Khi khởi động, chương trình sẽ hiển thị tháng hiện tại. Trong mỗi ô sẽ hiện ngày dương lịch và ngày âm tương ứng. Tên các Khí (Lập xuân, Thanh minh, Hạ chí...) cũng được hiện lên trong ngày Khí đó. Ngày âm lịch được in bằng màu xanh ở góc dưới bên phải trong ô. Tháng nhuận âm lịch được đánh dấu với chữ 'N' và hiển thị bằng màu đỏ, ví dụ như 12/2 N. Ngày hiện tại được thể hiện trên màu nền khác. Thông tin đầy đủ cho ngày này được thể hiện khi nhấn chuột vào ngày đó: ngày tháng năm dương lịch, Can-Chi của ngày, tháng, năm âm lịch; trực, sao Nhị thập bát tú, sao Hoàng đạo và giờ hoàng đạo cho ngày tương ứng. Để xem thông tin về một ngày khác trong tháng, hãy nhấn chuột vào ô hiển thị ngày đó. Nền của ô đó sẽ chyển sang màu khác, và thông tin về ngày được chọn sẽ hiện lên.
Để hiện tháng khác, bạn hãy chọn tháng và năm rồi gõ "Enter" hoặc bấm nút Display. Các năm trước Công nguyên (TCN) được nhập như sau: năm 1 TCN là 0, năm 2 TCN là -1, năm 3 TCN là -2 v.v. Các nút << và >> được dùng để chuyển sang tháng trước hoặc tháng sau. Bạn cũng có thể sử dụng các phím mũi tên ("arrow keys") để chọn một ngày khác, phím PgUp/PgDown để chuyển sang tháng trước/tháng sau và HOME/END để chuyển tới năm trước/năm sau. Để chuyển ngược trở lại ngày hiện tại hãy nhấn nút Today.
Nếu bạn muốn in lịch tháng hay lịch năm, hãy sử dụng chức năng in của chương trình duyệt Web (browser) với chương trình lịch JavaScript.
Âm lịch Việt Nam là một loại lịch thiên văn, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngày tháng âm lịch được xác định dựa trên vị trí tương đối của mặt trời, mặt trăng và trái đất. Cách tính toán lịch khá phức tạp, bạn có thể tham khảo thêm tại đây: Cách tính âm lịch Việt Nam (in Vietnamese) | Rules of Vietnamese lunar calendar (in English) .
Các nguyên tắc tính âm lịch Việt Nam hiện đại mới được áp dụng trong cả nước từ 1976. Nếu ta áp dụng các nguyên tắc này để tính lịch cho các năm trước thì sẽ có một chương trình lịch thiên văn. Tuy nhiên kết quả tính toán sẽ chênh lệch đôi chút so với lịch chính thức được dùng vì lịch chính thức dùng trước đây (lịch pháp định, lịch lịch sử) khác với âm lịch hiện đại ở 2 điểm cơ bản: (1) múi giờ dùng để tính lịch và (2) độ chính xác của các công thức thiên văn để tính vị trí của mặt trời và mặt trăng. Ví dụ, hiện nay âm lịch được tính cho múi giờ của Việt Nam (múi giờ thứ 7, GMT+7h) nhưng trước đây thường dùng múi giờ thứ 8 để tính. Xem Âm lịch Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử để biết thêm chi tiết.
Để tính âm lịch cho các năm từ 1975 về trước, chương trình âm lịch này đã phục chế âm lịch Việt Nam cho các thế kỷ trước dựa trên kết quả các công trình nghiên cứu của GS. Hoàng Xuân Hãn.
