Hùng đời đời trốn tránh làm giặc, tự xưng vương, nhiều lần đánh phá trăm họ. Vả lại [nước ấy] liền với nước Phù Nam, rất nhiều chủng người, bè đảng dựa nhau, cậy thế đất hiểm không chịu thần phục. Khi trước còn thuộc nước Ngô thì nhiều lần cướp bóc dân lành, phá quận huyện, giết hại trưởng lại. Thần trước kia được nước cũ [Ngô] dùng, cho đóng giữ phương Nam hơn 10 năm, tuy đã trừ được những tên đầu sỏ, nhưng ở chốn núi sâu hang cùng vẫn còn có kẻ trốn tránh. Lúc đầu số quân của thần trông coi là 8 nghìn. Vì đất Nam ẩm thấp, có nhiều khí độc, liền năm đánh dẹp, ốm chết hao hụt, hiện nay chỉ còn 2.400 người. Nay bốn biển thống nhất, không còn lo kẻ nào không thần phục, đáng lẽ nên cuốn giáp hủy gươm [...]121 . Phàm việc phong trần, biến đổi thường xảy ra thình lình. Thần là người sót thừa của nước đã mất, lời bàn không có gì khả thủ". Tấn Vũ Đế nghe theo, đến nay còn thấy hiệu nghiệm).

Canh Thìn, [380], (Tấn Vũ Đế122 , Xương Minh, Thái Nguyên năm thứ 5). Mùa đông, tháng 10, Thái thú Cửu Chân là Lý Tốn chiếm châu làm phản.

Tân Tỵ, [381], (Tấn Thái Nguyên năm thứ 6). Thái thú Giao Châu là Đỗ Viện chém được Lý Tốn, trong cõi lại được yên, thăng cho Viện làm thứ sử Giao Châu117 . (Viện người Chu Diên nước ta. Sách Giao Chỉ chí chép vào mục nhân vật nước ta, xếp sau Sĩ Nhiếp).

[9a] Kỷ Hợi, [399], (Tấn An Đế Đức Tông, Long An năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 3, vua nước Lâm Ấp là Phạm Hồ Đạt đánh lấy Nhật Nam và Cửu Chân, rồi vào cướp Giao Châu. Đỗ Viện đánh tan được.

Tân Hợi, [411], (Tấn Nghĩa Hy năm thứ 7). Mùa hạ, tháng 4, Thái thú quận Vĩnh Gia là Lư Tuần chạy sang [Giao Châu]. Trước đó, khi Thứ sử Đỗ Viện chết (có sách nói Viện vốn người Kinh Triệu, ông là Nguyên, làm Thái thú Hợp Phố, nhân đó Viện mới đến ở Giao Chỉ), vua Tấn cho con là Tuệ Độ thay làm Thứ sử. Chiếu thư chưa đến nơi, Tuần đã đánh phá Hợp Phố, tiến thẳng đến Giao Châu. Tuệ Độ đem các quan văn võ ở châu phủ chống nhau với Tuần ở Thạch Kỳ124 , đánh tan được. Quân của Tuần sống sót khoảng 2 nghìn người. Dư đảng của Lý Tốn là bọn Lý Thoát kết tụ với dân Lý, Lạo hơn 5 nghìn người để ứng theo Lư Tuần, ngày Canh Tý kéo đến bờ nam Long Biên. Tuệ Độ bỏ hết gia tài để thưởng quân sĩ, cùng Tuần giao chiến, ném đuốc đuôi trĩ đốt thuyền bè của Tuần, cho bộ binh áp bờ sông bắn xuống. Thuyền của Tuần cháy hết, [9b] bèn tan vỡ. Tuần biết thế nào cũng chết, bỏ thuốc độc cho vợ con chết trước rồi gọi các nàng hầu con hát hỏi rằng: "Ai có thể theo ta?" Phần nhiều đều trả lời: "Con sẻ, con chuột còn tham sống, chết theo thì khó lắm". Cũng có người nói: "Quan còn phải chết, chúng tôi há lại muốn sống". Tuần bèn giết hết những kẻ không chịu chết theo, rồi gieo mình xuống sông mà chết. Tuệ Độ sai nhặt xác đem chém đầu, cùng với vợ con của Tuần và bọn Thoát, đều lấy đầu đóng hòm đưa về Kiến Khang125 .

Quý Sửu, [413], (Tấn Nghĩa Hy năm thứ 9). Mùa xuân, tháng 2, vua nước Lâm Ấp là Phạm Hồ Đạt cướp quận Cửu Chân. Tuệ Độ đánh chém được.

Ất Mão, [415], (Tấn Nghĩa Hy năm thứ 11). Mùa đông, tháng 12, quân Lâm Ấp cướp Giao Châu. Tướng châu đánh bại được.

