|
96.
Cúng giỗ và mừng ngày sinh?
Theo tập quán lâu đời, dân ta lấy ngày giỗ
(ngày mất) làm trọng, cho nên ngày đó, ngoài việc thăm phần mộ, tuỳ gia
cảnh và tuỳ vị trí người đã khuất mà cúng giỗ. Đây cũng là dịp thăm
người thân trong gia đình, trong chi họ, dòng họ, họp mặt để tưởng nhớ
người đã khuất và bàn việc người sống giữ gìn gia phong. Vào dịp đó
người ta thường tổ chức ăn uống, nên mới gọi là ăn giỗ, thì cũng gọi là
"trước cúng sau ăn", có mất đi đâu, cũng là để cho cuộc họp mặt
thêm đậm đà ấm cúng, kéo dài thời gian sinh hoạt, kể chuyện tâm tình,
chuyện làm ăn. Mà việc chi phí cũng không dồn lên đầu một ai vì ngoài phần
do hương hoả mà có, mỗi người đều đóng góp bằng tiền mặt hoặc hiện vật,
nên mới có từ "góp giỗ", với ý nghĩa trên- "Uống nước nhớ
nguồn"- việc đó có thể xếp vào loại thuần phong mỹ tục, nếu như người
ta loại bỏ được những hủ tục có tính chất mê tín dị đoan, nếu như không
bị lợi dụng một cơ hội cho bọn hãnh tiến khoe của bằng mâm cao cỗ đầy, sơn
hào hải vị, cho những ông tham nhũng dựa vào chức quyền nhận lễ giỗ hậu hĩ,
một thứ đút lót trá hình.
Chính vì thể theo phong tục đó mà nhà nước ta đã giữ gìn việc tổ chức
trang nghiêm ngày giỗ của các vị anh hùng dân tộc có công dựng nước và giữ
nước như ngày giỗ tổ Hùng Vương, hội đền Kiếp Bạc... Cho nên, theo tôi,
giữ gìn tục lệ đó theo ý nghĩa trong sáng của nó không có gì phải bàn.
Thế còn ngày sinh?
Phương tây có tập quán mừng ngày sinh là
chính.
Tôn giáo Đông Tây cũng coi trọng ngày sinh, Phật giáo có ngày "Bụt sinh
Bụt đẻ" (Phật Đản 8-4 Âm Lịch), Ki tô giáo có ngày Chúa giáng sinh
(Nô- en 25-12 Dương lịch). Do giao lưu văn hóa, giao tiếp quốc tế, Nhà nước
ta đã tiếp nhận tập quán quốc tế đó nên đã tổ chức trọng thể ngày sinh
Bác Hồ, Mừng thọ các nhà lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước.
Từ khi ra đời, các hội thọ hàng năm thường
tổ chức mừng thọ cho các cụ vào những năm chẵn 70, 75, 80... Một số đoàn
thể cũng tổ chức mừng thọ cho hội viên của mình. Việc tổ chức mừng thọ có
tính chất đại trà, không đúng ngày đó không thể thay thế cho việc mừng
thọ đúng ngày sinh, ấm cúng trong gia đình. Cho nên, tôi nghĩ rằng các gia
đình chúng ta nên tổ chức mừng ngày sinh cho mọi thành viên trong gia đình,
đặc biệt lưu ý đến ông bà già là những người đang cảm thấy cô đơn.
Hiện ngay rất nhiều gia đình đã tổ chức mừng ngày sinh con, thường là hai
cháu, nay thêm hai vợ chồng, một năm bốn lần mừng ngày sinh, dư dật thì có
mâm cơm thịnh soạn, tặng phẩm tươm tất, thiếu thốn thì bữa cơm tươi hơn
thường ngày, quà tặng giản đơn. Người còn cha mẹ nếu ở chung thì thêm hai
lần ăn mừng ngày sinh, cũng tùng tiệm như trên. Nếu ở riêng thì đồng quà
tấm bánh vừa với túi tiền tặng cha mẹ, cốt thể hiện tấm lòng ưu ái, tăng
thêm sự ấm cúng trong gia đình, giúp tuổi già đỡ cảm thấy cô đơn. Mừng
ngày sinh một cách giản dị như vậy thiết tưởng cũng không phải cái gì cao
xa ngoài tầm tay của những gia đình còn thiếu thốn. Cũng cần thêm một lý do
nữa khiến ta coi trọng ngày sinh là bản thân người đó được hưởng khi còn
sống, dù là một món ăn tươi còn hơn mâm cao cỗ đầy cúng vái khi sang thế
giới bên kia. ở chỗ này có thể nhắc đến một lời chê bai của người xưa:
Khi sống thì chẳng cho ăn
Đến khi chết xuống làm văn tế ruồi
(Đặng Văn Phủng - Trích "Hà nội mới chủ nhật ", số 119)
Lời bàn thêm của tác giả:
Chúng tôi trích dẫn bài trên của ông Đặng
Văn Phủng và có lời bàn thêm sau đây:
Lễ giỗ được xếp vào loại thuần phong mỹ
tục của dân tộc ta. Mừng ngày sinh là phong tục Âu Tây có ý nghĩa hay. Theo
phân tích của ông Phủng thì kỷ niệm ngày sinh hay hơn là giỗ. Ngặt vì mấy
ai nhớ đến ngày sinh của bản thân mình. Trước năm 1945 cũng chưa dễ mấy ai
biết chính xác, trừ một số ít con công chức cũ ăn lương phải có giấy khai
sinh chính thức hoặc ai còn may mắn giữ được lá số tử vi, ngược lại hầu
hết các gia đình còn ghi nhớ ngày giỗ của cha mẹ, ông bà. cụ kỵ. Dầu cho
khi cha mẹ còn sống, con cháu đã được tổ chức kỷ niệm ngày sinh, nhưng nhớ
đến ngày ông bà cha mẹ qua đời, mà trên bàn thờ hương tàn khói lạnh cũng
cảm thấy áy náy trong lòng.
Vì vậy ở nước ta, nhà nào tổ chức kỷ niệm ngày sinh càng hay, nhưng chưa
có nhà nào bỏ được lễ giỗ. |