Theo GS. Hoàng Xuân Hãn, trong quá khứ có hai quãng thời gian dài mà âm lịch Việt Nam có nhiều điểm khác biệt với âm lịch Trung Quốc: từ khoảng 1080 đến 1300 và từ 1645 đến 1812. Nguyên nhân chủ yếu là trong những giai đoạn này ở Trung Quốc đã cải cách lịch trong khi ở Việt Nam vẫn dùng phép lịch cũ để tính âm lịch. Từ 1968 trở đi Việt Nam tính âm lịch với múi giờ thứ 7 trong khi tại Trung Quốc người ta dùng múi giờ thứ 8, do đó âm lịch của hai nước thỉnh thoảng có khác biệt. Ví dụ năm 1984 lịch Việt Nam không có tháng nhuận trong khi lịch Trung Quốc nhuận tháng 10. (Từ 1968 đến 1975 miền Bắc Việt Nam dùng lịch âm tính với múi giờ thứ 7 trong khi ở miền Nam vẫn dùng âm lịch Trung Quốc, do vậy thỉnh thoảng có sự chênh lệch giữa lịch của hai miền.) Chương trình VNCal hiển thị thêm ngày âm theo lịch Trung Quốc nếu như lịch Việt Nam và lịch Trung Quốc khác nhau trong ngày đó và đánh dấu những ngày này bằng dấu X ở góc trên bên phải của ô hiện ngày.
Ví dụ: xem lịch tháng 12 năm 1974. Trong ô hiện ngày 13/12/1974 có đánh dấu X ở góc trên bên phải. Nhấn chuột vào ô này sẽ hiển thị Can Chi của ngày 13/12/1974 cùng vài thông tin khác. Ngoài ra còn có:
Trong ngày này lịch âm Việt Nam và Trung Quốc khác nhau: VN: Ngày 1/11 âm lịch TQ: Ngày 30/10 âm lịch (Lịch dùng tại miền Nam giống lịch TQ)Điều này có nghĩa là: ngày 13/12/1974 là ngày 1/11 âm lịch theo lịch dùng tại miền Bắc Việt Nam nhưng lại là ngày 30/10 theo lịch Trung Quốc (được dùng tại miền Nam.) Nếu bạn sinh ngày 15/11 năm Giáp Dần (1974) âm lịch thì ngày dương lịch tương ứng sẽ là 28/12/1974 nếu bạn sinh tại miền Nam, còn nếu bạn sinh tại miền Bắc thì ngày sinh theo dương lịch là 27/12/1974.
Âm lịch các nước Đông Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... được tính theo các nguyên tắc giống lịch Việt Nam nhưng sử dụng múi giờ khác: Trung Quốc dùng múi giờ thứ 8, Nhật Bản dùng múi giờ thứ 9 v.v. Để tính lịch âm cho các nước này bạn có thể dùng chức năng lịch thiên văn của chương trình (chọn "Astro Calendar" ở menu góc trên bên trái). Ở ô "GMT+" hãy điền số phút chênh lệch giữa GMT và múi giờ của nơi mà bạn muốn tính lịch rồi bấm "Display". Chẳng hạn, Việt Nam đi trước GMT 7h, như thế giờ Việt Nam nhanh hơn GMT 420 phút, ta sẽ điền số 420 vào ô "GMT+". Tương tự, để tính lịch Trung Quốc ta điền số 480; để tính âm lịch Nhật Bản điền 540. Ở những vùng mà giờ đi sau GMT ta sẽ điền một số âm vào ô "GMT+": với California phải điền -480
(vì múi giờ California là GMT-8h, tức là sau GMT 480 phút), ở Houston, TX điền -360
.
Với chức năng "Công cụ lịch" ta có thể tính toán nhiều thông số liên quan tới âm lịch: tất cả các ngày Tết trong 100 năm, các tháng nhuận, thời điểm Sóc, các Tiết/Khí, thời điểm mặt trời mọc/lặn... Sau khi chọn "Calendar Tool" bạn có thể chọn tháng, năm và sử dụng các chức năng sau:
Ví dụ: để tính giờ chính ngọ cho tháng 5/2000 tại Cần Thơ, hãy chọn chức năng Sun Rise/Transit/Set, điền năm 2000, chọn tháng 5, chọn địa điểm ("Location") là "(Custom)" và điền tọa độ của Cần Thơ. Kinh tuyến và vĩ tuyến của Cần Thơ có thể tìm thấy dễ dàng trên Internet, ví dụ như tại trang Web http://www.world-gazetteer.com. Khi biết số liệu cho Cần Thơ ta sẽ điền: 105.78 vào ô "Longitude", 10.03 vào "Latitude" và "GMT+(min)" là 420. Khi nhấn "Compute", một bảng sẽ hiện lên với các cột sau: ngày tháng, giờ mặt trời mọc, giờ chính ngọ, giờ mặt trời lặn.
Home | Dictionary | Forum |