Canh Thân , [420], (Tấn Cung Đế Đức Văn, Nguyên Hy năm thứ 2; Tống Vũ Đế Lưu Dụ, Vĩnh Sơ năm thứ 1). Mùa thu, tháng 7, Tuệ Độ đánh Lâm Ấp, phá được, chém giết đến quá nửa. Lâm Ấp xin hàng, Tuệ Độ cho. Những người trước sau bị [Lâm Ấp] cướp bắt [10a] đều được trả về cả. Tuệ Độ ở Giao Châu, mặc áo vải, ăn cơm rau, cấm thờ nhảm, sửa nhà học, năm đói kém thì lấy lộc riêng để chẩn cấp, làm việc cẩn thận chu đáo cũng như việc nhà, lại dân sợ mà yêu. Cửa thành đêm vẫn mở, ngoài đường không ai nhặt của rơi. Khi Tuệ Độ chết, tặng chức Tả tướng quân, cho con là Hoằng Văn làm Thứ sử. Năm ấy nhà Tấn mất.

Đinh Mão, [427], (Tống Văn Đế Nghĩa Long, Nguyên Gia năm thứ 4). Mùa hạ, tháng 4, ngày Canh Tuất, vua Tống gọi Hoằng Văn về làm Đình Úy, cho Vương Huy Chi làm Thứ sử. Bấy giờ Hoằng Văn đang ốm, cố ngồi xe lên đường, có người khuyên chờ khỏi ốm hãy đi. Hoằng Văn nói: "Nhà ta ba đời cầm phù tiết, thường muốn đem mình sang chầu sân vua, huống chi nay lại được gọi về". Bèn cứ đi, chết ở Quảng Châu.

Tân Mùi, [431], (Tống Nguyên Gia năm thứ 8). Vua nước Lâm Ấp là Phạm Dương Mại cướp phá quận Cửu Chân, bị quân châu đánh lui.

[10b] Nhâm Thân, [432], (Tống Nguyên Gia năm thứ 9). Mùa hạ, tháng 5, vua Lâm Ấp là Phạm Dương Mại sai sứ sang cống nước Tống, xin lĩnh Giao Châu. Vua Tống xuống chiếu trả lời vì đường xa không cho.

Lê Văn Hưu nói: [Dù khỏe như] Bôn và Dục126 mà lúc còn thơ ấu cũng không thể chống nổi người què, người thọt đã tráng niên. Nước Lâm Ấp thừa lúc nước Việt ta

không có vua, đến cướp Nhật Nam và Cửu Chân rồi xin quản lĩnh cả [Giao Châu], có phải bấy giờ nước Việt ta không thể chống nổi nước Lâm Ấp ấy đâu! Chỉ vì không có người thống suất mà thôi ! Thời không bĩ mãi, tất có lúc thái. Thế không khuất mãi, tất có lúc duỗi. Lý Thái Tông chém đầu vua nước ấy là Sạ Đẩu, Lý Thánh Tông bắt vua nước ấy là Chế Củ, bắt làm tù dân nước ấy 5 vạn người, đến nay vẫn còn phải chịu làm tôi tớ, cũng đủ để rửa được mối hận thù hổ thẹn của mấy năm ô nhục này.

[11a] Bính Tý, [436], (Tống Nguyên Gia thứ 13)127 . Mùa xuân, tháng 2, vua Tống sai Thứ sử Giao Châu là Đàn Hòa Chi đánh Lâm Ấp. Trước kia, vua Lâm Ấp là Phạm Dương Mại tuy sai sứ sang cống, nhưng vẫn không thôi việc cướp bóc, cho nên vua Tống sai Hòa Chi đi đánh. Bấy giờ người quận Nam Dương là Tông Xác, nếp nhà đời đời Nho học, riêng Xác thích việc võ, thường nói: "Muốn cưỡi gió lớn mà phá sóng muôn dặm". Đến khi Hòa Chi đi đánh Lâm Ấp, Xác hăng hái xin đi theo quân. Vua Tống cho Xác làm Chấn vũ tướng quân. Hòa Chi sai Xác làm tiên phong. Dương Mại nghe tin quân Tống sang, sai sứ dâng biểu xin trả lại những người dân Nhật Nam bị bắt và nộp một vạn cân vàng, mười vạn cân bạc. Vua Tống xuống chiếu bảo Hòa Chi: "Nếu Dương Mại thực có lòng thành, cũng cho quy thuận". Hòa Chi đến đóng ở đồn Chu Ngô (huyện Chu Ngô từ thời Hán đến giờ thuộc quận Nhật Nam, bấy giờ đặt đồn thú ở đấy), sai Hộ tào tham quân của phủ là bọn Khương Trọng Cơ (phủ là phủ thứ sử Giao Châu) đi trước [11b] đến gặp Dương Mại, bị Dương Mại bắt giữ. Hòa Chi giận, tiến vây tướng của Lâm Ấp là Phạm Phù Long ở thành Khu Túc128 . Dương Mại sai tướng là Phạm Côn Sa Đạt đến cứu. Xác lén đem quân đón đánh [Phạm] Con Sa Đạt, phá tan được. Tháng 5, bọn Hòa Chi hạ thành Khu Túc, chém Phù Long, thừa thắng tiến vào Tượng Phố129 . Dương Mại dốc sức cả nước ra đánh, lấy các vật che bọc mình voi, trước sau không hở. Xác nói: "Ta nghe nước ngoài có giống sư tử, oai phục được trăm loài thú". Bèn làm hình sư tử để chống lại voi, voi quả nhiên sợ chạy. Quân Lâm Ấp thua to. Hòa Chi thắng được Lâm Ấp, Dương Mại cùng với con đều chỉ chạy thoát thân, thu được đồ châu báu lạ không biết bao nhiêu mà kể. Riêng Tông Xác không lấy một thứ gì, ngày về nhà cũng chỉ có khăn áo xác xơ.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Có tài hữu dụng thì không thể không đem ra thi thố, há câu nệ vì thói đời [12a]130 hay sao? Người ta lập chí mỗi người một khác. Người có chí về đạo đức thì công danh không thể động được lòng, người có chí về công danh thì phú quý không thể động được lòng. Chí của Tông Xác có lẽ ở công danh chăng ? Ngày trở về nhà, tài vật không lấy một thứ gì, đó thực sự là phú quý không thể động được lòng. So với người có chí về đạo đức, cố nhiên không thể kịp, nhưng so với người có chí về phú quý thì hạng ấy còn kém xa.

Đinh Sửu, [437], (Tống Nguyên Gia năm thứ 14). Mùa đông, tháng 10, ngày Nhâm Ngọ, Đàn Hòa Chi bỏ quan về.

Mậu Thân, [468], (Tống Minh Đế Úc131 , Thái Thủy năm thứ 4). Mùa xuân, tháng 3, Thứ sử Lưu Mục ốm chết. Người châu là Lý Trường Nhân giết những bộ thuộc của châu mục đem từ Trung Quốc sang rồi chiếm giữ châu làm phản, tự xưng là Thứ sử.

Mùa thu, tháng 8, vua Tống lấy Nam Khang tướng là Lưu Bột làm Thứ sử Giao Châu. Bột đến, bị Trường Nhân [12b] chống cự, không bao lâu thì chết. Tháng 11, Lý Trường Nhân sai sứ xin hàng và tự hạ xuống chức Hành Châu sự127 . Vua Tống y cho.

Kỷ Mùi, [479], (Tống Thuận Đế Chuẩn, Thăng Minh năm thứ 3; Tề Cao Đế Tiêu Đạo Thành, Kiến Nguyên năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 3, ngày mồng 1, có nhật thực.

Mùa thu, tháng 7, vua Tề lấy Lý Thúc Hiến làm Thứ sử Giao Châu. Thúc Hiến là em con chú con bác của Trường Nhân. Trước đó khi Thứ sử Trường Nhân chết, Thúc Hiến thay lĩnh việc châu, vì thấy hiệu lệnh chưa được thi hành cho nên sai sứ sang xin nhà Tống cho giữ chức Thứ sử. Nhà Tống lấy Thái thú Nam Hải là Thẩm Hoán làm Thứ sử Giao Châu, cho Thúc Hiến làm Ninh Viễn quân tư mã, giữ chức Thái thú hai quận Vũ Bình và Tân Xương133 . Thúc Hiến đã được mệnh lệnh của triều đình [nhà Tống], lòng người phục theo, bèn đem quân giữ nơi hiểm, không chịu thu nạp Thẩm Hoán. Hoán lưu lại ở Uất Lâm, rồi chết. Vua Tề bèn cho Thúc Hiến làm Thứ sử, vỗ yên đất phương Nam. Năm ấy nhà Tống mất.

[13a] Giáp Tý, [484], (Tề Vũ Đế Di, Vĩnh Minh năm thứ 2). Lý Thúc Hiến nhận mệnh xong liền cắt đứt việc cống hiến. Vua Tề muốn đánh.

Ất Sửu, [485], (Tề Vĩnh Minh năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, ngày Bính Thìn, vua Tề lấy Đại tư nông Lưu Khải làm Thứ sử, phát binh các quận Nam Khang, Lư Lăng, Thủy Hưng đi đánh Lý Thúc Hiến. Thúc Hiến sai sứ xin bãi binh, dâng 20 cỗ mũ đâu mâu toàn bằng bạc cùng dải tua bằng lông công. Vua Tề không cho. Thúc Hiến sợ bị Khải đánh úp, mới đi đường tắt từ Tương Châu sang chầu vua Tề, Khải bèn vào trấn.

Canh Ngọ, [490], (Tề Vĩnh Minh năm thứ 8). Mùa đông, tháng 10, Thứ sử là Phòng Pháp Thặng (thay Lưu Khải) chỉ thích đọc sách, thường cáo ốm không làm việc, vì thế trưởng lại134 là Phục Đăng Chi được chuyên quyền [13b] thay đổi các tướng lại mà không cho Pháp Thặng biết. Lục sự là Phòng Tú Văn mách với Pháp Thặng. Pháp Thặng cả giận, giam Đăng Chi vào ngục hơn 10 ngày. Đăng Chi hối lộ nhiều cho Thôi Cảnh Thúc, là chồng của em gái Pháp Thặng, nên được thả ra, rồi đem bộ khúc đánh úp châu trị, bắt Pháp Thặng, bảo Thặng rằng: "Sứ quân đã có bệnh, thì không nên khó nhọc", rồi giam ở một nhà riêng. Pháp Thặng không có việc gì, lại gặp Đăng Chi xin đọc sách. Đăng Chi nói: "Sứ quân ở yên còn sợ phát bệnh, há lại còn xem sách?", bèn không cho, rồi tâu [với vua Tề] là Pháp Thặng bị bệnh động tim, không thể coi việc được. Tháng 11, ngày Ất Mão, vua Tề cho Đăng Chi làm Thứ sử. Pháp Thặng về đến Ngũ Lĩnh thì chết.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Phòng Pháp Thặng ham đọc sách mà bỏ việc quan đến nỗi kẻ trưởng lại nhân đó chuyên quyên, thay đổi tướng lại, đó là cái lỗi nghiện sách quá. Còn như giam [Đặng Chi] vào ngục mà [14a] trừng trị, thế là biết sửa lỗi rồi. Đến như nghe lời thỉnh thác [của em rể] mà bỏ qua không hỏi đến nữa, thì lỗi ấy to lắm, bị [Đặng Chi] đánh úp lại là đáng, không chết là may. Cho nên phàm việc gì quá mức trung thì chưa từng không tai hại vậy.

Nhâm Ngọ, [502], (Lương Vũ Đế Tiêu Diễn, Thiên Giám năm thứ 1). Năm ấy nhà Tề mất.

Ất Dậu, [505], (Lương Thiên Giám năm thứ 4). Mùa xuân, tháng 2, Thứ sử Giao Châu là Lý Nguyên Khải chiếm châu làm phản, Trưởng sử là Lý Tắc dẹp được (trước Nguyên Khải thay Đăng Chi làm Thứ sử, cho là nhà Lương được nhà Tề nhường ngôi, chưa có ân uy gì, nhân đó giữ châu làm phản. Đến đây Tắc đem tông binh đánh Nguyên Khải, giết được).

Bính Thân, [516], (Lương Thiên Giám năm thứ 15). Mùa đông, tháng 11, [vua Lương] xuống chiếu cho Lý Tắc làm Thứ sử, Tắc lại chém Lý Tông Lão là dư đảng của Nguyên Khải, lấy đầu chuyển về Kiến Khang, châu lại yên.

[14b], Trở lên thuộc Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, từ năm Đinh Mùi đến năm Canh Thân, cộng 314 năm [227 - 540].

K ỷ N h à T i ề n L ý

Tiền Lý Nam Đế

Ở ngôi 7 năm [541-547].

Vua có chí diệt giặc cứu dân, không may bị Trần Bá Tiên sang đánh chiếm, nuốt hận mà chết. Tiếc thay !

Vua họ Lý, tên húy là Bí135 , người Thái Bình [phủ] Long Hưng136 . Tổ tiên là người Bắc, cuối thời Tây Hán khổ về việc đánh dẹp, mới tránh sang ở đất phương Nam, được 7 đời thì thành người Nam. Vua có tài văn võ, trước làm quan với nhà Lương, gặp loạn, trở về Thái Bình. Bấy giờ bọn thú lệnh tàn bạo hà khắc, Lâm Ấp cướp phá ngoài biên, vua dấy binh đánh đuổi được, xưng là Nam Đế, đặt quốc [15a] hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên137 .

Tân Dậu, năm thứ 1 [541], (Lương Đại Đồng năm thứ 7). Thứ sử Giao Châu là Vũ Lâm hầu Tiêu Tư, vì hà khắc tàn bạo, mất lòng người. Vua vốn con nhà hào trưởng, thiên tư lỗi lạc, làm quan không được vừa ý. Lại có người là Tinh Thiều giỏi từ chương từng đến [kinh đô nhà Lương] xin được chọn làm quan. Thượng thư bộ Lại nhà Lương là Sái Tôn cho rằng họ Tinh trước không có ai hiển đạt, nên chỉ bổ cho chức Quảng Dương môn lang. Thiều lấy làm nhục, trở về làng, theo vua mưu việc dấy binh. Vua bấy giờ làm chức Giám quân ở châu Cửu Đức138 , nhân liên kết với hào kiệt mấy châu, đều hưởng ứng. Có Triệu Túc tù trưởng ở Chu Diên139 phục tài đức của vua, bèn dẫn đầu đem quân theo về. Tiêu Tư biết việc, đem của đến hối lộ cho vua, rồi chạy về Quảng Châu. Vua ra chiếm giữ châu thành (tức là Long Biên).

Nhâm Tuất, năm thứ 2 [542], (Lương Đại Đồng năm thứ 8). Mùa đông, tháng 12, vua Lương sai Tôn Quýnh, Lư Tử Hùng [15b] sang xâm chiếm. Quýnh lấy cớ là chướng khí mùa xuân đương bốc, xin đợi đến mùa thu. Bấy giờ Thứ sử Quảng Châu là Tân Dụ hầu Hoán140 không cho, Vũ Lâm hầu cũng thúc giục. Bọn Tử Hùng đi đến Hợp Phố, 10 phần chết đến 6, 7 phần, quân tan rã mà về. Tiêu Tư tâu vu [với vua Lương] rằng Quýnh và Tử Hùng dùng dằng không chịu đi, đều bị buộc phải tự tử.

Quý Hợi, năm thứ 3 [543], (Lương Đại Đồng năm thứ 9). Mùa hạ, tháng 4, vua Lâm Ấp cướp quận Nhật Nam, vua sai tướng là Phạm Tu đánh tan ở Cửu Đức.

Giáp Tý, [Thiên Đức] năm thứ 1 [544], (Lương Đại Đồng năm thứ 10). Mùa xuân, tháng giêng, vua nhân thắng giặc, tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi, đặt niên hiệu, lập trăm quan, dựng quốc hiệu là

Vạn Xuân, ý mong cho xã tắc truyền đến muôn đời vậy. Dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội. Lấy Triệu Túc làm Thái Phó, bọn Tinh Thiều, Phạm Tu đều làm tướng văn, tướng võ.

[16a] Ất Sửu, [Thiên Đức] năm thứ 2 [545], (Lương Đại Đồng năm thứ 11). Mùa hạ, tháng 6, nhà Lương cho Dương Thiêu141 làm Thứ sử Giao Châu, Trần Bá Tiên làm Tư mã, đem quân sang xâm, sai Thứ sử Định Châu là Tiêu Bột hội với bọn Thiêu ở Giang Tây142 . Bột biết các quân lính sợ đi đánh xa, nhân đó nói dối để giữ Thiêu ở lại. Thiêu học các tướng để hỏi kế. Bá Tiên nói: "Giao Châu làm phản, tội do người tông thất143 để mấy châu hỗn loạn, trốn tội đã nhiều năm nay. [Thứ sử] Định Châu chỉ muốn trộm yên trước mắt, không nghĩ đến kế lớn. Tiết hạ144 vâng chiếu đi đánh kẻ có tội, phải nên liều sống chết, há nên dùng dằng không tiến để nuôi cho thế giặc thêm mạnh mà làm ngăn trở quân mình hay sao?" Rồi Bá Tiên đem quân đi trước, Thiêu cho Bá Tiên làm tiên phong. Khi [quân của Bá Tiên] đến Giao Châu, vua đem 3 vạn quân ra chống cự, bị thua ở Chu Diên, lại thua ở cửa sông Tô Lịch, vua chạy về thành Gia Ninh145 . Quân Lương đuổi theo vây đánh.

[16b] Bính Dần, [Thiên Đức] năm thứ 3 [546], (Lương Đại Đồng năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, bọn Bá Tiên đánh lấy được thành Gia Ninh. Vua chạy vào đất người Lạo ở Tân Xương. Quân Lương đóng ở cửa sông Gia Ninh. Mùa thu, tháng 8, vua lại đem 2 vạn quân từ trong đất Lạo ra đóng ở hồ Điển Triệt146 , đóng nhiều thuyền đậu chật cả mặt hồ. Quân Lương sợ, cứ đóng lại ở cửa hồ không dám tiến vào. Trần Bá Tiên bảo các tướng rằng: "Quân ta ở đây đã lâu, tướng sĩ mỏi mệt, vả lại thế cô không có tiếp viện. Tiến sâu vào trong lòng [nước] người, nếu một đánh mà không thắng, thì đừng mong sống sót. Nay nhân lúc bọ họ vừa thua luôn mấy trận, lòng người chưa vững, mà người Di Lạo ô hợp, dễ đánh giết, chính nên cùng ra tay liều chết, cố sức đánh lấy, không có cớ gì mà dừng lại thì lỡ mất thời cơ". Các tướng đều im lặng, không ai hưởng ứng. Đêm hôm ấy nước sông lên mạnh, dâng cao 7 thước, tràn đổ vào hồ. Bá Tiên đem quân bản bộ theo dòng nước tiến trước vào. Quân Lương đánh trống reo hò mà tiến. Vua vốn không [17a] phòng bị, vì thế quân vỡ, phải lui giữ ở trong động Khuất Lạo147 để sửa binh đánh lại, ủy cho đại tướng là Triệu Quang Phục giữ việc nước, điều quân đi đánh Bá Tiên.

Đinh Mão, [Thiên Đức] năm thứ 4 [547], (Lương Thái Thanh năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, nhật thực. Triệu Quang Phục cầm cự với Trần Bá Tiên, chưa phân thắng bại. Nhưng quân của Bá Tiên rất đông, Quang Phục liệu thế không chống nổi bèn lui về giữ đầm Dạ Trạch148 . Đầm này ở huyện Chu Diên, chu vi không biết bao nhiêu dặm, cỏ cây um tùm, bụi rậm che kín, ở giữa có nền đất cao có thể ở được, bốn mặt bùn lầy, người ngựa khó đi, chỉ có thể dùng thuyền độc mộc nhỏ chống sào đi lướt trên cỏ nước mới có thể đến được. Nhưng nếu không quen biết đường lối thì lạc không biết là đâu, lỡ rơi xuống nước liền bị rắn độc cắn chết. Quang Phục thuộc rõ đường đi lối lại, đem hơn 2 vạn người vào đóng ở nền đất trong đầm, ban ngày [17b] tuyệt không để khói lửa và dấu người, ban đêm dùng thuyền độc mộc đem quân ra đánh doanh trại của quân Bá Tiên, giết và bắt sống rất nhiều, lấy được lương thực để làm kế cầm cự lâu dài. Bá Tiên theo hút mà đánh, nhưng không đánh được. Người trong nước gọi là Dạ Trạch Vương. (Tục truyền thời Hùng Vương, con gái Hùng Vương là Tiên Dung Mỵ Nương149 ra chơi cửa biển. Thuyền về đến bãi ở hương Chử Gia, Tiên Dung lên trên bãi, gặp Chử Đồng Tử trần truồng núp trong bụi lau, tự cho là Nguyệt lão xe duyên, bèn cùng nhau làm vợ

chồng, sợ tội phải ở lánh trên bờ sông, chỗ ấy trở thành nơi đô hội. Hùng Vương đem quân đến đánh. Đồng Tử và Tiên Dung sợ hãi đợi tội. Bỗng nửa đêm mưa gió dữ dội làm rung chuyển nơi ở, rường cột tự bốc lên, người và gà chó trong một lúc cùng bay lên trời, chỉ còn lại cái nền không ở giữa đầm. Người bấy giờ gọi bãi ấy là bãi Tự Nhiên, đầm ấy là đầm Nhất Dạ, nay vẫn còn tên gọi cũ).

Trở lên là Tiền Lý Nam Đế, từ năm Tân Dậu đến năm Đinh Mão, tất cả 7 năm (541- 547).

K ỷ T r i ệ u V i ệ t V ư ơ n g

(Xét sử cũ không chép Triệu Việt Vương và Đào Lang Vương, nay nhặt trong dã sử và các sách khác, bắt đầu chép vị hiệu của vương và phụ chép Đào Lang Vương để bổ sung).

[18a] Triệu Việt Vương

Phụ: Đào Lang Vương

Ở ngôi 23 năm [548-570].

Vua giữ đất hiểm, dùng kỳ binh để đánh giặc lớn, tiếc vì quá yêu con gái đến nỗi mắc họa vì con rể.

Vua họ Triệu, tên húy là Quang Phục, là con Triệu Túc, người huyện Chu Diên, uy tráng dũng liệt, theo Nam Đế đi đánh dẹp có công, được trao chức Tả tướng quân. Nam Đế mất, bèn xưng vương, đóng đô ở Long Biên, sau dời sang Vũ Ninh150 .

Mậu Thìn, năm thứ 1 [548], (Lương Thái Thanh năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 3, ngày Tân Hợi, [Lý] Nam Đế ở động Khuất Lạo lâu ngày nhiễm lam chướng, ốm chết.

Lê Văn Hưu nói: Binh pháp có câu: "Ba vạn quân đều sức, thiên hạ không ai địch nổi". Nay Lý Bí có 5 vạn quân mà không giữ được nước, thế thì Bí kém tài làm tướng [18b] chăng ? Hay là quân lính mới họp không thể đánh được chăng ? Lý Bí cũng là bậc tướng trung tài, ra trận chế ngự quân địch giành phần thắng không phải là không làm được, nhưng bị hai lần thua rồi chết, bởi không may gặp phải Trần Bá Tiên là kẻ giỏi dùng binh vậy.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Tiền Lý Nam Đế dấy binh trừ bạo, đáng là thuận đạo trời, thế mà cuối cùng đến nỗi bại vong, là vì trời chưa muốn cho nước ta được bình trị chăng ? Than ôi ! Không chỉ vì gặ phải Bá Tiên là kẻ giỏi dùng binh, mà còn gặp lúc nước sông đột ngột dâng lên trợ thế [cho giặc], há chẳng phải cũng do trời hay sao ?

Kỷ Tỵ, năm thứ 2 [549], (Lương Thái Thanh năm thứ 3). Vua ở trong đầm thấy quân Lương không lui, mới đốt hương cầu đảo, khẩn thiết kinh cáo với trời đất thần kỳ, thế rồi có điềm lành được mũ đâu mâu móng rồng [19a] dùng để đánh giặc. Từ đó quân thanh lừng lẫy, đến đâu không ai địch nổi (tục truyền rằng thần nhân trong đầm là Chử Đồng Tử bấy giờ cưỡi rồng vàng từ trên trời rơi xuống, rút móng rồng trao cho vua, bảo gài lên mũ đâu mâu mà đánh giặc).

Canh Ngọ, năm thứ 3 [550], (Lương Giản Văn Đế Cương, Thái Bảo151 năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, nhà Lương cho Trần Bá Tiên làm Uy minh tướng quân Giao Châu thứ sử. Bá Tiên lại mưu tính cầm cự lâu ngày khiến cho [ta] lương hết quân mỏi thì có thể phá được. Gặp lúc nhà Lương có loạn Hầu Cảnh, gọi [Bá Tiên] về, ủy cho tì tướng là Dương Sàn đánh nhau với vua. Vua tung quân ra đánh.

Sàn chống cự, thua chết. Quân Lương tan vỡ chạy về Bắc. Nước ta được yên. Vua vào thành Long Biên ở.

Anh của Nam Đế là [Lý] Thiên Bảo, ở đất người Di Lạo, xưng là Đào Lang Vương, lập nước gọi là nước Dã Năng. Trước đó, khi Nam Đế tránh ở động Khuất Lạo, Thiên Bảo cùng với tướng người họ là Lý Phật Tử đem 3 vạn người vào Cửu Chân. Trần Bá Tiên đuổi theo đánh, [19b] Thiên Bảo bị thua, bèn thu nhặt quân còn sót được vạn người chạy sang đất người Di Lạo ở Ai Lao, thấy động Dã Năng ở đầu nguôn Đào Giang, đất phẳng rộng màu mỡ có thể ở được, mới đắp thành để ở, nhân tên đất ấy mà đặt quốc hiệu. Đến bây giờ quân chúng tôn làm chúa, xưng là Đào Lang Vương.

Ất Hợi, năm thứ 8 [555], (Lương Kính Đế Phương Trí, Thiệu Thái năm thứ 1). Đào Lang Vương mất ở nước Dã Năng, không có con nối, quân chúng suy tôn Lý Phật Tử lên nối ngôi, thống lĩnh quân chúng.

Đinh Sửu, năm thứ 10 [557], (Lương Thái Bình năm thứ 2; Trần Vũ Đế Tiên, Vĩnh Định năm thứ 1). Lý Phật Tử đem quân xuống miền Đông đánh nhau với vua [Triệu Việt Vương] ở huyện Thái Bình, năm lần giáp trận, chưa phân thắng bại, mà quân của Phật Tử hơi lùi, ngờ là vua có thuật lạ, bèn giảng hòa xin ăn thề. Vua nghĩ rằng Phật Tử là người họ của Tiền Nam Đế, không nỡ cự tuyệt, bèn chia địa giới ở bãi Quân Thần (nay là hai xã Thượng Cát, Hạ Cát ở huyện Từ Liêm) cho ở phía [20a] tây của nước, [Phật Tử] dời đến thành Ô Diên (nay là xã Hạ Mỗ, huyện Từ Liêm, xã ấy nay có đền thờ thần Bát Lang, tức là đền thờ Nhã Lang vậy). Sau Phật Tử có con trai là Nhã Lang, xin lấy con gái của vua là Cảo Nương. Vua bằng lòng, bèn thành thông gia. Vua yêu quý Cảo Nương, cho Nhã Lang ở gửi rể.

Canh Dần, năm thứ 23 [570], (Trần Tuyên Đế Húc, Đại Kiến152 năm thứ 2). Nhã Lang bảo vợ rằng: "Trước hai vua cha chúng ta cừu thù với nhau, nay là thông gia, chẳng cũng hay lắm ư ? Nhưng cha nàng có thuật gì mà có thể làm lui được quân của cha tôi ?". Cảo Nương không biết ý của chồng, bí mật lấy mũ đâu mâu móng rồng cho xem. Nhã Lang mưu ngầm tráo đổi cái móng ấy, rồi bảo riêng với Cảo Nương rằng: "Tôi nghĩ ơn sâu của cha mẹ nặng bằng trời đất, vợ chồng ta hòa nhã yêu quý nhau không nỡ xa cách, nhưng tôi phải tạm dứt tình, về thăm cha mẹ". Nhã Lang về, cùng với cha bàn mưu đánh úp vua, chiếm lấy nước.

[20b] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Đàn bà gọi việc lấy chồng là "quy" thì nhà chồng tức là nhà mình. Con gái vua đã gả cho Nhã Lang thì sao không cho về nhà chồng mà lại theo tục ở gửi rể của nhà Doanh Tần để đến nỗi bại vong ?

Trở lên là kỷ Triệu Vương, từ năm Mậu Thìn đến năm Canh Dần tất cả 23 năm [548- 570].

K ỷ H ậ u L ý

Hậu Lý Nam Đế

Ở ngôi 32 năm [571-602].

Vua dùng thuật gian trá để gồm lấy nước, mới thấy bóng giặc đã hàng trước, việc làm trước sau đều phi nghĩa.

Vua họ Lý, tên húy là Phật Tử, là tướng người họ của Tiền [Lý] Nam Đế, đuổi Triệu Việt Vương, nối vị hiệu của Nam Đế, đóng đô ở thành Ô Diên, sau dời đến Phong Châu.

[21a] Tân Mão, năm thứ 1 [571], (Trần Đại Kiến153 năm thứ 3). Vua phụ lời thề, đem quân đánh Triệu Việt Vương. Lúc đầu Việt Vương chưa hiểu ý vua, thảng thốt đốc quân, đội mũ đâu mâu đứng chờ. Quân của vua cùng tiến đến, Triệu Việt Vương tự biết thế yếu không thể chống được, bèn đem con gái chạy về phía nam, muốn tìm nơi đất hiểm để ẩn náu tung tích, nhưng đến đâu cũng bị quân của vua đuổi theo sau gót. Việt Vương cưỡi ngựa chạy đến cửa biển Đại Nha, bị nước chắn, than rằng: "Ta hết đường rồi !", bèn nhảy xuống biển. Vua đuổi theo đến nơi, thấy mênh mông không biết [Việt Vương] đi đằng nào, bèn trở lại. Họ Triệu mất nước. Người sau cho là linh dị, lập đền thờ ở cửa biển Đại Nha (Đại Nha nay là huyện Đại An)154 .

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: "Lấy bá thuật mà xét thì Hậu [Lý] Nam Đế đánh Triệu Việt Vương là đắc kế, lấy vương đạo mà xét thì việc ấy đã từng không bằng chó lợn. Sao [21b] thế ? Là vì khi Tiền Lý Nam Đế ở động Khuất Lạo đem việc quân ủy cho Triệu Việt Vương. Việt Vương thu nhặt tàn quân giữ hiểm ở Dạ Trạch bùn lầy, đương đầu với Trần Bá Tiên là người hùng một đời, cuối cùng bắt được tướng của y là Dương Sàn. Tiên, người phương Bắc, phải lui quân. Bấy giờ vua [Hậu Nam Đế] trốn trong đất Di [Lạo], chỉ mong thoát khỏi miệng hùm mà thôi. May mà Bá Tiên về Bắc, [Lý] Thiên Bảo chết, mới đem quân đánh [Triệu] Việt Vương, dùng mưu gian trá xin hòa, kết làm thông gia. Việt Vương lấy lòng thành đối đãi, cắt đất cho ở, những việc làm của Việt Vương đều là chính nghĩa, giao hảo phải đạo, thăm viếng phải thời , há chẳng phải là đạo trị yên lâu dài hay sao ? Thế mà [Hậu Nam Đế] lại dùng mưu gian của Nhã Lang, vứt bỏ chính đạo nhân luân, kíp tham công lợi mà diệt nhân nghĩa, đánh cướp lấy nước, tuy rằng lấy được, mà Nhã Lang thì chết trước, bản thân cũng không khỏi làm tù, có lợi gì đâu ?

[22a] Nhâm Tuất, năm thứ 32 [602], (Tùy Văn Đế Dương Kiên, Nhân Thọ năm thứ 1)155 . Vua sai con của anh là [Lý] Đại Quyền giữ thành Long Biên, Biệt súy là Lý Phổ Đỉnh giữ thành Ô Diên (bấy giờ vua đóng đô ở Phong Châu).

Dương Tố nhà Tùy tiến cử Thứ sử Qua Châu là Lưu Phương người Trường An, có tài lược làm tướng. Vua Tùy xuống chiếu lấy Tố làm Giao Châu đạo hành quân tổng quản, thống lĩnh 27 doanh quân sang xâm chiếm. Quân lệnh của Phương rất nghiêm, ai phạm tất chém. Nhưng Phương tính nhân ái, binh sĩ người nào ốm đau đều thân đến thăm viếng nuôi dưỡng, quân lính ai nấy đều mến đức và sợ uy. Đến núi Đô Long gặp giặc cỏ156 , Phương đánh tan hết, rồi tiến quân sang đến cạnh dinh của vua, trước lấy họa phúc mà dụ. Vua sợ xin hàng, bị đưa về Bắc rồi chết. Dân làm đền thờ ở cửa biển Tiểu Nha157 để đối với đền thờ Triệu Việt Vương.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nam - Bắc mạnh yếu đều có từng lúc. Đương khi phương Bắc [22b] yếu thì ta mạnh, phương Bắc mạnh thì ta cũng thành yếu. Thế lớn trong thiên hạ là như vậy. Phàm kẻ có nước phải sửa sang giáp binh, chỉnh đốn xe cộ quân lính, phòng bị việc bất ngờ, đặt hiểm để giữ nước, lấy lễ mà thờ nước lớn, lấy nhân mà vỗ nước nhỏ. Ngày nhàn rỗi thì dạy điều hiếu, đễ, trung, tín để cho người trong nước biết rõ cái nghĩa kính thân người trên, chịu chết cho người trưởng. Khi có họa xâm lăng thì phải dùng lời văn để sửa đổi ý định của họ, dùng lời nói mà bảo họ, lấy lễ vật ngọc lụa mà biếu cho họ. Như thế mà vẫn không tránh được, thì dù đến khốn cùng cũng phải quay lưng vào thành mà đánh một trận, thề tử thủ cùng với xã tắc mất còn, rồi sau mới không hổ thẹn. Lẽ nào mới thấy quân giặc đến cõi, chưa xáp binh đao, đã

sợ hãi xin hàng ! Vua đã hèn nhát mà tướng văn, tướng võ đương thời không ai từng có một lời nào nói đến, có thể bảo là trong nước không có người vậy !

[23a] Trở lên là kỷ Hậu Lý Nam Đế, từ năm Tân Mão đế năm Nhâm Tuất, tất cả 32 năm [571-602], tính chung cả Tiền Nam Đế, Triệu Việt Vương là 62 năm.